Bát Tiên truyền kỳ (P.4 - Kỳ 1): Hàn Tương Tử lánh trần tu Đạo; Thúc phụ gia kiểm chứng phép Thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàn Tương Tử rút ống sáo tấu nhanh một khúc nhạc tiên thanh âm thánh thoát, mỹ diệu phi thường, vừa dứt khúc nhạc bèn trỏ ống sáo về phía trước sân nhà, tức thì dưới sân mọc lên một cây mẫu đơn nở hoa rất lớn, tươi đẹp vô ngần, hào quang tỏa sáng rực rỡ. Từ trong đóa hoa mẫu đơn lại hiện lên hai hàng chữ lấp lánh ánh kim...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

4. Hàn Tương Tử

Tương truyền Hàn Tương Tử giáng sinh vào khoảng triều đại nhà Đường, thời vua Đường Hiến Tông trị quốc [805 - 820]. Tương Tử từ bé đã được gia đình thúc phụ [chú ruột] là Hàn Dũ - vốn là một đại quan văn đương triều cưu mang nuôi nấng. Hàn Tương Tử vốn khao khát chuyện tầm Đạo tu Tiên từ rất sớm. Tuy vậy thúc phụ Hàn Dũ khi đó lại đang kiêm chức đại quan trong triều, văn phong nức tiếng, quyền bính nghiêng thành nên ông ta có ý‎ an bài cho cháu của mình theo con đường công danh khoa cử. Hàn Tương Tử nói:

- Thúc phụ thì mộ công danh phú quý, còn tiểu điệt lại muốn theo học đạo Thần tiên.

Thúc phụ thì mộ công danh phú quý, còn tiểu điệt lại muốn theo học đạo Thần tiên.
Thúc phụ thì mộ công danh phú quý, còn tiểu điệt lại muốn theo học đạo Thần tiên. (Ảnh: Baidu.com)

Hàn Dũ nghe cháu nói vậy cả giận nạt lớn, nhưng sau cũng đành vò đầu bứt tóc mà không biết phải cưỡng cầu ra sao, bởi mỗi người một chí hướng, ông chỉ quay ra tự than vãn rằng: “Dao sắc không tự gọt được chuôi”.

Sau ngày bày tỏ chí nguyện của mình với thúc phụ, Hàn Tương Tử cáo biệt Hàn gia rồi bôn tẩu non xanh nước biếc tìm gặp Hán Chung Ly [Vân Phòng] và Lã Động Tân xin theo học Đạo. Một hôm Thầy trò Hán Chung Ly và Lã Động Tân rủ Tương Tử đi du ngoạn non xanh. Tới vách đá thấy có cây đào tiên sai trĩu quả, hai người đều tỏ ý ‎muốn bảo Tương Tử trèo lên vách đá hái đào. Hàn Tương Tử vâng lời hăm hở vượt núi, leo vách đá cao vài trăm thước trèo đào hái quả tính dâng lên sư phụ. Ai ngờ cành đào cổ thụ bị mục gãy, Tương Tử ngã xuống, thác bỏ xác phàm, hồi sinh thành Tiên. Thực ra đây chính là “tử quan” mà sư phụ Hán Chung Ly và Lã Động Tân đặt ra để thử lòng và lập kế hóa độ Hàn Tương Tử.

Sau khi đắc Đạo thành tiên, Tương Tử trở về Kinh Thành tìm gặp Hàn Dũ và phát nguyện trợ duyên hóa độ cho thúc phụ của mình. Năm đó cũng đúng là năm đại hạn, Hoàng đế Đường Hiến Tông có lệnh cho quan Đại phu Hàn Dũ đến Nam Đàn viết sớ, lập đàn cầu mưa. Dân tình khắc khoải ngày mong đêm ngóng... trong khi Hàn Dũ cầu mưa rất nhiều lần, nhưng đều không được, ông còn đứng trước nguy cơ bị triều đình bãi bỏ mất chức quan.

Đang thời lo lắng, chợt Hàn Dũ nghe có một đạo sĩ bên đường lớn tiếng rao rằng:

- Ai muốn mua mưa... mua tuyết, ta bán cho?

Hàn Dũ khấp khởi mừng thầm, bèn truyền lệnh cho quân lính mời vị đạo sĩ nọ tới đàn cầu mưa. Đạo sĩ vừa lên đàn dâng sớ chỉ thoáng chốc lát mưa xuống tràn đồng, tuyết sa đầy núi. Hàn Dũ thấy vậy ngập ngừng nói:

- Cũng không chắc tại ai cầu đảo mà được mưa tuyết này. Ta cầu hơn nửa ngày rồi, có khi kết quả chỉ là chậm một chút đó thôi.

Đạo sĩ vuốt râu, mỉm cười nói:

- Thật là mưa tuyết do tôi cầu.

Hàn Dũ hỏi:

- Lấy cớ nào làm chắc?

Đạo sĩ nói:

- Tôi chỉ cầu tuyết xuống dày đúng ba thước lẻ ba tấc mà thôi.

- Hàn Dũ cho quân cắm thước đo thử thì quả đúng là tuyết dày ba thước lẻ ba tấc, từ đó ông ta mới ngờ ngợ tin rằng trên cao có phép Thần tiên nhiệm mầu [mà cũng đâu có biết rằng vị Đạo sĩ trẻ ấy là Hàn Tương Tử hóa thân để giúp chú mình].

Thời gian thấm thoắt trôi qua, lại đợi cho đến ngày Hàn Dũ ăn mừng lễ sinh nhật, Hàn Tương Tử mới vận Đạo bào, dùng phép tiên cưỡi hạc tới đầu Kinh thành rồi tản bộ về Hàn phủ chúc thọ Hàn thúc phụ.

Đợi cho đến ngày Hàn Dũ ăn mừng lễ sinh nhật, Hàn Tương Tử mới vận Đạo bào, dùng phép tiên cưỡi hạc tới đầu Kinh thành rồi tản bộ về Hàn phủ chúc thọ Hàn thúc phụ.
Đợi cho đến ngày Hàn Dũ ăn mừng lễ sinh nhật, Hàn Tương Tử mới vận Đạo bào, dùng phép tiên cưỡi hạc tới đầu Kinh thành rồi tản bộ về Hàn phủ chúc thọ Hàn thúc phụ. (Ảnh: Baidu.com)

Gặp được tiểu điệt vốn đã xa cách bao năm, Hàn Dũ nửa mừng nửa giận, hỏi rằng:

- Bấy lâu ngươi bỏ nhà ra đi học đạo Thần tiên như thế nào, làm thơ kể lại cho ta nghe thử!

- Hàn Tương Tử ngâm rằng:

“Đã quyết chí tu trì
Thần tiên chẳng khó chi
Mây xanh thường cưỡi hạc
Động đá vẫn ngâm thơ
...
Đặt rượu trong giây phút
Trồng hoa nở tức thì
Lâu dài nghìn tuổi thọ
Tìm độ kẻ tương tri”…

Hàn Dũ không tin, đập bàn nói lớn:

- Ngươi cướp quyền tạo hóa được sao, hãy đặt rượu, trồng hoa ta xem thử?...

Hàn Tương Tử chỉ mỉm cười, bảo gia nhân khiêng một cái vò không tới đặt chính giữa bàn, đoạn lấy mâm đậy lại, trong giây phút rượu ngon đã đầy tràn cả vò lớn, men rượu tiên tỏa hương thơm phức khiến kẻ lớn người nhỏ ai nấy đều không ngớt lời trầm trồ thích thú.

Hàn Tương Tử lại rút ống sáo tấu nhanh một khúc nhạc tiên thanh âm thánh thoát, mỹ diệu phi thường, vừa dứt khúc nhạc bèn trỏ ống sáo về phía trước sân nhà, tức thì dưới sân mọc lên một cây mẫu đơn nở hoa rất lớn, tươi đẹp vô ngần, hào quang tỏa sáng rực rỡ. Từ trong đóa hoa mẫu đơn lại hiện lên hai hàng chữ lấp lánh ánh kim:

“Vân hoành Tần Lãnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền”…

- Tạm dịch:

Mây giăng Tần Lãnh nhà đâu tá?
Tuyết bủa Lam Quan ngựa bước chùn…

Hàn Dũ đọc thơ rồi, ngẫm nghĩ mãi mà không hiểu ý gì, gặng hỏi tiểu điệt mãi không thôi...

Hàn Tương Tử thưa rằng:

- Ngày sau chú sẽ biết, bây giờ chưa thể tiết lộ Thiên cơ.

Nghe xong Hàn gia kẻ trên người dưới, ai nấy đều lấy làm lạ lùng, nghi vấn. Tiệc tàn rồi Hàn Tương Tử giã từ thúc phụ, cưỡi hạc về núi.

(Còn tiếp…)

Đường Tân



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.4 - Kỳ 1): Hàn Tương Tử lánh trần tu Đạo; Thúc phụ gia kiểm chứng phép Thần