Bát Tiên truyền kỳ (P.3 - Kỳ 2): Cám cảnh danh-lợi-tình nhân thế, Lã Động Tân du ngoạn đề thơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ lần cam kết với sư phụ Hán Chung Ly rằng ông sẽ cứu độ rất nhiều chúng sinh tại dải đất Trung Nguyên, trải qua một thời gian lâu sau Động Tân vẫn chưa cứu được một người nào cả, do đó ông đã làm một chuyến du hành đến vùng Nhạc Dương...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...
Sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian... (Ảnh: Baidu.com)

3. Lã Động Tân [tiếp...]

Chung Ly Quyền rất hài lòng về người đệ tử này, ông nói:

- Ta đã thử 10 điều, khen ngươi bền chí, đáng được truyền Đạo, tu Tiên. Song ngươi chưa có công quả bao nhiêu, nên ta muốn độ ngươi gấp thì e rằng cũng chưa được. Nay ta dạy ngươi phép chỉ đá hóa vàng, hãy ráng sức cứu đời cho có công quả, rồi ta sẽ rước ngươi về Thượng giới.

Lã Ðộng Tân thưa rằng:

- Vàng ấy chừng bao lâu mới phai?

Hán Chung Ly đáp:

- Cách 3000 năm mới trổ.

Lã Ðộng Tân chau mày thưa rằng:

- Như vậy thì cứu người nghèo bây giờ mà lại làm hại những kẻ 3000 năm sau đó nhiều lắm, thật là con chẳng nỡ.

Hán Chung Ly khen:

- Tâm tính ngươi quả là đức độ 10 phần, truyền đạo bây giờ cũng đặng.

Nói rồi đưa Lã Động Tân tới Hạc Lĩnh núi Chung Nam (Triều Hạc) và sau đó truyền hết các phép tu luyện cho họ Lã.

Một ngày nọ, Chung Ly gọi Lã Động Tân tới nói:

- Ta sắp lên Thiên Thượng, sẽ tâu xin đem tên ngươi vào sổ Tiên. Cách 10 năm nữa, đến gặp ta tại Ðộng Ðình Hồ. Nói lời vừa dứt, liền có một vị Tiên cưỡi hạc bay đến nói:

- Có chiếu chỉ từ Thượng Thiên phong Hán Chung Ly - hiệu Vân Phòng làm chức Kim Khuyết Thượng Tiên. Hãy mau lên lãnh sắc.

Vân Phòng liền từ giã Lã Ðộng Tân rồi cưỡi hạc bay lên mây.

Còn Lã Ðộng Tân vẫn ở lại núi Triều Hạc miệt mài tu luyện, chẳng bao lâu sau thì cũng đắc đạo thành Tiên.

Một ngày nọ, khi Hán Chung Ly trở về, trong lúc hai thầy trò vui mừng đàm đạo, Lã Động Tân bèn hỏi sư phụ của mình:

- Sư phụ! tính ra ngài cũng được hàng ngàn năm tuổi rồi, vậy cho đến nay sư phụ đã độ được bao nhiêu người?

 cho đến nay sư phụ đã độ được bao nhiêu người?
"...cho đến nay sư phụ đã độ được bao nhiêu người?" (Ảnh tổng hợp)

Hán Chung Ly nói:

- Ta chỉ độ được mỗi một mình con thôi!

- Chỉ độ được một người?

Lã Động Tân nghĩ thầm trong bụng: “Sư phụ! Ngài quá khiêm tốn rồi!”. nghĩ xong bèn chắp tay nói với sư phụ Hán Chung Ly rằng:

- Con chỉ e Đạo môn chúng ta không chịu từ bi độ chúng sinh thôi chứ. Xin sư phụ cho đệ tử kỳ hạn ba năm, chỉ riêng ở đất Trung Nguyên này, con sẽ độ được hơn ba ngàn người, làm hưng thịnh Đạo môn chúng ta cho sư phụ xem!...

Kết quả, ba năm sau, Lã Động Tân trở về, hổ thẹn nói với sư phụ: “Một người cũng không độ được!”

Độ nhân phải trải qua bao nhiêu khó khăn? Trong biển danh-lợi-tình nhân thế, tâm chấp trước của con người ta nhiều như mạng nhện vậy! Ở phương diện nào, những tâm chấp trước (chấp nhất) cũng buộc chặt con người lại khiến cho người ta muốn đề cao lên, thật cũng không dễ dàng chút nào...

Có một câu chuyện kể về sự nỗ lực cứu độ con người mà không thành công của Lã Động Tân như sau:

Kể từ lần cam kết với sư phụ Hán Chung Ly rằng ông sẽ cứu độ rất nhiều chúng sinh tại dải đất Trung Nguyên, trải qua một thời gian lâu sau Động Tân vẫn chưa cứu được một người nào cả, do đó ông đã làm một chuyến du hành đến vùng Nhạc Dương. Trước kia ông đã tới đó hai lần để cố gắng giúp đỡ người phàm. (Nhạc Dương bây giờ là một địa giới hành chính thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc).

Ở bên bờ hồ Động Đình. Lã Động Tân đã tự cải trang thành một ông già, hàng ngày cặm cụi đi bán dầu ăn. Lã Động Tân xem việc bán dầu như là một dịp để gặp gỡ và lựa chọn những người có triển vọng được cứu độ. Nếu gặp khách hàng nào tâm tính tốt, có vẻ không tham lam, không đòi dầu ăn nhiều hơn những gì họ đã trả, thì ông có thể cứu độ người đó được. Cứ như vậy, Lã Động Tân đi bán dầu ăn suốt gần ba năm trường. Khoảng thời gian đó, những khách hàng từng mua dầu ăn của họ Lã đều tỏ ra tham lam, toan tính; ngoại trừ một bà lão bán rượu là có vẻ thật thà, hào phóng. Mỗi khi tới chỗ Lã Động Tân mua dầu, bà lão này chỉ đong đủ số tiền đã trả, và không lấy thêm dù chỉ một giọt.

Rất ngạc nhiên, Lã Động Tân nghĩ rằng cuối cùng ông đã tìm thấy một người có thể cứu độ được. Ông bèn hỏi bà ta:

- Những người đến mua dầu đều muốn xin thêm, ngoại trừ bà ra. Tại sao bà không làm vậy?

Bà lão trả lời:

- Tôi hài lòng với chỉ một hũ dầu – hơn nữa tôi hiểu, với nghề bán dạo dầu ăn, cuộc sống của ông chắc là cũng không dễ dàng gì. Làm sao tôi có thể lấy nhiều hơn được?

Sau đó, bà ta còn biếu Lã Động Tân chút rượu để bày tỏ lòng cảm kích của mình.

Lã Động Tân cảm thấy đây là một người có tâm tính tốt và dự định sẽ cứu độ bà ta.

Một lần, Lã Động Tân ghé thăm gia đình bà lão bán rượu, khi đi qua giếng nước cạnh nhà bếp, Lã Động Tân đã làm phép và thả vài hạt gạo xuống giếng. Ông nói:

- Bà có thể kiếm nhiều tiền bạc bằng cách bán nước trong chiếc giếng này.

Sau đó, ông lặng lẽ rời đi. Bà già quay trở lại, múc thử nước giếng lên thì thấy rằng: Toàn bộ nước trong giếng đã được biến thành rượu. Theo lời khuyên của Lã Động Tân, gia đình bà lão thay nhau đem rượu trong giếng đi bán và chỉ trong vòng chưa đầy một năm, họ đã mở được một cửa hiệu lớn, trở nên giàu có.

Một hôm, Lã Động Tân lại ghé thăm gia đình bán rượu. Bà lão không có ở nhà, chỉ có người con trai đang ngồi trông cửa hiệu, Lã Động Tân hỏi anh ta:

- Công việc bán rượu thế nào rồi?

Anh này vừa lúi húi bày hàng, vừa đáp:

- Công việc bán rượu vẫn tốt, nhưng thật tiếc, chúng tôi lại không có bỗng rượu và cám gạo để nuôi heo, người con trai trả lời.

Nghe xong những lời này, Lã Động Tân thở dài, thầm nghĩ: “Lòng tham vô đáy của con người đã tới mức độ đáng thương tâm như thế này sao! Hỡi ôi ta thà độ động vật còn hơn là độ nhân vậy!”.

"Hỡi ôi ta thà độ động vật còn hơn là độ nhân vậy" (Ảnh: Baidu.com)
"Hỡi ôi ta thà độ động vật còn hơn là độ nhân vậy!" (Ảnh: Baidu.com)

Lã Động Tân bèn dùng phép lấy lại những hạt gạo trong giếng, rồi lặng lẽ bỏ đi. Chẳng bao lâu sau, bà lão trở về. Người con trai bèn kể lại cho mẹ nghe những gì đã xảy ra. Bà lão lập tức đi kiểm tra lại giếng rượu thì thấy toàn bộ rượu trong giếng đã biến thành nước.

Hiểu ra sự tình và quá hối hận, bà lão vội vàng chạy ra cửa, nhưng Lã Động Tân đã biến mất từ lâu rồi.

Quá buồn thương cho danh-lợi-tình nhân thế, Lã Động Tân lặng lẽ rời Nhạc Dương đi đến hồ Động Đình, và để lại một bài thơ than tiếc cho nhân loại với lời tựa như sau: "Ba lần đến Nhạc Dương không người nhận ra, Qua hồ Động Đình ta ngâm một bài thơ rằng..."

[Tương truyền đây là bài thơ mà Lã Động Tân từng để lại]:

“Ta có một vật báu
Giá chẳng đáng đồng tiền
Nếu ai mà hỏi giá
Muôn vạn lạng hoàng kim
Đạo tặc chẳng cướp được
Hỏa thiêu cũng y nhiên
Ở đời không kẻ biết
Chí thân cũng không truyền

Ta từ Vân Động đến
Tới nay quá thiên niên
Hận là không kẻ biết
Trong mình vẫn giữ nguyên
Nó chẳng đứt, chẳng liền
Tung ra trùm trời đất
Thu nhỏ lọt đầu kim

Nếu ai mà biết được
Tu đạo, sẽ thành tiên
Người hãy suy ngẫm lại
Có chăng tại thân biên!”...

Đôi chút luận bàn:

Lại nói, ở kỳ trước, Lã Động Tân chìm đắm trong: "Giấc mộng huỳnh lương", may còn được Tiên nhân Hán Chung Ly điểm ngộ, phải chăng cõi thế nhân này cũng là một cuộc mộng lớn và mỗi sinh mệnh đều đang chìm đắm trong những "giấc mộng con" của mình? Giấc mộng huỳnh lương; Giấc mộng Hàm Đan(*); Giấc mộng kê vàng!... Đã gọi là "mộng" thì có say, có tỉnh. Hỡi ôi! Hỏi ai say? Hỏi ai tỉnh?

Có lẽ nào ở nơi cuồn cuộn sóng hồng trần nhân thế, con người ta vốn say nhiều tỉnh ít nên mới khiến cho vị tiên nhân Lã Động Tân vốn mang một bầu nhiệt huyết tế thế độ nhân, cũng từng hứa với sư phụ - Hán Chung Ly - của mình rằng sau ba năm rong ruổi đất Trung Nguyên sẽ độ được hơn 3000 môn đồ làm rạng rỡ sư môn, vang danh Đạo pháp. Ai dè đâu, ông bươn chải giữa thế nhân suốt ba năm trường mà không thể tìm độ được nổi một người - chứ đừng nói đến con số hơn 3000 người - đến độ một vị Tiên nhân tiên phong đạo cốt, phép thuật đầy mình, lòng cảm khái và từ bi trải khắp nhân gian như Lã Động Tân cũng đành phải ngao ngán thở dài mà thốt lên một câu rằng: "Hỡi ôi, ta thà độ động vật còn hơn là độ nhân vậy!”. Quả đúng là:

"Đường đời chật hẹp người chen lấn
Lối Đạo thênh thang hiếm kẻ tìm
Nhân sinh một giấc hão huyền
Trăm năm thoắt đã qua miền phù vân"...

Nói như lời Tiên nhân Hán Chung Ly, ông từng tu luyện xuất-nhập thế gian hàng ngàn năm trường mà cũng chỉ tìm độ được duy nhất một môn đồ, chính là Lã Động Tân mà thôi. Phải chăng lối Đạo vốn "rộng thênh thang" nhưng lòng người thì hẹp? Lại phải chăng con đường tu Đại Pháp, Đại Đạo rộng hay hẹp là tùy thuộc ở cái tâm của mỗi người vậy?

Thiết nghĩ, huyền sử tu luyện của các vị Tiên nhân vốn luôn khiến thế nhân giật mình phản tỉnh, từ đó đánh thức thêm một phần thiện ý, thiện tâm, đồng thời nảy sinh tấm lòng kính ngưỡng, được như thế âu cũng là quả phúc... bước đường tu luyện của vị Tiên nhân Hàn Tương Tử được nhắc tới ở phần sau cũng không kém những sự tích li kỳ, huyền bí. Kính mời quý độc giả đón xem.

Đường Tân

Còn tiếp…
[Mời quý vị đón xem phần tiếp theo: Tiên nhân Hàn Tương Tử]
(*) Hàm Đan: Địa danh - nơi mà lần đầu tiên Lã Động Tân gặp gỡ Hán Chung Ly và được vị Tiên nhân này điểm ngộ.
- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên".



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.3 - Kỳ 2): Cám cảnh danh-lợi-tình nhân thế, Lã Động Tân du ngoạn đề thơ