Bát Tiên truyền kỳ (P.3 - Kỳ 1): Tiên nhân xuất thế tìm đồ đệ; Thuần Dương mơ 'giấc mộng huỳnh lương'...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ngày kia, Lã Ðộng Tân đến chợ Trường An, huyện Hàm Ðan, vào quán rượu thì gặp một đạo sĩ khoác đạo bào màu trắng đang đề thơ trên vách…

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

3. Lã Động Tân

Tương truyền Lã Ðộng Tân là con trai của Thứ Sử Hải Châu, ông sinh vào năm Trinh Nguyên thứ 14 – Triều đại nhà Đường. Khi thân mẫu mới sinh ra Động Tân thì trong phòng mùi hương thơm phức, có hạc trắng bay vào phòng rồi biến mất. Ấy là Huê Dương chân chân đầu thai xuống trần, ứng vào Lã Ðộng Tân.

Lã Ðộng Tân lớn lên, tướng mạo phi phàm, tay dài, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má cao, chân mày bên tả có nốt ruồi, dưới bàn chân có chỉ như lưng qui (mai rùa) mình cao 8 thước 2, thích mặc áo đạo sĩ, bịt khăn huê dương (bao đảnh xanh). Khi ấy có thầy coi tướng là Mãn Tổ đến toán quẻ cho Lã Ðộng Tân và đoán rằng: "Người trẻ này tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo". Mọi người trong nhà họ Lã đều nghe nhưng ai nấy đều không hiểu gì.

Năm 20 tuổi, Lã Ðộng Tân xưng hiệu là Thuần Dương, đi thi đỗ Tú Tài, kỳ thi tiếp theo đỗ luôn Cử Nhân, nhưng khi đi thi Tiến Sĩ thì rớt. Bất đắc chí, trên đường trở về, Động Tân du ngoạn đến núi Lư sơn, gặp Huỳnh Long chân nhân dạy cho phép tu luyện và tặng cho một thanh gươm báu trừ yêu.

Khi ấy có thầy coi tướng là Mãn Tổ đến toán quẻ cho Lã Ðộng Tân và đoán rằng: "Người trẻ này tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo".
Khi ấy có thầy coi tướng là Mãn Tổ đến toán quẻ cho Lã Ðộng Tân và đoán rằng: "Người trẻ này tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo". (Ảnh: Baidu.com)

Một ngày kia, Lã Ðộng Tân đến chợ Trường An, huyện Hàm Ðan, vào quán rượu thì gặp một đạo sĩ khoác đạo bào màu trắng đang đề thơ trên vách, có ba bài thơ như sau:

1.“Ngồi đứng hằng mang rượu một bầu,
Chẳng cho cặp mắt thấy Hoàng Châu,
Dạo chơi ít kẻ tường tên họ,
Trên thế thanh nhàn muốn được đâu?”
***
2.“Thần Tiên tìm bạn khó không nài,
Có phước theo ta dễ mấy ai?
Ðông Hải rõ ràng nhiều động đá,
Ít người được thấy núi Bồng Lai”.
***
3.“Dạo chơi theo thuở, ở theo thời,
Danh lợi làm chi mắc nợ đời.
Nằm nghĩ co tay hằng đếm mãi,
Mấy ai ao ước được như lời”…

Lã Ðộng Tân thấy đạo sĩ cốt cách Thần Tiên, đề thơ thanh thoát thì cảm phục lắm, liền đến làm quen, chắp tay chào hỏi và xin Ðạo sĩ cho biết họ tên. Ðạo sĩ mời Động Tân ngồi, rồi nói rằng:

- Cậu hãy làm một bài thơ cho ta biết ý trước đã.

Lã Ðộng Tân liền đọc ứng khẩu liền:

“Cân đai ràng buộc ý không màng
Áo vải coi ra rất nhẹ nhàng
Danh lợi cuộc đời chưa phỉ nguyện
Làm tôi Thượng Ðế mới nên trang”...

Ðạo sĩ nói:

- Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, cậu có muốn đi chơi với ta không?

Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, cậu có muốn đi chơi với ta không?
Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, cậu có muốn đi chơi với ta không? (Ảnh: Baidu.com)

Ðồng Tân tỏ ý lưỡng lự... Vân Phòng biết họ Lã còn muốn đi thi Tiến Sĩ để trổ danh với đời nên mới có ý dùng dằng như vậy.

Vân Phòng muốn độ Lã Ðộng Tân nên ngồi nấu một nồi huỳnh lương, (tức là nồi bắp-ngô vàng). Trong lúc chờ cho nồi bắp chín, Vân Phòng đưa cho Lã Ðộng Tân một cái gối, bảo:

Cậu hãy ngả lưng nghỉ ngơi chút xíu, đợi bần đạo luộc xong nồi bắp này rồi ta tiếp tục đàm đạo.

Động Tân nằm xuống, kê đầu lên gối, giây lát chiêm bao thấy mình vác lều chõng đi thi, ngang qua nhà giàu nọ, gặp người con gái sắc nước hương trời thì bèn ướm lời. Nàng nói rằng: Nếu chàng thi đỗ Trạng Nguyên thì thiếp nguyện nâng khăn sửa túi cho. Lã Động Tân vào khoa thi, quả nhiên đỗ Trạng Nguyên, trở về cưới được nàng ấy, sau lại cưới thêm hầu thiếp, được vua bổ làm quan Gián Nghị, lần lần thăng quan tiến chức, tiền đồ lên như diều gặp gió. Sau gần 40 năm quan trường thì được vua phong tới chức Thừa Tướng, con đàn cháu đống; thông gia cũng đều là bậc quan nhất phẩm đương triều, môn đăng hộ đối, thế lực khuynh thành. Thật là vinh sang phú quý tột bậc… Chẳng may, sau đó Lã Động Tân bị gian thần hãm hại, vu oan giá họa, vua lại tin lời gian thần, bắt tội Động Tân, truyền tịch thu gia sản, đày qua núi Lãnh Biển, cực khổ vô cùng... Kế đó Động Tân hoảng sợ, giật mình thức dậy.

Vân Phòng ngồi kế bên cười lớn, đoạn ngâm nga hai câu thơ rằng:

“Nồi bắp hãy còn ngòi,
Chiêm bao đà thấy cháu”…

Lã Ðộng Tân lấy làm lạ hỏi rằng:

- Ngài biết được cả giấc chiêm bao của tôi sao?

Hán Chung Ly tay phe phẩy quạt, cười lớn mà rằng:

- Chiêm bao 40 năm, công việc cả muôn, thiệt không đầy một lát. Được chẳng khá mừng, mất không nên thảm, hết vinh tới nhục là lẽ thường. ‎

[Cũng do sự tích này mà từ đó trong dân gian có truyền tụng nên câu thành ngữ: “Giấc mộng huỳnh lương”; “Giấc mộng kê vàng” hay “Giấc mộng Hàm Ðan”… là để chỉ giấc mộng của Lã Ðộng Tân, hàm nghĩa‎‎ muốn khuyên con người ta: đời người thế gian chỉ như quán trọ, vinh hoa phú quý là phù du mộng ảo vụt có, vụt mất như bọt biển, mây trôi…].

Ðộng Tân nghe Vân Phòng nói vậy, liền tỉnh ngộ, ngẫm nghĩ mà thấy chán ngán cuộc đời, bèn cầu xin Vân Phòng cho theo học Đạo. Vân Phòng nói:

- Ta thấy ngươi việc nhà hãy chưa an, đời sau tu cũng không muộn. Nói rồi liền bỏ đi...

Ta thấy ngươi việc nhà hãy chưa an, đời sau tu cũng không muộn. Nói rồi liền bỏ đi...
Ta thấy ngươi việc nhà hãy chưa an, đời sau tu cũng không muộn. Nói rồi liền bỏ đi... (Ảnh: Baidu.com)

Thực ra là Chung Ly Vân Phòng muốn thử nhìn xem tâm tính của Lã Động Tân ra sao trước khi nhận làm đồ đệ, bởi với các vị sư phụ thuộc trường phái Đạo gia khi xưa, việc lựa chọn đồ đệ chân truyền là vô cùng nghiêm ngặt. Sau "giấc mộng huỳnh lương" tại quán trọ hôm đó, vị Tiên nhân Hán Chung Ly đã bày ra mười quan ải khảo nghiệm để thử thách Lã Động Tân như sau:

Khảo nghiệm 1, quan sinh tử

Có một ngày Thuần Dương - tên hiệu của Lã Động Tân - đi xa trở về, đột nhiên thấy tất cả người thân đều bị bệnh chết hết. Thuần Dương bi thương nhưng trong lòng cũng không nuối tiếc bởi đã hiểu lẽ sinh tử ở đời đâu hề có chuyện ngẫu nhiên, ông lặng lẽ mua áo quan, làm tang lễ… Khi bắt đầu tang sự thì chỉ trong chốc lát tất cả người thân của Lã Động Tân đều sống lại. Chứng kiến cảnh ấy, trong lòng ông vẫn bình thản, không quá đỗi vui mừng.

Liệu có phải Thuần Dương vô tình? không hẳn thế, mà là bởi vì ông đã biết rằng sinh tử là có mệnh, đều là chỗ tinh tế, tỉ mỉ của nhân duyên. Khi đã hiểu thấu đáo thì không còn phải lo sợ nữa.

Khảo nghiệm 2, quan vật chất

Thuần Dương đi lên thị trấn bán hàng. Sau khi đã thỏa thuận xong về giá cả, bên mua đột nhiên trở mặt và chỉ trả cho ông nửa giá tiền. Thuần Dương không hề tranh cãi với người mua hàng, chỉ nhận tiền rồi để người kia nghênh ngang lấy hàng rời đi.

Thuần Dương hiểu rằng: Trong giao dịch thương trường, mỗi khi phát sinh tranh cãi, gặp phải người không giữ lời, chịu thiệt một chút có lẽ là hoàn trả món nợ đời trước! Cùng người so đo, tức giận chỉ làm tổn hại thân thể.

Khảo nghiệm 3, quan nhẫn nhịn

Đúng ngày mùng một Tết, Thuần Dương đang chuẩn bị ra khỏi nhà thì có một kẻ ăn mày tới gõ cửa nhà ông xin ăn. Thuần Dương lập tức đưa cho người kia một chút tiền. Tuy nhiên, người ăn mày vẫn tiếp tục đòi thêm tiền và còn mắng chửi ông bằng những lời lẽ hết sức thô tục. Thuần Dương chỉ mỉm cười và cảm ơn người ăn mày này.

Thiện tâm bố thí, lại còn bị mắng lại, một người bình thường khó nhẫn chịu được việc ấy, có khi nổi trận lôi đình mà đánh mắng người kia. Nhưng Thuần Dương không như vậy, có thể thấy được sự khác biệt rất lớn giữa ông và những người bình thường khác.

Khảo nghiệm 4, quan từ bi

Khi Thuần Dương đang chăn cừu trên một sườn núi thì đột nhiên một con hổ đói chạy tới truy đuổi đàn cừu. Thuần Dương vội vàng lùa đàn cừu trở lại xuống núi, lấy thân mình tiến lên ngăn con hổ lại để cứu đàn cừu. Con hổ đói bỏ đi.

Người đời có thể làm được việc không sát sinh, chay tình tu hành quả thực cũng không nhiều lắm. Vậy mà Thuần Dương vì cứu đàn cừu mà dám xả thân, khiến cho ngay cả hổ đói cũng cảm động mà rời đi.

Khảo nghiệm 5, quan sắc dục

Khi Thuần Dương đang đọc sách trong lều cỏ ở trên núi thì bỗng nhiên xuất hiện một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đi đến trước mặt ông. Thiếu nữ nói rằng cô đã bị lạc trên đường trở về nhà, trời lại sắp tối, nên muốn xin tá túc lại một đêm.

Thuần Dương bằng lòng cho cô gái ở lại. Đêm hôm ấy cô gái tìm mọi cách quyến rũ, dụ dỗ Thuần Dương ngủ cùng mình. Nhưng Thuần Dương trước sau đều giữ thần thái tự nhiên, không hề động tâm.

Bởi không bị động tâm sắc dục, do vậy Thuần Dương đã vượt qua được quan ải thử thách này.

Cảnh giới của bậc tu Đạo, ai cũng phải vượt qua cám dỗ của quan sắc dục, nếu như động tâm coi như uổng phí một đời tu luyện.

Cảnh giới của bậc tu Đạo, ai cũng phải vượt qua cám dỗ của quan sắc dục, nếu như động tâm coi như uổng phí một đời tu luyện.
Cảnh giới của bậc tu Đạo, ai cũng phải vượt qua cám dỗ của quan sắc dục, nếu như động tâm coi như uổng phí một đời tu luyện. (Ảnh: Secret China)

Khảo nghiệm 6, quan không tham:

Một hôm, khi Thuần Dương rời nhà ra ngoài thành, đến khi trở về thì đã thấy nhà của mình bị trộm đột nhập. Kẻ trộm lấy đi mọi thứ, không để lại chút gì. Thuần Dương không hề động tâm, không ủ rũ và cũng không báo quan, vẫn tiếp tục tự mình cày cấy nuôi thân.

Tới một ngày nọ, khi đang làm vườn, Thuần Dương bỗng cuốc vào một cái chum bên trong có hơn mười thỏi vàng. Ngay lập tức, ông chôn lại chúng xuống đất, một thỏi cũng không lấy.

Tài vật bị lấy trộm, sau lại cuốc được vàng, phải chăng là ông trời ban cho? Thuần Dương không hề nghĩ như vậy, không phải là của cải do mình làm ra thì ông ta không lấy.

Khảo nghiệm 7, quan thành thật

Một lần ở trên phố, Thuần Dương gặp một người bán đồ thủ công mỹ nghệ bằng đồng, bèn mua ủng hộ người này một vài món. Tuy nhiên đến khi trở về nhà, ông mới phát hiện ra rằng chúng đều là vàng cả. Thuần Dương lập tức tìm lại người bán đồng ấy và trả lại toàn bộ số vàng.

Người quân tử không lấy tiền tài bất nghĩa, Thuần Dương không vì lợi mà tổn hại đức.

Khảo nghiệm 8, quan độ lượng

Một lần có một đạo sĩ điên rao bán thuốc ngoài chợ, nói rằng ai uống thuốc của mình vào thì sẽ lập tức chết ngay và chuyển sinh sang kiếp sau sẽ có thể đắc Đạo thành Tiên. Mười ngày trôi qua mà không có ai mua thuốc ấy.

Thuần Dương mặc dù không tin, nhưng vẫn đến mua thuốc, đạo sĩ nói: “Ông hãy chuẩn bị hậu sự đi”. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, Thuần Dương vẫn bình an vô sự.

Thuần Dương có đủ tự tin và tấm lòng độ lượng, trong lòng biết rõ đạo sĩ cuồng ngôn nên đã can đảm thử một lần.

Khảo nghiệm 9, Quan không sợ

Vào một ngày mùa Xuân, nước sông dâng cao, ngập lụt khắp hai bên bờ sông, khi ấy Thuần Dương đang cùng một nhóm người ngồi thuyền vượt sông. Khi họ đi tới giữa dòng sông, đột nhiên sóng lớn lại nổi lên, tất cả mọi người trên thuyền thập phần sợ hãi. Tuy nhiên Thuần Dương vẫn một mực ngồi ngay ngắn bất động.

Thuần Dương nghĩ: con người nếu đến thọ thì không đi không được còn nếu mệnh chưa hết thì Diêm Vương cũng không gọi, sao mà phải sợ?

Mỗi người có số mệnh cả rồi, lo âu mà huyễn hoặc chẳng được gì, ung dung bất động trước quan nạn là cảnh giới của tĩnh.

Khảo nghiệm 10, quan nhân quả

Một lần, Thuần Dương đang ngồi trong phòng thì đột nhiên trước mặt ông xuất hiện vô số ma quỷ hình thù kỳ quái. Một số muốn đánh, một số muốn giết ông, nhưng Thuần Dương vẫn không sợ hãi.

Một lát sau, một đám quỷ dạ xoa lại tới, áp giải một tử tù, máu chảy đầm đìa muốn đến lấy mạng ông, tử tù nói:

- Kiếp trước ông đã giết tôi, hôm nay ông phải trả lại mạng sống cho tôi.

Thuần Dương trả lời:

- Thiếu nợ thì trả tiền, giết người phải đền mạng.

Nói rồi, Thuần Dương vẫn thản nhiên ngồi đó, không chút động tâm. Chợt thấy trên không trung có tiếng hét to, đám quỷ đều biến mất. Một người vỗ tay cười lớn hạ từ trên trời bay xuống, đó chính là Tiên nhân Hán Chung Ly…

Đường Tân

Còn tiếp…

Theo dõi (Phần 3 -Kỳ 2)

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên".



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.3 - Kỳ 1): Tiên nhân xuất thế tìm đồ đệ; Thuần Dương mơ 'giấc mộng huỳnh lương'...