Bát Tiên truyền kỳ (P.1 - Kỳ 2): Lý Thiết Quải nguyên thần nhập xác; Dương Tử may đắc Đạo thành Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1)

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

Lý Thiết Quải
Chân dung Lý Thiết Quải (Ảnh: Baidu.com)

1. Lý Thiết Quải [tiếp...]

Lại kể tiếp, Dương Tử thiêu xác sư phụ xong rồi, liền nhanh chóng về nhà, mới đặt chân tới cổng thì mẹ đã tắt hơi. Sự tình quả đúng là:

"Rủi vô cùng là rủi

Lỗi hết cả hai đàng:

Đã bất nghĩa với thầy

Lại không tròn hiếu mẹ!"...

Giờ ta lại nói về Lý Ngưng Dương: Nguyên thần ly thể theo Lão Tử, dạo khắp nước biếc non xanh, rồi qua núi Bồng Lai, lại đến các động Thần tiên ra mắt... Đến bảy ngày thì họ Lý xin về. Lão Tử cười mà rằng: "Con hãy nghe cho kĩ bài kệ này thì rõ". Nói đoạn ngâm rằng:

"Tịch cốc ăn lúa mì

Đường quen xe phơi phới

Muốn tìm cốt cách xưa

Lại gặp mặt mày mới!"...

Lý Ngưng Dương nghe xong ngẩn người, mặc dù vẫn còn chưa hiểu ý tứ của lời điểm hóa trong bài kệ mà Lão Tử vừa mới đọc ra sao, nhưng cũng đành từ tạ ra về.

Khi hồn về tới động, Ngưng Dương không thấy học trò Dương Tử đâu, coi lại xác mình thì thấy đã hóa thành tro bụi. Giận học trò bất nghĩa, không nghe theo lời thầy dặn, chưa đến bảy ngày đã thiêu xác mình, báo hại thần hồn không có chỗ mà nhập... Vậy là nguyên thần đành phải bay phiêu phất đến chân núi... chợt thấy xác chết một lão ăn mày nằm vất vưởng bên đường, chân bị cùi mà hai tay thì vẫn giữ khư khư một cây gậy trúc, trên đầu gậy còn có treo thêm một hồ lô rượu.

Lý Ngưng Dương lúc này bất giác mới chợt nhớ lại bài kệ mà trước lúc chia tay sư phụ của mình đã đọc. Đoán biết là số kiếp phải vậy chứ không nên trách học trò, đồng thời Ngưng Dương cũng ngộ ra vì cớ gì mà Lão Tử không bảo mình về trong lúc năm ngày hoặc sáu ngày, phải chăng là sư phụ có ý để cho mình thoát ly thân xác thịt, đoạn tuyệt thế sự hồng trần? Lại tự nghĩ: "mình nhập vào thân lão ăn mày này cũng chỉ là mượn xác che mắt thế gian, chứ bản thân có phép thuật rồi thì muốn biến thế nào mà chẳng được!"

Vậy là không chút đắn đo, nguyên thần Lý Ngưng Dương bèn nhập vào xác lão ăn mày nọ, lại nhấc hồ lô, tu một ngụm rượu và phun vào cây gậy trúc, bỗng chốc gậy trúc hóa thành một cây thiết quải [gậy sắt]; còn cái bầu đựng rượu thì được biến thành bầu linh dược. Cũng bởi duyên cớ như trên, nên dân gian sau này không mấy ai biết được tên thật của Lý Ngưng Dương, họ cứ thấy ông cầm cây gậy sắt thì bèn gọi ông là lão Thiết Quải - cái tên Lý Thiết Quải cũng từ đây mà có.

Khi này, Lý Thiết Quả bấm tay bắt quyết, biết rõ sự tình của cậu trò Dương Tử liền than rằng: "Bởi mẫu thân của Dương Tử hấp hối, túng thế quá cậu ta mới phải thiêu xác của ta. Lại vì lấn bấn với cái việc thiêu xác ta nên mới không kịp gặp mặt mẫu thân. Vậy thì ta đem hồ lô linh dược này đến cứu tử, kẻo trò ta ân hận cả đời".

Nghĩ rồi ông bèn vác cây gậy sắt đằng vân, mang theo bầu linh dược mà tới nhà Dương Tử. Vừa hay Thấy Dương Tử đang ôm quan tài khóc ngất một hồi, rồi toan rút gươm tự vẫn. Thiết Quải nhảy lại nắm gươm nói lớn rằng:

"Sống thác là lẽ thường, sinh tử vốn hữu mệnh. Phàm là đạo làm con, phụ mẫu sống thì nuôi cho phỉ tình, phụ mẫu thác thì táng cho đủ lễ. Ngươi giờ lại muốn chết theo, vậy bỏ tang sự cho ai? Thật là vô ích lắm!".

Lý Thiết Quải vác cây gậy sắt đằng vân, mang theo bầu linh dược mà tới nhà Dương Tử.
Lý Thiết Quải vác cây gậy sắt đằng vân, mang theo bầu linh dược mà tới nhà Dương Tử. (Ảnh: Baidu.com)

Dương Tử mới thuật lại sự tình éo le mà mình gặp phải trước đó, rồi than khóc rằng: "Bởi cớ ấy nên tôi đã đắc tội với sư phụ lại bất hiếu với mẫu thân, còn sống mà làm chi?". Nói rồi quyết tự vẫn lần nữa.

Thiết Quải mới can rằng: "Ngươi tự biết nghĩ như vậy cũng là trọn đạo với sư phụ, lại vẹn thảo với mẫu thân. Nay trời khiến ta đến đây ban cho thuốc tiên mà cứu mẫu thân ngươi".

Nói rồi lấy một hoàn thuốc trong bầu đưa ra, bảo Dương Tử hòa với nước mà đổ vào miệng mẹ.

Dương Tử y lời, đem thuốc đi cứu mẹ, giây phút sau bà mẹ hắt hơi rồi thở được, ngồi dậy xem lại thấy mạnh khỏe hơn xưa. Cả nhà mừng rỡ vô cùng. Dương Tử cúi lạy Lý Thiết Quải không ngớt, thưa rằng: "Xin Tiên ông cho con biết tên hiệu, ân này kẻ hèn con nhất định báo đền!".

Thiết Quải nói: "Ta là Lý Ngưng Dương, sư phụ của ngươi đó. Vì bị ngươi đốt xác nên ta phải nhập vào thân của lão ăn mày. Lại vì lo lắng cho ngươi nên ta mới đến cứu tử. Cứ như lời ngươi nói thì cũng có nguyên do nên ta không chấp nhất. Vậy ngươi hãy ở lại hiếu thảo với mẹ cho phỉ tình. Sư đồ hội ngộ cũng bởi hữu duyên, nay ta cho ngươi một hoàn thuốc này, uống vào ắt là trường thọ. Nếu duyên chưa đoạn, thầy trò sẽ còn gặp mặt sau này. Dương Tử cúi đầu bái lạy, còn chưa kịp ngẩng lên, Lý Thiết Quải đã biến mất rồi!...

Nghe nói sau này mẫu thân Dương Tử sống rất thọ. Khi thân mẫu mãn phần, Dương Tử cử hành tang lễ rất chu đáo. Mãn tang mẹ rồi, Dương Tử tìm đến chỗ động đá nơi sư phụ của mình từng ở khi trước mà tu. Đến khi Thiết Quải trở về, được thầy xuất tâm bảo hộ, Dương Tử cũng đắc Đạo thành tiên. Tính từ lúc cứu mẹ cho đến khi đắc Đạo là hai trăm năm có lẻ.

Đôi chút luận bàn:

Lý Ngưng Dương - Lý Thiết Quải sớm hiểu thấu danh lợi, vinh nhục ở cõi người chỉ như đóa phù dung sớm nở tối tàn, nên quyết chí tìm Thầy học Đạo. Được Đức Lão Tử truyền dạy rằng thuốc trường sinh bất lão chính là học Đạo và tu tâm, Lý Ngưng Dương đã chuyên tâm tu luyện. Cuối cùng, Ông đã vượt qua thử thách về buông bỏ sinh tử (không luyến tiếc xác phàm), buông bỏ oán hận và tu xuất từ bi (tha thứ cho học trò Dương Tử - người từng thiêu xác mình và còn cứu mạng mẹ Dương Tử). Với uy đức rất lớn, Lý Ngưng Dương trở thành vị Tiên đứng đầu trong Bát Tiên.

Xưa nay người phàm vẫn muốn được sung sướng như Thần Tiên, được bất lão trường sinh, tiêu diêu tự tại nơi Thiên giới. Thực ra, cứ như câu chuyện về Bát Tiên này mà nói, Thần Tiên có lắm vị trước đó cũng từng là người phàm trần, chỉ là họ coi nhẹ danh - lợi - tình nơi nhân thế, lập chí tu Đạo, lại hữu duyên gặp được đấng minh sư chỉ dạy... trải qua quá trình tu luyện gian khổ, họ buông bỏ được hỉ nộ ái ố, lợi danh và dục vọng nơi chốn hồng trần; buông bỏ hết thảy cái tình của nhân thế mà đắc Đạo thành Tiên. Phải chăng đây cũng là “khổ tận cam lai”, chuyên cần chịu khổ, tu tâm thì mới có ngày tìm được hạnh phúc vĩnh hằng trong cõi Bồng Lai, Thiên giới...

Đường Tân

Còn tiếp…
[Kính mời quý độc giả đón đọc tiếp Phần 2 - Tiên nhân Hán Chung Ly ...] tại (Phần 2 - Kỳ 1)

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên".



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.1 - Kỳ 2): Lý Thiết Quải nguyên thần nhập xác; Dương Tử may đắc Đạo thành Tiên