Bát Tiên truyền kỳ (P.1 - Kỳ 1): Lý Thiết Quải đứng đầu Tiên chúng; Dương Tử kia phóng hỏa thiêu thầy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Xem tiếp (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2), (Phần 5 - Kỳ 1) (Phần 5 - Kỳ 2), (Phần 6), (Phần 7 - Kỳ 1), (Phần 7 - Kỳ 2), (Phần 8)

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên, ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

Hình bát tiên tại Huế. Thiết Quải Lý tại đây là người áo xanh đang ngồi, tay trái cầm thiết trượng
Hình bát tiên tại Huế. Lý Thiết Quải tại đây là người áo xanh đang ngồi, tay trái cầm thiết quải. (Ảnh: Wikipedia)

1. Lý Thiết Quải

Nói về Lý Thiết Quải, Ngài họ Lý tên Huyền, hiệu Ngưng Dương, diện mạo nghiêm trang, tính hạnh trong sạch, thông minh cơ trí. Năm hai mươi tuổi, Lý Ngưng Dương vẫn không màng công danh phú quý. Tự xét cuộc đời vốn không bền chắc: vật đổi sao dời, nương dâu bãi bể, tháng ngày thấm thoắt như thoi đưa, giờ khắc trải qua như tên bắn, trẻ sớm già, già sớm chết... vinh hoa phú quý vốn tựa phù vân, chi bằng tu hành làm Thần tiên là quý.

Nghĩ như vậy chàng trai trẻ họ Lý liền giã từ bạn bè thân quyến, một sớm lên non quyết chí tìm đường tu Đạo.

Lại nghe đồn có ngài Lý Lão Tử vân du truyền Đạo đã đến núi Họa Sơn. Lý Ngưng Dương bèn nghĩ: "Ngài cùng một họ với ta, lại đứng đầu mối Đạo, vậy nay ta cũng nên đến xin học Đạo với ngài". Nghĩ tới đó rồi liền lập tức khởi hành đến Họa Sơn. Đi dọc đường, Ngưng Dương ngâm thơ rằng:

"Tâm tính con người có thấp cao
Khen lò tạo hóa đúc anh hào
Làm trai hiểu thấu vòng vinh nhục
Được chữ thanh nhàn, khỏi chữ lao"...

Tới núi Họa Sơn thì mặt trời đã lặn. Lý Ngưng Dương nghĩ rằng: "Mình thân xin làm đệ tử, lẽ nào dám đến ban đêm mà gõ cửa nhà thầy, chi bằng ngủ tạm trên bàn thạch này, đợi tới sáng sẽ hay".

Lại nói khi ấy trong chốn am mây có Huyền Khưu chân nhân cũng mới ghé thăm, đang đàm đạo cùng Lão Tử. Xảy thấy có một ngọn thanh phong ào đến, Lão Tử hỏi Huyền Khưu rằng:

"Ông biết gió ấy là điềm chi chăng?". Huyền Khưu đáp rằng: "Chắc có người sắp thành tiên đến đây!". Lão Tử nói: "Ta biết Lý Ngưng Dương sắp thành tiên và là người đứng đầu trong sổ tiên". Nói rồi truyền cho hai tiên đồng ra ngoài núi mà đón.

Vừa thấy một tráng niên đang ngả lưng trên thạch bàn, hai tiên đồng bước tới hỏi rằng: "Phải ông là Lý tiên sinh đó chăng?". Lý Ngưng Dương hỏi lại: "Sao hai người lại biết tôi?". Hai tiên đồng nói: "Chúng tôi vâng lệnh Lão Quân đi đón ngài". Lý Ngưng Dương mừng thầm, liền tạ ơn hai tiên đồng rồi theo vào ra mắt Lão Tử. Chỉ thấy đấng Chân sư hào quang sáng chói, dung nhan tươi nhuận, phong thái uy nghiêm, duy tóc râu thì bạc trắng; Huyền Khưu chân nhân cũng vậy - hai vị cao nhân này quả thực là Tiên phong Đạo cốt...

Lý Thiết Quải cưỡi mây. (Ảnh: Miền công cộng)
Lý Thiết Quải cưỡi mây. (Ảnh: Miền công cộng)

Lý Ngưng Dương liền quỳ lạy. Hai vị Tiên ông bèn gật đầu đáp lễ, đoạn truyền lệnh cho ngồi, nhưng Lý Ngưng Dương không dám, thưa rằng: "Đệ tử tới tầm sư học Đạo, lẽ nào dám ngồi, xin chờ ân sư dạy bảo!".

Lão Tử nói: "Ngươi hãy cứ ngồi, ta sẽ nói cho mà nghe". Nói đoạn ngài ngâm nga rằng:

"Học Đạo cho minh
Lẳng lặng làm thinh
Chẳng nên nhọc sức
Chớ khá tổn tinh

Giữ được tính tình
Cho thanh cho tịnh
Đừng lo đừng ráng
Là thuốc trường sinh"...

Lý Ngưng Dương mừng rỡ cúi đầu tạ ơn Lão Tử, chàng cũng không quên xoay qua chắp tay cảm tạ Huyền Khưu. Huyền Khưu chân nhân mỉm cười, vuốt râu nói: "Ngươi có tên trong sổ Tiên, đứng đầu danh sách. Cứ về lo tu luyện, như vậy ắt sẽ thành Tiên". Nói đoạn, hai Tiên ông bèn truyền cho tiên đồng đưa Lý Ngưng Dương xuống núi.

Từ khi về động, Lý Ngưng Dương y theo lời Lão Tử truyền dạy mà đề cao tâm tính, miệt mài tu luyện. Không bao lâu sau thì chàng thấy thân mình càng ngày càng thêm nhẹ nhàng thanh thoát. Lại nói, ở kế bên động đá mà Ngưng Dương cư ngụ, có một người trẻ tuổi tên Dương Tử thấy vậy mới sinh lòng mộ Đạo, bèn xin bái chàng làm sư phụ, nguyện theo thầy tu Đạo, Lý Ngưng Dương cũng vui lòng chỉ dạy...

Thời gian thấm thoắt trôi đi, một sớm nọ hai thầy trò chợt thấy hào quang chiếu rọi rực rỡ qua cửa sổ, Lý Ngưng Dương bảo: "Chắc có Thần tiên giáng hạ". Nói đoạn bèn phi thân lên đỉnh núi, thấy còn có một con chim ưng đang đậu trên cao, Lý Ngưng Dương than rằng:

"Con gà nuôi trong chuồng tuy sẵn lúa ăn, nước uống, song gần chốn hiểm nghèo sao bằng chim ưng, vốn chẳng có ai nuôi mà thong thả"...

Nói lời vừa dứt, Ngưng Dương nghe có tiếng hạc kêu, trông lên thấy Lão Tử và Huyền Khưu chân nhân, hai Tiên ông cưỡi hạc bay xuống. Lý Ngưng Dương lạy mừng, Lão Tử cười mà rằng: "Hôm nay nhìn con tinh thần hơn trước!". Lý Ngưng Dương bèn rước hai vị vào động, Lão Tử nói: "Ta xem con nguyên thần ly thể đã được. Vậy thì mười hôm nữa con hãy xuất hồn, dạo chơi tiên cảnh với ta". Nói xong rồi hai Tiên ông bèn mỉm cười cưỡi hạc bay đi. Lý Ngưng Dương nhìn theo hai đấng minh sư, miệng không dứt lời cảm thán.

Cách chín ngày sau, Lý Ngưng Dương gọi học trò là Dương Tử tới mà căn dặn rằng: "Thầy có việc, sẽ [ngủ] thiếp đi bảy ngày. Nếu hết ngày thứ bảy mà không thấy thầy về thì hãy đốt xác thầy, nếu chưa được bảy ngày thì phải giữ xác thầy cho cẩn trọng. Tuyệt đối không được khinh suất, càng không được phép làm trái". Dặn xong rồi liền thiếp đi...

Vâng lời sư phụ, Dương Tử một mình ở trong động giữ xác thầy ngày đêm không rời, ngủ không ngon giấc, tính ra đã trọn gần sáu ngày. Bước sang chiều ngày thứ sáu có thân nhân đến báo tin rằng: "Mẫu thân của huynh hiện đang bệnh ngặt nghèo, đã gần tắt hơi, trông huynh về để thấy mặt mà chăng chối". Nghe vậy, Dương Tử khóc lớn than rằng: "Thầy thiếp hồn chưa về, nếu ta đi ai giữ xác thầy? Cầm bằng ở đây thì không thấy mặt mẹ thảm biết chừng nào!"...

Người ấy hỏi rõ việc xuất hồn của thầy, rồi nói rằng: "Xác người nằm đã sáu ngày, ngũ tạng cũng hư hết, lẽ nào sống lại được! Vả lại thầy anh có dặn bảy ngày thì thiêu xác, chắc sẽ thành Tiên. Nay chỉ sớm hơn có một ngày mà thiêu chắc cũng không lỗi. Chi bằng thiêu xác thầy mà được thấy mặt mẹ, mới khỏi lỗi cả hai".

Dương Tử mới đầu phân vân chưa quyết; sau túng thế quá đành phải nghe lời. Cậu trò dùng hoa quả và hương đăng tế sư phụ; vừa châm lửa thiêu xác, vừa khóc thảm thiết mà đọc một bài thơ vắn như sau:

"Mẹ bệnh, tử hầu kề
Thầy đi thiếp chưa về
Mẫu thân - tình một thuở
Sư phụ - nghĩa nhiều bề
Vẹn thảo nên quyền biến
Lỗi nghì luống ủ ê
Hồn linh xin chứng chiếu
Phiêu bồng chốn non huê"...

Đường Tân

- Còn Tiếp...

Theo dõi (P1 - Kỳ 2)

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên".



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.1 - Kỳ 1): Lý Thiết Quải đứng đầu Tiên chúng; Dương Tử kia phóng hỏa thiêu thầy