Bài học từ người nông dân về ý nghĩa của đức hạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trương Vịnh có một giấc mơ vô cùng thú vị. Trong giấc mơ, ông đã đến thiên đình, và đang chuẩn bị được cho ngồi thì một vị Thần gọi lớn “Hoàng Kiêm Tế đã đến”. Khi có một vị họ Hoàng đến, một vị thần khác mặc đạo bào hạ xuống để tiếp đón ông ta trước, rồi mời vị khách mới này chỗ ngồi ở vị trí cao hơn ông Trương.

Vị họ Trương sửng sốt vì điều đó, ông vốn là viên chức quan trọng trong thời Bắc Tống (960-1127), giữ vị trí quan tổng đốc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Hơn nữa, ông Trương nghĩ rằng mình cũng là một vị quan thanh liêm, luôn chính trực trong công việc, và là người tôn trọng công lý.

“Hoàng Kiêm Tế là ai vậy?”, vị quan họ Trương tự nhủ, “và tại sao các vị thần lại coi trọng vị này hơn ta?”.

Buổi sáng hôm sau, như một duyên tiền định, viên tổng đốc họ Trương bắt gặp người đàn ông trong giấc mơ đêm qua. Nhưng một điều bất ngờ là vị họ Hoàng lúc này chỉ là một người nông phu, địa vị so với ông thì còn kém hơn nhiều lắm.

“Làm sao ông có thể làm nhiều việc tốt đến thế, đến nỗi các vị thần đều vô cùng tôn trọng ông?”, ông Trương hỏi sau khi tường thuật lại giấc mơ với vị họ Hoàng, “Tôi không hiểu tại sao nghề nghiệp của ông lại cho ông nhiều cơ hội để tích đức lớn như vậy?”

Lão nông phu họ Hoàng trả lời: “Tôi chưa làm việc gì kinh thiên động địa cả, chỉ đơn giản là hàng ngày chăm sóc mảnh đất của tôi, cuốc đất, cấy lúa, gieo hạt. Vào vụ mùa cuối cùng, tôi có mở rộng diện tích canh tác bằng cách mua thêm nhiều hạt lúa với mức giá phổ thông. Bởi vì tôi không cần số thóc dư ra đó, năm sau tôi đã bán số thóc dư ra với giá gốc tới những người nông phu nghèo bị vụ mùa thất bát. Tôi không hề có chút lợi nhuận nào từ việc buôn bán này, cũng không ăn gian số lượng thóc bán ra. Tôi rất vui vì tôi không mất gì cả nhưng đồng thời có thể giúp những người không may mắn.”

Bài học từ người nông dân
Bởi vì tôi không cần số thóc dư ra đó, năm sau tôi đã bán số thóc dư ra với giá gốc tới những người nông phu nghèo bị vụ mùa thất bát. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Ngay khi nghe được điều này, viên quan tổng đốc thở dài cảm thán, hồi tưởng lại trước kia khi còn đương quyền, ông cũng từng là vị quan thanh liêm, nhưng ông lại luôn tự tôn bản thân, nghĩ rằng mình tốt hơn người khác, và thường có thái độ kiêu ngạo khi làm việc. Ông cho rằng sự thanh liêm của mình giống như thái độ của kẻ bề trên mà ban phát cho dân chúng, khiến cho dân chúng phải tôn kính mình, vì thế chỉ cần ai đó coi thường ông, ông sẽ cảm thấy bất mãn, Lúc này, ông đã nhận ra rằng ông không thật sự vô tư vô ngã khi phục vụ dân chúng giống như lão nông họ Hoàng, người luôn đặt quyền lợi của người khác lên trước mà không hề nghĩ đến bản thân.

“Ông xứng đáng có một vị trí cao hơn tôi.”, viên quan tổng đốc khiêm tốn nói, đồng thời chắp tay bái lạy lão nông phu nhân hậu, đức hạnh để tỏ lòng tôn kính.

Trong câu chuyện trên ta nhận thấy rằng, ở giai tầng nào cũng có thể làm người tốt, tích đức, hành thiện. Đức hạnh cũng không nhất thiết phải xuất phát từ người có trình độ học thức mà là xuất phát từ tâm. Lão nông phu học thức thấp, vốn là người thuộc giai tầng thấp trong xã hội, suy nghĩ cũng đơn giản, chỉ có một bản tính thiện lương, nhưng ở trên thiên thượng lão lại có địa vị cao hơn vị tổng đốc họ Trương. Vị tổng đốc họ Trương vốn là một vị quan thanh liêm, luôn chính trực trong công việc, tôn trọng công lý, dù vậy, khi làm quan ông ít nhiều vẫn còn mang tư tâm, coi trọng danh tiếng bản thân, không được vô tư vô ngã như lão nông phu họ Hoàng, lão làm việc thiện mà không hề coi trọng chuyện được mất, cũng không phải vì danh tiếng, mà đơn giản chỉ nghĩ rằng đó là việc nên làm.

ý nghĩa của đức hạnh
Ở giai tầng nào cũng có thể làm người tốt, tích đức, hành thiện. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Ngày nay có nhiều người có suy nghĩ rằng: “khi nào giàu có tôi sẽ sống tốt, đi làm từ thiện”, quan niệm đó quả thực là sai lầm. Theo người xưa, người giàu thì thường phải là người có đức lớn, nếu trong số mệnh không có điều ấy thì vĩnh viễn không thể giàu được, lẽ nào như vậy thì cả đời sẽ không làm người tốt, làm từ thiện? Hơn nữa, một người lúc nghèo vẫn gìn giữ đức hạnh, tu dưỡng bản thân, và thường xuyên làm việc thiện, tích đức, khi đức nhiều lên, trời cao sẽ ban phúc, có thể an bài lại đường đời của người đó, nửa đời sau trở nên giàu có, hay tuổi thọ được kéo dài, tuổi già ít bệnh tật, sống an nhàn… Ý nghĩ của câu danh ngôn “đức năng thắng số” cũng chính là như vậy.

Viên tổng đốc họ Trương trong giấc mơ thấy mình được đến thiên đình, thực ra đây chính là tầng thứ chân chính của sinh mệnh ông. Trong văn hóa truyền thống, ngoài cõi trần thì còn có cõi trời, cõi âm, cõi súc sinh, ngạ quỷ,... con người sau khi chết đi, tùy theo trên cõi trần sống tốt xấu như thế nào mà được an bài đúng như thế ấy. Người bình thường sau khi chết được đưa xuống âm phủ, tùy theo phúc phận mà an bài kiếp sau phú quý giàu sang hay nghèo khổ, người độc ác thì đọa vào địa ngục chịu trừng phạt, những bậc thánh nhân thường sẽ được lên cõi trời, tốt đẹp muôn phần. Viên tổng đốc họ Trương vốn là một vị quan thanh liêm, tạo phúc cho dân, nên có thể tương lai sau này ông được lên thiên thượng đúng như trong mơ ông đã thấy.

người độc ác thì đọa vào địa ngục chịu trừng phạt, những bậc thánh nhân thường sẽ được lên cõi trời, tốt đẹp muôn phần.
Người độc ác thì đọa vào địa ngục chịu trừng phạt, những bậc thánh nhân thường sẽ được lên cõi trời, tốt đẹp muôn phần. (Ảnh: Miền công cộng)

Vì thế, tích đức hành thiện không chỉ ảnh hưởng đến nửa đời sau của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh lâu dài của sinh mệnh. Ngày nay có những người, lợi dụng mưa bão mất mùa tăng giá lương thực, dịch bệnh tăng giá khẩu trang, chèn ép nông dân nghèo... không từ thủ đoạn bất chính nào để làm giàu. Có người cả đời làm ăn bất chính, làm rất nhiều việc thất đức, cuối đời còn xây lăng tẩm to đẹp, dự định khi chết đi ở thế giới bên kia sẽ được hưởng tiếp vinh hoa phú quý mà không hiểu rằng đó đều là vật ngoại thân, khi chết không thể mang theo được. Chỉ có đức kia là có thể đem theo thì bị đời này hủy hoại hết, cái lăng tẩm nơi trần thế kia chỉ là chỗ để nắm xương tàn, còn sinh mệnh chân chính của người này thì bị đọa vào địa ngục vĩnh viễn không có ngày ra...

Sống trên đời, dù làm quan hay làm dân thì cũng nên giữ gìn đức hạnh, không ngừng tích đức hành thiện. Tiền bạc chỉ cần đủ sống, không nên quá tham lam mà tổn đi phúc phận. Đời người ngắn ngủi, trăm năm thoáng chốc là trôi qua, dùng đức trân quý kia mà đổi lấy một chút vinh hoa nhất thời thì phải chăng là đáng tiếc?

Nam Minh



BÀI CHỌN LỌC

Bài học từ người nông dân về ý nghĩa của đức hạnh