Bài giới thiệu - 24 gương hiếu hạnh xưa (Nhị thập tứ Hiếu) [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng tôi hy vọng rằng loạt bài "Nhị thập tứ hiếu" này sẽ giúp các bậc phụ huynh và các bạn đọc trẻ tuổi tìm được về những giá trị đạo đức và những tinh hoa văn hóa truyền thống, để trở thành con người hữu dụng tài đức song toàn, hội đủ "đức dày chở vật", gánh vác trọng trách, làm trụ cột của gia đình, dòng tộc, xã hội và quốc gia... để duy trì xã hội trật tự, hài hòa; gia đình yên bình và hạnh phúc.

Giáo dục truyền thống xưa là dạy con người làm thế nào để "Làm Người", xứng đáng là con người đứng trong trời đất: trên không thẹn với trời, dưới không hổ với đất, không hổ thẹn với lòng mình, xứng đáng là một trong Tam Tài: Thiên - Địa - Nhân.

Nho gia giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu). Nho gia dạy mọi người làm người quân tử, quang minh chính đại, phụng sự quốc gia. Tiêu chuẩn cao nhất của Nho gia là chữ Nhân. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu.

Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra. Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của Hiếu. Đạo Hiếu, bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.

Trong Luận Ngữ có viết: “Người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính anh chị, mà lại thích phạm thượng, chống đối cấp trên, thì rất ít. Người không phạm thượng, chống đối cấp trên mà lại thích tạo phản thì xưa nay chưa từng có. Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân”.

Nho gia coi trọng "Trung hiếu, nhân nghĩa", lấy nhân nghĩa làm trung tâm. Dạy chữ Hiếu để nuôi dưỡng chữ Nhân, dạy chữ Trung để vẹn toàn chữ Nghĩa. Có người phê phán Nho gia dạy người ta "ngu trung", "ngu hiếu", đó là họ chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa Trung hiếu và Nhân nghĩa, hoặc cố tình tách ra để giải thích thiên lệch, bóp méo ý nghĩa đích thực của chữ Hiếu - Trung.

Nếu không có cội nguồn nhân nghĩa này, thì hiếu sẽ là tình riêng, trung sẽ là ngu trung, đều không theo được. Do đó hiếu cuối cùng là lập thân, lấy đạo nghĩa làm chủ đạo.

Làm bề tôi, làm quan, hiếu với mẹ cha, trung với vua cho đến lập thân... đều cần phải tuân theo nhân nghĩa. Do đó trung hiếu không có nghĩa là cứ nhất nhất tuân theo, trong Hiếu Kinh có viết:

“Xưa bậc thiên tử có 7 người bề tôi can gián, tuy thiên tử vô đạo, cũng không bị mất thiên hạ”.

“Bậc chư hầu có 5 người bề tôi can gián, tuy chư hầu vô đạo, cũng không bị mất nước”.

“Bậc đại phu có 3 người bề tôi can gián, tuy đại phu vô đạo cũng không bị mất gia tộc”.

“Kẻ sĩ có bạn bè can gián, thì không bị mất thanh danh”.

“Bậc làm cha có con can gián, thì không rơi vào bất nghĩa”.

“Do đó để tránh bất nghĩa, thì con không thể không can gián cha, bề tôi không thể không can gián vua”.

Điều gọi là “Thờ vua bằng đạo, không được thì dừng” nghĩa là: dùng đạo nghĩa để phụng sự vua, khuyên can vua mà không được thì từ quan không làm nữa, tuyệt đối không được giúp kẻ ác làm điều ngang ngược.

Người làm vua, làm cha, về tư tưởng hành vi, không tránh khỏi có sai lệch, trách nhiệm của kẻ bề tôi, làm con là nhắc nhở, khuyên can, để họ tỉnh ngộ, từ đó quay trở lại với chính đạo.

Thế nên giáo dục con người thì trước tiên phải dạy chữ Hiếu, bởi vì như Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra".

Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra".
Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra". (Ảnh: Wikipedia)

Quách Cư Kính là một người con hiếu hạnh nổi tiếng triều Nguyên. Ông cảm thán rằng không còn cơ hội để hiếu thuận với cha mẹ đã mất, bèn lựa chọn những câu chuyện của 24 người con hiếu hạnh tiêu biểu nhất được lưu truyền trong các sách cổ, biên soạn thành sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu hạnh), gồm có: Ngu Thuấn, Hán Văn Đế, Tăng Sâm triều Chu, Mẫn Tổn triều Chu, Tử Lộ triều Chu, Đổng Vĩnh triều Hán, Đàm Tử triều Chu, Giang Cách triều Hậu Hán, Lục Tích triều Hậu Hán, Đường Phu Nhân triều Đường, Ngô Mãnh triều Tấn, Vương Tường triều Tấn, Quách Cự triều Hán, Dương Hương triều Tấn, Chu Thọ Xương triều Tống, Canh Kiền Lâu triều Nam Tề, Lão Lai Tử triều Chu, Thái Thuận triều Hán, Hoàng Hương triều Hán, Khương Thi triều Hán, Vương Bầu nước Ngụy thời Tam Quốc, Đinh Lan triều Hán, Mạnh Tông thời Tam Quốc, Hoàng Đình Kiên triều Tống.

Cũng có thuyết cho rằng "Nhị thập tứ hiếu" là do em trai của Quánh Cư Kính là Quách Thủ Chính soạn, còn có thuyết cho rằng là do Quách Cư Nghiệp soạn. Tuy tác giả là ai vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt, nhưng điểm chung là bộ sách này ra đời vào thời nhà Nguyên - Trung Quốc.

Nước ta từ xưa cũng có nhiều tấm gương hiếu hạnh. Chử Đồng Tử đã dùng chiếc khố duy nhất để chôn cất cha, còn bản thân ông thì chịu cảnh trần truồng, đói rét, đứng bên bờ sông câu cá kiếm sống, gặp người thì phải trầm mình xuống sông che thân. Vì chí hiếu nên ông được phúc báo, có cơ duyên kết hôn cùng công chúa Tiên Dung, rồi lại có cơ duyên tu Đạo đắc Đạo, trở thành một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam.

Hay như vua Lê Thánh Tông, khi Thái hậu bệnh thì ông cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên. Khi dâng thuốc hay đồ ăn, vua nhất định tự mình thử trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì cầu khẩn không thiếu nơi nào, chỉ mong Thái hậu bình phục. Khi Thái hậu qua đời, từ việc mặc áo, khâm liệm, đến việc bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự mình làm để tỏ lòng đau xót. Khi chịu tang Thái hậu, trong 3 năm, vua bỏ trang sức, mặc đồ tang, ăn cơm rau, cài trâm gỗ... không khác gì thường dân. Ông là tấm gương về đạo Hiếu cho các quan lại và người dân học tập, khiến thời vua Lê Thánh Tông phát triển thịnh trị, là đỉnh cao trong lịch sử các triều đại phong kiến xưa.

Khi nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất không ngừng nâng cao, các bậc phụ huynh càng chú ý đến giáo dục con em, đầu tư nhiều tiền của, công sức cho con em học ở trường tốt, thầy giỏi, lại học thêm đủ các môn học khác từ bồi dưỡng năng khiếu cho đến kỹ năng sống và các môn văn hóa nghệ thuật khác... Tuy nhiên các vấn đề vi phạm đạo đức học đường, con cái bất kính, bất hiếu... dường như vẫn đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Khi đó chúng ta mới giật mình nhìn lại, phát hiện ra rằng cách giáo dục giới trẻ hiện nay đang có lỗ hổng lớn: Thiếu bài học giáo dục làm người. Thế nên, nhiều bậc phụ huynh đã tìm về với trí tuệ người xưa để bổ khuyết cho thiếu sót đó. "Nhị thập tứ hiếu" (24 gương hiếu hạnh xưa) chính là một trong những bộ sách kinh điển hữu ích cho việc gây dựng nhân cách của con người, nhất là từ khi còn ở tuổi học trò.

Chúng tôi hy vọng rằng loạt bài "Nhị thập tứ hiếu" này sẽ giúp các bậc phụ huynh và các bạn đọc trẻ tuổi tìm được về những giá trị đạo đức và những tinh hoa văn hóa truyền thống, để trở thành con người hữu dụng tài đức song toàn, hội đủ "đức dày chở vật", gánh vác trọng trách, làm trụ cột của gia đình, dòng tộc, xã hội và quốc gia... để duy trì xã hội trật tự, hài hòa; gia đình yên bình và hạnh phúc.

BBT NTDVN



BÀI CHỌN LỌC

Bài giới thiệu - 24 gương hiếu hạnh xưa (Nhị thập tứ Hiếu) [Radio]