Ba quốc gia liên hợp truy bắt bác sĩ 'đồ tể'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1943, lò hỏa táng của trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan cuồn cuộn khói dày đặc, một xe tải chở người Do Thái tới đây. Binh lính liên tục thúc giục và chửi bới, và người Do Thái loạng choạng bước ra khỏi cabin xe chở dầu ngột ngạt.

Hàng trăm ngàn người Do Thái, dù còn sống hay đã chết, đều không thể quên:

Một người đàn ông gầy gò trong bộ quân phục Đức Quốc xã màu xanh lá cây đậm, đeo găng trắng liên tục vẫy cây gậy. Những người từ trên xe xuống được người này dùng cây gậy phân thành hai hàng trái phải.

Những người Do Thái dù còn sống hay đã chết, sẽ không bao giờ quên: Người đàn ông nhỏ bé này có đôi mắt đẹp như bầu trời, cử động gần như uyển chuyển, giọng nói nhẹ nhàng và chắc rõ ràng. Với những phụ nữ già yếu, ông ta không ngần ngại dùng gậy chỉ họ đứng sang nhóm bên trái.

"Cô đến đây" - Ông ta vẫy gậy về phía một người phụ nữ trung niên với đôi má ửng hồng, người phụ nữ run rẩy bước tới, người đàn ông nhỏ bé lấy đầu gậy gõ vào cằm người phụ nữ: "Há miệng, cô có phải ho khan liên tục?"
Người phụ nữ có chút sững sờ, nhất thời không biết sự tình ra sao, nhưng rõ ràng trước mặt cô là một vị bác sĩ.

Bác sĩ luôn là người có thể tin cậy được, đúng không? Vì vậy, người phụ nữ gật đầu.

"Có phải cơn ho nặng hơn vào ban đêm không?"
Người phụ nữ bất giác vùi đầu vào chiếc khăn quàng và tuyệt vọng gật đầu lia lịa. Người đàn ông nhỏ bé mỉm cười lịch sự với cô.

Sau đó, ông ta quơ cây gậy về bên trái, và lính Đức Quốc xã nhanh chóng đẩy người phụ nữ về phía nhóm bên trái. Người đàn ông nhỏ bé lắc đầu: "Thật đáng tiếc, một người có sức lao động. Dù sao cô ấy vẫn có thể có ích cho một số việc".

Nhóm bên phải của người đàn ông nhỏ đó bước vào trại lao động, còn nhóm bên trái là những người già yếu, bệnh tật sẽ đi thẳng vào phòng khí độc. Nhiệm vụ chính của người đàn ông nhỏ bé này là lựa chọn. Ông ta đã chọn ít nhất 380.000 người đi vào con đường tử thần, phần lớn trong số họ là người Do Thái.

Người nắm quyền sinh sát to lớn này là bác sĩ quân y Mengele của Đức Quốc xã.

Lò hỏa táng ở Auschwitz (Ảnh: Pixabay)

Sau khi lấy bằng tiến sĩ nhân chủng học tại Đại học Munich, Đức, Mengele đã tham gia vào lĩnh vực di truyền học. Luận văn của ông phù hợp với xu hướng tư tưởng chủ đạo về ưu thế chủng tộc của Đức Quốc xã lúc bấy giờ nên đã được trọng dụng.

Mengele gia nhập Đảng Quốc xã năm 1937. Sau năm 1943, ông chuyển đến trại tập trung Auschwitz. Ngoài việc hết sức tiêu diệt nhiều tù nhân không thể lao động, ông ta còn hứng thú với nghiên cứu y học trên cơ thể người. Để đạt được cái gọi là cải thiện chủng tộc, ông ta đã tiến hành nhiều thí nghiệm y học khủng khiếp với hàng trăm nghìn tù nhân Do Thái. Một số tù nhân thậm chí còn bị giải phẫu khi đang sống.

Để tạo ra đôi mắt xanh lam của người Aryan, ông ta đã tiêm chất màu vào nhãn cầu của những đứa trẻ mà không dùng thuốc tê. Những đứa trẻ phải chịu cơn đau thấu tim xé phổi và hầu hết các em đều bị mất thị lực sau đó.

Một thí nghiệm mà Mengele quan tâm nhất là nghiên cứu về những đứa trẻ sinh đôi. Các tù nhân ở trại Auschwitz nhớ lại:

"Bác sĩ Mengele luôn tỏ ra ân cần với những đứa trẻ, và những đứa trẻ thích ông ấy. Thỉnh thoảng ông ấy bất ngờ mang vài viên kẹo cho mấy đứa trẻ. Phải biết đấy, đường là món ngon rất hiếm. Nhưng những đứa trẻ được cho kẹo, liền biến mất vào ngày hôm sau, thậm chí nửa giờ sau. Sau đó, sẽ thấy khói từ lò hỏa táng bốc lên..."

Các tù nhân nghẹn ngào…

Có hơn 3.000 cặp song sinh và sinh ba trong trại Auschwitz, sau khi chịu nhiều thí nghiệm trên thân thể cực kỳ tàn khốc, chỉ có chưa tới 200 trẻ sống sót.

Ba quốc gia liên hợp truy bắt bác sĩ 'đồ tể'
Nhưng những đứa trẻ được cho kẹo, liền biến mất vào ngày hôm sau, thậm chí nửa giờ sau. (Ảnh: Wikipedia)

Các tù nhân gọi người bác sĩ này là "đại sứ tử thần" và "đồ tể".

Sau năm 1944, ông ta bắt đầu một số lượng lớn các thí nghiệm về cắt cụt chi và mổ lấy nội tạng sống không dùng thuốc mê. Điều người đàn ông này đặc biệt ưa thích là thí nghiệm giải phẫu trên phụ nữ mang thai. Có lẽ ông ta tin rằng lò thiêu hoạt động 24/24 giờ trong trại tập trung sẽ thiêu rụi tất cả, và tin rằng những nhu cầu của Đức Quốc xã có thể cho ông ta cái cớ để tiến hành những tội ác vô nhân đạo.

Mengele trong ấn tượng của lính canh trại tập trung là một bác sĩ luôn mỉm cười.

Chỉ 10 ngày trước khi lực lượng Đồng minh ập vào trại tập trung Auschwitz, Mengele đưa tình nhân người Do Thái gốc Ba Lan của mình, giả làm một cặp vợ chồng Do Thái, trốn về quê của Mengele ở Bavaria, Đức, và sống yên ổn ở đó một năm cho đến năm 1946.

Vào thời điểm đó, khi phiên tòa Nuremberg kết thúc, những tên tội phạm chính ở Auschwitz đã thú nhận nhiều tội ác của Mengele. Lệnh truy nã Mengele xuất hiện khắp nơi trên đất nước.

Trại tập trung Auschwitz (Ảnh: Michel Zacharz / Wiki, CC BY-SA 2.5)

Vài tháng trước khi chiến tranh kết thúc, phát xít Đức đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho một kế hoạch chạy trốn được gọi là "con đường chuột". Kế hoạch này đã đưa một số phần tử Đức quốc xã đến Tây Ban Nha, Ai Cập, Lebanon và Argentina. Với sự giúp đỡ của tổ chức ngầm Đức Quốc xã, Mengele đã lên một con tàu chở khách thẳng đến Argentina.

Sau một tiếng còi, ông ta dường như đã bốc hơi khỏi thế giới. Nhưng ông ta vẫn không bị lãng quên, phần thưởng đưa ra cho việc bắt được ông ta đã tăng nhanh, từ 10.000 USD lên đến 2 triệu USD, và tổng số phần thưởng khác nhau lên tới 4 triệu USD. Ông ta trở thành kẻ chạy trốn bị truy nã gay gắt nhất trên thế giới.

Mặc dù lực lượng quốc tế hùng hậu đã được thành lập để truy lùng tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, nhưng các nước hoạt động phân tán, thiếu hợp tác, hiệu quả không cao. Cuộc săn lùng Mengele nhiều lần đều không thành công.

Năm 1985, các quốc gia khác nhau quyết định tăng cường hợp tác Cơ quan Tình báo Liên bang Tây Đức. Cơ quan tình báo Mossad của Israel và các quan chức chấp pháp cấp cao của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp chung, và đã thành lập một nhóm chuyên thảo luận về cách thức săn lùng Mengele .

Ngày 24/5/1985, là một ngày lịch sử, khi cả ba cường quốc tuyên bố sẽ cùng điều tra và truy tố tới cùng Joseph Mengele, bác sĩ sát hại và mổ cướp nội tạng người sống.

Bảy ngày sau, Cơ quan Tình báo Tây Đức xác nhận Mengele đang lẩn trốn ở Sao Paulo, Brazil, nhưng ông ta đã chết đuối ở Bãi biển Sao Paulo 6 năm trước.

Mengele có thực sự chết đuối?

Hơn 30 năm đã trôi qua, ông ta sống sót qua những năm tháng lẩn trốn như thế nào? Sau khi Mengele trốn sang Argentina, hắn mở một phòng khám phá thai ở Buenos Aires. Vốn đã từng thực hiện lượng lớn các kiểu mổ này trong các trại tập trung nên công việc với ông ta khá dễ dàng và có được thu nhập khá.

Năm 1959, chính phủ Tây Đức yêu cầu Argentina dẫn độ Mengele.

Mặc dù chính quyền của Juan Peron ở Argentina không tuân theo yêu cầu dẫn độ nhưng Mengele luôn cảm thấy bất an nên đã đến Paraguay và nhập quốc tịch Paraguay.

Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hiện rằng ông đã đưa ra những gợi ý cho chế độ độc tài quân sự ở Paraguay và cung cấp cho họ nhiều kế hoạch có giá trị để tiêu diệt người da đỏ.

Năm 1960, người bạn cũ của Mengele, Adolf Eichmann, cũng là tội phạm chiến tranh cấp cao của Đức Quốc xã, bị các đặc vụ Mossad của Israel bắt được ở Argentina và treo cổ xử tử.

Tin tức này càng khiến ông ta bàng hoàng hơn, vào mùa hè năm 1961, trong một hộp đêm, Mengele phát hiện một thiếu nữ xinh đẹp tóc đen luôn nhìn ông ta chăm chú. Ông ta chủ động tiến tới mời cô nhảy, họ nhảy cùng nhau. Rồi cô gái bất ngờ hỏi: "Ông có phải là bác sĩ không?"
"Ồ? Đúng vậy, sao em biết?" - Mengele vẫn có chút tự mãn.
"Ngài có vẻ đã nghiên cứu rất kỹ về các cặp song sinh".

Mengele ngẩn người ra.

“Ngài có khả năng đặc biệt tiến hành phẫu thuật triệt sản phụ nữ đúng không? Ngài là Thượng úy của đảng vệ quân?"

Mengele chợt nhận ra cơ thể cô gái khẽ run lên. Số hình xăm trên cánh tay trái của cô hóa ra mã số của các tù nhân trong trại tập trung.

Mengele sửng sốt: "Không, không, cô nhận sai người rồi. Tôi là người Thụy Sĩ và tôi chưa bao giờ liên quan gì đến Đức Quốc xã."

Nói rồi ông ta nhanh chóng ra khỏi hộp đêm, thực sự là oan gia đụng độ. Cô gái này hóa ra từng bị Mengele phẫu thuật triệt sản và may mắn sống sót trong các tù nhân Murdoch.

Mengele hoảng sợ đến mức thức trắng đêm, nhanh chóng cất bộ dụng cụ y tế tinh xảo của Đức theo mình vào gói hàng, rời Paraguay, âm thầm lẻn sang Brazil.

Vào lúc này, ông ta không dám xuất hiện ở các thành phố lớn và vừa, mà chuyển đến một trang trại trên núi để làm bác sĩ thú y, sau đó, ông sống ẩn dật dưới một cái tên giả.

Vào tháng 2 năm 1979, Mengele bị đột quỵ khi đang bơi trên biển và qua đời.

Vào tháng 6 năm 1985, một ngày nọ, một nhóm điều tra quốc tế bao gồm các chuyên gia nổi tiếng quốc tế về pháp y, nhân chủng học, X-Quang, nha khoa, sau khi phân tích đã thông báo rằng thi thể chết đuối là tội phạm chiến tranh khét tiếng của Đức Quốc xã Mengele. .

Năm 1992, phương pháp nhận dạng DNA mới nhất lại được sử dụng để đưa ra kết luận.

Đây thực sự là Mengele!

Sau khi tin tức về cái chết của Mengele được công bố, số tiền thưởng khổng lồ cho việc bắt giữ ông ta đã được tặng cho 150 nạn nhân sống sót sau khi bị Mengele làm vật thí nghiệm.

Vào ngày 8 tháng 3 năm 2005, một tác phẩm điêu khắc được lập ra để tưởng nhớ các nạn nhân của Đức quốc xã và đã được dựng trong khuôn viên một trường tiểu học ở Guernzeberg, Bavaria. Bức tượng được khắc với nhiều con mắt đang khóc và sợ hãi, nhắc nhở mọi người về một giai đoạn lịch sử khủng bố.

Trên tượng khắc dòng chữ:

"Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử dân tộc mình, không nên và không thể để lịch sử ngủ quên, nếu không lịch sử sẽ lặp lại một lần nữa và trở thành một phần của hiện thực".

Đó là tháng 9 năm 2017 khi Thủ tướng Israel Netanyahu thăm Argentina. Tổng thống Argentina Macri đã cung cấp một lượng lớn thông tin về tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã. Đất nước này, nơi từng che chở cho bọn tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, cũng đã bắt đầu tích cực hợp tác truy tìm tội phạm.

Lịch sử không thể bị lãng quên. Khi tội ác của Đức Quốc xã bị xét xử tại phiên tòa Nuremberg, người ta đã nói "Never Again", với hy vọng rằng tội ác chống lại loài người sẽ không lặp lại.

Phiên tòa xét xử Đức Quốc xã ở Nuremberg (Ảnh: Công việc của Chính phủ Hoa Kỳ / 1945-1946)

Tuy nhiên, rất nhiều các tội ác như bỏ tù một nhóm người hoặc một nhóm các dân tộc tới nay vẫn chưa chấm dứt. Tàn bạo như vụ thảm sát đồng bào và thậm chí mổ cắp nội tạng sống vẫn được tiến hành tới ngày nay. Những kẻ cầm dao phẫu thuật dính máu như Mengele vẫn đang tươi cười.

Tất nhiên, việc theo đuổi công lý sẽ tiếp tục.

Minh An

Theo SOH

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ba quốc gia liên hợp truy bắt bác sĩ 'đồ tể'