Bà lão trộm bánh mì và quyết định nhân hậu của ngài Thị trưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mùa đông năm 1935 lạnh giá, khi nền kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn suy thoái nghiêm trọng nhất, một tòa án ở một khu phố nghèo của New York đang xét xử một vụ án.

Bị cáo là một phụ nữ gần 60 tuổi, khoác trên người chiếc áo đã cũ nát. Vẻ mặt bà buồn rầu, khổ não và có phần xấu hổ. Bởi vì ăn trộm bánh mì, bà cụ đã bị chủ tiệm bánh kiện lên tòa án.

Thẩm phán hỏi: “Bị cáo, có đúng là bà đã ăn trộm bánh mì trong tiệm bánh không?”

Bà cụ cúi gằm mặt, sợ sệt đáp: “Đúng vậy thưa quý tòa, quả thực tôi đã lấy trộm”.

Thẩm phán lại hỏi: “Động cơ ăn cắp bánh mì của bà là gì? Có phải vì đói quá không?

Bà lão ngẩng đầu nhìn vị thẩm phán đáp: “Đúng vậy, là vì tôi đói quá. Nhưng còn một lý do quan trọng hơn đó là tôi cần số bánh mì này để nuôi sống ba đứa cháu trai của tôi, chúng mồ côi cả cha lẫn mẹ, và đã mấy ngày không được ăn uống gì rồi. Tôi không thể trơ mắt nhìn các cháu của mình chết đói được, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ!”

Tôi không thể trơ mắt nhìn các cháu của mình chết đói được, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ!”
"...Tôi không thể trơ mắt nhìn các cháu của mình chết đói được, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ!" (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Nghe xong câu trả lời của bà, những người ngồi trên ghế dự thính bắt đầu xì xào bàn luận.

Thẩm phán nghiêm túc nói: “Trật tự. Sau đây là phán quyết!” Nói xong, thẩm phán quay sang phía bà cụ nói: “Bị cáo, tôi phải xét xử một cách công bằng dựa trên luật pháp. Bà có hai sự lựa chọn, một là nộp phạt 10 đô la Mỹ, hoặc là bị tạm giam 10 ngày?

Vẻ mặt bà cụ lộ ra vẻ thống khổ và hối hận, bà nói với thẩm phán sự khó xử của mình: “Thưa quý tòa, tôi đã phạm pháp, tôi cam tâm chịu phạt. Nhưng nếu tôi có 10 đô la, thì tôi đã không trộm bánh mì. Tôi đồng ý tạm giam 10 ngày, nhưng ai sẽ chăm sóc cho ba đứa cháu nhỏ của tôi trong thời gian tôi thụ án đây?”

Lúc này, trên ghế dự thính có một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi đứng dậy, cúi người chào bà cụ rồi nói: “Xin bà hãy lựa chọn bản án nộp phạt 10 đô la.” Nói đoạn, ông quay về phía những người dự thính khác, ngửa mũ lên và bỏ vào đó đồng 10 xu, rồi nói: “Các vị, tôi là LaGuardia, Thị trưởng của thành phố New York này. Bây giờ, xin mỗi vị hãy nộp 50 cent tiền phạt - đây là khoản tiền phí vô cảm, phạt mỗi chúng ta vì đang sống trong một thành phố mà để một người bà phải đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu.”

Bây giờ, xin mỗi vị hãy nộp 50 cent tiền phạt - đây là khoản tiền phí vô cảm
Bây giờ, xin mỗi vị hãy nộp 50 cent tiền phạt - đây là khoản tiền phí vô cảm. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Tất cả mọi người có mặt trong phòng xét xử đều sững sờ, tròn mắt nhìn Thị trưởng LaGuardia. Bầu không khí yên lặng đến mức có thể nghe rõ âm thanh của một cây kim rơi xuống sàn nhà. Một lát sau, tất cả những người dự thính lặng lẽ đứng dậy, ai nấy đều nghiêm túc lấy ra 50 cent để vào mũ của ngài thị trưởng, ngay cả thẩm phán cũng không ngoại lệ.

Xét về lý, việc một bà lão ăn trộm bánh mì dường như không hề liên quan đến người khác. Nhưng tại đây, Thị trưởng LaGuardia đã yêu cầu mọi người nộp phạt vì sự vô cảm của mình. Ông muốn nói với chúng ta rằng, giữa người với người là có mối liên hệ, và chúng ta không sống đơn độc. Con người đến thế gian này đều có khế ước: Trao đổi lợi ích vật chất, có hợp đồng pháp lý; giao vãng qua lại trong cuộc sống, đó chính là khế ước tinh thần. Thiện, không chỉ đơn thuần là một phẩm chất đối lập với sự vô cảm, gian xảo dối trá, tàn nhẫn, ích kỷ tư lợi, mà còn là một khế ước tinh thần tốt đẹp nhất.

Trúc Lâm

Theo: Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Bà lão trộm bánh mì và quyết định nhân hậu của ngài Thị trưởng