Là cuốn sách để tìm về nguồn cội, nghiên cứu và học tập trí tuệ người xưa, và có kiến thức sâu sắc về thiên địa, vũ trụ và con người.

BÀI GIỚI THIỆU

rẻ em xưa bắt đầu đi học thì học các sách “khải mông” (vỡ lòng) như Tam Tự Kinh, Đệ Tử Quy, Thiên Tự Văn, rồi đến Ấu Học Quỳnh Lâm, Thần Đồng Ngũ Ngôn Thi và Tăng Quảng Hiền Văn. Khi đó, học trò đã có đủ tri thức về lịch sử, văn hóa, nhân sinh quan, vũ trụ quan, và nhất là những chuẩn mực đạo đức, phép tắc lễ nghi cơ bản để làm người. Sau đó học trò bắt đầu học các kinh điển Nho gia, trở thành rường cột của quốc gia, là người truyền thừa văn hóa giữa thế hệ trước và thế hệ sau.

Thầy đồ dạy học (Ảnh: NTDVN)

Thế nên, hàng nghìn năm qua, xã hội đa phần ở trạng thái khá ổn định, đạo đức xã hội được duy trì ở mức khá cao, mọi người đều có thể dùng các tiêu chuẩn đạo đức làm người như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hay các tiêu chuẩn Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ để tự ước thúc bản thân, xã hội khá hài hòa và bình yên.

Hiện nay, khi nền văn minh vật chất đã phát triển đến cực độ, chỉ trong hơn 100 năm mà các nguồn tài nguyên kiệt quệ, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, đủ các loại chất độc trong không khí, nước, đất, thực phẩm, quần áo, thuốc men. Con người phải chịu hậu quả là đủ các loại thiên tai và dịch bệnh liên tiếp xuất hiện, khiến con người mới thấy được xu thế coi trọng vật chất coi nhẹ tinh thần đã phá hủy đạo đức xã hội, khiến con người sống trong thống khổ và bất an.

Những người có lý trí và ham học hỏi tìm về với văn hóa truyền thống huy hoàng xưa, thấy được tầm quan trọng của việc sống hài hòa với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, mới giật mình thấy được trí tuệ cổ nhân sâu sắc và rộng lớn biết nhường nào. Tuy nhiên, do mạch văn hóa truyền thống bị phá bỏ, bị đứt đoạn gần thế kỷ, nên tài liệu học tập nghiên cứu cũng đã ít, và gặp khó khăn khi tìm hiểu văn hóa tư tưởng cổ xưa, thậm chí không tránh khỏi hiểu sai lệch, hoặc không hiểu. Bởi vì những danh từ, tên gọi, khái niệm cơ bản của văn hóa truyền thống đã bị mai một, nếu không có nền tảng cơ bản đó thì khi đọc những tác phẩm xưa sẽ thấy rất khó hiểu, hoặc khô khan tẻ nhạt.

Cái tên Ấu Học Quỳnh Lâm, theo nghĩa mặt chữ tức là “rừng ngọc đẹp dạy trẻ em”, tức là giáo dục trẻ em rất nhiều điều tốt đẹp quý báu như ngọc quỳnh vậy. Cuốn sách giáo khoa Ấu Học Quỳnh Lâm tuy là giành cho trẻ em xưa nhưng lại rất phù hợp với những người hiện đại đang muốn tìm về nguồn cội, nghiên cứu và học tập trí tuệ người xưa, và có kiến thức sâu sắc về thiên địa, vũ trụ và con người. Ví dụ, ngay bài đầu tiên, chỉ vài câu đã miêu tả đầy đủ sự hình thành của vũ trụ, trời đất:

“Khi trời và đất chưa được hình thành thì ở trạng thái hỗn mang, và khi sự hỗn mang tách ra thì trời và đất được hình thành. Khí trong nhẹ bốc lên tạo thành trời, khí đục nặng chìm xuống và ngưng tụ lại tạo thành đất. Mặt trời, Mặt trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ được gọi là Thất chính; Trời, Đất và con người được gọi là “Tam tài”.

Chúng ta cũng hiểu rõ được rất nhiều nguồn gốc những danh từ hiện đại đang dùng, mà chúng ta cứ ngỡ là “đương nhiên”, ví như “tại sao Mặt trời được gọi là Thái dương, Mặt trăng được gọi là Thái âm?”. Sách Ấu Học Quỳnh Lâm sẽ cho chúng ta biết rằng: “Bởi vì Mặt trời là cội nguồn của các loại khí dương, nên được gọi là Thái dương. Còn Mặt trăng tượng trưng cho các loại khí âm, nên cũng gọi là Thái âm, nên cổ nhân gọi Mặt trăng là Thái âm, và dùng chúng đại biểu cho Âm và Dương”.

"Ấu Học Quỳnh Lâm" làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn", thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.

"Ấu Học Quỳnh Lâm" hàm chứa nội dung bao la rộng lớn của nhiều lĩnh vực gồm Thần thoại, thiên văn học, địa lý và nhân văn, cũng như chế độ luân lý, đạo trị quốc. Có thể nói đây là một bộ bách khoa toàn thư đơn giản nhất giúp nuôi dưỡng nhân tài một cách toàn diện. Bởi vì cuốn sách này lấy nguồn gốc vũ trụ học rộng lớn "Thiên - nhân hợp nhất" của người thời xưa với nội hàm vĩ đại, bí ẩn, sâu sắc và khó có thể diễn tả thành lời. Ngày nay, người lớn đọc còn cảm thấy vô cùng kinh ngạc, khó mà tưởng tượng nổi trẻ em thời cổ đại được hưởng một nền giáo dục khoa học lớn đến như vậy.

“Ấu Học Quỳnh Lâm" ban đầu được gọi là "Ấu Học Tu Tri" (những điều cần biết trong giáo dục trẻ em). Tác giả cuốn sách này là Trình Đăng Cát (tự Doãn Thăng) ở Tây Xương vào cuối thời nhà Minh, một thuyết khác cho rằng là của Tiến sĩ Khâu Tuấn đời Minh biên soạn. Vào thời Càn Long nhà Thanh, Trâu Thánh Mạch bổ sung và đặt tên là “Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm”, gọi vắn tắt là “Ấu Học Quỳnh Lâm”.

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 1: Thất chính và Tam tài
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 2: Mặt Trăng là Thái âm
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 3: Gió sắp thổi thì chim én bay
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 4: Thần Tuyết là Đằng Lục
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 5: Trâu nước Ngô hổn hển khi trăng mọc
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 6: Hoàng Đế phân chia lãnh thổ
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 7: Bồng Lai Nhược Thủy
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 8: Lý đoan và nhân nhật
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 9: Cây lửa hoa bạc
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 10: Đông Chí 106 ngày là Thanh Minh
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 11: Đua thuyền trong ngày tết Đoan Ngọ
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 12: Ngày Mậu thứ 5 cúng Thần Đất
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 13: Minh Hoàng du ngoạn cung trăng
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 14: Ở trong ngôi nhà đầy cỏ thơm
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 15: Mắt vua Thuấn có hai con ngươi
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 16: Tóc, da không được làm tổn hại
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 17: Nói xấu người khác và bạo chính
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 18: Không biết xấu hổ gọi là mặt dày
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 19: Quách Tử Nghi ngôi cao tể tướng
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 20: Trương Lương giẫm chân, ghé tai nói nhỏ
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 21: Chu Văn Vương nhân từ với cả xương khô vô chủ

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 22: Xem sự tích minh quân và trung thần
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 23: Câu chuyện chiếc chăn vải 10 năm
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 24: Cố sự Ngu Thuấn chế y phục
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 25: Dương Hỗ nho nhã khi mặc áo cừu nhẹ

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 26: Những điều tinh hoa của sách Đại Học
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 27: Nhạc Phi tận trung báo quốc
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 28: Hữu Sào thị
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 29: Trời ban văn hóa, Thánh nhân truyền lại
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 30: Hai vua Viêm Hoàng khai sáng văn minh
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 31: Phục Hy đến từ Hoa Tư Quốc
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 32: Hoàng Đế đặt quy chế Hán phục
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 33: Toại Nhân thị dùng gỗ đánh lửa
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 34: La bàn và Hỗn Thiên Nghi
Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 35: Thái Luân tạo ra giấy
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 36: Thần y Biển Thước
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 37: Thiên mệnh của Lỗ Ban
Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 38: Phật Tổ và Lão Tử

Vì nội dung cuốn sách này khá phong phú, chúng tôi sẽ chọn lọc những chương phù hợp để trình bày với độc giả, để người đọc hiểu được bề rộng và chiều sâu của văn hóa truyền thống Á Đông, giúp độc giả có một thế giới quan, vũ trụ quan và nhân sinh quan cơ bản truyền thống, từ đó dễ dàng hiểu chính xác những kinh điển và thư tịch cổ xưa, phát hiện lại kho tàng bị lãng quên, tìm lại huy hoàng của nền văn minh cổ đại, để có thể tìm được miền tịnh thổ, có thể sống an nhiên, bình thản và vui vẻ trong xã hội rối ren hỗn loạn thời hiện đại.

Ban biên tập NTD Việt Nam