"Ấu Học Quỳnh Lâm" làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn", thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.

Trâu nước Ngô hổn hển khi trăng mọc

Nguyên văn chữ Hán

雪花飛六出,先兆豐年;日上已三竿,乃云時晏。蜀犬吠日,比人所見甚稀;吳牛喘月,笑人畏懼過甚。

Hán Việt

Tuyết hoa phi lục xuất, tiên triệu phong niên; nhật thượng dĩ tam can, nãi vân thời yến. Thục khuyển phệ nhật, tỷ nhân sở kiến thậm hi; Ngô ngưu suyễn nguyệt, tiếu nhân uý cụ quá thậm.

Bính âm

Xuě huā fēi liù chū, xiān zhào fēng nián; rì shàng yǐ sān gān, nǎi yún shí yàn. Shǔ quǎn fèi rì, bǐ rén suǒ jiàn shén xī; wú niú chuǎn yuè, xiào rén wèi jù guò shèn.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 六出 Lục xuất: 6 cánh hoa. Các tinh thể của bông tuyết hầu hết có hình lục giác, đây là một tên gọi khác của tuyết.
(2) 三竿 Tam can: độ cao bằng 3 cây sào. Người xưa ước tính thời gian bằng cách đo bóng của mặt trời hoặc ước tính độ cao của mặt trời. Mặt trời lên 3 cây sào, là khoảng 8-9 giờ sáng.
(3) 晏 Yến: Muộn màng.
(4) 蜀犬吠 Thục khuyển phệ: là một câu thành ngữ, bồ địa Tứ Xuyên có các ngọn núi bao phủ xung quanh, hơi nước ở đồng bằng trung du không dễ phân tán nên không khí ẩm ướt, trời nhiều mây. Chó ở đó thường không thấy mặt trời, hễ thấy mặt trời là thấy lạ, liền hướng về mắt trời sủa. Lấy điều này ra mô tả vì hiếm gặp nên thấy lạ. 蜀 Thục: Tứ Xuyên. 吠 Phệ: chó sủa.
(5) 吴牛喘月 Ngô ngưu suyễn nguyệt: Trâu nước Ngô hổn hển khi trăng mọc, ví von người gặp chuyện sợ hãi quá mức, có ngụ ý là chế giễu.

Bản dịch tham khảo

Những bông tuyết bay phấp phới đều có hình lục giác, và tuyết rơi là dấu hiệu báo trước mọt năm mùa màng bội thu; mặt trời đã lên cao 3 cây sào, điều này cho thấy không còn sớm nữa.

Ở vùng Thục (Tứ Xuyên), vì nhiều núi cao ít thấy mặt trời nên thường có hiện tượng chó ở đây sủa khi thấy mặt trời, điều này ám chỉ những người có kiến thức giới hạn, ít từng trải nên gặp chuyện thường thấy kỳ lạ. Những chú trâu ở nước Ngô thở hổn hển khi nhìn thấy mặt trăng, người ta dùng điều này để chế nhạo những người sợ hãi quá mức.

Giải thích văn bản

Cuốn sách giáo khoa này được biết đến như một bộ bách khoa toàn thư cho trẻ em, dạy rất nhiều về thiên văn, địa lý, nhân văn, lượng kiến ​​thức phong phú, càng đọc càng cảm nhận được sự sâu sắc. Cổ nhân giảng Tam tài Thiên địa nhân, thiên văn địa lý có quan hệ mật thiết với nhân văn, nên họ không bao giờ dạy trẻ học những điều vô dụng. Mục đích của việc nghiên cứu các hiện tượng và tri thức thiên văn là để con người kết hợp với cuộc sống nhân gian mai sau, trở thành nhân tài hữu dụng thông hiểu trời đất, thiên nhiên và con người.

Những bông tuyết có sáu cánh bay phất phơ, rơi trên mặt đất. Điều này báo hiệu cho một năm mùa màng bội thu sắp đến, tương lai nông nghiệp được mùa, cũng là một cách khác nói tuyết lành báo trước một năm bội thu, rất giàu ý thơ và sắc thái văn học. Chúng ta sẽ được học kiến ​​thức về mối liên hệ giữa con người và trời, đồng thời cũng học cách diễn đạt giàu sắc thái văn học.

Cổ nhân dạy người ta nên quý trọng thời gian, họ thường nói mặt trời mà lên ba sào là không còn sớm nữa rồi, không như ngày nay một câu không còn sớm nữa, là coi như xong rồi, không để lại không gian tưởng tượng nào. Con người ngày nay kiến thức khá hạn hẹp, hoặc là ít thấy nên thường cảm thấy lạ, hoặc là ngạc nhiên trước nhửng chuyện vặt, cổ nhân sẽ dùng cụm từ “Thục khuyển phệ nhật” (chó đất Thục sủa mặt trời) để biểu đạt tỷ dụ gián tiếp. Khi chế giễu người khác đang sợ hãi và ai dễ bị sợ hãi sẽ dùng cụm từ “Ngô ngưu suyễn nguyệt” (Trâu đất Ngô thở hổn hển khi thấy mặt trăng) để hình dung. Những ngôn từ trên thật là hình tượng sống động và hàm súc.

Đọc những câu văn này làm cho người ta hiểu được cái hay, cái dí dỏm trong cuộc sống thường ngày của người xưa. Ở một góc độ khác, ngay cả việc chế giễu con người cũng thật là nghệ thuật, quả là đáng hâm mộ.

Kể chuyện

Ngô ngưu suyễn nguyệt

“Ngô Ngưu” là loài trâu, có nguồn gốc từ lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài ở Trung Quốc. Thời tiết ở Giang Tô và Chiết Giang khá nóng bức, trâu vốn dĩ rất sợ nóng nên thích ngâm mình trong nước hoặc ở trong bóng râm vào mùa hè. Vì nắng nóng quá nên trâu cảm thấy rất khó chịu, vì vậy nhiều khi nhìn thấy trăng vào ban đêm, chúng thường lầm tưởng mặt trời đã ló dạng, nhiệt độ lại tăng lên khiến chúng sowk quá thở hổn hển. Vì vậy, trong truyện "Phong Tục Thông Nghĩa - Dật văn" của Ưng Thiệu đời Hán có câu "Ngô ngưu suyễn nguyệt" (Trâu đất Ngô thở hổn hển khi nhìn thấy mặt trăng). Về sau, câu thành ngữ "Ngô ngưu suyễn nguyệt" này bắt đầu phổ biến rộng rãi khắp nơi.

Trong cuốn "Thế Thuyết Tân Ngữ" có câu chuyện về “Ngô ngưu suyễn nguyệt”. Một đại thần của Tấn Vũ Đế là Mãn Phấn rất sợ gió. Có lần ông ngồi cạnh Tấn Vũ Đế, cửa sổ phía bắc có tấm bình phong lưu ly khá chắc chắn, rất kín, nhưng trông có vẻ như gió vẫn có thể luồn vào. Mãn Phấn biết rằng, bình phong này dày và sẽ không có gió lọt qua, nhưng trên mặt ông vẫn lộ ra vẻ sợ hãi, bất giác rùng mình. Khi nhìn thấy thế, Vũ Đế đã cười nhạo khiến Mãn Phấn ngượng ngùng trả lời: "Thần giống như trâu đất Ngô, hễ nhìn thấy mặt trăng là sẽ nghĩ đó là mặt trời, sợ đến nổi thở hổn hển".

Cách xác định thời gian bằng bóng mặt trời

Khuê biểu là khí cụ quan sát mặt trời để đo thời gian. Chúng có cấu tạo rất đơn giản và là công cụ đo thời gian lâu đời nhất được lưu truyền ở Trung Quốc, thực tế niên đại phát minh đã không thể khảo cứu đươc nữa.

“Khuê biểu” được phát triển từ "Biểu", dần dần người ta chuyển từ “Khuê biểu” sang “Nhật Quỹ" (khí cụ dựa vào bóng của mặt trời để ước lượng giờ giấc). “Biểu” ban đầu chỉ là một chiếc cột tre hoặc cột đá dựng thẳng trên mặt đất, chúng ta quen gọi là “Can ảnh trắc nhật” (xác định thời gian bằng bóng mặt trời), lợi dụng sự biến đổi của bóng que để hiểu về thời gian.

Cổ nhân đã phát hiện ra các vật thể, khi được mặt trời chiếu vào sẽ có một cái bóng với độ dài ngắn khác nhau, thay đổi theo vị trí của mặt trời, và có một số quy luật nhất định. Chẳng hạn, trong ngày Hạ chí ở phía bắc bán cầu, bóng của vật thể sẽ ngắn nhất trong năm; còn vào ngày Đông chí ở bắc bán cầu thì ngược lại, cái bóng sẽ dài nhất trong năm. Vì vậy, người ta dần nghĩ đến việc dùng cọc tre hay cột đá làm công cụ quan sát sự thay đổi của bóng mặt trời, đây chính là nguồn gốc của “Biểu”.

Tuy cấu tạo của “Biểu” khá đơn giản, nhưng lại có khá nhiều công dụng. Sau nhiều năm sử dụng, người ta đã có thể dùng “Biểu” một cách rất thuần thục. Bạn có thể xác định được phương hướng, mặt trời, thời gian, khu vực, v.v. theo hướng bóng đổ trên mặt đất với độ dài ngắn khác nhau. “Khuê biểu” gồm "biểu" được dựng thẳng đứng trên mặt đất bằng phẳng, và thước “Khuê” (đo lường) nằm theo hướng bắc nam. Muộn nhất là vào cuối thời Xuân Thu, người ta dùng khuê biểu đo bóng của mặt trời để làm ra cuốn lịch, đây là phương pháp quan trọng làm lịch của người xưa.

Huy Hải
Theo Lưu Như - Epochtimes

Xem tiếp