Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 35: Thái Luân tạo ra giấy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghề làm giấy hiện đại sử dụng máy móc để thay thế sức lao động, nhưng các nguyên tắc cơ bản, quy trình và nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất giấy về cơ bản giống với cách làm giấy của Thái Luân 1900 năm trước.

Nguyên văn

堯帝作圍棋,以教丹朱;武王作象棋,以象戰羿。……筆乃蒙恬所造,紙乃蔡倫所為。

Bính âm

Yáo Dì zuò wéiqí, yǐ jiào Dān Zhū; Wǔ Wáng zuò xiàngqí, yǐ xiàng zhàn yì... Bǐ nǎi Méng Tián suǒ zào, zhǐ nǎi Cài Lún suǒwéi

Hán Việt

Nghiêu Đế tác vi kỳ, dĩ giáo Đan Chu; Vũ Vương tác tượng kỳ, dĩ tượng chiến nghệ; bút nãi Mông Điềm sở tạo; chỉ nãi Thái Luân sở vi.

Giải thích từ ngữ

(1)堯帝 Nghiêu đế: Một trong Ngũ Đế, con cháu của Hoàng Đế, sống tiết kiệm đơn giản, siêng năng trị quốc, yêu thương dân chúng.
(2)丹朱 Đan Chu:con trai Đế Nghiêu.
(3)武王 Vũ Vương: Chu Vũ Vương, con trai Chu Văn Vương, diệt nhà Thương lập ra triều Chu.
(4)象 Tượng: Tượng trưng.
(5)乃 nãi:là.
(6)蒙恬 Mông Điềm: Danh tướng nhà Tần. Giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, từng dẫn quân đánh lui Hung Nô, tu sửa Trường thành.

Dịch nghĩa

Tương truyền, vua Nghiêu phát minh ra cờ vây để dạy cho con của ngài là Đan Chu, giúp Đan Chu mở mang trí huệ và ước thúc thân tâm. Chu Vũ Vương phát minh ra cờ tướng, dùng quân cờ tượng trưng cho hai quân đánh nhau, qua đó nghiên cứu các sách lược. Danh tướng nhà Tần là Mông Điềm tạo ra bút lông. Hoạn quan thời Đông Hán là Thái Luân cải tiến kỹ thuật làm ra giấy.

Đọc sách bút đàm

Kiến thức trong bài học này để cho mọi người biết được các phát minh kỹ thuật được truyền lại cho đến ngày nay và ảnh hưởng đến thế giới, đặc biệt là nghề làm giấy, được mệnh danh là một trong tứ đại phát minh của Trung Quốc. Thái Luân đã được người dân tôn kính hàng nghìn năm và được coi là “Thần giấy”. Nhà khoa học Mỹ là Mike viết trong quyển "100 người nổi tiếng hàng đầu ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử loài người", Thái Luân xếp thứ bảy, trước Columbus và Einstein. Có thể thấy, đóng góp của ông đối với sự phát triển của văn hóa thế giới là rất lớn. Giấy là nhu cầu thiết yếu hàng ngày không thể thiếu hiện nay.

Bắt đầu từ câu thành ngữ “Học giàu năm xe”

Nói đến tầm quan trọng của nghề làm giấy, thuyết phục nhất phải kể đến ba câu thành ngữ: học phú ngũ xa (học giàu năm xe), vi biên tam tuyệt (đứt dây sách ba lần), hãn ngưu sung đống (trâu kéo xe sách đổ mồ hôi, sách chất đến đỉnh cột nhà).

Ngày nay người ta dùng câu “học giàu năm xe” để hình dung kiến thức uyên bác của một người nào đó. Vì sao phải dùng năm xe để diễn tả kiến thức uyên thâm của một người? Bởi vì trước khi phát minh ra giấy, người xưa thường viết chữ trên những chiếc phên tre hay những mảnh tre và các mảnh này được nối với nhau để trở thành một “quyển sách” hay một “cuốn sách”. Hãy nghĩ thử, nếu bạn viết một cuốn sách dài, số lượng sẽ vô cùng nhiều. Khi những cuốn sách này cộng lại với nhau sẽ trở thành rất nặng. Nếu bạn muốn đem theo sách bên mình, phải dùng đến xe.

Chuyện kể rằng vào thời Chiến Quốc, đời Tống có một nhà tư tưởng tên là Huệ Thi, ông ta giỏi biện luận, viết nhiều sách, thường được mời thuyết pháp, mang theo nhiều sách bên mình. Ông thường đem theo năm chiếc xe (chở sách), nên có điển cố “học giàu năm xe”.

Inscribed bamboo-slips of Sun Bin's Art of War.jpg

Binh pháp Tôn Tử viết trên thẻ tre khai quật mộ cổ đời Hán (Nguồn wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Còn sự tích khác là Khổng Tử đọc Kinh Dịch, bởi vì đọc quá nhiều lần nên sợi dây thừng nối các nan tre đã bị đứt ba lần, do đó câu thành ngữ “vi biên tam tuyệt” là chỉ sợi dây thừng bằng da trâu đứt ba lần, mô tả những người đang học tập chăm chỉ.

Vào thời Tây Hán, người ta kể rằng học giả Đông Phương Sóc đã chuyển bộ sách “mưu lược trị quốc” vào cung bằng xe bò, được bệ kiến Hán Vũ Đế. Bản tấu chương của ông sử dụng ba nghìn thanh trúc giản, và phải có hai binh sĩ cường tráng khiêng vào cung điện.

Trong những năm dài không có giấy, không chỉ người viết sách, đọc sách gặp khó khăn mà Hoàng đế phê duyệt tấu chương trong một ngày cũng rất vất vả. Số lượng lớn nan tre, sách vở không chỉ khó bảo quản, vận chuyển nặng, còn bị đứt dây, cần sắp xếp lại các mảnh tre, nên có thể bị đảo lộn trật tự, nhiều sách cổ gặp vấn đề này nên rất bất tiện. .

Tất nhiên, do có quá nhiều sách, và người ta phải sử dụng thành ngữ “Hãn ngưu (trâu đổ mồ hôi hột) và “Sung đống” (đầy cả một nhà) để mô tả sự nặng nề và số lượng khổng lồ của nó, tạo thành thành ngữ "hãn ngưu sung đống". Nguồn gốc của những thành ngữ này có một điểm chung, đó là chất liệu viết quá đồ sộ.

Các văn bản viết cổ đại

Các văn bản sớm nhất thời cổ đại được khắc trên mai rùa hoặc xương động vật, được gọi là “giáp cốt văn”. Đến triều đại nhà Thương và nhà Chu, các văn tự được đúc, khắc trên đồ đồng như chuông và đỉnh, hoặc khắc trên đá, thường được gọi là Chung đỉnh văn hay Thạch cổ văn. Xương, mai rùa, đá rất cứng nên hầu hết mọi người không thể khắc lên chúng với số lượng lớn, cũng như không tiện đem theo. Nó chủ yếu được sử dụng để ghi chép về các lễ tế quốc gia và bói toán. Cuối thời Xuân Thu, người ta bắt đầu dùng “giản độc” (Sách thẻ tre) thay cho mai rùa và xương thú. “Độc” nghĩa là miếng gỗ.

Người thời đó thường dùng 1 miếng thẻ tre dài khoảng 1 thốn để viết thư. Do đó mà thư từ còn gọi là “xích độc”, so với mai rùa và xương thú thì rẻ và tiện lợi hơn

Sách lụa "Thiên văn khí tượng tạp chiêm" khai quật từ ngôi mộ cổ đời Hán (Phạm vi công cộng)

Tơ và lụa cũng được dùng làm chất liệu viết, nhưng lụa và tơ tằm rất đắt đỏ. Vào thời nhà Hán, giá một tấm lụa và tơ tằm tương đương với 720 cân gạo. Đối với tờ giấy, thành phần lụa cũng được sử dụng như chất nền.

Công nghệ làm giấy của Thái Luân truyền ra thế giới

Mãi đến thời Đông Hán, Thái Luân mới sử dụng vỏ cây, vải, lưới đánh cá và các vật liệu rẻ tiền khác để làm giấy, và phát minh ra công nghệ làm giấy làm cho giấy trở thành vật liệu rẻ và phù hợp để viết. Loại giấy làm ra được Thái Luân gọi là "帋" (chữ Chỉ nhưng có bộ cân để chỉ giấy này gốc từ vải làm ra). Nhưng sau này người ta vẫn dùng từ "giấy" 紙 (chữ Chỉ với bộ Mịch 糸 nghĩa là Tơ, vì giấy ban đầu có thành phần từ lụa) để chỉ loại giấy do Thái Luân làm ra.

Nghề làm giấy hiện đại sử dụng máy móc để thay thế sức lao động, nhưng các nguyên tắc cơ bản, quy trình và nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất giấy về cơ bản giống với cách làm giấy của Thái Luân 1900 năm trước.

Sách "Thiên công khai vật" đời Minh ghi chép và minh họa quy trình làm giấy

Công nghệ sản xuất giấy của Trung Quốc sau đó đã được giới thiệu đến Triều Tiên, Nhật Bản, Ả Rập và Châu Âu thông qua nhiều kênh khác nhau, và cuối cùng là Châu Mỹ và Hoa Kỳ.

Năm 1276, nhà máy giấy đầu tiên được xây dựng trên bán đảo Ý để sản xuất giấy gai dầu. Nhà máy giấy đầu tiên được xây dựng ở Anh vào năm 1494. Nhưng công nghệ thấp và chất lượng kém. Vào thời Càn Long, họa sĩ người Pháp tên Tương Hữu Nhân, người làm việc trong triều đình nhà Thanh đã gửi những bức tranh về công nghệ làm giấy của Trung Quốc trở lại Paris, và công nghệ làm giấy tiên tiến của Trung Quốc đã được phổ biến rộng rãi ở châu Âu.

Tranh vẽ về công nghệ làm giấy của Trung Quốc của một nhà truyền giáo người Pháp thời nhà Thanh (Phạm vi công cộng)

Cho đến năm 1690 sau Công nguyên, Philadelphia mới xây dựng nhà máy giấy, muộn hơn 1,585 năm so với nghề làm giấy của Thái Luân.

Kể chuyện

Cờ vây

Văn nhân cổ đại Trung Quốc phải có đủ bốn tài năng “cầm kỳ thư họa” để tu thân, dưỡng tính. Kỳ là nói đến “Cờ vây”. Tương truyền, con trai của Đế Nghiêu là Đan Chu, có tính khí bướng bỉnh và không tiếp nhận dạy dỗ, để khiến anh ta tĩnh tâm và học hỏi, Đế Nghiêu đã phát minh ra cờ vây, dạy Đan Chu chơi để rèn luyện tinh thần và rèn luyện tính khí của anh ta. Kể từ đó, cờ vây đã trở thành một hạng mục quan trọng để các trí thức xưa tu tâm dưỡng tính, đồng thời nó cũng là một trong những tinh hoa của văn hóa Trung Hoa.

Các tên khác của cờ vây “Dịch”, “Sừ”, “Thủ Đàm”, “Tọa ổn”, “Hắc Bạch”, “Phương viên”, “Lạn Kha”... Gọi “Hắc Bạch” là các viên cờ có hai màu Đen và Trắng, ý nghĩa là Âm Dương. Quân đen 181 viên, quân trắng 180 viên. Gọi “Phương viên”, ý nghĩa là trời tròn đất vuông. Vuông là chỉ bàn cờ, do 19 đường ngang và 19 đường dọc tạo thành. Tròn là các quân cờ.

Bàn và quân cờ vây

Cờ vây (Nguồn: wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Cờ vây còn có tên "Lạn Kha" có nguồn gốc từ một truyền thuyết huyền diệu. Vào thời Nam triều "Thuật Dị Ký", có ghi chép rằng vào thời nhà Tấn có một tiều phu tên là Vương Chất một ngày nọ đi vào núi Thạch Thất đốn củi (nay là phía đông nam của Cù Châu, Chiết Giang), vô tình gặp hai đồng tử đang chơi cờ, ca hát. Vương Chất xem đánh cờ và nghe tiếng hát đến mê mẩn, không nhận thức được thời gian trôi qua, cũng quên mất đói bụng. Một đồng tử đưa cho cậu ta một trái tiên trông giống như táo. Vương Chất ngậm nó trong miệng, bỗng không còn cảm thấy đói và khát một cách kỳ diệu. Ngay sau đó, đồng tử bảo cậu ta rằng đã đến giờ phải về nhà. Vương Chất đứng dậy, chỉ thấy cán rìu đặt sang một bên đã mục nát. Sau khi trở về nhà, mọi thứ hoàn toàn thay đổi hết, cả dân làng không ai biết cậu ta, bởi một thế hệ đã qua đời. Từ đó, cờ vây có tên gọi là “Lạn Kha”.

Phương pháp chơi cờ vây là mỗi người chơi lấy một quân cờ có một màu, đen trước rồi đến trắng, và lần lượt đặt một quân cờ trên giao điểm của đường thẳng.

Kỹ thuật làm giấy

Trước khi phát minh ra giấy, người Trung Quốc đã khắc chữ Hán trên tre, nứa, gỗ, đồ đồng bằng đá vàng, hoặc xương động vật và mai rùa, sau đó dùng dây thừng và da để nối các nan tre và gỗ thành một cuốn sách rất nặng và khó mang theo, đọc không thuận tiện. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, tuy sách lụa làm bằng lụa rất tiện lợi, nhẹ nhàng nhưng lại đắt tiền, không được phổ biến rộng rãi.

Sau đó, người ta phát minh ra sợi gai hoặc dùng sợi gai để làm giấy, nhưng kết cấu của giấy gai thô và không thích hợp để viết. Thời Hán Hòa Đế triều Đông Hán, thái giám là Thái Luân đã đúc kết công nghệ làm giấy và kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, cải tiến phương pháp làm giấy, tạo ra loại giấy nhẹ, chắc và phù hợp để viết.

Bức tranh "Trâm hoa sỹ nữ đồ" của Chu Phưởng đời Đường (Phạm vi công cộng)

Sau khi nghiên cứu thử nghiệm liên tục, Thái Luân nhận thấy lưới đánh cá cũ, quần áo rách, vỏ cây, dây gai và các vật liệu khác được ngâm và đập thành bột giấy, sợi nguyên chất được dùng để làm giấy rẻ tiền và chất lượng tốt, người dân gọi là "Thái Hầu chỉ” (giấy của Thái Hầu). Kể từ đó, công nghệ làm giấy liên tục được cập nhật và cải tiến. Đệ tử của Thái Luân là Khổng Đan đã sử dụng vỏ cây kim tuyến và cỏ đa giác để làm ra “giấy Tuyên” (Tuyên chỉ) thích hợp nhất cho thư pháp và hội họa.

Minh Bảo
Theo Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 35: Thái Luân tạo ra giấy