Ấu Học Quỳnh Lâm (Bài 24): Cố sự Ngu Thuấn chế y phục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bậc đế vương có thành tựu trong các thời đại, đều rất coi trọng việc tu dưỡng đạo đức, xưa nay đều rất xem trọng việc tiết kiệm chịu khổ, chú ý không để cho bản thân rơi vào tình cảnh, một khi đắc chí liền đánh mất tấm lòng trung trinh ban đầu, trở nên sa đọa, đánh mất giang sơn.

Nguyên văn: 虞舜製衣裳,所以命有德;昭侯藏敝絝,所以待有功。

Hán Việt: Ngu Thuấn chế y thường, sở dĩ mệnh hữu đức; Chiêu Hầu tàng tệ khố, sở dĩ đãi hữu công.

Diễn nghĩa: Ngu Thuấn chế ra y phục, ban cho người có đức; Chiêu Hầu cất quần cũ, đợi ban cho người có công.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 虞舜 - Ngu Thuấn: Một trong Ngũ Đế. Họ Diêu, tên Trọng Hoa. Được vua Nghiêu nhường ngôi mà có thiên hạ, quốc hiệu là Ngu.
(2) 所以 - Sở dĩ: Dùng để.
(3) 命 - Mệnh: Bổ nhiệm.
(4) 有德 - Hữu đức: Người có đức hạnh.
(5) 昭侯 - Chiêu Hầu: quân vương của nước Hàn vào thời chiến quốc, lúc tại vị, trọng dụng Thân Bất Hại cho làm tướng quốc, quốc gia đại trị.
(6) 藏 - Tạng: Giấu, cất giữ.
(7) 敝絝 - Tệ khố: cái quần rách. Tệ: cũ nát; Khố (): chỉ cái quần.
(8) 待 - Đãi: Chờ đợi.
(9) 有功 - Hữu công: Người có công lao.

Bản dịch tham khảo:

Ngu Thuấn chế định ra đẳng cấp y phục theo kiểu dáng, hoa văn và màu sắc, làm tiêu chí phân chia đẳng cấp chức vị, bổ nhiệm người có đức; Hàn Chiêu Hầu cất giữ quần cũ, cựu công thần cũng như quần cũ, không đành lòng bỏ đi, nên cất giữ để ban cho người có công.

Giải thích văn bản:

Bài giảng trên là cố sự về sự tiết kiệm trong sinh hoạt giữa đệ tử của Khổng Tử và Tể tướng triều Hán Công Tôn Hoằng, để con người hiểu được đạo lý “Kiệm khả dưỡng đức” (tiết kiệm có thể giúp ích cho việc tu dưỡng đạo đức). Truy cầu hưởng thụ ham muốn vật chất quá mức sẽ khiến con người rời xa chính Đạo, bước sang con đường hiểm ác, vì tiền tài mà mất mạng, đức tính dễ dàng bị chôn vùi. Bài học này cũng giảng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm, có điều là giảng từ một góc độ khác, từ góc độ đế vương trị quốc thời cổ đại mà giảng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Mục đích vẫn là vì để tu dưỡng đạo đức. Đế vương tiết kiệm có thể làm được “vi chính dĩ đức" (dùng đức thực thi chính sách), là lý tưởng trị quốc để quốc gia hưng thịnh.

Vậy thế nào là “vi chính dĩ đức"? Ví dụ điển hình nhất từ thuở sơ khai đó là Thuấn đế lấy hiếu mà trị vì thiên hạ. Tư tưởng trị quốc truyền thống này, không phải là Khổng Tử một mình sáng tạo, mà là Khổng Tử kế thừa và tổng kết ra. Chính là Thuấn đế đã dùng cả một đời của mình để lưu lại cho con cháu đời sau và đế vương các thời đại.

Hồi Thuấn đế còn nhỏ phải chịu đủ thứ ngược đãi đánh đập mắng chửi, chịu đói chịu rét, cha thì bị mù mắt, mẹ kế lại độc ác, hai em trai do mẹ kế sinh ra đồng lõa với mẹ và cha, nhiều lần bày mưu tính kế sát hại Thuấn, thế nhưng, ông chưa từng oán hận cha mẹ và hai em của mình, ông vẫn nghe lời hiếu kính cha mẹ, bảo vệ cho các em, lấy đức báo oán. Bởi vì không được gia đình dung nạp, nên ông phải ra ngoài mưu sinh, và ông vẫn như trước, lấy đạo hiếu đễ đối đãi với tất cả mọi người, bất luận là đánh cá, làm nông, hay là làm thợ thủ công để sinh sống, ông đều kính lão yêu trẻ như vậy, cần cù chăm chỉ, lấy lòng khoan dung nhân nghĩa nhường nhịn để cảm hoá người xung quanh, đến nỗi ông đi đến nơi nào nơi ấy trở nên đông đúc phồn thịnh. Ngay cả nơi mà trước đây hoang vu nghèo khó, sau ba năm đều trở thành thành thị. Nghiêu đế vì nghe được danh hiếu đễ của ông mà cuối cùng đem đế vị truyền lại cho ông.

Bức tranh của Vương Tố vào triều Thanh, Ngu Thuấn làm việc hiếu cảm động trời xanh.
Bức tranh của Vương Tố vào triều Thanh, Ngu Thuấn làm việc hiếu cảm động trời xanh.

Có thể thấy rằng, trải qua khổ nạn là sự tôi luyện trân quý, để có thể dưỡng thành đại đức. Các bậc minh quân đời sau, khi làm điều gì cũng nhớ đến mỹ đức một đời tiết kiệm chịu khổ của ông, hết lòng cung phụng cha mẹ và trưởng bối không một lời oán thán, thân thiện yêu quý em và tận tâm chiếu cố bách tính trong thiên hạ, mọi người đều thấy được Thuấn đế chính là hình mẫu cho việc lấy đức trị quốc. Ông trải qua khổ cực, bởi vậy mà hiểu được phải có lòng nhân ái với trăm họ, khi trị quốc, có thể chọn người có đức lớn làm quan, cho nên mới nói ông “chế ra y phục, dùng để bổ nhiệm cho người có đức”. Bổ nhiệm người có đức quản lý quốc gia, quốc gia mới không bị băng hoại, trăm họ mới có cuộc sống an khang, thiên hạ được thái bình.

Cho nên các bậc đế vương có thành tựu trong các thời đại, đều rất coi trọng việc tu dưỡng đạo đức, xưa nay đều rất xem trọng việc tiết kiệm chịu khổ, chú ý không để cho bản thân rơi vào tình cảnh, một khi đắc chí liền đánh mất tấm lòng trung trinh ban đầu, trở nên sa đọa, đánh mất giang sơn. Những điều nói dưới đây là câu chuyện các đế vương tiết kiệm tu dưỡng đạo đức, không đánh mất ân nghĩa, để trị sửa quốc gia, khiến người ta cảm ngộ sâu sắc.

Kể chuyện

Ngu Thuấn là một trong Ngũ đế trong truyền thuyết, là bậc hiền nhân hiếu thuận, sau khi kế ngôi Nghiêu đế mà trở thành chủ của thiên hạ. Có lần Thuấn tuần sát khắp thiên hạ, chia thiên hạ thành 12 châu, quan sát thiên tượng, tế tự Thượng Đế cùng Thần linh sông núi, chỉnh đốn quy chế tế lễ, tuyên dương thiện lương và bài xích cái ác.

Căn cứ theo “Thư - Ích tắc" ghi chép: Thuấn chế định y phục, dùng màu sắc, kiểu dáng, hoa văn, đồ hình là tiêu chí phân loại đẳng cấp, rồi ban cho người có đức hạnh, để họ làm việc vì bách tính.

Tranh Đế Thuấn

Hàn Chiêu Hầu vào thời chiến quốc, làm một vị quân vương Thánh minh. Khi còn tại vị, ông trị vì quốc gia lớn mạnh, chư hầu không dám tới xâm phạm. Ông có một chiếc quần, mặc dù đã rách nát lắm rồi nhưng không nỡ vứt bỏ. Ông nói: Cái quần này trước đây là hữu dụng, giờ mặc dù nó cũ nát rồi, nhưng ta không đành lòng vứt bỏ; cũng giống như người có công lao, ta không đành lòng lãng quên công lao trước kia của họ. Cho nên cất giữ chiếc quần cũ này, chờ đợi người có công rồi ban thưởng cho người đó.

Công thần khai quốc thời Nam Triều Tống Lưu Dụ, khi còn trẻ gia cảnh nghèo đói, vì cuộc sống mà không thể không ra ngoài mưu sinh. Lưu Dụ từ biệt người nhà, mặc vào bộ đồ thê tử tự tay may cho hôm tân hôn, đến Tân Châu giúp người ta thu hoạch cỏ lau để đổi lấy thức ăn và quần áo. Liên tiếp mấy ngày liền làm việc dưới nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, bộ đồ mới rất nhanh bị rách rưới, vất vả đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền cũng chỉ đủ duy trì sinh hoạt. Sau này, Lưu Dụ mặc bồ đồ rách rưới này mà tham gia vào quân đội, lập được chiến công, được thăng tiến. Về sau trở thành Hoàng đế triều Lưu Tống.

Vũ Đế Nam Triều Tống Lưu Dụ

Sau khi Lưu Dụ lên ngôi hoàng đế, cũng không quản thời gian bần hàn lúc còn trẻ, ông mang bộ quần áo vải thô cũ nát cất giữ cẩn thận, thường xuyên nói với con cháu rằng: “Ta giữ gìn bộ đồ cũ nát này, là để nhắc nhở bản thân không quên những năm tháng gian khổ đó. Con cháu đời sau nếu ai sống xa xỉ, không biết tiết kiệm, thì nhất định phải nghiêm trị theo gia pháp". Nhờ Lưu Dụ đi đầu trong việc sống tiết kiệm chất phác, khiến cho lối sống xa xỉ từ thời Đông Tấn đến đó được cải biến.

Đế vương tiết kiệm, thì có thể thận trọng trong tang lễ cha mẹ, tưởng nhớ đến tổ tiên đời trước, lấy đức trị quốc, yêu quý hạ thần và bách tính, hiểu được thị phi ân nghĩa, mới có thể có được sự ủng hộ thật lòng của người dân trong thiên hạ, quốc gia mới có thể phồn vinh an ổn; một người biết tiết kiệm, cũng lấy đức cai quản gia đình, kính trọng phụ mẫu, bảo vệ huynh đệ, không quên cảm ân nỗi vất vả của thê tử, vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, gia đình tự nhiên hòa thuận, cho nên nhà thuận vạn sự hưng. Làm việc tề gia trị quốc, đều bắt đầu từ tự thân tu dưỡng đạo đức, tổ tiên dạy bảo, con cháu cần phải khắc ghi.

Lam Sơn
Theo The Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm (Bài 24): Cố sự Ngu Thuấn chế y phục