Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 23: Câu chuyện chiếc chăn vải 10 năm 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì vậy, không có dục vọng mạnh mẽ nào thì không ai có thể làm người đó bị lung lay. Vậy mới có thể đạt tới cảnh giới mà cổ nhân nói “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Vậy nên, tiết kiệm là cách tốt nhất để tu dưỡng đức hạnh. 

Nguyên văn chữ Hán

卜子夏甚貧,鶉衣百結;公孫弘甚儉,布被十年。

Hán Việt

Bốc Tử Hạ thậm bần, thuần y bách kết; Công Tôn Hoằng thậm kiệm, bố bị thập niên

Bính âm

Bǔ Zǐ Xià shèn pín, chún yī bǎi jié; Gōng Sūn Hóng shèn jiǎn, bù bèi shí nián.

Giải thích từ ngữ

  1. 卜子夏 Bốc Tử Hạ: tức là Tử Hạ, họ Bốc, tên Thương. Là người nước Vệ cuối đời Xuân Thu, là học trò của Khổng Tử. Ông là người giỏi văn chương. Sau khi Khổng Tử qua đời, ông đã dạy học ở Tây Hà, và Ngụy Văn Hầu đã tôn ông làm thầy.
  2. 甚 Thậm: rất, vô cùng.
  3. 鹑衣 Thuần y: thuần nghĩa là con chim cút. Chim cút có cái đuôi cụt, lông màu vàng nâu xen kẽ những đốm vàng, trông giống như một miếng vá tồi tàn nên được dùng để chỉ những bộ quần áo cũ sờn rách, vá víu.
  4. 百结 Bách kết: Trăm mối nối, quần áo làm bằng vải vụn được kết nối với nhau, như một phép ẩn dụ cho quần áo cũ.
  5. 公孙弘 Công Tôn Hoằng: người gốc Tứ Xuyên thời Tây Hán, nổi tiếng tiết kiệm
  6. 俭 Kiệm: tiết kiệm
  7. Bố bị: chăn làm bằng vải thô

Dịch nghĩa

Gia đình Tử Hạ nghèo, quần áo ông mặc bị vá nhiều chỗ, rách nát, nhưng ông không quan tâm và sẵn sàng sống một cuộc sống khốn khó. Công Tôn Hoằng rất tiết kiệm, sử dụng một tấm chăn vải thô suốt 10 năm.

Tử Hạ
Bốc Thương, tức Tử Hạ, đệ tử của Khổng Tử, nổi tiếng văn học.

Đọc sách bút đàm

Bài học này rất đơn giản, chủ yếu lấy cao đồ của Khổng Tử và danh tướng thời Tây Hán là Công Tôn Hoằng làm ví dụ để minh họa tầm quan trọng của tiết kiệm. Có một câu cổ ngữ: “Kiệm khả dưỡng đức”(Tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh).

Nói cách khác, người xưa cho rằng dù là học giả hay làm quan thì cũng nên chú ý rèn luyện thói quen tốt là sống tiết kiệm. Vì vậy, trẻ em được nhắc nhở học hỏi từ một trong những ông tổ của Nho gia là Tử Hạ, và một vị danh tướng đến địa vị Tam Công mà vẫn duy trì cuộc sống giản dị của những người dân thường, để có thể trau dồi đức hạnh của bản thân.

Tại sao tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh? Bởi vì dục vọng của con người là vô tận, nếu con người không biết kiềm chế ham muốn của mình và mù quáng theo đuổi ham muốn vật chất và hưởng lạc, họ sẽ tự nhiên phát triển chấp trước vào quyền thế và tài phú. Để có được những điều này, người ta dễ từ bỏ phẩm hạnh làm người, dần dà đến mức liều lĩnh, phạm pháp và phạm tội nên mới có câu nói “Người chết vì tiền”. Khi con người không có gì và thường xuyên đói, thì mong muốn của họ là được no đủ về cơm ăn, áo mặc. Nhưng khi thực sự có cơm ăn áo mặc, người ta lại mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn.

Ham muốn của con người là vô tận. Nếu con người không biết cách kiềm chế ham muốn của mình và mù quáng theo đuổi những dục vọng và thú vui vật chất, họ sẽ tự nhiên phát triển lòng tham quyền thế và tài phú. (Nguồn ảnh: StarFlames/ Pixabay)

Vì vậy, chỉ khi hiểu được dục vọng đáng sợ thế nào, hãy đối xử hợp lý với ham muốn vật chất và kiềm chế bản thân, ta mới có thể không rơi vào cạm bẫy của ham muốn vật chất, và như vậy sẽ không bị rời xa khỏi nhân đức. Có thể thấy, người xưa nói đến việc tiết kiệm đối với người làm quan, không chỉ là để làm gương cho dân, quý trọng dân, nguyên nhân lớn hơn nằm ở việc kiềm chế dục vọng ích kỷ để duy trì sự ước thúc đạo đức.

Vì vậy, có một câu ngạn ngữ cổ: “Vô dục tắc cương” (Nếu không có ham muốn, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ). Một người không quan tâm đến danh lợi, sống giản dị, thanh đạm, lấy khổ làm vui, sẽ không dễ dàng lung lay nguyên tắc sống của mình. Bởi vì bất kỳ lợi ích và thú vui nào cũng không phải là những gì người đó đang theo đuổi, thì người đó sẽ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ được mất nào cả. Bổng lộc hậu hĩnh, công danh lợi ích không phải là thứ họ muốn, nên dẫu có mất tất cả những thứ này, người đó cũng không sợ và quan tâm đến nó. Một khi đã không quan tâm đến nó nữa thì còn có những người và những thứ gì có thể đe dọa bản thân, hoặc khiến bản thân từ bỏ những nguyên tắc và tiết tháo của người quân tử chăng? Thế nên, đây chẳng phải là người mạnh mẽ cứng rắn nhất sao? Vì vậy, không có dục vọng mạnh mẽ nào thì không ai có thể làm người đó bị lung lay. Vậy mới có thể đạt tới cảnh giới mà cổ nhân nói “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Vậy nên, tiết kiệm là cách tốt nhất để tu dưỡng đức hạnh.

Nhìn vào cuộc sống hiện đại ngày nay, ham muốn vật chất đã được phóng đại vô cùng, và hậu quả là sự xuống cấp nhanh chóng về đạo đức và sự đổ vỡ của các mối quan hệ giữa con người với nhau. Không cần nói ai cũng thấy hậu quả nghiêm trọng.

Kể chuyện

Yến Anh tiết kiệm

Yến Anh là tướng quốc nổi tiếng của nước Tề thời Xuân Thu, cũng là một chính trị gia, nhà tư tưởng và ngoại giao nổi tiếng. Ông phò tá vua Linh Công, Trang Công, Cảnh Công, trải ba triều hơn 40 năm dài, xứng danh là “tam triều nguyên lão”.

Yến Anh tuy thân là tướng quốc, địa vị tôn quý nhưng sinh hoạt lại hết sức tiết kiệm. Ông dùng một chiếc áo choàng lông cáo suốt 30 năm, bản thân không những không để ý chuyện cơm ăn áo mặc mà còn nghiêm khắc răn dạy gia đình không mặc lụa, trang sức đắt tiền. Tề Cảnh Công rất kính trọng Yến Anh và nhiều lần ban thưởng nhưng đều bị ông từ chối. Yến Tử là người làm quan lớn lấy bản thân làm gương, nên có thể lãnh đạo nhân dân cải thiện phong khí của xã hội.

Yến Tử
Yến Tử (Yến Anh) ngày 3 lần can gián Tề Cảnh Công. Tranh ‘Yến Tử gián quân đồ’ (Họa sĩ: Chí Thanh/ Đại Kỷ Nguyên)

Tề Cảnh Tông thấy nơi Yến Tử ở gần chợ, địa thế thấp, ẩm thấp, nhỏ, bẩn, ồn ào, bụi bặm, không phải là nơi ở tốt nên muốn giúp ông đổi sang một tư dinh mới, khô ráo và yên tĩnh. Yến Tử từ chối không nhận, lễ phép cảm ơn và nói: “Tổ tiên của thần đã sống ở đây bao đời nay, thần còn lo tài đức mình không đủ, không đủ tư cách để thừa kế ngôi nhà này. Vì vậy, thần rất mãn nguyện sống ở đây. Hơn nữa lại gần chợ, sáng tối ra ngoài mua đồ rất tiện, học thêm được tâm tư tình cảm của nhân dân, thật sự không dám làm phiền đại vương xây nhà khác cho thần.”

Tề Cảnh Công nghe vậy, cười mà hỏi rằng: “Khanh sống gần chợ, nhất định thứ gì là đắt nhất và thứ gì là rẻ nhất không?”

Thời điểm đó, Tề Cảnh Công hỷ nộ thất thường nên hay lạm dụng hình phạt, rất nhiều người bị chặt chân, nên ở chợ có nhiều thương nhân bán giày chuyên cho người bị chặt chân. Yến Tử muốn nhân chuyện này mà can ngăn Tề Cảnh Công nên nhân đó mà trả lời: “Chân giả đắt, giày tương đối rẻ”. Tề Cảnh Công nghe xong cảm thấy xấu hổ nên từ đó giảm bớt hình phạt.

Sau đó, khi Yến Tử đến nước Tấn, Cảnh Công đã nhân cơ hội này để xây lại và mở rộng nhà của ông ta bằng cách phá dỡ các nhà xung quanh. Đến khi Yến Tử trở về thì ngôi nhà mới đã được xây dựng xong. Sau khi cảm ơn Cảnh Công, ông đã sai người đến phá dỡ ngôi nhà mới đó và phân phát số gỗ đã phá dỡ cho hàng xóm. Đồng thời, những ngôi nhà trong xóm bị cưỡng chế phá dỡ để làm nhà của ông được xây dựng lại như cũ, mời bà con lối xóm quay về.

Yến Tử đạo đức cao thượng, yêu cầu đối bản thân rất cao, lấy thân làm gương đề cao việc tiết kiệm, phản đối xa hoa, đối với hậu thế có ảnh hưởng rất lớn. Tư Mã Thiên rất tôn sùng ông ấy, thường so sánh ông với Quản Trọng. Khổng Tử cũng từng khen ngợi ông ấy: “Cứu dân trăm họ mà không kiêu ngạo. Giúp can gián phò tá ba vua, Yến Tử quả là bậc quân tử.”

Minh Bảo
Theo Epoch Times



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu học Quỳnh Lâm - Bài 23: Câu chuyện chiếc chăn vải 10 năm