Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 16: Tóc, da không được làm tổn hại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chân tay, lông tóc và da thịt của con người, tất cả đều do cha mẹ ban tặng, không được tùy tiện làm tổn hại, thương tật, đây chính là khởi đầu của đạo hiếu.

(Xem lại Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15;)

Nguyên văn chữ Hán

至若髮膚不可毀傷,曾子常以守身為大;待人須當量大,師德貴於唾面自乾。

Hán Việt

Chí nhược phát phu bất khả huỷ thương, Tăng Tử thường dĩ thủ thân vi đại; đãi nhân tu đương lượng đại, Sư Đức quý ư thoá diện tự can.

Bính âm

Zhì ruò fà fū bù kě huǐ shāng, Zēng Zǐ cháng yǐ shǒu shēn wéi dà; dài rén xū dāng liàng dà, Shī Dé guì yú tuò miàn zì gān.

Giải thích từ ngữ

(1) 髮膚 Phát phu: tóc và da.
(2) 曾子 Tăng Tử: tên Sâm, tên chữ là Tử Dư, học trò của Khổng Tử.
(3) 量大 lượng đại : khí độ rộng lớn, khoan dung độ lượng.
(4) 師德 Sư Đức: Lâu Sư Đức, người Trịnh Châu thời Đường, thời Võ Tắc Thiên từng vào triều làm thừa tướng.
(5) 唾面 Thóa diện: nhổ nước bọt vào mặt.

Dịch nghĩa

Về thân thể, tóc, da thịt đều là cha mẹ ban cho, không dám tùy ý hủy hoại, làm tổn thương, do đó Tăng Tử coi việc giữ gìn thân thể là việc lớn. Khi đối nhân xử thế cần phải khoan dung độ lượng, Lâu Sư Đức triều Đường cho rằng cần phải nhẫn nhịn, cho dù người ta có nhổ nước bọt vào mặt mình thì cũng đừng lau khô mặt, hãy để nước bọt tự khô.

Đọc sách bút đàm

Hai câu đầu của bài này có lẽ ai cũng quen thuộc, ai cũng biết, “thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu” (Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ ). Vì vậy, chúng tôi chủ yếu sẽ nói về nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của câu này, tại sao người xưa nghĩ rằng việc bảo vệ cơ thể, tóc và da là quan trọng đến như vậy.

Có người cho rằng, không có cơ thể khỏe mạnh thì không thể đạt được lý tưởng và thành tựu, số khác lại cho rằng, cha mẹ thường hay lo lắng cho sức khỏe của con cái, nếu biết cách bảo vệ thân thể của bản thân thì cha mẹ tự nhiên sẽ cảm thấy an lòng. Đây là điều căn bản nhất của hiếu hạnh, là việc đầu tiên cần phải làm được, nếu không, để thân thể bị thương, đau ốm, để cha mẹ ăn ngủ không yên, thì đương nhiên cũng là bất hiếu rồi. Những cách hiểu này có thể là đúng, nhưng về bản chất thì vẫn chưa nói đến.

Câu này thực ra xuất phát từ cuốn Hiếu Kinh, do Khổng Tử viết và được viết dưới hình thức cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và Tăng Tử. Trong cuốn Hiếu Kinh cũng có đề cập đến “thân thể" ở chương đầu tiên có tên là "Khai Tông Minh Nghĩa". Theo thông thường, ở đầu trang người ta đã kể hết những luận điểm của bộ sách: Tại sao phải hiếu, mục đích giảng đạo hiếu là gì? Vì nó xuất hiện ở chương đầu, nên ắt có ý nghĩa sâu sắc. Nếu bạn không thể đọc hết bộ sách này, bạn rất dễ đoạn chương thủ nghĩa hoặc hiểu nó một cách hời hợt. Vì vậy, sau khi đọc chương này, mọi thứ tự sẽ rõ ràng.

Tại sao phải hiếu, mục đích giảng đạo hiếu là gì? Vì nó xuất hiện ở chương đầu, nên ắt có ý nghĩa sâu sắc. (Ảnh: Miền công cộng)
Tại sao phải hiếu, mục đích giảng đạo hiếu là gì? Vì nó xuất hiện ở chương đầu, nên ắt có ý nghĩa sâu sắc. (Ảnh: Miền công cộng)

Nguyên văn và đại ý của "Hiếu Kinh - Khai Tông Minh Nghĩa"

Nguyên văn: Trọng Ni cư, Tăng Tử thị, Tử viết: “Tiên vương hữu chí đức yếu đạo, dĩ thuận thiên hạ, dân dụng hòa mục, thiên hạ vô oán. Nhữ tri chi hồ?” Tăng Tử tị tịch viết: “Sâm bất mẫn, hà túc dĩ tri chi?” Tử viết: “ Phù hiếu, đức chi bản dã, giáo chi sở do sinh dã. Phục toạ, ngô ngữ nhữ. Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm huỷ thương, hiếu chi khởi dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã. Phù hiếu, khởi ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập thân. “Đại Nhã" vân: ‘vô niệm nhĩ tổ, duật tu quyết đức’”.

Bức tranh cuốn “Tam Thánh: Khổng Tử, Nhan Hồi, Tăng Sâm” do người nhà Nguyên vẽ, hiện lưu giữ ở Nhà tư liệu văn vật Khổng Phủ, Ủy ban Quản lý Văn vật thành phố Khúc Phụ. (Phạm vi sử dụng cộng đồng)

Bản dịch: Một ngày nọ, Khổng Tử ngồi trong nhà, đệ tử của ông là Tăng Tử ngồi hầu bên cạnh. Khổng Tử nói: "Bậc đế vương tiên tổ có lòng nhân đức rất cao, thông hiểu các vấn đề then chốt trong việc điều hành đất nước và thiên hạ, để khiến thiên hạ người người đều quy thuận, người đều sống hoà thuận. Trên dưới hài hòa, người người đều không oán hận, không bất bình. Con có biết tại sao lại như vậy không?".

Nghe câu hỏi, Tăng Tử nhanh chóng đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi để thể hiện sự cung kính và trả lời rằng: "Học trò không đủ thông minh để hiểu, đạo lý nằm ở đâu ạ?"

Thế là Khổng Tử dạy bảo rằng: "Đức cao đạo hạnh của các vị tiên vương này chính là đạo hiếu. Nó là nền tảng và nguồn gốc của tất cả đức hạnh. Con ngồi xuống, ta sẽ nói cho con biết cụ thể thế nào là đạo hiếu. Chân tay, lông tóc và da thịt của con người, tất cả đều do cha mẹ ban tặng, không được tùy tiện làm tổn hại, thương tật, đây chính là khởi đầu của đạo hiếu. Muốn có chỗ đứng ở đời phải tuân theo đạo đức nhân nghĩa, là để lại tấm gương nhân đức cho thế hệ mai sau, cũng là làm cho cha mẹ vẻ vang vinh hiển, đây là mục đích cuối cùng của đạo hiếu. Cái gọi là đạo hiếu, bắt đầu từ việc phụng dưỡng cha mẹ, sau đó là phụng sự quân vương, và cuối cùng thành tựu được đức hạnh của mình, có đức cao ở thế gian. Trong "Kinh Thi - Đại Nhã - Văn Vương" có viết rằng: 'Làm sao có thể không nhớ đến tổ tiên của mình? Phải truyền thừa và tu hành các mỹ đức của tổ tiên để lại’".

 

Lấy đức lập thân, vì đức vang danh, đó là tận cùng của đạo hiếu

Chúng ta nhận thấy rằng, Khổng Tử giảng về đạo hiếu, bắt đầu giảng từ đạo đức cao của tiên vương, thực ra là đạo hiếu đễ và trung tín mà cả cuộc đời vua Thuấn đã để lại. Vua Thuấn không bao giờ oán giận khi bị mẹ kế, cha và em trai của mình ngược đãi, nhưng ông cả đời vẫn đối xử tốt với cha mẹ và yêu thương em trai. Ở bên ngoài, dù là khai hoang hay đi đánh cá, ông đều có thể dành chỗ tốt cho người già yếu. Đức hạnh của ông đã cảm hóa lòng người, giáo hóa thiên hạ, phong tục người dân trở về thuần hậu, trên dưới đều học theo, lòng người tự nhiên quy về. Khổng Tử nói về lòng nhân từ và đức độ của vua Thuấn với chữ hiếu làm gốc. Đó là cốt lõi cơ bản đạo lập thân trị quốc. Đó cũng là cội nguồn căn bản mà tiên vương vua Thuấn đã thực hiện, con người ắt phải bắt đầu từ chữ hiếu để nuôi dưỡng nhân đức của bản thân, vì vậy, đạo hiếu rất quan trọng.

Sau đó chúng ta mới bắt đầu lại từ đầu nói về cách thực hành đạo hiếu, tức là biết ơn và nâng niu tấm thân do cha mẹ ban tặng, và trân trọng sinh mệnh này. Tương lai, chúng ta không chỉ dùng thân mình phụng dưỡng cha mẹ, mà còn giúp vua trị nước, lợi dân, cuối cùng là làm rạng danh cha mẹ và tổ tiên. Lưu ý, tranh danh tiếng không phải là để hiển thị địa vị và danh tính của mình, làm rạng danh thế hệ mai sau, kiến lập công, cũng không phải vì mục đích cá nhân, thể hiện sự giàu có và địa vị, mà là để thành tựu đạo đức, lấy đức lập thân, lưu lại những điều danh tiếng tốt đẹp về nhân đức. Để các thế hệ mai phải kính trọng vì những đức tính cao đẹp của bạn, lấy bạn làm gương, đây thực sự là vinh quang rạng danh tổ tiên. Con cháu đời sau đều tự hào, vinh hạnh về điều này, đời đời truyền thừa, thực hiện tác dụng giáo hóa của đạo đức.

Cái danh mà Khổng Tử giảng là giá trị do nhân đức mà mang đến, để cho các thế hệ đời sau có thể tự hào. Vậy cuối cùng, xin kết thúc phần thảo luận về chữ hiếu này bằng lời trong “Thi Kinh” nói rằng, các đệ tử phải biết luôn nhớ ân đức của tổ tiên, noi gương, kế thừa và rèn luyện đức tính của mình.

Có thể thấy, việc bảo vệ thân thể mà cha mẹ ban cho không chỉ để cha mẹ yên lòng, mà còn là thực hành đạo hiếu tại gia đình, ra ngoài coi trọng trung tín, thực hành đạo nghĩa, lưu lại mỹ đức, làm tấm gương cho các thế hệ sau. Đây chính là vinh quang lớn nhất, cũng là đạo hiếu lớn nhất dành cho cha mẹ, tổ tiên, vì vậy đó chính là kế thừa và phát triển mỹ đức của tổ tiên, đó là đạo hiếu tối thượng.

Khổng Tử bắt đầu giảng về đạo đức cao đẹp của tiên vương, và kết thúc bằng việc kế thừa và thực hành mỹ đức của tổ tiên. Điều ông giảng là thực hành nhân đức, lấy đạo hiếu làm gốc, và bắt đầu bằng đạo hiếu. Có thể trị quốc, lập thân, soi sáng các đời sau, trở thành vinh quang của của cha mẹ và của gia tộc. Chắc chắn rằng, không phải là công danh lợi lộc để hiển thị năng lực và địa vị của bản thân mà người ngày nay coi trọng.

Nói cách khác, rạng danh không phải để thể hiện bản thân mà là để truyền thừa mỹ đức cho tổ tiên. Nó làm cho các thế hệ tương lai dùng mỹ đức lập thân và tự hào về lòng nhân đức. Nhà nhà đều muốn truyền bá đạo đức và công lý, đạt được mục đích đức cảm hóa thiên hạ.

Kể chuyện

Lâu Sư Đức nhân hậu và khoan thứ

Ngoài việc quan tâm đến thân thể của bản thân, mọi người hãy chú ý hơn đến việc tu dưỡng tâm tính, bồi dưỡng mỹ đức bao dung, nhẫn nại. Tục ngữ có câu: “Có lòng khoan dung nên trở nên vĩ đại”. Một sự nhẫn nại chân chính có thể là biển cả dung nạp trăm sông.

Lâu Sư Đức, tự Tông Nhân, là người Nguyên Vũ, Trịnh Châu, và từng là tể tướng thời Võ Tắc Thiên. Lâu Sư Đức làm quan đã 30 năm, giỏi phát hiện và tiến cử nhân tài, ông có khoan dung và độ lượng.

Có lần, Lâu Sư Đức và Nội sử Lý Chiêu Đức đồng hành. Ông vì quá mập, không đi được nhanh, nên Lý Chiêu Đức phải dừng đợi để ông nhiều lần, nhưng ông vẫn không theo kịp. Lý Chiêu Đức tức giận gọi ông là một gã nhà quê, Lâu Sư Đức không những không tức giận khi nghe câu này mà còn cười, đáp: “Tôi không phải là một gã nhà quê, thì còn ai nữa?”. Tính khí tốt và lòng đại độ lượng của ông đều thể hiện rất rõ ràng.

Sau này, em trai Lâu Sư Đức được bổ nhiệm làm Thứ sử Đại Châu. Trước khi em trai đi nhậm chức, Lâu Sư Đức đã nói: "Ta bây giờ là tể tướng và là người đứng đầu quần thần, nếu hôm nay em lại đi làm thứ sử Đại Châu, vinh quang và ân sủng tập trung ở một nhà, không tránh khỏi người khác sẽ ghen tị. Chúng ta phải làm thế nào để bảo toàn tính mệnh và tránh khỏi tai họa?"

Em trai ông quỳ xuống nói: "Có người đã từng nhổ nước bọt vào mặt em, em không nói gì, chỉ lặng lặng lau sạch đi. Em sẽ lấy đó để tự khuyên răn bản thân, quyết sẽ không làm anh phải lo lắng!"

Lâu Sư Đức nói: "Đây là điều ta lo lắng nhất, người ta nhổ nước bọt vào mặt em, cho thấy rằng họ đang rất tức giận, em còn lau đi biểu thị em không vừa ý, họ càng tức giận thêm. Vì vậy, nước bọt trên mặt em, không được lau nó đi, hãy để nó tự khô! Vui vẻ tiếp nhận hết tất cả những điều này”.

Câu chuyện này nói với mọi người rằng, điều thực sự khiến Lâu Sư Đức trở nên nổi tiếng và lưu truyền qua các thế hệ không phải là vị trí tể tướng. Hàng nghìn năm nay, những vị đế vương, các danh thần danh tướng khiến mọi người ngưỡng mộ thì không nhiều, đó phải là những người có tài đức xuất chúng. Lâu Sư Đức mỹ danh truyền rộng là bởi vì khí độ, bao dung của ông, khiến người ta tôn kính, trở thành điển hình mỹ đức mà Khổng Tử nói, đó là lấy đức lập thân, lấy đức rạng danh.

Huy Hải
Theo epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 16: Tóc, da không được làm tổn hại