"Ấu Học Quỳnh Lâm" làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn", thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.

Mắt vua Thuấn có hai
con ngươi

Nguyên văn chữ Hán

堯眉分八彩,舜目有重瞳。耳有三漏,大禹之奇形;臂有四肘,成湯之異體。

Hán Việt

Nghiêu mi phân bát thái, Thuấn mục hữu trùng đồng. Nhĩ hữu tam lậu, Đại Vũ chi kỳ hình; tí hữu tứ trửu, Thành Thang chi dị thể.

Bính âm

Yáo méi fēn bā cǎi, Shùn mù yǒu chóng tóng. Ěr yǒu sān lòu, Dà Yǔ zhī qí xíng; bì yǒu sì zhǒu, Chéng Tāng zhī yì tǐ.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 八彩 Bát thái: Tám loại màu sắc.
(2) 重 Trùng: Hai lớp.
(3) 瞳 Đồng: Trung tâm của nhãn cầu, tức là con ngươi mắt màu đen.
(4) 漏 Lậu: Lỗ tai.
(5) 肘 Trửu: khuỷu tay, cùi chỏ, là phần nối giữa cánh tay trên và cánh tay dưới của người.
(6) 成汤 Thành Thang: còn được gọi là Thương Thang, người sáng lập ra nhà Thương.

Bản dịch tham khảo

Lông mày của vua Nghiêu có tám màu, và mắt của vua Thuấn có hai con ngươi. Tai của Đại Vũ đế có ba lỗ tai, hình dạng kỳ dị. Hai cánh tay của vua Thành Thang có bốn khuỷu tay, khác với người thường.

Đọc sách bút đàm

Bài này chủ yếu nói về diện mạo kỳ lạ của các vị đế vương cổ đại. Thần truyền văn hoá cho cổ nhân có được một mức độ nhận thức, cũng như để con cháu đời sau có thể nhớ tổ tiên mình đến từ thiên thượng và vùng đất này được gọi là Thần châu. Những vị thánh vương khai sáng nền văn minh này, phải là vị đến từ một nơi bất phàm và mang theo sứ mệnh giáng sinh xuống nhân gian, để truyền những văn minh một cách trật tự.

Chúng ta lấy vua Thuấn làm ví dụ, hãy xem ông đã để lại nền văn minh và đã khai sáng những gì cho hậu thế.

Vua Thuấn đã truyền lại đạo đức quan để làm người lấy hiếu, đễ, trung, tín làm cốt lõi cho người đời sau suốt mấy nghìn năm. Ông là một hình mẫu về lòng hiếu thảo trong lịch sử, hai mươi tuổi đã nổi tiếng khắp thiên hạ về lòng hiếu đễ. Khổng Tử đã kế thừa và phát huy Thánh đức của ông và trở thành Nho gia, trở thành văn hóa chính thống cho người đời sau làm tiêu chuẩn làm người.

Thuấn là thuỵ hiệu nghĩa là bậc Thánh nhân đức

Theo "Sử ký", Thuấn là hậu duệ của đế vương cổ đại Chuyên Húc, cha ông là Cổ Tẩu, mẹ là Ác Đăng. Thuấn, thực ra là một thuỵ hiệu, “Thuỵ Pháp" nói rằng: “Nhân thánh thịnh minh viết Thuấn” nghĩa là vị hoàng đế đã khuất cổ nhân sẽ chiếu theo những đức hạnh tốt của ông khi còn sống mà đặt tên Thuấn, ý nói vị này nhân đức Thánh minh, xứng danh là Thánh đức đế vương.

Cha mẹ đặt đã cho ông cái tên là "Trùng Hoa", vì con mắt đặc biệt có đồng tử đôi của ông. Ngoài ra, dáng người của Thuấn có nhiều nét kỳ lạ: lòng bàn tay có vân như chữ “Bao", trán cao, mặt màu đen vuông vức, tướng rồng miệng lớn.

Người nhà có tâm địa độc ác, Thuấn càng hiếu thảo hơn

Khi Thuấn được hai tuổi, mẹ ông qua đời, và cha lại tái hôn với người khác. Người mẹ kế có một con trai và một con gái, người con trai tên là Tượng, người mẹ kế thường xuyên đánh đập, mắng nhiếc Thuấn và còn xúi giục để cha đánh ông vô cớ, ông sống những gió rét và đói khát.

Khi Thuấn lên mười tuổi, một người tu Đạo tên là Vụ Thành Tử đã chủ động dạy ông đọc sách. Mẹ kế không muốn cho ông đi học, vì vậy ông chăn bò cho nhà hàng xóm, đồng thời theo Vụ Thành Tử học tập, đọc sách, viết chữ, ứng xử, thiên văn, địa lý và đạo trị quốc bình thiên hạ. Điều này nói rõ một vấn đề rằng, thầy của bậc đế vương cổ đại là một người tu Đạo, Thuấn đế cuối cùng cũng trở thành người tu Đạo. Đạo hiếu đễ và Đạo trị quốc mà ông truyền lại kỳ thực có nguồn gốc từ văn hóa tu luyện cổ xưa.

Theo sử sách, cha Thuấn rất ngoan cố, không phân biệt đúng sai, mù hai mắt, mẹ kế thì ngu muội và độc ác, còn người em cùng cha khác mẹ thì kiêu ngạo, ích kỷ và độc ác. Cả ba người đều muốn diệt trừ Thuấn.

Thuấn không bao giờ oán giận, ngược lại còn rất hiếu thảo và thân thiện, ông làm hết sức mình để giải quyết mối quan hệ gia đình. Dù bị cha mẹ ghét bỏ nhưng ông vẫn không mất đi đạo làm con. Khi bị cha đánh bằng gậy nhỏ thì ông đứng yên, khi người cha dùng gậy lớn đánh, hay người nhà muốn hại ông, nguy hiểm đến tính mạng, ông liền kịp thời lẩn trốn, không để cha mẹ trở thành bất nghĩa. Ngày nay nói người xưa nào là: “Vua muốn bề tôi chết thì bề tôi không thể không chết”. Đây là văn hóa Đảng cộng sản Trung Quốc đã ác ý dẫn dắt sai lệch hoàn toàn. Vua Thuấn đã sớm lưu lại cho đời sau phương pháp cụ thể thực hiện Đạo hiếu không phải là ngu hiếu, trung không phải ngu trung, ai cũng không thể tùy tiện cướp đi sinh mệnh của người khác. Vì mạng người liên quan đến Trời, kể cả phụ mẫu hay quân vương cũng không thể đụng đến được. Vì vậy, vua Thuấn không bao giờ oán giận bố mẹ, mà rất hiếu kính với họ, và cũng hiểu được không thể để cha mẹ phạm tội, đây mới là Đạo hiếu thật sự. Khi gia đình có việc gì cần giúp đỡ, ông luôn ở bên cạnh chăm nom phụ mẫu.

Vua Thuấn dùng đức giáo hoá thiên hạ

Thấy gia đình không thể dung chứa mình, ông ra ngoài kiếm sống. Vì sự rộng lượng và lòng bao dung của ông nên mỗi khi ông đến nơi nào thì nơi đó sau một năm trở thành một năm ngôi làng, sau hai năm trở thành thị trấn, và sau ba năm trở thành thành phố. Mọi người đều nguyện ý sẵn sàng đi theo ông.

Khi vua Thuấn khai hoang để cày ruộng và gieo giống, có một con voi xuống núi, dùng vòi cuốn cày xới đất giúp ông, mọi người đều cảm thấy thần kỳ. Lại thấy một đàn chim bay đến giúp ông trừ cỏ dại. Có người đánh nhau tranh giành đất đai, vua Thuấn đã chủ động nhường mảnh đất màu mỡ do mình cày cấy cho người yếu thế, rồi tự đi khai hoang vùng đất cằn cỗi. Dưới sức ảnh hưởng của ông, vùng Lịch Sơn đã hình thành phong khí lễ nhượng, người người đều cùng chung sống hoà thuận, ngày càng nhiều người đến đây để khai hoang, dần dần hình thành một ngôi làng lớn.

Khi vua Thuấn đánh cá ở Lôi Trạch, cũng có người vì tranh ngư trường mà đánh nhau, ông cũng xử lý theo cách ở trên. Những người ở Lôi Trạch cũng trở nên khiêm tốn nhường nhịn lẫn nhau.

Sách “Thượng Thư - Đại Truyện” viết rằng: “Thuấn không leo mà cao, không đi mà xa”. Ông có đức cao dày, tự sinh ra uy danh, danh tiếng ông truyền xa, ông đã có đầy đủ đức hạnh của bậc đế vương khiến mọi người thuần phục xưng thần dân.

Hiếu đễ trị gia, trung tín trị quốc

Khi Thuấn ba mươi tuổi, vua Nghiêu phỏng cầu khắp thiên hạ tìm nhân tài có đức, Tứ Nhạc liền tiến cử Thuấn. Vua Nghiêu triệu kiến Thuấn. Vua hỏi phương pháp trị sửa thiên hạ. Theo “Tuân Tử - Nghiêu vấn", Thuấn trả lời rằng: "chấp nhất vô thất, hành vi vô đãi, trung tín vô quyện, nhi thiên hạ tự lai" (Chấp chính chuyên tâm không có sai lầm, thực thi việc nhỏ cũng không trễ nải, trung tín không mệt mỏi, thì thiên hạ tự đến)

Đại ý là quản lý điều hành làm việc phải chuyên tâm mà không có sai lầm, làm việc nhỏ cũng không trễ nải, trung thành thủ tín mà không chán nản, thế thì người trong thiên hạ sẽ quy thuận, đâu cần biện pháp đặc biệt để thu hút, khiến người dân quy về?

Nghiêu đế đã để Thuấn trải qua các cuộc khảo nghiệm quan trọng, và để ông làm chức Tư Đồ. Năm loại luân lý đạo đức: phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu là do Thuấn thi hành giáo hóa Ngũ điển mà lưu truyền lại cho đời sau. Bất kể là trị gia hay trị quốc, ông đều xử lý rất rõ ràng rành mạch, phụ mẫu và em trai nhiều lần toan tính làm hại tính mệnh ông nhưng ông vẫn không thay đổi Đạo hiếu đễ, cuối cùng họ đã được cảm hoá, thiên hạ cũng yên ổn hòa thuận. Thế là vua Nghiêu đã truyền ngôi cho ông.

Kể chuyện

Kỳ nhân có tướng kỳ lạ, rất nhiều đế vương và Thánh nhân cổ đại có ngũ quan và ngoại hình rất khác với người thường. Ngoài lông mày tám màu của Nghiêu đế, đôi mắt hai tròng của Thuấn đế, ba lỗ tai của Đại Vũ đế và cánh tay dài của Thương Thang ra thì theo ghi chép cổ, Chu Văn Vương còn có vầng trán cao như rồng và vai rộng như hổ; Đầu của chí Thánh tiên sư Khổng Tử bị trũng xuống; tay Chu Công vô cùng mềm mại, có thể quay ngược lại để lấy đồ vật. Những nhà hiền triết cổ đại này, không chỉ có vẻ ngoài đặc biệt mà có phẩm cách cao thượng và được mọi người kính trọng.

Ông tổ của Đạo giáo, Lão Tử, trông khác với người thường. Tương truyền ông có nước da trắng vàng, trán rộng, lông mày rậm mắt to, nhưng lông mày màu vàng, miệng vuông, môi dày, răng thưa, mỗi bên tai có ba lỗ nhỏ và tai dài đến vai, sống mũi to, bên trong có hai trụ thịt. Lão Tử không chỉ có ngoại hình kỳ dị mà còn cực kỳ thông minh. Kiệt tác "Đạo Đức Kinh" 5.000 chữ của ông là một tác phẩm kinh điển quan trọng tu luyện Đạo gia.

Huy Hải
Theo Epochtime