"Ấu Học Quỳnh Lâm" làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn", thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.

Minh Hoàng du ngoạn cung trăng

Nguyên văn chữ Hán

中秋月朗,明皇親遊於月殿;九月風高,孟嘉落帽於龍山。

Hán Việt

Trung Thu nguyệt lãng, Minh Hoàng thân du ư Nguyệt Điện; cửu nguyệt phong cao, Mạnh Gia lạc mạo ư Long Sơn.

Bính âm

Zhōng Qiū yuè lǎng, Míng Huáng qīn yóu yú Yuè Diàn; jiǔ yuè fēng gāo, Mèng Jiā luò mào yú Lóng Shān.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 明皇 Minh Hoàng: Đường Huyền Tông.
(2) 月殿 Nguyệt Điện: Nguyệt cung, cung trăng.
(3) 孟嘉 Mạnh Gia: Tên người, danh sĩ thời Tấn.
(4) 龍山 Long Sơn: Tên một ngọn núi.

Dịch nghĩa

Ánh trăng sáng vào đêm Trung Thu, Đường Minh Hoàng đến cung trăng du ngoạn. Vào Tết Trùng Dương tháng 9, nơi cao gió lớn, Mạnh Gia leo núi Long Sơn bị gió núi thổi bay mũ.

Đọc sách bút đàm

Nội dung bài học này rất đơn giản, chủ yếu nói về những sự tích liên quan đến hai lễ hội truyền thống là Tết Trung thu và Tết Trùng Dương. Một là, về chuyến du hành của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ đến cung trăng, và ông đã sáng tác ra bài “điệu vũ nghê thường”. Câu chuyện này có thể xem trong "Thuyết cố sự thời gian". Ở đây chỉ nói về lý do tại sao Hoàng đế Huyền Tông của nhà Đường được gọi là Đường Minh Hoàng. Thực ra, Đường Minh Hoàng được gọi vào thời nhà Thanh, Huyền Tông miếu hiệu là Lý Long Cơ, mà "Minh Hoàng" được cho là có nguồn gốc từ thuỵ hiệu của ông là "Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng Đế". Nhà Thanh vì tránh phạm huý chữ Huyền trong tên của Hoàng đế Khang Hy, nên đã tránh gọi tên của Hoàng đế Đường Huyền Tông, mà thường gọi là ông Đường Minh Hoàng.

Vậy, miếu hiệu là gì? Sau khi Hoàng Đế xưa qua đời, để được thờ phụng trong Thái Miếu của Hoàng thất, sẽ được đặt một danh hiệu, gọi là miếu hiệu. Không chỉ có lòng thành kính tưởng niệm các hoàng đế tổ tiên, mà nhằm mục đích tưởng nhớ công lao to lớn hay lòng nhân từ kiệt xuất của hoàng đế. Vì vậy từ nhà Hán trở về trước, chỉ các hoàng đế có cống hiến kiệt xuất và thành tích xuất sắc mới xứng đáng có miếu hiệu.

Người ta thường tin rằng, miếu hiệu có nguồn gốc từ thời nhà Thương, chẳng hạn như Thái Giáp là Thái Tông, Thái Mậu là Trung Tông, và Vũ Đinh là Cao Tông. Miếu hiệu ban đầu rất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn “tổ có công, tông có đức”, vua khai quốc là tổ, ví như Thái Tổ, Cao Tổ khai quốc lập nghiệp để tỏ rõ công lao, còn kế thừa vương quyền có tài năng trị quốc là người hiền minh gọi là Tông. Ví dụ như Thái Tông phát dương quang đại, Thế Tông, Cao Tông… đều là bậc quân chủ không dám trễ nải, cẩn thận giữ gìn thành tín, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiếu Tông, Duệ Tông... đều có ý là minh quân hiền chủ.

Từ nhà Hán trở đi, kế thừa miếu hiệu một cách có hệ thống. Và điều này cực kỳ thận trọng trong việc thêm miếu hiệu, rất nhiều vị hoàng đế không có miếu hiệu, chỉ có thụy hiệu. Người có miếu hiệu cực ít. Từ khi nhà Hán trị vì thiên hạ bằng chữ hiếu, vậy là thuỵ hiệu của hoàng đế sẽ có chữ “hiếu”. Nói cách khác, các vị hoàng đế của hai nhà Hán đều có thuỵ hiệu, nhưng rất ít người có được miếu hiệu. Lưu Bang là quân chủ khai quốc, miếu hiệu là Thái Tổ (trong sử sách gọi ông là Cao Tổ, và hậu thế đa phần dùng theo), Lưu Hằng là Thái Tông, Lưu Triệt là Thế Tông, và Lưu Tú là Thế Tổ của nhà Đông Hán, cũng có nghĩa là người khai sáng nhà Đông Hán, công đức to lớn, bởi vậy được gọi là tổ.

Từ nhà Đường trở đi, tập quán nhà Hán được kế thừa, nhưng có thêm rất nhiều các vị hoàng đế có miếu hiệu. Mà thuỵ hiệu có nguồn gốc từ thời nhà Chu, cũng là danh hiệu sau khi chết, nhưng không giới hạn đối với hoàng đế. Đều này được sử dụng cho các hoàng đế cổ xưa, cũng như các chư hầu, khanh đại phu, và các đại thần. Đây là một danh hiệu do triều đình ban cho họ. Loại danh hiệu này, mục đích là để khen chê thiện ác. So với miếu hiệu, nó sẽ là cái để bình phẩm thiện và ác của người đó, và điều này sau thời nhà Đường đã được lưu truyền rộng rãi.

Khi xưng hoàng đế, miếu hiệu thường được đặt trước thuỵ hiệu và cùng với thuỵ hiệu tạo thành tên đầy đủ của vị hoàng đế đã khuất. Theo truyền thống, các vị hoàng đế chết trước thời nhà Đường thường được gọi là thụy hiệu, chẳng hạn như Hán Vũ Đế và Tùy Dương Đế, mà không xưng miếu hiệu. Từ thời nhà Đường về sau, do văn tự của các thụy hiệu quá dài, chúng được đổi tên thành các miếu hiệu, chẳng hạn như Đường Thái Tông và Tống Thái Tổ.

Kể chuyện

Đường Minh Hoàng du ngoạn cung trăng

Tương truyền, La Công Viễn người ở Ngạc Châu tu Đạo thuật, vào một đêm Tết Trung Thu, ông cùng Đường Minh Hoàng ở trong cung thưởng nguyệt. La Công Viễn nhìn thấy Đường Huyền Tông chăm chú nhìn mặt trăng, ông liền mời Huyền Tông đi du ngoạn cung trăng.

Ông lấy một chiếc gậy ném lên không trung, biến nó thành một cây cầu lớn bằng bạc, ông mời Huyền Tông cùng nhau lên cầu. Đi bộ hàng chục dặm, cảm thấy ánh sáng vàng kim chói mắt, hàn khí ập đến, mới phát hiện đã đến phía trước cung trăng. Phía trước toà có bốn cột trụ lung linh, và một tấm biển lớn có dòng chữ “Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ". La Công Viễn nói: "Đây chính là cung trăng"

Khi Huyền Tông nhìn thấy hàng trăm tiên nữ mặc áo lụa trắng đang nhảy múa, hát thánh thót trong một tòa cung điện lớn, ông liền hỏi: “Đây là khúc hát gì vậy?” La Công Viễn đáp: “Là khúc hát điệu vũ nghê thường”. Huyền Tông vốn hiểu về âm luật vũ đạo, ông dùng hai tay đua theo âm tiết, ghi nhớ âm điệu. Sau khi trở về hoàng cung, ông liền ra lệnh cho người soạn một bản "điệu vũ nghê thường" theo âm điệu mà ông nhớ được.

Mạnh Gia rơi mũ, ca tụng nho nhã thiên cổ

Mạnh Gia rơi mũ vừa là điển cố, vừa là thành ngữ, nghĩa là hình dung một người quân tử có phẩm chất nho nhã và cởi mở.

Mạnh Gia người Giang Hạ, là một minh sư nho nhã thời Tấn, một danh nhân nổi tiếng trong triều đại Đông Tấn, và là ông ngoại của nhà thơ điền viên nổi tiếng Đào Tiềm. Vừa tài giỏi, vừa hiếu thảo, trung thành, rất lịch lãm, không kiêu ngạo, rất khiêm tốn, có thể nói ông là một mẫu người đàn ông lịch lãm. Danh tiến của ông lan đến kinh sư, được Thư trung lệnh Dữu Lượng, Thái phó Trữ Bầu, tướng quân Hoàn Ôn và những người khác coi trọng và đánh giá cao, ngay cả hoàng đế Tấn Mục Đế cũng vô cùng ngưỡng mộ và đích thân đón tiếp ông. Cuộc đời điển cố của ông được ghi chép trong “Tấn Thư - Hoàn Ôn Truyện" và cuốn “Tấn cố chinh tây đại tướng quân trưởng sử mạnh phủ quân truyện".

Mạnh Gia mồ côi cha từ khi còn nhỏ, nhưng ông rất hiếu thảo với mẹ, rất thân thiện và hòa thuận với hai em trai, được dân làng khen ngợi. Mạnh Gia chẳng những hiếu thuận ở nhà, mà còn có chí rộng, không màng danh lợi, ở tuổi hai mươi đã được bạn bè đồng lứa ngưỡng mộ. Dù là người nổi tiếng tài giỏi đến đâu, họ cũng ngưỡng mộ lối viết nhẹ nhàng, tao nhã và tính tình cởi mở của ông. Vì vậy, danh tiếng Mạnh Gia đứng đầu khắp Châu, thanh danh được truyền đến kinh đô.

Vào những năm đầu nhà Đông Tấn, Mạnh Gia được Trung thư lệnh Dữu Lương quý trọng vì tài năng và đức hạnh của ông. Khi Dữu Lương rời tỉnh Trấn Giang (nay là Cửu Giang), ông được đảm trách vào các công việc quân sự. Một lần Thái phó Trữ Bầu đến thăm Giang Châu, Dữu Lượng đã tổ chức một bữa tiệc và mời các quan chức và nhân vật nổi tiếng của Giang Châu đi cùng. Trữ Bầu đã nghe đến tên Mạnh Gia từ lâu, nhưng ông chưa gặp bao giờ, ông có thể nhận ra ông ấy ở một góc nào đó rất nhiều khách mời. Sau khi Dữ Lương qua đời, Chinh Tây Đại tướng Hoàn Ôn lên kế vị tổng đốc Giang Châu, thấy Mạnh Gia đối xử với mọi người khiêm tốn và ngay thẳng, ông rất quý trọng, nên đã bổ nhiệm ông làm Tham quân. Thế là có câu chuyện Mạnh Gia bị rớt mũ.

Năm đó vào lễ Trùng Dương mùng Chín tháng Chín, Hoàn Ôn đưa các quan chức và quân sư của mình đến thăm Long Sơn, leo núi ngắm hoa cúc, bày tiệc trên núi, bốn người em và hai cháu trai của Hoàn Ôn đều có mặt. Vào thời điểm đó, các quan chức thuộc các tầng lớp đều mặc quân phục. Gió trên núi thật sảng khoái, hương hoa thấm vào lòng người. Đột nhiên một cơn gió không biết từ đâu thổi về phía mặt Mạnh Gia, thổi bay chiếc mũ của ông xuống đất, nhưng ông vẫn cạn ly uống một cách vui vẻ. Hoàn Ôn nhìn thấy, thầm thắc mắc, và dùng ánh mắt ra hiệu bảo mọi người hãy im lặng và xem Mạnh Gia sẽ có những hành động gì. Mạnh Gia vẫn nói chuyện vui cười, hoàn toàn không hay biết.

Một lúc lâu sau, Mạnh Gia đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi để đi vệ sinh. Hoàn Ôn nhân cơ hội cầm mũ của Mạnh Gia lên, đặt lên chỗ của mình. Hoàn Ôn còn ra lệnh cho mọi người lấy giấy và bút, và viết một mẩu giấy, chế nhạo Mạnh Gia, mũ rớt mà không biết, thật đáng hổ thẹn. Hoàn Ôn cảm thấy thật thú vị, cũng muốn nhân lúc tửu hứng trêu chọc Mạnh Gia, bèn ấn tờ giấy dưới chiếc mũ. Khi Mạnh Gia quay trở lại chỗ ngồi của mình mới nhận ra mình rớt mũ, thất lễ. Nhưng ông không hoảng sợ chút nào, thế là ông cầm mũ lên đội và cầm tờ giấy đó lên đọc, không những không tức giận mà còn lập tức mời người lấy giấy bút, không cần suy nghĩ, ông liền múa bút thành văn viết một câu trả lời dí dỏm, biện hộ cho việc rơi mũ thất lễ. Hoàn Ôn và khách khứa, ai nấy đều thán phục.

Mạnh Gia trong lễ hội của các quan chức, có thể bình tĩnh giải quyết khi bị chế giễu, có mấy ai có thể làm được với sự tao nhã như vậy? Mọi người cảm niệm ông là một quân tử có phong độ tài tình, về sau người đời dùng từ "Mạnh Gia rớt mũ" để ca tụng một quân tử nho nhã và phóng khoáng tự tại tài tình.

Huy Hải
Theo epochtimes