Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 11: Đua thuyền trong ngày tết Đoan Ngọ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ và Tết Trùng Dương gắn với câu chuyện của các danh sĩ như Khuất Nguyên và Vương Duy.

(Xem lại Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10;)

Nguyên văn chữ Hán

端陽競渡,吊屈原之溺水;重九登高,效桓景之避災。

Hán Việt

Đoan Dương cạnh độ, điếu Khuất Nguyên chi nịch thuỷ; Trùng Cửu đăng cao, hiệu Hoàn Cảnh chi tị tai.

Bính âm

Duān yáng jìng dù, diào qū yuán zhī nì shuǐ; chóng jiǔ dēng gāo, xiào huán jǐng zhī bì zāi.

Giải thích từ ngữ

(1) 端陽 Đoan Dương: Tết Đoan Ngọ là mùng năm tháng năm Âm lịch.
(2) 競渡 Cạnh độ: Đua thuyền.
(3) 吊 Điếu: Tưởng nhớ.
(4) 屈原 ‘qū yuán' Khuất Nguyên: Người nước Sở thời Chiến Quốc.
(5) 重九 Trùng Cửu: Mồng chín tháng chín âm lịch, còn được gọi là "Trùng Dương".
(6) 效 Hiệu: Phỏng theo.
(7) 桓景 Hoàn Cảnh: Là người thời Đông Hán,theoị Phí Trường Phòng học Đạo, về sau sư phụ của Phí Trường Phòng là Hồ Công. Theo “Tục Tề Hài Ký” của Ngô Tuấn - một người nhà Lương thời Nam triều, có ghi chép rằng: "Trường Phóng nói với Hoàn Cảnh rằng: 'Mùng chín tháng chín, nhà con sẽ có tai họa, hãy mau bảo người nhà lập tức dệt túi, đựng thù du và buộc trên cánh tay, leo lên chỗ cao, và uống rượu hoa cúc có thể giải trừ tai họa này''. Hoàn Cảnh làm theo, sau đó cả nhà lên núi ở, buổi chiều trở về nhà thấy gà, chó, bò, dê đều đã chết. Phí Trường Phòng nghe thấy liền nói: 'Là chết thay đó”.

Dịch nghĩa

Tết Đoan Ngọ tổ chức lễ hội chèo thuyền rồng để tưởng nhớ Khuất Nguyên, người đã chết ở sông Mịch La. Vào ngày chín tháng chín, là tết Trùng Dương cắm cành thù du, là bắt chước Hoàn Cảnh để tránh tai họa.

Đọc sách bút đàm

Bài học này nói về hai lễ hội truyền thống mà ngày nay chúng ta đều biết. Tết Đoan Ngọ hầu như ai ai cũng biết vì để tưởng nhớ đến sự trung thành lo lắng cho đất nước và nhân dân của Khuất Nguyên. Vào ngày chín tháng chín là Trùng Dương leo lên cao, cũng bởi vì bài thơ của Vương Duy:

Độc tại dị hương vi dị khách,
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ,
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân.

Dịch thơ (Trác Văn Quân):

Một mình phiêu bạt chốn tha phương
Cửu trùng tiết đẹp nhớ người thương
Nơi xa vẫn biết người phương ấy
Thù du cầm nhớ kẻ phong sương

Bài thơ này không ai không biết, không ai không hiểu. Trong hai lễ hội này, một là tập trung vào việc đề cao tinh thần yêu nước thương dân của Khuất Nguyên, hai là tập trung vào tình đoàn tụ gia đình, vì vậy mỗi một lễ hội đều có nội hàm riêng của nó. Hôm nay chúng ta sẽ chủ yếu nói về lễ hội thuyền rồng. Ngoài việc tưởng nhớ Khuất Nguyên, nó cũng có một số tập tục từ rất sớm.

Đoan Dương có nghĩa là gì?

Tết Đoan Ngọ là mùng năm tháng năm âm lịch được gọi là lễ hội thuyền rồng, còn có các tên gọi khác là "Tết Trùng Ngũ" và "Tết Đoan Dương", Đoan là “khai đoan" có nghĩa là mở đầu. Cổ nhân gọi mùng một là "đoan nhất", mùng năm là "đoan ngũ", và mùng năm tháng năm là hai cái năm trùng nhau nên gọi là "Trùng Ngũ".

Âm lịch là mười hai địa chi để ghi nhớ tháng, và tên các tháng. Ví dụ như tháng Một là Dậu, tháng Hai là Mão, tháng Ba là Thìn, tháng Tư là Tị, và tháng Năm là đến lượt địa chi Ngọ. Cổ nhân gọi tháng năm là tháng Ngọ. Vì vậy, mùng năm tháng năm còn được gọi là “Đoan Ngọ”. Năm là con số dương nên còn được gọi là “Đoan Dương”.

Trừ ngũ độc

Trẻ con bắt cóc Tết Đoan Ngọ. Bức tranh "Đoang Dương anh hí đồ"
của Tô Trác đời Tống. (Phạm vi công cộng)

Tục ngữ dân gian có câu: "Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng nực, ‘ngũ độc’ thức dậy cảm thấy bồn chồn". Người xưa gọi rắn, bọ cạp, rết, cóc, thạch sùng hay nhện là “ngũ độc”. Đến ngày tết Đoan Ngọ, người ta dùng giấy màu cắt thành hình dán năm con “ngũ độc” để dán lên cửa ra vào, cửa sổ, hoặc buộc vào tay trẻ em để tránh các loại độc. Thậm chí, có người còn cắt hình quả bầu đựng ngũ độc, tức là ngũ độc đã bị quả bầu trấn giữ. Ở một số vùng xuyên ngũ độc thành chùm, trên cùng buộc cây ngải và cây xương bồ, sau đó buộc ba nhánh tỏi ở đầu dưới tạo thành hình ngó sen. Cây xương bồ và cây ngải tượng trưng cho dao kiếm để trảm ngũ độc, còn tỏi tượng trưng cho khóa, mục đích là khóa lại để giết. Còn phải treo nó ở một nơi dễ thấy trước cửa, được gọi là treo "Đoan Ngọ cảnh".

Treo cây ngải

Vì cổ nhân tin rằng mùng năm tháng năm là ngày ma quỷ rất thịnh, phong tục treo ngải trong ngày Tết Đoan Ngọ là để xua đuổi tà và giữ cho gia đình khỏe mạnh. Sách "Kinh Sở Tuế Thời Ký" của Lương Nhân Tông có ghi chép: "Người Kinh Sở đạp một trăm ngọn cỏ vào mùng năm tháng năm, hái ngải làm hình người, treo trên cửa, để giải trừ độc khí."

Mùng năm tháng năm đầu hè, mưa ẩm, vi khuẩn sinh sôi nhanh, dễ sinh bệnh, mùi của cây ngải và cây xương bồ có tác dụng xua đuổi tà khí, trừ virus.

Uống rượu hùng hoàng

Rượu hùng hoàng được dùng trong ngày tết Đoan Ngọ ở hầu hết các vùng của Trung Quốc. Hùng hoàng là một khoáng chất, cũng là vị thuốc thường được sử dụng trong thuốc Bắc, nó có tác dụng ức chế các loại nấm da, Staphylococcus aureus (khuẩn tụ cầu vàng) và Proteus. Vì vậy, Đoan Ngọ là ngày gia đình đoàn tụ để uống rượu hùng hoàng, vì làm như thế có sẽ xua đuổi mọi bệnh tật. Vẽ trên mũi, tai và trán của trẻ một chữ “vương” mang ý nghĩ cầu sức khỏe, trừ tà, nên dân gian có câu: “Uống rượu hùng hoàng, bách bệnh chạy xa”.

Tập tục rắc vôi trừ côn trùng xua dịch bệnh Tết Đoan Ngọ

Kể Chuyện

Truyền thuyết về Tết Đoan Ngọ

Vào mùng năm tháng năm Tết Đoan Ngọ Âm lịch còn được gọi là Đoan Dương tiết, Ngọ Nhật tiết, Ngũ Nguyệt tiết, Ngũ Nhật tiết, Ngải tiết, Trùng tiết, Ngọ nhật, Hạ tiết, cùng với Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu hợp thành 3 ngày Tết truyền thống quan trọng.

Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ đâu, có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng phổ biến nhất là để tưởng nhớ nhà thơ Khuất Nguyên nước Sở thời Chiến Quốc. Mặc dù trung thành nhưng ông đã bị đày xuống phía nam sông Dương Tử, vì không thể chịu đựng được cảnh đất nước của mình dần rơi vào cảnh suy tàn diệt vong, ông đã gieo mình xuống sông Mịch La vào ngày mùng năm tháng năm.

Người ta kể lại rằng, ngay khi nghe tin Khuất Nguyên trầm mình xuống sông, người dân nước Sở vô cùng đau buồn và kéo ra sông để tỏ lòng thành kính với Khuất Nguyên. Các ngư dân chèo thuyền trên sông để trục vớt thi thể ông. Một ngư dân còn lấy bánh gạo nếp và trứng ném xuống sông, nói rằng để cho tôm cá ăn no để chúng không ăn thi thể của ông. Một thầy thuốc già lấy một vò rượu hùng hoàng đổ xuống sông, nói rằng dùng để khống chế giao long dưới sông và ngăn chặn chúng làm hại thi thể Khuất đại phu.

Một lúc sau, thực sự xuất hiện một con giao nổi trên mặt nước, và một mảnh quần áo của họ Khuất vẫn còn dính trên râu giao. Người ta kéo giao lên bờ, rút gân nó ra rồi lấy gân quấn quanh tay và cổ trẻ con, dùng rượu hùng hoàng xoa vào bảy huyệt để bảo vệ trẻ khỏi bị rắn và các côn trùng khác cắn. Kể từ đó, cứ đến mùng năm tháng năm hàng năm, mọi người tụ lại chèo thuyền rồng, ăn bánh gạo nếp và uống rượu hùng hoàng để tưởng nhớ Khuất Nguyên.

Hàng năm vào mùng 5 tháng 5, mọi người chèo thuyền rồng, bức ảnh cho thấy các vận động viên từ Đài Loan và nước ngoài tham gia một cuộc đua thuyền rồng ở Đài Bắc. (AFP)

Trên thực tế, nhiều phong tục của Lễ hội Thuyền Rồng đã được lưu truyền trước đó, và người Trung Quốc và nhiều nước châu Á từ lâu đã có lễ hội này, cũng như phản ánh sự thay đổi của các mùa và đặc điểm của thời tiết. Trong thời viễn cổ, tháng Năm thường được gọi là độc nguyệt, hay tà nguyệt. Do tháng năm thời tiết chuyển sang nắng nóng, thực phẩm dễ hỏng, muỗi, ruồi sinh sôi, các loại chất độc nổi lên, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì muốn xua đuổi tà ma, tránh nhiễm độc, nên nhiều phong tục tập quán đã được hình thành.

Người ta ăn bánh gạo nếp, uống rượu hùng hoàng, đua thuyền rồng trong ngày lễ, treo chân dung Chung Quỳ trước cửa nhà, treo ngải và cây xương bồ để khử các chất độc. Tết Đoan Ngọ gói bánh gao nếp làm quà tặng người thân, bạn bè được gọi là "tống tiết". Cuộc đua thuyền rồng là sự kiện văn hóa dân gian, mục đích của nó là cầu bình an.

Nguồn gốc Tết Trùng Dương

Mùng chín tháng chín Âm lịch là "Trùng Dương", còn được gọi là "Trùng Cửu". Cổ nhân chia các con số thành Âm và Dương, chín là số dương. Vào mùng chín tháng chín, ngày và tháng đều là số dương, vì vậy được gọi là "Trùng Dương".

Nguồn gốc tết Trùng Dương, theo ghi chép “Tục Tề Hài Ký” của Lương Nhân Ngô, một người nhà Lương ở Nam triều: Theo truyền thuyết, vào thời Đông Hán, có một người tên là Hoàn Cảnh ở huyện Nhữ Nam theo học thầy Phí Trường Phòng.

Một ngày nọ, Phí Trường Phòng nói với ông: "mùng 9 tháng 9, trong nhà con sẽ gặp nạn. Hãy trở về nhanh chóng và nói với gia đình con làm một cái túi, đặt cây thù du lên đó, buộc vào cánh tay, đi lên núi cao, và uống rượu hoa cúc, tai họa có thể sẽ bị tiêu trừ”. Hoàn Cảnh làm theo lời chỉ dạy của sư phụ, cùng cả nhà leo lên núi. Tối trở về thì thấy gà, chó, bò, dê trong nhà đều chết hết.

Sau đó, câu chuyện này được lan truyền, người dân tổ chức lễ hội vào mùng chín tháng chín và họ có phong tục leo cao, cắm cành thù du và uống rượu hoa cúc.

Huy Hải

Theo epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 11: Đua thuyền trong ngày tết Đoan Ngọ