"Ấu Học Quỳnh Lâm" làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn", thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.

Đông Chí 106 ngày là Thanh Minh

Nguyên văn chữ Hán

冬至百六是清明,立春五戊為春社。寒食節是清明前一日,初伏日是夏至第三庚。

Hán Việt

Đông Chí bách lục thị Thanh Minh, Lập Xuân ngũ Mậu vi xuân xã. Hàn Thực tiết thị Thanh Minh tiền nhất nhật, sơ phục nhật thị Hạ Chí đệ tam canh.

Bính âm

Dōng zhì bǎi liù shì qīng míng, lì chūn wǔ wù wéi chūn shè. Hán shí jié shì qīng míng qián yī rì, chū fú rì shì xià zhì dì sān gēng.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 百六 Bách lục: Một trăm lẻ sáu ngày.
(2) 立春 Lập xuân: Mùa xuân bắt đầu từ ngày mồng bốn, năm tháng hai hàng năm.
(3) 五戊 Ngũ mậu: Ngày Mậu thứ 5. Mậu là một đơn vị tính ngày từ thời cổ đại, là một trong các Thiên Can. “Thiên Can” (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) tổng cộng có mười Can. “Địa Chi” (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) tộng cộng có mười hai Chi, phối hợp lại để tính, giờ, ngày, tháng, năm. Một chu kỳ là sáu mươi gọi là “nhất Giáp Tý".

(4) 春社 Xuân xã: Thời cổ đại, vào mùa xuân, mùa thu phải cúng tế Thần thổ địa. Lễ tế mùa xuân được gọi là Xuân Xã, lễ tế mùa thu gọi là Thu Xã.
(5) 寒食节 Hàn thực tiết: Trước Thanh Minh một ngày cấm kỵ việc nấu nướng, chỉ có thể ăn đồ nguội, được gọi là Hàn Thực (ăn lạnh).
(6) 初伏 Sơ phục: Phục dùng để chỉ thời gian ẩn tàng của khí Kim. Canh thuộc về Kim, Kim sợ lửa, mùa hè là lúc lửa thịnh nhất, vì vậy mỗi lần đến ngày Canh Kim tàng ẩn. Từ ngày Hạ Chí đến ngày Canh thứ 3 là Sơ Phục, ngày Canh thứ 4 là Trung Phục, đến ngày Canh tiết Lập Thu là Mạt Phục, hợp lại gọi là Tam Phục, đây là khoảng thời gian nóng nhất trong năm.

Bản dịch tham khảo

Ngày thứ 106 sau ngày Đông Chí là Thanh Minh, và ngày Mậu thứ năm sau tiết Lập Xuân là Xuân Xã. Lễ Hàn Thực trước tiết Thanh Minh một ngày. Ngày Sơ Phục là ngày Canh thứ 3 sau tiết Hạ Chí.

Đọc sách bút đàm

Trong bài này có dùng đến các thuật ngữ tiết khí và can chi trong lịch cổ đại Á Đông. Câu thứ nhất là ngày Đông Chí, Thanh Minh, câu thứ hai là Lập Xuân và câu thứ tư là Hạ Chí, đều là những thuật ngữ thuộc tiết khí, mọi người đã quen thuộc rồi nên sẽ không nói thêm nữa. Hãy nói sơ qua về khái niệm Can Chi.

Vào thời cổ đại Thiên Can Địa Chi dùng để ghi năm, tháng, ngày, giờ, nó khởi nguồn từ vũ trụ học cổ xưa Âm Dương và Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ). Nói cách khác, 10 Thiên Can và 12 Địa Chi đều được phân loại theo thuộc tính Âm Dương, Ngũ hành.

Thiên Can phân thành Âm Dương là: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm thuộc Dương, có các đặc tính Dương như sinh trưởng, vượng thịnh, cường tráng và nhiệt liệt. Ất, Đinh, Kỉ, Tân, Quý thuộc Âm có các đặc tính Âm như tiêu giảm, suy lạc, suy nhược, hạ xuống và hàn lạnh. Thiên Can phân Ngũ hành có: Giáp Ất thuộc Mộc, Bính Đinh thuộc Hỏa, Mậu Kỉ thuộc Thổ, Canh Tân thuộc Kim, Nhâm Quý thuộc Thủy. Nghĩa là trước là Dương, sau là Âm. Ví dụ như, Giáp là Dương Mộc, còn Ất là Âm Mộc.

Địa Chi phân thành Âm Dương là: Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất thuộc Dương; Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi thuộc Âm. Địa Chi phân Ngũ hành là: Thân Dậu thuộc Kim, Dần Mão thuộc Mộc, Tí Hợi thuộc Thuỷ, Tị Ngọ thuộc Thuỷ, Thìn Tuất Sửu Mùi đều thuộc Thổ.

Chúng được dùng để ghi năm và đặt tên cho năm. Mười Thiên Can và mười hai Địa Chi được sắp xếp một cách có trình tự thành Giáp Tí như: Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỉ Tị, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu, Giáp Tuất, Ất Hợi, Bính Tị, Đinh Sửu, Mậu Dần v.v. Nếu tính như thế sáu mươi năm một chu kỳ, nghĩa là một Giáp Tử. Ví dụ Giáp Tử là Ất Sửu v.v.

Dùng cho các tháng, chủ yếu là mười hai Địa Chi tương ứng với mười hai tháng, ví dụ tháng Tý là tháng Mười một, tháng Sửu là tháng Mười hai v.v.

Để theo dõi ngày và đặt tên cho các ngày, cũng dùng phương pháp Can Chi của năm để kết hợp. Lấy Giáp Tí làm khởi đầu, nghĩa là sáu mươi ngày là một vòng tuần hoàn.

Về thời gian, hai mươi bốn giờ là mười hai thời thần, phân thành mười hai Địa Chi, và giờ Tý từ mười một giờ đêm đến một giờ đêm, tính theo thứ tự, như vậy giờ Ngọ là từ mười một giờ trưa đến một giờ trưa.

Bằng cách này, có thể biết được các thuộc tính của Âm Dương Ngũ hành vào một giờ nhất định trong năm hoặc một ngày nhất định. Nông nghiệp cổ truyền phương Đông, đời sống hàng ngày, giữ gìn sức khỏe, điều trị và dự đoán trong Đông y, v.v. tất cả đều là vũ trụ học Âm Dương Ngũ hành. Bởi vậy, tất cả đều là sự thể hiện cụ thể của Âm Dương, Ngũ Hành và vũ trụ quan.

Con người phải hòa hợp với thiên nhiên để đạt được sự cân bằng về Âm Dương, cũng như tương sinh tương khắc trong Ngũ Hành, cân bằng lẫn nhau để đạt được Âm Dương hài hoà, nhằm dưỡng sinh, chữa bệnh, và dự đoán cát hung. Vì vậy, lịch Can chi của người xưa không chỉ để biết giờ giấc, năm, tháng, mà còn phải nắm được quy luật biến hoá của Âm Dương, Ngũ hành, để hòa nhập với thiên nhiên. Đạt được những dự đoán hung cát, cũng như cầu quốc thái dân an.

Kể chuyện

Đông Chí và Hạ Chí

Vào thời nhà Thương, người ta đã biết cách dựng cột đo bóng ảnh để xác định mùa. Thời cổ đại người ta nhận thấy rằng trong một năm có bốn mùa thì mỗi một mùa gốc độ bóng ảnh sẽ khác nhau, người ta dựng một chiếc cột trên mặt đất để theo dõi. Theo kết quả quan sát quanh năm, bóng của chiếc cột dường như ngắn hơn vào mùa hè và dài hơn vào mùa đông. Rõ ràng đây là sự thay đổi của các mùa cho nên độ dài ngắn của bóng do ánh sáng mặt trời chiếu vào cọc tre sẽ không giống nhau. Do đó, lấy ngày có bóng hình ngắn nhất vào buổi trưa làm ngày Hạ Chí (Chí có nghĩa là lên tới đỉnh) hay còn gọi là Nhật Bắc Chí, Nhật Trường Chí, lấy ngày có bóng ảnh dài nhất làm ngày Đông Chí, còn được gọi là Nhật Nam Chí hoặc Nhật Đoản Chí.

Ngày Đông Chí dựa theo lịch Dương, vào khoảng ngày 22 hoặc 23 tháng 12. Đông Chí có ngày ngắn nhất và đêm dài nhất nên còn được gọi là “đêm dài nhất”. Sau ngày này, vị trí mặt trời trực tiếp dịch chuyển về phía Bắc, nên ngày dần dài hơn. Vì ngày đông chí là bước ngoặt cho việc biến đổi khí hậu giữa lạnh và nóng nên từ xa xưa nó đã được coi trọng cho đến ngày nay, Vì thế, trở thành một ngày lễ quan trọng, được dân gian gọi là "Tết Đông".

Thời nhà Chu đã nói về Đông Chí, sau thời nhà Hán, Đông Chí càng quan trọng hơn, theo “Đường thư” ghi chép: “Ngày mồng một tháng Giêng là bắt đầu một năm mới; Đông Chí, dương sẽ trở lại. Hai ngày Tết này rất quan trọng". Thời Đường coi trọng ngày Đông Chí như Tết Nguyên Đán, thế nên có một câu nói của dân gian rằng "Tết Đông Chí lớn như Tết Nguyên Đán".

Trong ngày Đông Chí, ở miền Bắc Trung Quốc thì người dân ăn sủi cảo hoặc hoành thánh, còn ở miền Nam Trung Quốc thì ăn bánh trôi (thang viên). Người Trung Quốc cũng có thói quen tẩm bổ vào ngày Đông Chí. Trong thời tiết lạnh buốt, để chống chọi mùa đông khắc nghiệt, cơ thể sẽ tiêu hao rất nhiều calo hơn mức bình thường. Vì vậy, bổ sung các thực phẩm có hàm lượng calo cao là rất phù hợp với đạo dưỡng sinh.

Huy Hải
Theo Epochtimes