Ấm Tử Sa pha trà thì tuyệt, nhưng làm sao phân biệt ấm hay?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người đều biết dùng ấm tử sa làm trà thêm hương vị, dùng đúng ấm tử sa Hoàng Long Sơn càng làm cho nước trà thêm ngọt dịu, chỉ cần dùng nước sôi thôi, qua ấm tử sa cũng đã thấy sự khác biệt rồi.

Tử Sa: là tên gọi một loại đất sét, chứa nhiều sắt, mịn, làm ấm đất nung để pha trà.

Văn hóa Tử Sa có nguồn gốc xa xưa. Hàng ngàn năm nay, cùng với văn hóa trà dung nhập đời sống nhân sinh, Tử Sa có một vị trí nhất định trong đời sống của văn nhân, cũng hình thành nên nét độc đáo của văn hóa Tử Sa.

Đồ Tử Sa không cần tráng men, hoàn toàn là màu của đất. Nổi danh nhất là khoáng liệu Tử Sa ở núi Hoàng Long huyện Nghi Hưng. Đất Tử Sa nơi đây cổ phác thuần hậu, giống như khí chất của văn nhân, do vậy mà suốt từ thời nhà Tống, nhà Minh đến nay, luôn được văn nhân trân trọng giữ gìn.

Mỏ khai thác ở Hoàng Long Sơn, Nghi Hưng ngay từ năm 1997 đã cạn kiệt, đến 2005 chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm khai thác, từ đó đến nay, việc làm giả đồ pha trà Tử Sa rất nhiều, lợi ích thương nghiệp đặt lên hàng đầu, văn hóa Tử Sa truyền thống bị mai một.

Lấy số liệu tiêu thụ sa khoáng ở trấn Đinh Sơn Nghi Hưng: 20 vạn nhân công, một tấn sa khoáng Tử Sa chế ra khoảng 2000 ấm trà, một ngày tạo ra khoảng 5 vạn sản phẩm, vậy cần hơn 20 tấn sa khoáng, thử nghĩ xem, lấy đâu ra lượng khoáng này trong điều kiện đã cấm khai thác? Do vậy, muốn mua được một chiếc ấm Tử Sa thật, thì cần phải có một sự am hiểu nhất định để phân biệt.

Ngày nay, có những vật liệu chứa hóa chất, về cơ bản không phải là đất Tử Sa nguyên chất, để che đi những vết nứt, nên phải trải qua gia công bằng cách dùng axit cacbon, bari mà rửa sạch tạp chất, sau đó thêm vào một số nguyên tố oxi hóa kim loại, để tạo màu khi nung, làm cho sản phẩm phỏng chế có màu gần giống như màu Tử Sa. Có những sản phẩm có màu hồng đậm, vàng sáng, xanh, lam, đen mực, trắng, Tử Sa thuần thì không có những màu như vậy.

Những nguyên liệu cho thêm bao gồm các oxit kim loại : Cô-ban, Cờ-rôm, Đồng, Magiê, Sắt, Silic (nước thủy tinh)… các hợp chất kim loại còn dư sau các phản ứng nung kết sẽ kết hợp với các chất có tính axit hoặc kiềm khi pha trà, mà uống vào người thì gây hại cho sức khỏe.

Hiện nay, thường thấy người ta dùng đất sét lỏng, đổ vào khuôn, hoặc sản xuất dây chuyền, chứ không làm thủ công bằng tay, là chỗ chứa đựng nét độc đáo của việc chế tác ấm Tử Sa. Nó cũng không thuộc về phạm trù của văn hóa Tử Sa truyền thống.

Công nghệ chế tác đồ Tử Sa chính thống đã được Trung Quốc liệt vào văn hóa phi vật thể quốc gia, và được bảo vệ.

Đồ phỏng chế ấm Tử Sa sử dụng công nghệ đánh bóng, bôi sáp, ngâm tẩm làm cho bề mặt trông bắt mắt, những ấm làm giả cổ thậm chí còn dùng dầu bóng, xi đánh giày để tạo cảm giác xưa cũ, giả mạo ấm cổ đem bán.

Khoáng liệu Tử Sa nguyên chất không cần qua các công đoạn: 1. Dùng axit sunfuric khử tạp chất, 2. Dùng hợp chất Bari chống mối mọt, chống hóa bùn, 3. Bột Titan để lên màu, 4. Các loại màu công nghiệp, 5. Nước thủy tinh, 6. Chất ổn định khi nung và các loại hóa chất khác... cho nên trong quá trình chế tác, nung thì rất dễ vỡ, nứt và các vấn đề khác, thêm nữa khoáng tử sa là nguyên liệu không tái sinh, cho nên các sản phẩm Tử Sa chính thống là rất trân quý.

Có nhiều thương nhân bán đồ Tử Sa, nói thuyết rất hay và chính xác những kiến thức về Tử Sa, nhưng lại toàn bán đồ giả Tử Sa, hiện tượng này chúng ta đều biết.

Những năm gần đây, thị trường Tử Sa đều có các nghệ nhân danh tiếng tầm cỡ quốc gia bán ấm Tử Sa, ai cũng nói: “Đây là sản phẩm thuần thiên nhiên, không pha hóa chất”, thực ra đại đa số nghệ nhân này chỉ biết cách làm ấm, còn nguyên liệu thì đi mua, có hay không hóa chất pha trộn thì chỉ dựa vào lời nói của người bán, chứ không được nhìn tận mắt mà phán định. Do vậy “Danh tiếng” và “Giá tiền” của sản phẩm không nói lên điều gì khi đoán định một sản phẩm có phải là thuần Tử Sa chính thống.

Mặt khác, sau khi kinh tế phát triển vượt bậc một, hai chục năm nay, nhiều người mang tiền sang Đài Loan sưu tầm mua ấm có tuổi 30, 40 năm, đồ tốt bị mang đi, đồ giả Tử Sa nhập về tràn ngập Đài Loan.

Nếu mua một ấm Tử Sa giả hiệu, thì bất quá là mất tiền, nhưng nếu bạn mua phải đồ có chứa hóa chất, thì tổn thất không chỉ là tiền mà còn là sức khỏe của bạn.

Phân biệt ấm giả Tử sa

  1. Màu sắc quá ư tươi sáng rực rỡ của các màu: Hồng, vàng, xanh, lam, đen, tím, trắng, đại đa số đều là đồ phổ thông, đất sét pha hóa chất chế thành.
  2. Ấm mới, trong ngoài sáng bóng không tì vết, nhuận sắc nhưng khô cứng: là đồ tráng nước thủy tinh hoặc chế phẩm được phun bề mặt.
  3. Ấm sau khi tráng nước thủy tinh thì không thấm nước, không thấm khí: rót nước sôi lên thân ấm thì không bị thân ấm hút nước.
  4. Mùi lạ: có mùi khó ngửi, hoặc hương thơm đặc thù, hoặc có mùi tanh.
  5. Không lưu lại vết tích thời gian: Không thấm khí, không thấm nước trà, do vậy mà không lưu lại vết bám của trà, vết tay người dùng, cái mà thời gian lâu sẽ có màu riêng (màu thời gian).

Điều kiện đầu tiên của lựa chọn ấm - Sa khoáng thuần thiên nhiên

Chọn ấm tử sa thuần túy khoáng liệu thiên nhiên. (Phong cách tử sa đời nhà Đường) (Ảnh qua Epochtimes)

Đất tím

Đất tím thuộc về đất cát phong hóa từ nham thạch, thời cổ gọi là “Đất xanh”, các tầng đất khác nhau chế luyện ra màu sắc khác nhau, xanh nhạt, trắng xanh, tím hồng, xanh đen, xanh da trời, xanh nước biển, đen óng.

Đất tím có tính dẻo, phôi đất dai, dùng cho nhiều loại trà như: Phổ nhĩ, Ô long, trà đen, trà lên men đều được.

Đất hồng

Đất hồng thuộc về đất cát phong hóa từ nham thạch, phân hai loại: đất tử sa hồng và chu sa, ít ảnh hưởng đến mùi vị, giữ nhiệt đưa hương, các khoáng tầng khác nhau chế luyện có màu khác nhau (Hoàng Long Sơn có loại đất: đỏ son, hồng đậm, đá hồng, hồng nhạt, vàng son, tím chu sa), giáng pha hồng…

Tính tụ hương đặc biệt tốt, dùng cho trà Ô long, hoa trà, Thiết quan âm, hồng trà.

Đất xanh

Đất xanh ở Hoàng Long Sơn trữ lượng rất ít, thành phần chứa nhiều thạch anh, mềm dính khó thành hình, khi nung dễ vỡ. Thường dùng chế tác đồ trang trí ngoài, các khoáng tầng khác nhau chế luyện ra màu sắc khác nhau, rất nhiều màu. Thích hợp cho pha trà Ô long, Phổ nhĩ, trà xanh.

Đất hỗn hợp

Là kết hợp của hai khoáng đất xanh và đất tím, một số ít là dung hợp đất xanh và đất hồng, kết hợp đất hồng với tím là cực ít, đất này thanh sạch chất phác, thích hợp trà xanh, trà trắng bán lên men, Thiết Quan Âm, Sinh Phổ.

Thuần chân tử sa Hoàng Long Sơn, trong chứa tinh quang, ôn nhuận như ngọc, màu sắc trầm ổn, không quá lộ màu, ánh sáng phát ra từ bên trong, ẩn ẩn như ánh sáng trong mây, không bộc lộ. Đất tử sa có chứa các nguyên tố vi lượng, Thạch anh, đất sét, cát khoáng, đá Mica, quặng sắt, do có chứa quặng đá Mica nên dưới nguồn sáng mạnh, thân ấm xuất hiện ánh quang màu bạc.

Trà ngon ấm quý, mới thấy được cái đẹp của Tử Sa

Dùng ấm Tử sa pha trà, cần hiểu rõ đặc tính của trà và nhiệt độ thích hợp của nước, thì sẽ pha ra được chén trà “Tụ hương hàm thục” (hương thơm tụ lại, vị trà thanh nhẹ, nước trong nhẹ nhàng), “hương bất hoán tán” (hương không tỏa xa, vấn vít quanh chén trà, hít vào mới thấy), so với các loại ấm khác, thì trà pha ấm Tử sa có hương vị đặc sắc riêng.

Tờ Thời báo tự do đăng 8/10/2017 viết: “Trà pha ấm Tử sa thì ngon hơn?”, trong đó các giáo sư đại học y Đài Bắc, đại học Hưng Đại dùng các thiết bị đo để nghiên cứu đặc tính của nước trà với các chất liệu ấm pha khác nhau, phát hiện dùng ấm Tử sa Nghi Hưng pha trà, thì nước trà có hàm lượng Kali , Cafein tương đối thấp, chất trà tương đối cao, vị đắng giảm, có nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu khoa học này đã chứng thực được câu nói truyền khẩu “Trà pha ấm Tử Sa thì ngon hơn!”.

Nhiều người đều biết dùng ấm tử sa làm trà thêm hương vị, dùng đúng ấm tử sa Hoàng Long Sơn càng làm cho nước trà thêm ngọt dịu, chỉ cần dùng nước sôi thôi, qua ấm tử sa cũng đã thấy sự khác biệt rồi. Ấm pha trà tử sa Hoàng Long Sơn sau khi dùng nước sôi dưỡng ấm, sẽ thấy sự khác biệt rất rõ, khi thường xuyên dùng ấm, lớp màu thời gian sẽ hiện ra rõ nét hơn so với các loại ấm khác.

Những ưu điểm khi dùng ấm Tử Sa pha trà:

  1. Không mất nguyên vị ban đầu của trà, ấm không có mùi vị lạ, nên giữ được chân hương, chân vị của trà.
  2. Để lâu không dùng, cũng không bị tạp nhiễm khí, chỉ cần ngâm qua nước ấm trước khi dùng, sau đó rót nước sôi, nguyên khí sẽ phục hồi, pha trà giữ nguyên vị.
  3. Ấm tử sa có tính thông khí độc đáo, đó là thân ấm thấm khí, nên không cần lỗ ở trên nắp, vậy nên giữ hương thuần hậu, lại không dễ bị ôi.
  4. Ấm tử sa dùng lâu, thân ấm quang nhuận khả ái, cho nên Văn Long trong “Trà tiên” (sách hướng dẫn về trà) thời nhà Minh có viết về ấm tử sa như một kỳ vật: “Nâng niu như bảo vật, càng dùng lâu càng quý, ngoài thân như ngọc tím, bên trong như bích vân.”

Lời khuyên khi dùng ấm Tử sa:

  1. Cách khai ấm chính tông tử sa Hoàng Long Sơn: Trước tiên dùng nước ấm ngâm ngập, dùng xơ mướp rửa sạch trong ngoài, rửa sạch xong, dùng nước sôi súc sạch, vậy là khai ấm xong, có thể dùng pha trà.
  2. Không ngâm ấm trong nước, để khô, khi dùng mới mang rửa, tráng.
  3. Dùng xong mở nắp để nghiêng, để nơi thoáng gió, không bọc kín.
  4. Dùng pha trà một thời gian, thay ấm khác, để ấm có thời gian nghỉ ngơi, để ấm khô hoàn toàn, lần sau sử dụng tính hút thấm, thông khí sẽ phục hồi.
  5. Dùng trà xong, lấy nước sôi rửa sạch trong ngoài, dùng bút chải cọ sạch bề mặt, tránh bám vết khi khô.
  6. Nên chuẩn bị vài chiếc ấm Tử Sa khác nhau, mỗi loại trà dùng cố định một ấm, như vậy tránh lẫn vị trà.
  7. Tuyệt đối không dùng bột đánh bóng hoặc các loại hóa chất tẩy rửa để làm sạch ấm Tử sa.
  8. Không dùng dầu làm bóng bề mặt ấm, chỉ cần dùng pha trà một thời gian, thì tự nhiên sẽ có bề mặt tươi nhuận, dùng khăn sạch xoa nhẹ lên thân ấm, độ bóng thời gian sẽ hiện ra tươi sáng.

Chú ý: Dùng khăn khô, để ấm thật khô mới được chà sát nhẹ.

Tử sa do trà nên mới sinh ra, vì trà mà phồn thịnh, vì trà mà đẹp. Người dùng ấm Tử sa, duyên trà duyên phúc tự nhiên sinh.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Ấm Tử Sa pha trà thì tuyệt, nhưng làm sao phân biệt ấm hay?