Âm nhạc cổ cầm: Thân tâm giao hòa cùng trời đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhờ nghe âm cung khiến con người trở nên ôn hòa, tâm mở rộng; nghe âm thương khiến con người đoan trang, chính trực; nghe âm giốc khiến con người có tâm trắc ẩn và có thể yêu thương người khác; nghe âm chủy khiến con người thích làm việc thiện; nghe âm vũ khiến con người trang trọng, tôn kính lễ tiết.

Người xưa giảng về cầm kỳ thi họa, trong đó cầm đứng hàng đầu, âm thanh cổ cầm thực sự hay như thế nào?

"Thục cầm mộc tính thực, Sở ti âm vận thanh. Điệu mạn đàn thư hoãn, dạ thâm thập số thanh..."

Tạm dịch: “Đàn Thục mộc tính chắc, tơ Sở âm vận trong. Điệu chậm đàn từ tốn, đêm khuya mấy chục âm…”

Bài "Dạ cầm" của nhà thơ Bạch Cư Dị thời nhà Đường đã dùng những từ thanh cao, điềm đạm để biểu đạt tâm cảnh khoan thai của một thi nhân chậm rãi gảy dây đàn trong một đêm trăng thanh gió mát, đã vẽ nên một bức họa duyên dáng. Đàn cầm là một trong những nhạc cụ dây có từ lâu đời nhất trong lịch sử, là vương của các loại nhạc cụ trong mắt người xưa. Ngày nay người ta thường gọi nó là “cổ cầm” hay “thất huyền cầm. Âm vận của đàn cầm thanh nhã, mềm mại kéo dài, văn hóa của nó rộng lớn sâu xa.

Sơ lược về đàn cầm và văn hóa đàn cầm

Từ Phục Hy, Thần Nông đến Nghiêu, Thuấn, chiểu theo thuyết thiên địa, âm dương, ngũ hành mà vót cây vông làm đàn, buộc sợi tơ làm dây đàn, để thông với đức của Thần linh, hòa hợp với sự hài hòa của trời đất, tu thân sửa tính, trở về với thiên chân của mình. Trong "Thế bản - Tác thiên" có ghi chép: "Xưa kia Phục Hy chế tác ra đàn cầm; Thuấn sử dụng đàn cầm để giáo hóa dân chúng trong thiên hạ”. Trong "Sử ký Nhạc thư" ghi: "Vua Thuấn đã làm ra ngũ huyền cầm, để ca ngợi phong tục phương nam”; trong “Phong tục thông” thời Đông Hán ghi: " Bảy dây đàn phỏng theo bảy sao, dây lớn là quân (vua), dây nhỏ là thần (bề tôi), Văn Vương và Võ Vương tăng thêm hai dây, để hợp với ân quân thần”, vì thế có thể thấy Văn Vương và Võ Vương thêm 2 dây vào ngũ huyền cầm trở thành thất huyền cầm, tức cổ cầm ngày nay.

Cổ cầm thể hiện đầy đủ nội hàm của văn hóa truyền thống Á Đông, chỉ từ hình dáng và cấu tạo của nó đã chứa âm thanh hài hòa. Đàn được dựa theo hình chim phượng hoàng mà tạo nên, toàn thân đàn tương ứng với thân phượng hoàng, có đầu, cổ, vai, eo, đuôi và chân. Mặt đàn “trên tròn mà thu lại, phòng theo Trời” là dương; mặt sau “dưới vuông và phẳng, phỏng theo Đất” là âm. Như trong “Tân luận cầm đạo” thời Đông Hán đã nói “Từ xa xưa Thánh nhân trên thì quan sát phỏng theo Trời, dưới thì quan sát phỏng theo Đất, gần thì lấy thân, xa thì lấy vật mà sáng chế”. Cổ cầm có ba âm sắc: phiếm âm, án âm và tán âm, tương ứng tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân. Ba âm sắc này tương hợp và hài hòa với mọi vật. Hộp âm thanh của cổ cầm có thành dày hơn, vì vậy âm thanh của nó có một sức hấp dẫn độc đáo và mang tới cảm giác lịch sử tang thương. Dây đàn dài, biên độ sóng lớn, âm vang kéo dài mềm mại, không bị cắt đứt, vì thế nó có âm vận rất độc đáo.

Về dây đàn cầm nó lại càng dung nhập với tư tưởng của cổ nhân. Năm dây ở trên, bên ngoài theo ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; bên trong theo ngũ âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Người xưa tin rằng giáo hóa chính xác đều bắt đầu từ âm thanh, và âm nhạc được sử dụng để chấn chỉnh tâm trí của con người. Vì vậy, âm Cung ảnh hưởng đến Tỳ tạng và nó điều chỉnh ngay chính tính thành tín (Tín), âm Thương ảnh hưởng đến phổi (Phế) và nó điều chỉnh ngay chính đạo nghĩa (Nghĩa), âm Giốc ảnh hưởng đến gan (Can) và nó điều chỉnh nhân đức (Nhân), âm Chủy ảnh hưởng đến tim mạch (Tâm) và nó điều chỉnh lễ nghi (Lễ), âm Vũ ảnh hưởng đến Thận và nó điều chỉnh trí tuệ (Trí). Âm nhạc được dùng để tu thân, tế tự Thiên Địa, cảm hóa bách tính. Nhờ nghe âm cung khiến con người trở nên ôn hòa, tâm mở rộng; nghe âm thương khiến con người đoan trang, chính trực; nghe âm giốc khiến con người có tâm trắc ẩn và có thể yêu thương người khác; nghe âm chủy khiến con người thích làm việc thiện; nghe âm vũ khiến con người trang trọng, tôn kính lễ tiết.

Ngũ âm và ngũ hành
Ngũ âm đối ứng với ngũ hành, và ngũ tạng trong thân thể con người (Hình: Shenyun)

Ý tưởng đàn cầm

Đàn cầm có nền tảng lịch sử văn hóa sâu sắc, nội hàm văn hóa phong phú của nó là sự kết tinh văn hóa truyền thống tam giáo Nho, Phật, Đạo. Đạo pháp tự nhiên, coi trọng âm ngoài dây đàn, đề cao trung chính bình hòa, dùng thiện cảm hóa, thiên nhân hợp nhất, ‘dùng tâm mình để hiểu thần của vật, để đạt tới Đạo của đất trời. Nhạc cầm thánh khiết, phóng khoáng, có thể tải Đạo, có thể phòng theo đức, có thể rõ ý chí, có thể tĩnh tâm, có thể khai sáng trí tuệ. Người gảy đàn cầm yêu cầu “ngồi phải thẳng, nhìn phải đoan chính, nghe phải chuyên chú, ý phải kính, khí phải nghiêm”.

Về nguồn gốc của âm nhạc, trong “Sử ký nhạc thư” cho biết: hết thảy “âm” chính là sinh ra từ cảm xúc trực quan của lòng người, còn “nhạc” nối liền với luân thường đại Đạo. Vì vậy, thời xưa các bậc cổ Thánh tiên Vương chế lễ tác nhạc không phải để thỏa mãn dục vọng ăn uống, nghe nhìn, mà để dạy bảo dân chúng phân rõ thị phi đúng sai, quay trở về với thiên lý chính đạo. Nhạc giáo bao hàm đạo lý thâm sâu của vũ trụ, nhân sinh, giúp con người nhận thức được sự giao hòa của trời đất, làm cho con người với con người, con người với thiên nhiên sống chung hài hòa. Phương pháp giáo dục nhạc được các Thánh nhân rất coi trọng, nó có thể khiến tâm con người thiện lương, biến đổi âm thầm không tự biết, thay đổi phong tục tập quán; phân rõ thiện ác, người tốt, kẻ xấu; sau đó dùng “nhân từ” để yêu thương bảo vệ bách tính, dùng “nghĩa” để chỉ đạo bách tính. Như vậy, có thể đạt được một trật tự xã hội tốt đẹp.

“Nhạc” trang nhã thuần chính là hài hòa với trời đất vạn vật, và "lễ" trang nghiêm là có tiết chế giống như đất trời vạn vật. Chỉ có hiểu rõ được đạo lý của đất trời mới có thể chế lễ tác nhạc. Từ âm nhạc có thể quan sát được ý nghĩa sâu xa: chậm rãi tự nhiên, âm thanh với nhịp điệu ung dung vang lên, người nghe liền cảm thấy yên bình tường hòa; tự nhiên và nhịp nhàng làm cho mọi người cảm thấy bình tĩnh và yên bình; âm thanh trang nghiêm, chân thành vang lên làm cho người nghe cảm thấy nghiêm túc, cung kính; âm thanh hiền dịu, hài hòa vang lên khiến lòng người cảm động.

Còn đối với âm thanh bao hàm hỗn loạn, không yên bình, kích động nổi loạn không có trở về, và xấu ác, là điều bậc quân tử tránh xa nhất. Không để âm thanh và màu sắc tà ác lọt tai và mắt, không bị chúng quấy nhiễu, và hãy để cho tai, mắt, mũi, miệng, tâm cảnh và tất cả các bộ phận trên thân thể đều trong trạng thái hài hòa, toàn vẹn và nghiêm chính để phát huy tác dụng cần có của chúng. Vì vậy, sau khi thúc đẩy âm nhạc nghiêm chính, luân thường liền quay về đoan chính, cảm động thiện tâm của con người, ngăn chặn tư tưởng phóng túng và khí chất tà ác ô nhiễm ý chí bản thân, hoàn toàn loại bỏ tà niệm, khiến con người hướng tới đạo nghĩa.

Âm thanh thanh khiết tỏa hương

Xưa kia các bậc cổ Thánh tiên vương chế định thanh “nhã”, “tụng” để dẫn dắt. "Nhã" dùng thực thi chính đạo và "tụng" để tán thưởng thành công, nghe âm thanh của nó, mắt nhìn lễ uy nghi, cử chỉ cung kính, lời nói ra tất sẽ nhân từ, dâm tà không xâm phạm được, lòng người liền cảm thấy rộng lớn. Khi tấu nhạc tại tông miếu, quân thần trên dưới cùng nghe, không có bất hòa cung kính; tấu nhạc trong gia tộc hoặc quê nhà, người già trẻ nhỏ đều cùng nghe, không có bất hòa, tất cả đều cung thuận; tấu nhạc trong gia đình cha con anh em cùng nghe, không còn bất hòa. Tất cả mọi người thông qua âm nhạc loại bỏ những thứ dơ bẩn trong tâm, hấp thụ những điều bổ ích, khiến bản thân nâng cao đức tính hàm dưỡng. Vì vậy nói “nhã”, “tụng” có vai trò riêng của nó, phong tục dân gian đạt đến thuần chính; một khi âm nhạc có thể đạt đến điểm hòa hợp và hài hòa, ngay cả chim và thú cũng sẽ bị cảm hóa.

Khổng Tử rất coi trọng giáo dục âm nhạc, ông nói “Bắt đầu từ việc học kinh Thi, lấy Lễ làm nền tảng lập thân, lấy Nhạc để hoàn thành sở học”. Ông ca ngợi "Thiều Nhạc" thập toàn thập mỹ; chỉnh lý thơ ca và âm nhạc để khuyên nhủ thế nhân, ba trăm bài thơ trong Kinh Thi "đều có thể dùng đàn tấu nhạc và hát ca”; đưa "Nhạc" trở thành một trong "Lục Kinh", truyền thụ cho học sinh, và trở thành một tác phẩm kinh điển phải đọc đối với giới văn nhân. Ông cả đời kiên định không rời đối với việc hoằng dương đạo đức. Một lần trên đường từ Vệ quốc trở về Lỗ quốc, khi thấy hoa lan, ông nói với các học trò: "Lan sinh sống nơi thung lũng sâu, không vì không có người mà không tỏa hương; quân tử tu đạo lập đức, không vì lâm vào khốn cùng mà thay đổi chí khí". Sau đó, ông đã viết "Y lan tháo" có cả tụng gảy cầm, đã được ghi vào sử sách.

"Cầm kỳ thi họa" là kỹ năng không thể thiếu đối với văn nhân truyền thống. Âm thanh và vần điệu du dương, trầm bổng và cảm động của cổ cầm hài hòa với bản chất, lý tưởng mà bậc quân tử theo đuổi. Ví dụ, khi Sư Khoáng vào thời Xuân Thu, khi ông gảy đàn cầm thì "lục mã ngưỡng mạt, huyền hạc minh vũ, uyên ngư xuất thính" (6 ngựa ngừng ăn ngẩng đầu nghe, hạc đen bay đến nhảy múa, cá dưới vực sâu ngoi đầu lắng nghe), ông được hậu nhân tôn vinh là "Nhạc Thánh". Ông đã sáng tác những bản nhã nhạc như "Dương xuân" và "Bạch Tuyết"... thể hiện sự khao khát về một tương lai tốt đẹp hơn. Ví như truyền thuyết thời Xuân Thu về Bá Nha chơi cầm và Chung Tử Kỳ thích nghe: Bá Nha gảy cầm, ý nguyện tại cao sơn, Chung Tử Kỳ đã ca ngợi: "Đẹp thay! mênh mang như chí tại lưu thủy”, Bá Nha ngạc nhiên:“ Giỏi thay! Tâm của ông giống như của tôi vậy”. Bản nhạc “Cao sơn lưu thủy ”cũng được truyền hậu thế.

Cầm còn gửi gắm ý nguyện giữ thân trong sạch và sùng bái nhân cách cao thượng của bậc quân tử, chẳng hạn như bài thơ "Uống rượu một mình" của Lý Bạch viết: "Tay múa trăng trên đá, đàn trên gối giữa hoa"; còn Bạch Cư Dị trong “Đối cầm đãi nguyệt” viết: “Sao Chẩn trong gió mãi, vầng trăng khuất mù sương. Nhã âm chờ cảnh đẹp, chỉ riêng lòng ta hay”.

Nghệ thuật cổ cầm là một báu vật trong văn hóa truyền thống của các dân tộc Á Đông, có lịch sử lâu đời và nội hàm phong phú. “Nhạc” được các bậc Thánh hiền sùng bái, có tác dụng thúc đẩy lòng người hướng thiện. Trên thực tế, tất cả các nghệ thuật chính thống đều có thể làm cho con người “chính tâm”, “tu thân” và trở về với lương tri đạo đức, bởi vì thiện niệm thuần chính là nguồn gốc và đích đến của sinh mệnh, bảo vệ chân lý và chính nghĩa là sứ mệnh và trách nhiệm của con người.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Âm nhạc cổ cầm: Thân tâm giao hòa cùng trời đất