8 cao nhân ẩn dật “xuất đầu lộ diện" trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Tam Quốc Diễn Nghĩa" là tác phẩm tiên phong của dòng tiểu thuyết lịch sử theo phong cách chương hồi cổ điển của Trung Quốc. Cuốn sách xoay quanh chữ "Nghĩa", thể hiện sâu sắc cuộc chiến giữa ba thế lực Ngụy - Thục - Ngô, miêu tả sinh động lịch sử gần một thế kỷ từ cuối thời Đông Hán đến đầu Tây Tấn, xây dựng thành công một nhóm nhân vật anh hùng lịch sử sống động. Ngoài ra còn có số cao nhân nổi danh thế gian, ẩn mình trong thiên hạ, sống trong núi rừng, không màng danh lợi, nhưng thỉnh thoảng lộ diện trong sách. Những chi tiết sau đây về các nhân vật này được lấy từ “Tam Quốc Diễn Nghĩa” và các tác phẩm có liên quan như “Tam Quốc Chí”, “Hậu Hán Thư” v.v.

1. Quản Lộ

Quản Lộ, một thuật sĩ nước Ngụy thời Tam Quốc, hiệu là Công Minh, quê ở Bình Nguyên (nay là Bình Nguyên, Sơn Đông). Thuở nhỏ khi mới tám, chín tuổi Quản Lộ đã thích thiên văn, có đêm nằm ngửa mải mê nhìn sao trên trời không ngủ. Ban ngày, những khi chơi đùa với bạn, Lộ cũng thường vạch đất vẽ bầu trời chia chỗ này mặt trăng, chỗ kia mặt trời cùng vị trí các chòm sao. Lớn lên ông tinh thông "Chu dịch", giỏi bói toán, tướng thuật và biết điểu ngữ, phán đoán không việc nào không trúng, khắp thiên hạ đều bái phục.

Quản Lộ là một thuật sĩ nổi danh trong lịch sử và được hậu thế coi là tổ sư xem tướng bói toán, ông đã viết rất nhiều sách trong cuộc đời mình, bao gồm "Chu dịch thông linh quyết", "Chu dịch thông linh yếu quyết", "Phá táo kinh", "Chiêm cơ",... “Tam Quốc Diễn Nghĩa - Phương kỹ truyện" ví von thuật bói toán của Quan Lộ với y chẩn của Hoa Đà, thanh nhạc của Đỗ Quỳ, thuật xem tướng của Chu Kiến Bình.

Quản Lộ
Quản Lộ (nguồn wikipedia)

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” mô tả rằng ông từng xem bói cho Tào Tháo. Có lần Tào Tháo trong lòng lo lắng, không hiểu có chuyện gì sẽ xảy ra nên phát bệnh nặng, thuốc thang thế nào cũng không bớt. Nhân dịp có quan Thái sử là Hứa Chi từ Hứa Đô đến Nghiệp Quận thăm, Tháo cho mời vào hỏi chuyện xem có người nào giỏi về bói dịch không. Hứa Chi liền tiến cử Quản Lộ và đem những chuyện về người này thuật cho Tháo nghe. Tháo mừng rỡ vô cùng, vội cho người đến Bình nguyên triệu Quản Lộ về.

Quản Lộ đến nơi được Tháo nhờ gieo quẻ để đoán bệnh. Một lát sau Lộ nói: “Ngài mắc phải pháp thuật của Tả Từ rồi, nhưng không có gì đáng ngại đâu”. Nghe xong, Tháo thở một hơi dài khoan khoái như vừa trút xong một gánh nặng.

Đoạn Tháo nhờ Lộ bói một quẻ để xem việc thiên hạ, Quản Lộ lại gieo quẻ rồi đoán: “Ba tám tung hoành, heo vàng gặp hổ. Định Quân hướng Nam, đả thương một chân”.

Tào Tháo lại hỏi về chuyện người thừa kế sau này của mình. Quản Lộ tiên đoán: “Sư tử trong cung, dẹp an thần vị. Vương đạo cách tân, tử tôn cực quý”.

Tào Tháo bảo ông nói chi tiết hơn, Quản Lộ trả lời: “Mênh mông số trời, không thể báo trước, tự mình trải nghiệm”.

Sau đó khi đại tướng quân Hạ Hầu Uyên, huynh đệ trong tộc của Tào Tháo, chết trên đỉnh Định Quân, Tào Tháo ngộ ra lời Quản Lộ nói: “Ba tám tung hoành” cũng chính là Kiến An hai mươi bốn năm, “Heo vàng gặp hổ” năm đó cũng chính là tháng đầu tiên của Kỷ Hợi; “Định Quân hướng Nam” cũng chính là núi Định Quân ở phía Nam, “Đả thương một chân” cũng chính là tình cảm huynh đệ của Hạ và Tào. Sau đó, con trai của Tào Tháo – Tào Phi xưng đế, chính là “Sư tử trong cung, dẹp an thần vị”.

2. Hoa Đà

Hoa Đà, biểu tự Nguyên Hoá, tên thật là Phu quê ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu (nay là Bạc Châu, tỉnh An Huy), là đồng hương của Tào Tháo, và là một y học gia nổi tiếng cuối thời Đông Hán. Ông cũng được xem là một trong những ông tổ của Đông Y.

Khi còn trẻ, ông từng đi khắp nơi học hỏi, nghiên cứu y thuật chứ không cầu sự nghiệp. Ông có y thuật toàn diện, đặc biệt am hiểu ngoại khoa, được các thế hệ sau gọi là “ngoại khoa thánh thủ” và “ngoại khoa thuỷ tổ”. Hoa Đà được cho là đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng một hỗn hợp rượu và thảo dược được gọi là Ma phí tán (麻沸散), 1600 năm trước khi người phương Tây biết áp dụng kỹ thuật này trong phẫu thuật. Ông lại phỏng theo động tác của chim thú như: hổ, hươu, gấu, khỉ, chim… mà sáng tác ra “Ngũ Cầm Hí”.

Hoa Đà
Hoa Đà (Nguồn wikipedia)

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa Hoa Đà từng chữa trị vết thương cho Chu Thái của Đông Ngô, chữa gãy chân cho Lữ Bố và giải độc cho Quan Công ở Kinh Châu, để lại câu chuyện cạo xương trị độc. Sau đó, ông chẩn đoán Tào Tháo có khối u trong não và cần phải mổ sọ. Nhưng Tào Tháo vì quá đa nghi cho rằng Hoa Đà nhân cơ hội để hãm hại mình, nên tống giam ông vào ngục cho đến chết. Cuối cùng Tào Tháo chết vì chứng đau u não.

Cũng theo tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hoa Đà vì cảm kích người gác ngục đã chăm sóc mình khi đang ở trong ngục nên đã truyền sách của mình cho người lính này. Tuy nhiên, do vợ của người lính đó sợ nếu chồng mình theo nghề y sẽ có kết cục bi thảm như Hoa Đà nên đã đốt mất, do đó tất cả sách vở của Hoa Đà về nghề y đã thất truyền.

3. Lâu Tử Bá

Lâu Tử Bá và Tào Tháo chinh phạt Mã Siêu, hai đội quân đối đầu nhau tại sông Vị, giằng co mãi không xong. Lâu Tử Bá, người sống ẩn dật ở Trung Nam Sơn, đã nhắc nhở Tào Tháo dùng binh cần biết thiên thời và dạy Tào Tháo phương pháp tưới nước và đóng băng xây thành, khiến Tào quân xây dựng một thành phố bằng đất chỉ trong một đêm và đánh bại Mã Siêu. Sau đó, Lâu Tử Bá không nhận ban thưởng của Tào Tháo mà lặng lẽ rời đi.

Lâu Tử Bá
Lâu Tử Bá (nguồn baidu)

4. Bàng Đức Công

Ông là danh sĩ thời Đông Hán, quê ở Tương Dương, Thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu nhiều lần mời ông vào phủ nhưng không được. Lưu Biểu hỏi ông không chịu làm quan, thì dùng cái gì lưu lại cho con cháu. Ông trả lời: Thế nhân lưu lại cho con cháu toàn là thói xấu ham ăn biếng làm, ham hưởng lạc, còn những gì ta để lại cho con cháu là truyền thống vừa làm ruộng vừa học tập, sống an cư lạc nghiệp, hoàn toàn không giống với họ.

Bàng Đức Công
Bàng Đức Công - Nguồn wikipedia

Bàng Đức Công có mối quan hệ thân thiết với Bàng Thống, Tư Mã Huy và Gia Cát Lượng sống ẩn dật ở Tương Dương vào thời điểm đó. Gia Cát Lượng được gọi là "Ngọa Long", Tư Mã Huy là “Thủy Kính", Bàng Thống là "Phượng Sồ", ông được biết đến như một người trí tuệ siêu phàm. Khi Lưu Bị đến thăm Thủy Kính Tiên sinh, ông đã mượn lời đồng tử nhắc nhở và tiết lộ thiên cơ cho Lưu Bị: Có được một trong hai người Ngoạ Long hoặc Phượng Sồ thì có thể an định được thiên hạ. Từ đó mới có câu chuyện Lưu Bị “Tam cố mao lư” (Lưu Bị ba lần đến mời Gia Cát Lượng).

5. Mạnh Tiết

Mạnh Tiết còn gọi là Vạn An ẩn giả. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Mạnh Tiết xuất hiện tại Hồi thứ 89 và được giới thiệu là một ẩn sĩ, là sư huynh của Man Vương Mạnh Hoạch, Mạnh Tiết đã giúp đỡ cho quân Thục Hán trong cuộc chinh phạt vào vùng Nam Trung.

Trong "Thất cầm Mạnh Hoạch" của Gia Cát Lượng, ông đã được Mạnh Tiết giúp đỡ. Mạnh Hoạch khởi binh tạo phản, Mạnh Tiết là anh cả, vốn là người hâm mộ văn hóa Hán và bất mãn với Mạnh Hoạch vì không tuân vương hóa nên đã bỏ đi làm ẩn sĩ.

Mạnh Tiết được mô tả là người đội nón nan, đeo dép cỏ, áo bào trắng, dây lưng thâm, mắt biếc, tóc vàng, là ẩn sĩ sống ở khe núi Vạn An (từ con sông câm đi thẳng mé tây vài dặm, có một hang núi, vào trong hang đi hai mươi dặm nữa, đến một cái khe, gọi là khe Vạn An). Mạnh Tiết được giới thiệu là một cao sĩ, gọi là Vạn An ẩn giả và đã vài mươi năm nay, Mạnh Tiết không rời khỏi khe Vạn An (sống cùng với một tiểu đồng). Nơi Mạnh Tiết sống có thông to, bách cổ, trúc lạ, hoa thơm, rườm rà xung quanh một khu nhà, sau bức rào, có mấy gian nhà tranh, mùi hoa ngào ngạt. Đặc biệt là sau nhà Mạnh Tiết có một cái suối, gọi là suối An Lạc, ai trúng phải độc, uống nước suối ấy khỏi lập tức, hoặc người nào sinh ghẻ, nhiễm phải chướng khí, tắm nước suối ấy tự nhiên không việc gì. Trước nhà thì có một thứ cỏ gọi là giới diệp vân hương, ngậm lá cỏ ấy trong mồm, thì chướng khí không nhiễm vào được.

Mạnh Tiết
Mạnh Tiết (nguồn baidu)

Khi quân Thục bị trúng độc do uống phải nước suối câm ở chỗ của Đóa Tư đại vương, có người chỉ điểm, Khổng Minh đem hương hoa lễ vật dẫn Vương Bình và những quân câm, theo lời Thần chỉ, lần mò kéo đi, vào một hang núi, đi hai mươi dặm nữa, thì thấy căn nhà của Mạnh Tiết. Mạnh Tiết hớn hở chào hỏi và mời vào nhà chơi. Khổng Minh xin Mạnh Tiết rộng lượng cho ít nước thần, để cứu vớt cái sống thừa của ba quân.

Mạnh Tiết nói: "Lão phu là người quê kệch ở chốn núi rừng, thừa tướng lọ là phải uổng công đến đây. Suối này ở ngay sau nhà, xin cứ việc ra mà uống" rồi sai tiểu đồng đưa Vương Bình và quân lính ra suối lấy nước. Uống xong, quân lính đều liền thổ ra dãi độc, rồi nói được ngay. Tiểu đồng lại đưa cả bọn đến khe Vạn An tắm táp.

Mạnh Tiết ở trong nhà pha chè hạt bách, thiết đãi Khổng Minh, nói cho Khổng Minh biết rằng ở xứ này lắm giống rắn dữ, rết độc, hoa liễu bay vào trong khe, nước không sao uống được, phải đào giếng mới xong. Khổng Minh xin hỏi tên họ, thì Mạnh Tiết tự giới thiệu là anh ruột Mạnh Hoạch. Ông nói với Khổng Minh rằng: "Hai tiểu đệ của tôi cứng đầu, cứng cổ, không tuân vương hóa. Tôi can bảo chúng không nghe, nên phải đổi tên, ẩn dật ở đây. Nay tiểu đệ của tôi làm phản, để thừa tướng phải khó nhọc, đến xứ bất mao này, tội tôi thật đáng muốn chết nên xin thú tội với thừa tướng trước".

Khổng Minh khen rằng "Thế mới biết việc Đạo chích với Liễu Hạ Huệ thời nay cũng có" và đề nghị với Mạnh Tiết sẽ tâu với thiên tử cử ông này lên làm vua xứ Nam Man nhưng Mạnh Tiết từ chối vì ghét công danh, nên trốn ra đây, còn bụng nào tham phú quý nữa. Khổng Minh bèn lấy vàng lụa ra tạ. Mạnh Tiết cố từ chối không chịu lấy. Khổng Minh cảm phục, từ biệt ra về.

6. Lý Ý

Theo "Truyền kỳ mạn lục" của Cát Hồng, Lý Ý quê ở Thục Quận (nay là Thành Đô, Tứ Xuyên), sinh vào thời Hán Văn Đế, đến thời kỳ Tam quốc vẫn còn sống. Một số người nói rằng ông là chắt thứ 17 của Lão Tử Lý Nhĩ, đạo hạnh cao thâm.

Trước khi xảy ra trận Di Lăng, Lưu Bị muốn thống lĩnh đại quân chinh phạt nước Ngô và báo thù cho nhị đệ, ông đã từng hỏi Lý Ý xem thử cát hung. Lý Ý lấy giấy bút vẽ 40 bức tranh về binh mã khí giới, vẽ xong rồi xé từng cái vỡ vụn. Rồi ông lại vẽ một người lớn nằm ngửa trên mặt đất, ở bên có người xúc đất chôn, phía trên có viết một chữ “Bạch" lớn, rồi chắp tay mà đi. Lưu Bị không vui, nói với quần thần rằng: “Lão già điên cuồng này không đáng tin!” .Rồi dấy binh tiến đánh Đông Ngô.

Lý Ý
Lý Ý (nguồn baidu)

Lý Ý đã vẽ hơn 40 bức tranh binh mã khí giới ám chỉ cho hơn 40 doanh trại của Lưu Bị dọc theo sông, xé vỡ vụn ám chỉ doanh trại đã bị phá hủy. Một người to lớn nằm trên mặt đất và một người xúc và chôn ẩn ý nói về thất bại và cái chết của Lưu Bị, chữ "Bạch" ám chỉ Lưu Bị mất ở Bạch Đế Thành; vì nóng giận mà khiến doanh trại bị thiêu cháy. Những điều này về sau đều được chứng thực từng cái một.

7. Vu Cát

Ông là một đạo sĩ cuối thời Đông Hán, quê ở Lang Gia (nay là Giao Nam, Sơn Đông). Trước sống ở phương Đông, dựng một ngôi nhà, thắp hương, đọc đạo thư, làm phù thuỷ cho bách tính chữa bệnh. Tiểu Bá Vương Tôn Sách vô cùng tức giận, không tin vào các phương sĩ và vu thuật, đồng thời cũng sợ rằng các phương sĩ sẽ phân tán trong dân chúng và tập hợp mọi người lại để làm loạn, cho rằng: “kẻ này yêu vọng, có thể làm mê hoặc tâm trí dân chúng, về sau có thể khiến quần thần không còn tuân thủ lễ nghĩa quân thần, không thể không trừ khử.”

Danh thần Trương Chiêu và mẫu thân của Tôn Sách đều khuyên ông không thể giết, nhưng Tôn Sách vẫn lấy cớ Vu Cát mê hoặc nhân tâm mà hạ lệnh chém đầu ông.

Vu Cát
Vu Cát (Nguồn wikipedia)

Sau đó, Tôn Sách thường xuyên nhìn thấy Vu Cát đang trừng mắt nhìn mình trong cung điện, nhưng quân lính thì không hề nhìn thấy. Thế là Tôn Sách ngày nào cũng tức giận "đuổi đánh Vu Cát", thường xuyên chặt phá đồ đạc trong cung, và cuối cùng chết vì vết thương bộc phát.

8. Tả Từ

Theo sử liệu, Tả Từ là một đạo sĩ Lão giáo, tự là Nguyên Phóng, đạo hiệu là Ô Giác tiên sinh, người quận Lư Giang, nay là Tiềm Sơn, tỉnh An Huy. Tả Từ tu trên đỉnh núi Thiên Trụ, luyện tập nội đan thuật và nuôi dưỡng tinh khí bằng khí công và tập luyện Phòng trung thuật, một phương pháp luyện khí công của Đạo gia. Nhiều người nói rằng ông có thể sống trong nhiều thời kỳ mà không cần ăn. Tả Từ cũng học Tứ thư Ngũ kinh và Chiêm tinh học.

Khoảng trước năm 200, lãnh chúa Đông Ngô là Tôn Sách, một người chủ trương Khổng giáo. Tả Từ cũng là một người có chính kiến, biết Tôn Sách không thích thuật sĩ, còn giết bọn họ, trong lòng ông bất bình, còn dám chạy tới chỗ Tôn Sách, khuyên ông không nên làm như vậy. Cách làm của Tả Từ, trong mắt người xung quanh là "tự chuốc họa vào thân", Tôn Sách quả nhiên vô cùng tức giận, muốn giết ông, nhưng Tả Từ đâu có sợ, lập tức ẩn thân, Tôn Sách phái người đi tìm ra sao cũng tìm không ra. Lật lại những ghi chép trong sử sách về Tả Từ, mọi ghi chép đều nói ông là người "có thuật biến hóa", hay biết thuật luyện đan.

Tả Từ
Tả Từ (Nguồn wikipedia)

Sau đó, Tả Từ đến thăm Tào Tháo, sau khi tiệc rượu với Tào Tháo, Tào Tháo muốn có được cá lư Tùng Giang, Tả Từ từ chậu chứa nước mà câu được cá này. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có đoạn ném chén hí Tào. Sau buổi yến tiệc ở ngoại thành ông lại dùng phép thuật lấy hết rượu thịt Tào Tháo mời khách.

Tả Từ tuy thể hiện được bản lĩnh của mình, nhưng lại khiến Tào Tháo không vừa mắt. Tào Tháo thích người có tài, nhưng có một tiền đề là đối phương không được "khôn quá". Mấy câu đố của Tào Tháo, Tả Từ đều có thể giải quyết một cách mỹ mãn, hơn nữa những vấn đề này, nếu đặt trong hoàn cảnh bình thường, dường như là không thể hoàn thành. Tào Tháo cho rằng người này không dễ khống chế, nhưng lại có tài như vậy, vậy thì giết quách đi.

Nhưng sự lợi hại của Tả Từ, Tào Tháo vẫn chưa thể lĩnh giáo được hết. Khi thủ hạ của Tào Tháo truy đuổi Tả Từ, vừa hay gặp một đàn cừu, Tả Từ trà trộn vào đàn cừu, vậy là lập tức "biến mất" không thấy đâu. Theo cách nói trong sách thì đó là thuật "ẩn thân lánh mình". Một nhân vật lợi hại như vậy, ba nhà Tào - Lưu - Tôn khi đó, bất kể là ai có được cũng đều mạnh bằng cả mười đoàn quân.

Rất nhiều người đọc Tam quốc diễn nghĩa cho rằng, Tả Từ chỉ là nhân vật hư cấu do La Quán Trung tưởng tượng ra để báo hiệu cho cái chết của Tào Tháo. Thế nhưng không, đích thực là trong sử sách, có rất nhiều ghi chép về vị đạo sĩ này. Những tác phẩm nổi tiếng như “Hậu hán thư - Tả Từ truyện”, “Sưu thần ký”, “Phương dư thắng lãm”, “Thiên hạ danh thắng chí”, “Giang nam thông chí” hay “Lư giang huyền chí” cũng đều có ghi lại.

Tam Quốc là thời đại của rất nhiều anh tài hào kiệt, chỉ có điều không phải kết cục của ai cũng được như ý. Một buổi tối, Tả Từ trong lúc đếm sao đã thở dài cảm thán, vẫn là đếm sao thú vị hơn, sao phải vùi mình vào tranh chấp thế gian? Trong thế giới của ông, quy luật vận hành giữa trời đất mới là vĩnh hằng, công danh lợi lộc chẳng qua chỉ là chuyện nhất thời. Một kỳ tài như vậy, dù không có ý định phân tranh cao thấp với thế nhân, nhưng vẫn để lại cho hậu thế một câu chuyện truyền kỳ khác biệt.

Lam Sơn
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

8 cao nhân ẩn dật “xuất đầu lộ diện" trong Tam Quốc Diễn Nghĩa