5 bậc quân sư lớn trong lịch sử Trung Quốc đều là Thần nhân [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc, những vị minh quân hiểu biết thiên hạ và giúp Thiên tử khai sáng thời thịnh thế thường có lai lịch phi phàm. Ngoài việc bày mưu tính kế, quyết định thắng bại từ nghìn dặm trong những thời kỳ loạn lạc, trên vũ đài của lịch sử; họ còn lưu lại rất nhiều trước tác, dự ngôn và cố sự khiến cho hậu thế không tài nào lý giải mà lại vô cùng thán phục. Dưới đây là 5 vị quân sư nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử, mỗi người trong bọn họ đều là thần nhân.

Số 5: Quân sư hòa thượng, công thần của Minh Thành Tổ - Diêu Quảng Hiếu

Hồi nhỏ ông tên là Thiên Hi, pháp danh là Đạo Diễn, tự Tư Đạo, còn có tự là Độc Am, hiệu là Độc Am lão nhân. Diêu Quảng Hiếu là tăng nhân, nhà thơ, nhà chính trị nổi danh thời cuối nhà Nguyên, đầu nhà Minh, là quân sư đắc lực của Minh Thành Tổ. Trong lịch sử Trung Hoa, Phật giáo rất thịnh hành nên số lượng tăng nhân là rất nhiều. Các triều đại của Trung Hoa thay đổi liên tục, nên có thể nói số lượng quân sư tài hoa, xán lạn cũng không ít. Nhưng vừa là quân sư tài trí, lại tu hành siêu trần thoát tục thì cực kỳ hiếm có. Diêu Quảng Hiếu là một trong số vị tăng nhân kỳ lạ thần bí nhất.

Vào thời Vua Thái Tổ nhà Minh, từ những năm cuối niên hiệu Hồng Vũ đến những năm Vĩnh Lạc, vũ đài chính trị của Trung Hoa có nhiều thay đổi bất thường, kinh tâm động địa, Diêu Quảng Hiếu thân là hòa thượng khoác áo cà sa nhưng lại đưa ra sách lược chuẩn xác, thân ngồi trong trướng nhưng lại có thể chỉ huy thiên quân vạn mã ở bên ngoài, quyết định thắng thua ngoài ngàn dặm. Ông chính là một trong những công thần khai quốc có công lao to lớn bậc nhất của Minh Thành Tổ.

Hòa thượng Diêu Quảng Hiếu là một trong những công thần khai quốc có công lao to lớn bậc nhất của Minh Thành Tổ. (Nguồn wikipedia)

Vĩnh Lạc đại đế (Minh Thành Tổ) vì để "khống chế các dân tộc ở ngoài Trung Nguyên nhằm thống trị thiên hạ", nên đã tiếp thu ý kiến của Đạo Diễn là dời đô đến Bắc Kinh, ông cũng chủ trì việc thiết kế thành Bắc Kinh. Đạo Diễn dựa theo sự sắp xếp của tinh tú trên trời, để Tử Vi cung trên trời đối ứng với Tử Cấm Thành ở nhân gian. Để khắc chế vương khí còn tàn dư của nhà Nguyên, ông đã chuyển trục trung tâm của thành Bắc Kinh sang phía đông, trục trung tâm của kinh đô Đại Bộ của nhà Nguyên đặt tại vị trí Bạch Hổ ở phía tây, do đó sẽ trấn áp được tàn dư vương khí của nhà Nguyên, vị trí Huyền Vũ của kinh đô Đại Bộ của triều Nguyên, cũng bởi vậy bị phế trừ.

Số 4: Quân sư Đại Hán - Trương Lương, một trong Sơ Hán Tam Kiệt

Trương Lương tự là Tử Phòng, là mưu thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất thời Tần mạt, đầu Hán. Ông là người có công lớn trong việc khai quốc vương triều Hán. Trương Lương được xưng là “Sơ Hán Tam Kiệt”, tức là một trong ba người tài giỏi xuất chúng thời đầu nhà Hán (Bao gồm: Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà). Với mưu trí kiệt xuất, ông đã phò tá cho Lưu Bang đoạt được thiên hạ, gây dựng cơ nghiệp nhà Hán. Trương Lương được phong làm Lưu Hầu.

Khi Trương Lương còn trẻ, một ngày nọ, có tuyết rơi dày đặc, và ông đi bộ một mình đến cầu Nghi Thuỷ ở Hạ Bì, có một ông lão kỳ lạ đang ngồi ở đó. Khi ông nhìn thấy Trương Lương đã cố tình ném đôi giày của mình xuống gầm cầu và nói với Trương Lương: “Tiểu tử, mau đi lấy lại giày cho ta!” Mặc dù ông lão khá thô lỗ nhưng Trương Lương không nói gì mà vẫn xuống gầm cầu nhặt đôi giày lên đưa cho ông lão. Ông cũng không thèm nhìn Trương Lương, chỉ duỗi chân ra để cho Trương Lương xỏ vào, Trương Lương cũng không tỏ ra chán ghét, mà vẫn cung kính giúp ông xỏ giày vào. Sau khi xỏ giày xong, ông lão cười nói: "Cậu bé này có thể dạy dỗ được. Con là đứa trẻ có tố chất, sau này nhất định sẽ thành tài. Như vậy nhé, ngày mai con hãy đến đây sớm, ta có thứ tốt dành cho con. Hãy nhớ phải đến thật sớm."

Ngày hôm sau, trước khi trời sáng, Trương Lương vội vã đến cầu, nhưng đã thấy ông lão ngồi sẵn ở đó rồi. Ông lão nói: "Ngươi đến muộn hơn ta. Hôm nay điều tốt này không thể truyền lại cho ngươi. Ngày mai ngươi phải đến sớm hơn nữa." Đến hôm sau, vào lúc canh ba, Trương Lương mò mẫm đi tới cầu, nhưng lúc tới thì thấy ông lão đã tới đó rồi, ông lại bảo Trương Lương sáng hôm sau lại đến sớm hơn. Đến ngày thứ ba, Trương Lương không dám ngủ, nửa đêm đợi ở đầu cầu, một lúc sau mới thấy ông lão tới gần. Ông lão lấy ra một cuốn sách trong tay, đưa cho Trương Lương, nói: "Ngươi hãy về đọc kỹ cuốn sách này, sau này có thể làm quân sư cho Hoàng đế, 13 năm sau chúng ta sẽ còn gặp lại, đến lúc đó ngươi hãy đến Cốc Thành dưới núi Hoàng Thạch tìm ta.” Lão nhân nói xong liền bay lên trời. Đây là cố sự "Hoàng Thạch Công" trong truyền thuyết. Sau khi Trương Lương trở về, ông đã tu luyện theo cuốn sách này, nghe nói không những có thể thông thạo binh pháp, liệu sự như thần, mà còn khiến ông trở nên uy lực mạnh mẽ, nhẹ tựa lông, có thể bay lượn đến tận chân trời. Về sau, ông đã dựa vào cuốn sách này mà phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang bình định thiên hạ. Sau 13 năm kể từ khi Trương Lương đắc được cuốn sách này, ông đã đến núi Cốc Thành ở Tế Bắc, quả nhiên tìm được khối Hoàng Thạch thông linh thần kỳ, ông thành kính đem Hoàng Thạch về nhà và xây từ đường thờ cúng Hoàng Thạch.

Trương Lương đã giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang diệt Tần, lập ra nhà Hán. (Nguồn wikipedia)

Trương Lương đã giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang diệt Tần, lập ra nhà Hán, nhưng ông không màng công danh, nên đã thỉnh cầu Lưu Bang được từ quan. Hán Cao Tổ Để vì cảm niệm Trương Lương đã giúp đỡ mình thành tựu bá nghiệp, nên đã đặc biệt phong Trương Lương làm Lưu hầu, rồi phong làm Đại Tư đồ. Sau khi qua đời, Trương Lương được chôn cất lại Long Đầu Nguyên. Vào cuối thời nhà Hán, mộ của Trương Lương bị đào lên, tương truyền rằng khi mở quan tài, trong quan tài không có xương cốt và quần áo của Trương Lương, mà chỉ có một chiếc gối bằng Hoàng Thạch đột nhiên bay lên không trung rồi bay đi trong nháy mắt. Những gì còn lại trong quan tài chỉ là một vài luận thuật về chiến sự viết trên một tấm lụa trắng. Truyền thuyết dân gian cho rằng Trương Lương đã đắc đạo thành tiên.

Trong “Thái Bình Quảng Ký” có ghi chép, Trương Lương về sau tu thành Tiên, thường cùng Thái Thượng Lão Quân ngao du tiên cảnh. Cháu trai của Trương Lương là Trương Đạo Lăng cũng đắc Đạo thành Tiên.

Số 3: Thiên cơ diệu toán, quân sư triều Đại Minh - Lưu bá Ôn

Ông tên thật là Lưu Cơ, tự là Bá Ôn, là nhà mưu lược quân sự kiệt xuất cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Ông vừa là nhà chính trị, tác gia và nhà tư tưởng, thông kinh sử hiểu thiên văn, tinh binh pháp. Ông là người Hán và là công thần khai quốc triều nhà Minh. Lưu Cơ có công phò tá Chu Nguyên Chương hoàn thành đế nghiệp. Ông luôn tận tâm tận lực giữ cho quốc gia được yên bình. Do ông nổi danh thiên hạ, nên người đời sau thường so sánh ông với Gia Cát Lượng.

Lưu Cơ từ nhỏ đã thông minh khác thường, thiên phú cực cao. Ông ham học, suy nghĩ sâu xa, thích đọc sách, vô cùng thích đọc kinh điển Nho gia, sách “Chư tử bách gia”. Đối với thiên văn, địa lý, binh pháp, thuật số ông đều dốc lòng nghiên cứu và rất tâm đắc.

Trí nhớ của ông vô cùng tốt, đọc sách nhanh như gió, xem qua là thuộc. Ngoài ra ông có cách hành văn rất đặc sắc, cách viết văn không giống người thường. Thầy giáo của Lưu Bá Ôn từng nói với ông nội của ông rằng: “Một ngày nào đó, đứa bé này sẽ làm rạng danh gia tộc nhà ông, làm hưng thịnh gia tộc họ Lưu”.

Lưu Bá Ôn đã trở thành quân sư đại tài, ông còn là vị cao nhân đắc Đạo. (Nguồn wikipedia)

Triệu Thiên Trạch, danh sĩ Tây Thục khi bình luận về ông đã so sánh ông như là Gia Cát Lượng và khẳng định chắc chắn một ngày nào đó Lưu Bá Ôn sẽ là người đại tài nổi danh thiên hạ.

Quả nhiên, về sau Lưu Bá Ôn đã trở thành quân sư đại tài. Chẳng những vậy ông còn là vị cao nhân đắc Đạo, để lại cho đời sau nhiều lời tiên đoán chuẩn xác, nổi danh nhất là “Thiêu Bính Ca”.

Số 2: Quân sư thời Thục Hán: Gia Cát Lượng - phe phẩy quạt khăn

Gia Cát Lượng tên tự là Khổng Minh, là thừa tướng Thục Hán thời kỳ Tam Quốc. Ông là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà văn và nhà phát minh trứ danh trong lịch sử Trung Hoa, người đất Dương Đô quận Lang Nha đời Đông Hán (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông)

Thuở thiếu niên, ông vừa làm ruộng vừa đi học ở ngoại ô thành Tương Dương, Kinh Châu. Người dân địa phương gọi ông là Ngọa Long, Phục Long. Ông được Lưu Bị mời ra làm quan, theo Lưu Bị trên khắp các chiến trường, thành lập nhà Thục Hán và được phong làm Thừa tướng.

Năm 223 sau khi Lưu Bị chết, Lưu Thiền kế vị Hoàng đế Thục Hán, Gia Cát Lượng được phong tước vị Võ Vương Hầu, trở thành người lãnh đạo quân sự chính trị quan trọng nhất của Thục Hán. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông được phong làm Trung Võ Hầu. Người đời sau thường gọi ông là Gia Cát Võ Hầu hay Võ Hầu. Trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa, Gia Cát Lượng là nhân vật trung thần, bậc trí giả tiêu biểu bậc nhất.

Gia Cát Lượng là nhân vật trung thần, bậc trí giả tiêu biểu bậc nhất. (Nguồn wikipedia)

Dưới đây là một câu chuyện trong vô số những câu chuyện thần kỳ về Gia Cát Lượng.

Trước khi lâm chung, Gia Cát Lượng đã nhiều lần dặn dò với những người xung quanh rằng tuy đã chọn nơi an táng ở Định Quân Sơn, nhưng vị trí cụ thể để an táng vẫn chưa xác định, cần đưa thi thể vào quan tài trước khi an táng, sau đó khiêng lên núi Định Quân, Gia Cát Lượng nói rằng ông sẽ đích thân chọn vị trí đặt lăng mộ.

Gia Cát Lượng cũng nói, khi sợi dây quan tài được phát hiện bị đứt trong quá trình di chuyển, thì ở đó chính là nơi chôn cất ông. Gia Cát Lượng chết rồi vẫn có thể tự mình chọn vị trí làm huyệt đạo khiến mọi người cảm thấy khó tin, sau khi Gia Cát Lượng chết mọi người làm theo lời dặn dò của ông, tuy nhiên trong lúc chôn cất đã xảy ra một chuyện kỳ ​​lạ, không ai giải thích được.

Các binh sĩ khiêng quan tài của Gia Cát Lượng lên núi Định Quân. Vốn dĩ mọi người không để tâm những lời dặn dò của Gia Cát Lượng, nhưng sau khi đi được một đoạn đường thì binh lính nghe thấy tiếng dây đứt, tất cả hoảng sợ đặt quan tài xuống, rồi theo lời dặn dò của Gia Cát Lượng, chọn chỗ này làm nơi chôn cất cho ông.

Sau đó, các binh sĩ bắt đầu đào đất, nhưng ngay sau đó họ nghe thấy một tiếng động lớn từ phía sau, ngoảnh lại nhìn thì thấy đỉnh núi Định Quân đang nứt, và nơi nó bị nứt tạo thành một khu vực có kích thước bằng một chiếc quan tài, mọi người hoảng sợ lập tức chôn cất Gia Cát Lượng ở đó, sau này mọi người mới thực sự tin rằng Gia Cát Lượng đã tự chọn nơi chôn cất cho mình.

Số 1: Thủy tổ quân sư Khương Tử Nha

Khương Tử Nha tên thật là Khương Thượng, tự là Tử Nha, tên thường gọi là Khương Tử Nha. Ngoài ra cũng có ghi chép rằng, tổ tiên của ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy họ là Lã. Theo sử sách Khương Tử Nha sống thọ đến 139 tuổi và từng phụ tá cho 6 vị vua nhà Chu. Bởi vì ông là thủy tổ của nước Tề nên còn được gọi là Thái Công Vọng, hay gọi theo cách thông thường là Khương Thái Công.

Vào những năm đầu nhà Tây Chu, ông được Chu Văn Vương phong làm Thái sư (chức quan võ) được tôn xưng là Sư Thượng Phụ. Khương Tử Nha phò tá Chu Vũ Vương diệt nhà Thương lập nhà Chu. Nhờ có công lao to lớn mà ông được phong cho đất Tề và trở thành thủy tổ của nước Tề thời Chu.

Khương Tử Nha phò tá Chu Vũ Vương diệt nhà Thương lập nhà Chu. (Nguồn wikipedia)

Trong lịch sử Trung Hoa, Khương Tử Nha là nhà chính trị, nhà quân sự và mưu lược nổi tiếng nhất. Tổ tiên của Khương Tử Nha là Bá Di từng phò tá Đại Vũ trị thuỷ, được ban cho họ Khương và được phong làm hầu ở đất Lã.

Theo ghi chép lịch sử, Khương Tử Nha thọ 139 tuổi. Tại sao ông có thể thọ cao và có nhiều trí tuệ như vậy? Điều này có thể lý giải rằng sau khi một người tu luyện đạt đến một cảnh giới nhất định, người đó sẽ được khai mở trí huệ và được kéo dài tuổi thọ. Sau 40 năm khổ tu, Khương Tử Nha không chỉ kéo dài tuổi thọ, mà còn nhận ra chân lý của vũ trụ mà người thường không thể hiểu được, trải qua mấy chục năm gian khổ ma luyện, cuối cùng ông đã đắc đạo thành tiên. Trong tác phẩm "Phong Thần diễn nghĩa" thời nhà Minh, việc ông được đưa vào danh sách các công thần càng thể hiện rõ ràng hơn. Trải qua các triều đại đều có người lập đền thờ ông để thế hệ mai sau chiêm bái.

Lam Sơn
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

5 bậc quân sư lớn trong lịch sử Trung Quốc đều là Thần nhân [Radio]