4 sự việc ly kỳ: Người nhiễm dịch bệnh 'cải tử hoàn sinh' 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh viêm phổi ở Vũ Hán vẫn đang lây lan trên toàn cầu. Vậy tại sao một số người bị nhiễm bệnh, một số người chết, và một số người khác không bị tổn thương gì?

Dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán hiện vẫn đang lan rộng trên toàn cầu. Số ca nhiễm dịch và tử vong được xác nhận bên ngoài Trung Quốc tiếp tục tăng, còn số ca bệnh và tử vong thực tế được xác nhận đã vượt xa số liệu chính thức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố. Vậy tại sao một số người bị nhiễm dịch, một số người chết, nhưng một số người vẫn bình an vô sự?

Trong sử sách Trung Quốc cổ đại có ghi lại câu chuyện về một số người bị nhiễm dịch cải từ hoàn sinh, có thể mang đến cho con người ngày nay những gợi ý.

Ty Dịch bệnh ở Âm phủ đặt ra hình phạt

Vào thời nhà Minh, có một vị tú tài tên là Lưu Vĩnh Thanh ở Ngô Trung, năm 60 tuổi bị mắc bệnh dịch mà chết, 9 ngày sau thì cải tử hoàn sinh. Ông nói rằng lúc mình chết có trông thấy hai vị quan sai âm phủ cầm một cái thiệp đến bắt ông, sau khi đưa ông đến một quan nha nọ rồi bắt ông quỳ gối dưới bậc thềm. Ông nhìn lén quan sát thì trông thấy một vị quan đầu đội mũ miện có các chuỗi ngọc rất uy nghiêm đang ngồi trên công đường, có lẽ chính là Diêm Vương mà nhân gian nói tới. Ở hai bên có rất đông người hầu, giống như nghi lễ ở miếu Đông Nhạc.

Một lúc sau, có viên thư lại dựa theo danh sách gọi tên, lúc điểm đến tên Lưu Vĩnh Thanh, ông ta nói: người này không có tội ác gì lớn, nhưng phải đưa đến Ty Dịch bệnh chờ xử lý. Sau đó, sai dịch của âm phủ áp giải ông đến một quan nha khác, trên công đường có hai vị quan. Sau khi họ xem hết sổ ghi chép của âm phủ, vị minh quan bên trái nói: "Mặc dù ngươi không có đại ác gì, nhưng ngươi thường xuyên tạo nghiệp nhỏ khẩu nghiệp, vì vậy phạt ngươi sinh nhọt độc ba năm”. Vị quan bên phải nói: “Hình phạt quá nhẹ”. Vị quan bên trái giải thích: “Nhờ âm đức của tổ tiên, lần này tha thứ cho ông ta".

Sau khi bị xử phạt, Lưu Vĩnh Thanh được hai sai dịch của âm phủ áp giải ra khỏi nha môn, đồng thời ở trần gian ông cũng tỉnh lại, thoáng như vừa có một giấc mộng. Sau đó, ông quả nhiên sinh nhọt độc đau nhức suốt ba năm.

Bởi vì gần đây làm việc thiện nên được thả trở về

Vào thời nhà Minh, ở huyện Ngô (nay là một phần của Tô Châu) có một thư sinh tên là Hoàng Gia Ngọc bị nhiễm dịch bệnh và qua đời sớm. Nhưng không lâu sau đó, anh từ cõi chết trở về. Sau khi tỉnh lại, anh đã kể lại trải nghiệm của mình sau khi chết.

Sau khi Hoàng Gia Ngọc chết, anh đi đến một thành phố, nơi đây phồn hoa không khác gì thế gian, chỉ khác biệt duy nhất là đen tối không có ánh sáng. Trong khi đang bàng hoàng, anh đột nhiên nghe nói có quan viên tới, đoàn tùy tùng rất hùng hậu. Hoàng Gia Ngọc nhìn kỹ, phát hiện ra đó chính là ngài Cố Văn Khang quá cố. Cố Văn Khang, tên thật là Cố Đỉnh Thần, là trạng nguyên năm Hoằng Trị thứ 18, "Văn Khang" là danh hiệu của ông. Ông và cha của Hoàng Gia Ngọc là bạn cũ của nhau, Hoàng Gia Ngọc thuở thiếu thời đã từng gặp ông, vì vậy mà nhận ra.

Nhìn thấy người quen biết, Hoàng Gia Ngọc liền hô to lên. Thế là Cố Văn Khang cho anh đi theo cỗ kiệu. Một lúc sau, họ đi tới một tòa quan nha, cung điện tráng lệ. Sau khi đến quan nha, Cố Đỉnh Thần cùng một vị quan ngồi tại công đường. Hoàng Gia Ngọc trông thấy ở phía dưới công đường có không ít người kêu khóc và quỳ gối cầu xin tha thứ.

Nhưng vị quan kia xem xét những việc trong cuộc đời mà đám người này gây nên, dựa theo đó mà định tội. Khi ông nói người nào đó ứng làm chủng loại súc sinh trâu chó nào đó, tiểu lại của âm phủ liền mang tới các loại da trâu chó khác nhau bao trùm trên thân những người này, trong khoảnh khắc bọn họ liền hóa thành súc sinh. Hoàng Gia Ngọc thấp giọng hỏi tiểu lại rằng đám người kia phạm vào tội gì, tiểu lại nói cho anh biết, đó là do báo ứng của những tội nghiệt của họ khi còn sống, bây giờ rơi vào đạo súc sinh.

Lúc này, viên quan đột nhiên hỏi: "Dưới công đường tại sao lại có người còn sống?". Sau đó lập tức lệnh cho tiểu lại đưa Hoàng Gia Ngọc ra ngoài. Cố Đỉnh Thần thì nói với Hoàng Gia Ngọc nói: "Ta tra xét sổ sinh tử của ngươi, tuổi thọ của ngươi mặc dù đã tận, nhưng gần đây làm việc thiện, cho nên có thể thả ngươi hoàn dương". Cùng lúc đó, ở trên nhân thế Hoàng Gia Ngọc mồ hôi toát lạnh như mưa, sau đó liền tỉnh lại.

Chỉ vì phát cháo cứu người trong thiên tai mà được Thần nhân cứu trợ

Chỉ vì phát cháo cứu người trong thiên tai mới được Thần cứu trợ. (Hình vẽ: Zhiqing / Vision Times)
Chỉ vì phát cháo cứu người trong thiên tai mới được Thần cứu trợ. (Hình vẽ: Zhiqing / Vision Times)

Vào thời nhà Minh, ở Côn Sơn có một vị tú tài tên là Giáp Đỉnh. Khi thiên tai xảy ra ở Côn Sơn, ông đã từng phát cháo cứu trợ, cứu sống được rất nhiều người.

Vào mùa hè một năm nọ, Côn Sơn phát sinh dịch bệnh, Giáp Đỉnh cũng không may bị nhiễm dịch, bệnh tình nguy kịch rồi qua đời. Sau khi chết, Giáp Đỉnh cảm giác hồn phách của mình giống như được đặt mình vào trong vạn con sóng, không ngừng chìm xuống, khiến ông sợ hãi không thôi. Bỗng nhiên, ông nghe thấy tiếng gió mưa sấm chớp, có hơn vạn thiên binh thiên tướng vây quanh một vị Thần nhân hiện thân, vị Thần nhân này có đầu người mình rồng.

Trong khi sợ hãi, Giáp Đỉnh cầu xin Thần nhân cứu mình. Thần nhân nói: "Ngươi bình sinh không có đại tội gì, không cần phải sợ. Ta sẽ cứu ngươi". Sau đó, Thần nhân liền lắc mình, thế nước lập tức trở nên yếu đi, Giáp Đỉnh cũng cảm thấy thanh tỉnh hơn một chút, bèn kể về chuyện phát cháo trong quá khứ của mình.

Thần nhân nói cho ông biết: "Chuyện này đã được ghi chép trong hồ sơ, hiện tại đã đưa lên Thiên Đế".

Một lát sau, một tùy tùng của Thần nhân mở hồ sơ vụ án ra xem xét, nói: "Tên của ngươi ở trên này". Điều này cho thấy Giáp Đỉnh đã được Thiên Đế đặc xá. Giáp Đỉnh liền được Thần nhân phái người hầu đưa đến một nơi gọi là Tân Đại Thạch Kiều, và nói rằng ông có thể về nhà.

Khi Giáp Đỉnh hoàn dương về đến trong nhà, nghe thấy người nhà đang bi thương khóc lóc đau khổ, hóa ra ông ở nhân gian đã tắt thở một ngày một đêm. Sau một thời gian, Giáp Đỉnh khỏi hẳn bệnh dịch, vợ con ông vốn nhiễm dịch sắp chết cũng khỏi bệnh.

Làm việc thiện, tích đức và được Thần linh cứu trợ

Vào đầu thời nhà Minh, ở huyện Hưu Ninh tỉnh An Huy (một quận thuộc quyền quản lý của Hoàng Sơn) có một vị phú thương tên là Triệu Triêu Phụng. Một năm nọ, khi trên đường vượt biển trở về quê hương, ông bỗng nhiên mắc bệnh dịch rồi bất tỉnh, người bạn đồng hành đã bỏ ông lại trên bờ biển và một mình trở về nhà. Một lúc sau, Triệu Triêu Phụng bị gió biển thổi mạnh, vậy là tỉnh lại như một kỳ tích. Ông thấy trời biển bao la, không một bóng người, đành phải một mình rẽ cỏ đi lên đỉnh núi, trông thấy trên đỉnh núi có một ngôi chùa lớn.

Triệu Triêu Phụng liền đi vào chùa, khẩn cầu chúng tăng thu nhận ông. Chúng tăng bèn đồng ý. Cứ thế qua mấy tháng, một ngày nọ, Triệu Triêu Phụng hỏi chúng tăng: "Kỳ lạ thay, chỉ nhìn thấy các vị sư phụ dùng bữa sáng, nhưng đến giữa trưa thì không thấy bóng người, vì sao lại như vậy?". Có tăng nhân hồi đáp: "Là đi dự yến tiệc của thí chủ".

Cảm thấy hiếu kỳ, Triệu Triêu Phụng thỉnh cầu tăng nhân dẫn ông cùng đi. Tăng nhân liền vận dụng thần thông, đặt ông vào trong tay áo cà sa của mình, sau đó lập tức bay lên không trung. Chỉ trong giây lát, Triệu Triêu Phụng đã nghe thấy tiếng gà chó và tiếng người ồn ào. Thì ra có một gia đình lập đạo trường mời chúng tăng đến làm phép cho một người họ Triệu đã chết, mà gia đình này chính là nhà Triệu Triêu Phụng, con của ông biết cha mình đã qua đời, cho nên mời tăng nhân đến làm phép, cầu phúc.

Trong lòng Triệu Triêu Phụng nảy ra một niệm, muốn truyền tin cho người nhà, để họ biết mình còn sống ở nhân thế. Một niệm của ông, tăng nhân đã sớm biết, liền nói với ông: "Chúng ta đều là La Hán. Bởi vì ngươi xưa nay làm việc thiện tích phúc, cho nên mang ngươi cùng đi". Dứt lời, liền đưa Triệu Triêu Phụng từ trong tay áo ra, đặt ông trên mái nhà. Sau đó lập tức các tăng nhân cũng biến mất.

Người nhà họ Triệu trông thấy trên mái nhà có người, liền trèo lên bậc thang xem xét, hóa ra đó chính là Triệu Triêu Phụng. Cả nhà vô cùng kinh ngạc và vui mừng. Triệu Triêu Phụng bèn kể lại những trải nghiệm của mình. Về sau, Triệu Triêu Phụng dựa theo quy mô của ngôi chùa trên núi, đã cho xây dựng một ngôi chùa lớn ở Hưu Ninh, đặt tên là "Chùa Kiến Sơ".

Làm điều thiện và tích đức được Thần linh giúp đỡ. (Hình vẽ: Mimi Zhu / Vision Times)
Làm điều thiện và tích đức được Thần linh giúp đỡ. (Hình vẽ: Mimi Zhu / Vision Times)

Lời kết

Trong mắt những người vô Thần hiện đại, chuyện người nhiễm dịch sau khi chết có thể sống lại là điều không thể tin được, nhưng trải nghiệm của những người cải tử hoàn sinh kể trên không phải là hư cấu. Trải nghiệm của họ, một mặt là để nói với thế nhân rằng Thần, Phật, cõi âm, luân hồi, nhân quả báo ứng đều là thật sự tồn tại. Mặt khác, họ cũng truyền đi thông điệp rằng, bạn làm cái gì thì Trời Đất đều biết, những người tích đức hành thiện sẽ được Thượng Thiên chiếu cố, còn kẻ làm điều ác sẽ bị trừng trị tương xứng với tội nghiệt lớn nhỏ của mình.

Nếu những người bị nhiễm dịch nói trên có thể cải tử hoàn sinh nhờ những thiện niệm của chính mình, thì tội nghiệt của những người bị nhiễm dịch dưới đây là không cách nào tha thứ.

Vào thời nhà Minh, gần cầu Phụng Tiên ở Hàng Châu có một người làm thịt ba ba kiếm sống. Sau khi mua được ba ba sống, anh ta ném nó trong nước nóng, tình trạng chết thảm của nó khiến ai cũng xót xa. Sau khi nấu chín, liền tách ruột cạo xương, tẩm gia vị và bán kiếm lời. Cứ như thế suốt mấy năm, kiếm lời tương đối khá. Một ngày nọ, anh ta đột nhiên mắc bệnh dịch, thân thể từ từ biến thành hình ba ba, đầu tiên anh ta bò trong nhà, sau đó bò ra ra khỏi cửa nhà. Bị người nhà ngăn cấm, thì anh ta cắn lại. Không có cách nào khác, người nhà đành phải buông xuôi bỏ mặc. Sau khi leo lên đường cái, anh ta bò xoay vòng quanh, giống hệt một con ba ba bị ném vào nồi nước nóng. Mọi người đi qua đều biết rằng đây là nhân quả báo ứng. Sau khi bò được bảy ngày như vậy, cơ thể của anh ta bốc mùi và chết.

Vào thời nhà Minh cũng có một người ở Lâm Xuyên, bắt được một con khỉ con từ trên núi xuống, khỉ mẹ theo đến nhà van xin thả con của mình. Người này mặc kệ, hơn nữa còn trói khỉ con vào gốc cây rồi đánh chết. Khỉ mẹ la hét thảm thiết, sau đó cũng lao vào cây mà chết. Người này mổ bụng khỉ mẹ, phát hiện ruột gan đứt từng khúc. Thế nhưng, chưa tới nửa năm thì cả gia đình anh ta bị lây bệnh dịch rồi lần lượt qua đời, cả gia đình tan hoang.

Qua đây có thể thấy rằng, chiếc cân của Trời Đất là công bằng nhất, đằng sau những người bị bệnh dịch đào thải đều có nguyên nhân.

Trung Nguyên

Theo Lưu Hiểu - Vision Times
Tham khảo tư liệu: "Tùng Phong thuyết dịch", Lưu Khuê đời nhà Thanh



BÀI CHỌN LỌC

4 sự việc ly kỳ: Người nhiễm dịch bệnh 'cải tử hoàn sinh'