24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-8): Quách Cự chôn con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quách Cự không những chia hết tiền tài mà phụ thân để lại cho các em, cậu còn một lòng một dạ chăm sóc mẫu thân, không có một chút tâm cầu phú quý danh lợi nào...

Thời kỳ Đông Hán có một người con hiếu họ Quách tên Cự, tên chữ là Văn Cử, nguyên quán huyện Lâm, Hà Nam, sau này do nhà nghèo phải lưu lạc đến huyện Nội Khâu tỉnh Hà Bắc.

Nhà họ Quách có ba anh em, Quách Cự là con trưởng, và còn có hai em trai. Khi phụ thân qua đời có để lại một số tài sản, nhưng Quách Cự nghĩ mình đã trưởng thành, có khả năng sống độc lập, còn các em tuổi còn nhỏ, năng lực còn yếu, cần chăm sóc, thế là anh chia hết toàn bộ tiền tài cho hai em, còn mình thì không lấy một xu nào.

Quách Cự không những từ bỏ tiền tài mà phụ thân để lại, anh còn một lòng một dạ chăm sóc mẫu thân, không có một chút tâm cầu phú quý danh lợi nào. Có thể thấy Quách Cự là người vô cùng đạm bạc.

Ở nơi đất khách tha hương, hai vợ chồng Quách Cự cần cù khó nhọc, làm thuê kiếm sống những mong kiếm chút thu nhập ít ỏi để phụng dưỡng mẫu thân, cố gắng hết sức để mẹ được ăn ngon miệng, được mặc ấm. Còn hai vợ chồng thì ăn mặc dè sẻn, cực kỳ tiết kiệm, bữa cơm không có thức ăn, mặc toàn quần áo vá chằng vá đụp. Điều kiện sống tuy khó khăn nhưng gia đình nhà họ Quách rất sum vầy đầm ấm, tiếng cười tiếng nói vui vẻ không ngớt từ sáng đến tối, tràn ngập niềm hạnh phúc của mẹ từ con hiếu.

Điều kiện sống tuy khó khăn nhưng gia đình nhà họ Quách rất sum vầy đầm ấm, tiếng cười tiếng nói vui vẻ không ngớt từ sáng đến tối, tràn ngập niềm hạnh phúc của mẹ từ con hiếu.
Điều kiện sống khó khăn nhưng gia đình nhà họ Quách rất sum vầy đầm ấm, tiếng cười tiếng nói vui vẻ không ngớt từ sáng đến tối, tràn ngập niềm hạnh phúc của mẹ từ con hiếu. (Miền công cộng)

Sau này trong nhà có thêm cháu, cuộc sống càng túng bấn hơn, Quách Cự vẫn đem tất cả những đồ ngon nhất cho mẫu thân ăn. Mẹ Quách Cự vô cùng thương yêu cháu nội, luôn sợ cháu ăn không no, không lớn được nên mỗi lần Quách Cự phụng dưỡng mẫu thân thức ăn thì bà đều gọi cháu đến cùng ăn. Nhìn thấy cháu đáng yêu như thế này, bà cụ ăn ít đi, còn để thức ăn ngon nhất cho cháu. Nếu Quách Cự và vợ ngăn lại thì bà cụ thoái thác không hợp khẩu vị, hoặc răng yếu không nhai được, hoặc không thích ăn, nhất định phải nhìn thấy cháu trai ăn ngon lành thì bà mới hài lòng mãn nguyện.

Quách Cự trông thấy rất đau lòng, anh nghĩ đến cuộc sống túng bấn quá, có dốc hết sức cũng không phụng dưỡng mẹ được tốt, thức ăn dành cho mẹ cũng rất hạn chế, nhưng vì mẫu thân yêu thích cháu trai, thà giảm bớt ăn uống cũng nhất định để dành cho cháu ăn. Quách Cự thấy mình không thể nào làm được tận hiếu. Để mẫu thân yên tâm ăn uống, mỗi lần trước khi đem thức ăn cho mẹ, Quách Cự nhất định bảo con trai đi ra ngoài chơi, như thế cu cậu mới không ăn cùng bà nội.

Cách nhà Quách Cự không xa có một cái ao. Một hôm con trai Quách Cự ra ngoài chơi, sơ ý ngã xuống ao chết đuối. Đến khi hai vợ chồng phát hiện ra thì con trai đã hai mắt nhắm chặt, mặt trắng bệch, không còn hơi thở. Người vợ ôm đứa con đã mất tri giác vừa đau đớn, vừa sốt ruột, vô cùng hoảng hốt, khóc lóc rống lên.

Cách nhà Quách Cự không xa có một cái ao. Một hôm con trai Quách Cự ra ngoài chơi, sơ ý ngã xuống ao chết đuối.
Cách nhà Quách Cự không xa có một cái ao. Một hôm con trai Quách Cự ra ngoài chơi, sơ ý ngã xuống ao chết đuối. (Miền công cộng)

Tục ngữ có câu, cốt nhục liền tâm, thấy con trai chết, Quách Cự cũng vô cùng đau buồn. Nhưng lúc này Quách Cự chỉ sợ kinh động đến mẫu thân. Anh biết mẫu thân hết lòng yêu thương cháu, nếu biết được tin dữ cháu chết đuối, e rằng bà sẽ không thể nào chịu đựng được cú sốc này, sẽ đau đớn mà tổn hại đến thân thể.

Vậy là Quách Cự nén nỗi đau buồn nói với vợ rằng: "Dù sao thì con cũng đã mất rồi, chúng ta còn có thể sinh thêm con, còn mẫu thân thì chỉ có một. Nếu mẫu thân mất đi thì vĩnh viễn sẽ không thể có lại, do đó nhất định không được kinh động đến mẫu thân". Quách Cự bảo vợ nén chịu đựng không khóc lóc, không được để mẫu thân nghe thấy, và mau chóng đào hố để an táng con trai.

Vợ Quách Cự nghe rồi, tuy mẫu tử tình thâm, lưu luyến không rời nhưng cũng đành đồng ý làm như chồng dặn.

Quách Cự bảo vợ nén chịu đựng không khóc lóc, không được để mẫu thân nghe thấy, và mau chóng đào hố để an táng con trai.
Quách Cự bảo vợ nén chịu đựng không khóc lóc, không được để mẫu thân nghe thấy, và mau chóng đào hố để an táng con trai. (Baike.baidu.com)

Thế là hai vợ chồng hai vợ chồng nuốt nước mắt bắt đầu đào hố. Khi người vợ đào sâu được ba thước thì đột nhiên "đùng" một tiếng nổ lớn, một tiếng sét kinh động giữa trời, tiếng sét khiến mọi người đều kinh hồn khiếp đảm đã khiến đứa trẻ tỉnh lại. Đứa trẻ sống lại, đồng thời hai vợ chồng cũng nhìn thấy bên hố có một hũ vàng, bên trên còn che bằng một tấm vải lụa, trên tấm lụa có viết rằng: "Quách Cự hiếu thuận, Trời ban hũ vàng. Quan không được lấy, dân không được đoạt".

Dân gian cho rằng đó là lòng hiếu thuận của Quách Cự đã cảm động Trời Đất, Thượng Thiên đã khiến con trai sống lại, đồng thời ban cho anh một hũ vàng để anh thoát khỏi bần cùng, có thể phụng dưỡng mẫu thân càng tốt hơn.

Tiếng sét qua, nhà họ Quách gạt nước mắt vui cười. Kể từ đó Quách Cự càng chăm sóc mẫu thân tốt hơn, mẫu thân cũng có thể vui vẻ chơi đùa với cháu, yên lòng sống những năm tháng tuổi già, cả nhà càng đầm ấm hạnh phúc hơn xưa.

Lòng hiếu thuận của Quách Cự đã cảm động Trời Đất, khiến anh chuyển họa thành phúc, việc dữ hóa lành. Vậy mới biết lòng hiếu kính chí thành thực sự có thể thay đổi vận mệnh, có thể thay đổi gia đình. Người sau có thơ khen rằng:

Quách Cự lo phụng dưỡng
Con chết giấu mẹ chôn
Đào được vàng Trời thương
Làm cho con sống lại

Thanh Hà
Theo Đại Phương Quảng



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-8): Quách Cự chôn con