24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-7): Hán Văn Đế nếm thuốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hán Văn Đế Lưu Hằng là vị đế vương nhân đức hiếu thuận nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện ông nếm thuốc chăm sóc mẹ ốm được lưu truyền rộng rãi.

Mẫu thân của Văn Đế là Bạc Cơ tuy không phải là chính cung hoàng hậu nhưng bà bản tính nhân từ thiện lương, được các đại thần trong triều ca ngợi.

Thời kỳ đầu triều Hán, tướng quốc trấn thủ đất Đại là Trần Hy dấy binh tạo phản. Cao Tổ Lưu Bang xuất quân bình định dẹp loạn. Do đất Đại là nơi biên cương xa xôi, là vùng đất biên phòng trọng yếu nên cần phải có người tài cán trấn thủ thì mới có thể đảm bảo an toàn cho quốc gia. Được quần thần tiến cử, Lưu Hằng hiền hiếu, trầm tĩnh được phong làm Đại Vương (vua đất Đại) trấn thủ biên phòng. Đất Đại xa xôi, man di, hẻo lánh, hoang vu, cách xa kinh kỳ, môi trường khắc nghiệt khiến con người rất khó thích ứng. Nhưng Đại Vương Lưu Hằng không hổ danh là người hiền minh, nghe theo lời dạy của mẫu thân, giữ gìn và ra sức thực hiện lời giáo huấn của tổ tiên, ông đã cai quản đất Đại nề nếp, rành mạch, khiến vùng biên cương đã khôi phục lại sự yên bình, ổn định.

Không lâu sau Lã Hậu và thân thích mưu phản, sau đó các trung thần đã bình định được. Lưu Hằng được thừa tướng và thái úy ủng hộ đã đăng cơ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Hán Văn Đế. Văn Đế kiên trì dùng nhân đức và hiếu kính để trị sửa thiên hạ. Hàng ngày ông đều đến vấn an mẫu thân. Khi công việc không quá bận rộn thì ông còn tranh thủ thời gian đến bên mẫu thân hầu chuyện. Trong lòng Văn Đế luôn coi việc tận hiếu với mẫu thân là việc lớn nhất của cuộc đời. Chỉ cần mẫu thân thân thể mạnh khỏe, trong lòng vui vẻ thì ông cảm thấy hạnh phúc không gì lớn bằng.

Hán Văn Đế và hoàng hậu cùng các quần thần.
Hán Văn Đế và hoàng hậu cùng các quần thần. (Wikipedia)

Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa, mẫu thân bắt đầu ngày càng trở nên suy yếu, già cả. Văn Đế không khỏi lo lắng cho sức khỏe của bà. Một hôm thái hậu bệnh nặng, Văn Đế mời các thầy thuốc tốt nhất đến chữa bệnh cho mẫu thân, ông dốc hết khả năng tìm cả trong cung và ngoài dân gian những thầy thuốc giỏi để thái hậu có thể sớm khỏi bệnh.

Từng giờ từng phút Văn Đế đều lo lắng sốt ruột. Ông chỉ sợ mẫu thân bệnh nặng không hồi phục, thậm chí bỏ ông ra đi. Ông lo lắng cho mẫu thân đến mức không yên tâm để các cung nữ chăm sóc thái hậu. Hễ công vụ giải quyết xong là ông liền vội vàng đến cung của mẫu hậu, túc trực bên giường bệnh. Thấy sắc mặt tiều tụy của mẫu thân, Văn Đế ăn không ngon, ngủ không yên, ông đích thân bưng nước đem thuốc cho mẹ, một lòng mong mỏi bà sớm khỏi bệnh. Chỉ cần thấy mẫu thân cảm thấy khá lên một chút là ông đã cảm thấy niềm vui vô hạn rồi.

Trong ba năm phục vụ mẫu thân, Văn Đế thân là vua một nước lớn nhưng dường như không có một giấc ngủ yên nào. Cho dù đang lúc nghỉ ngơi thì Văn Đế vẫn không cởi áo, tháo đai, chỉ sợ khi mẫu thân gọi thì không thể kịp thời phục vụ yêu cầu của mẹ. Để chăm sóc mẹ tốt hơn nữa, Văn Đế còn học các dược tính, hiệu quả và liều lượng của các bài thuốc đang dùng cho mẹ, và ghi nhớ trong lòng. Giờ nào dùng thuốc gì, sắc thuốc ra sao thì mới phát huy đầy đủ công hiệu của thuốc... ông đều tìm hiểu nắm bắt được. Trước mỗi lần mẫu thân uống thuốc, Văn Đế nhất định phải đích thân nếm xem nồng độ sắc thuốc đã thích hợp chưa, nhiệt độ có phù hợp không, sau đó tiến hành điều chế, điều hòa nhiệt độ, cho đến khi thích hợp để mẫu hậu uống thì ông mới yên tâm bưng thuốc đến cho mẹ. Mẫu hậu được con trai là hoàng đế hầu hạ trong ba năm trời đều như một ngày, cuối cùng bệnh tình đã thuyên giảm.

Văn Đế chí hiếu với mẹ, ông coi bách tính như người thân. Ông đề xướng: "Hiếu đễ là thuận theo Trời Đất. Làm ruộng là cái gốc để sinh sống. Tam lão (chức quan coi việc giáo hóa) là thầy của dân chúng. Quan lại liêm khiết là tấm gương cho dân chúng".

Tranh vẽ Hán Văn Đế nếm thuốc cho mẹ.
Tranh vẽ Hán Văn Đế nếm thuốc cho mẹ. (Wikipedia)

Ông còn ban thưởng cho những người mẫu mực làm tấm gương cho mọi người, từ đó thúc đẩy phong thái xã hội thiện lương. Ông còn tiếp thu rộng rãi những lời can gián, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội phỉ báng. Những năm thu hoạch kém, ông giảm thuế, ban tặng, cứu tế những người côi cút, góa bụa trong thiên hạ.

Trong 23 năm tại vị, bất kể là cung thất, vườn ngự uyển, hay xe ngựa, trang phục, Văn Đế chưa bao giờ tăng thêm. Ông nhân từ, cung kính và cần kiệm, dốc sức để mọi người hòa thuận, sùng chuộng dùng đơn giản chất phác làm mẫu cho thiên hạ. Vì thế rất tự nhiên ông đã được muôn dân kính yêu, quốc gia giàu mạnh, người ở phương xa cũng đều vui vẻ tâm phục, thiên hạ thái bình thịnh trị.

"Hiếu là cái gốc của đạo đức, giáo hóa cũng từ hiếu mà ra" (Hiếu Kinh). Sinh mệnh mà không có hiếu là sinh mệnh đã bị cắt đứt cội nguồn, cuối cùng sẽ rất thê lương. Dân tộc không có đạo hiếu là dân tộc không có sức sống. Hiếu là nền tảng làm người, là nền tảng đạo đức của một dân tộc.

Đời sau có thơ ca ngợi Hán Văn Đế rằng:

Lòng nhân đạo hiếu thiên hạ mến
Công cao đức lớn trước trăm vua
Mẫu hậu ba năm mang bệnh nặng
Thuốc thang vua nếm mới dâng lên

Nguyên văn

Nhân hiếu văn thiên hạ
Nguy nguy quan bách vương
Mẫu hậu tam tái pha
Thang dược tất tiên thường

Thanh Hà
Theo: Đại Phương Quảng



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-7): Hán Văn Đế nếm thuốc