24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-2): Trọng Do cõng gạo nuôi cha mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiếu không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, từ hoàng đế cho đến người dân thường, chỉ cần có lòng hiếu kính, không quản muôn vàn gian khổ, thì ở bất kỳ tình huống nào cũng có thể dốc sức làm được...

Trọng Do là người nước Lỗ thời kỳ Xuân Thu triều nhà Chu, Trung Quốc, tên chữ là Tử Lộ, là người vô cùng hiếu kính cha mẹ. Trọng Do từ nhỏ gia cảnh nghèo khó, vô cùng tiết kiệm. Cậu thường phải ăn rau sống qua ngày. Trọng Do cảm thấy mình ăn rau dại cũng không có vấn đề gì, nhưng sợ cha mẹ không đủ dinh dưỡng, thân thể không tốt nên rất lo lắng.

Trong nhà không có gạo. Để nấu cơm cho cha mẹ, cậu phải đi ngoài trăm dặm mới có thể mua được, sau đó cõng gạo về nhà phụng dưỡng song thân. Quãng đường hơn trăm dặm là hành trình rất xa, có lẽ người hiện nay cũng có người đi được một, hai lần. Nhưng một năm bốn mùa thường xuyên như thế không dễ dàng gì. Mặc dù vậy, Trọng Do lại tỏ ra hết sức vui vẻ, chỉ mong sao cha mẹ có được gạo ăn hàng ngày. Mùa đông, băng tuyết phủ trắng đất trời, thời tiết vô cùng giá lạnh. Trọng Do đội mũ lông ngỗng dưới mưa tuyết, đi trên mặt sông đóng băng, từng bước, từng bước tiến lên trên con đường trơn trượt, chân bị lạnh tê cứng. Hai tay ôm bao gạo cũng lạnh không chịu nổi nữa, bèn dừng lại, để lên miệng hà hơi cho ấm, sau đó lại tiếp tục lên đường.

Để nấu cơm cho cha mẹ, cậu phải đi ngoài trăm dặm mới có thể mua được, sau đó cõng gạo về nhà phụng dưỡng song thân. (Ảnh: Epoch Times)
Để nấu cơm cho cha mẹ, cậu phải đi ngoài trăm dặm mới có thể mua được gạo, sau đó cõng gạo về nhà phụng dưỡng song thân. (Ảnh: Epoch Times)

Mùa hè, mặt trời như thiêu như đốt, mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng Trọng Do vẫn không dừng bước, không nghỉ ngơi một chút nào, chỉ vì muốn về nhà sớm một chút để cha mẹ được bữa ăn ngon miệng. Đến mùa mưa, Trọng Do che bao gạo dưới y phục của mình, thà bản thân ướt sũng chứ quyết không để mưa làm ướt gạo. Khi trời nổi gió lớn thì càng vất vả không thể tả xiết.

Sau này cha mẹ Trọng Do lần lượt qua đời, ông xuống phía Nam, đến nước Sở. Sở Vương trọng dụng bổ ông làm quan, dành cho ông nhiều đãi ngộ hậu hĩnh. Ông hễ ra khỏi cửa liền có hàng trăm cỗ xe tùy tùng, bổng lộc hàng năm vô cùng nhiều. Đồ ăn thức uống thì lại càng thịnh soạn, hàng ngày đều sơn hào hải vị không ngớt. Trọng Do sống cuộc sống giàu có sung túc.

Nhưng Trọng Do không vì điều kiện vật chất tốt mà cảm thấy vui mừng, trái lại ông thường than thở vì cha mẹ đã không còn nữa. Ông ước mong cha mẹ còn sống để cùng ông hưởng những tháng ngày no ấm tốt đẹp. Giờ đây cha mẹ không còn, cho dù Trọng Do muốn lại cõng gạo đi trăm dặm để phụng dưỡng song thân thì cũng vĩnh viễn không được nữa rồi.

Sau này Trọng Do được phong chức với nhiều bổng lộc, nhưng ông không vì thế mà cảm thấy vui mừng. Trái lại, Trọng Do thấy buồn vì cha mẹ đã không còn sống để cùng ông vui hưởng phú quý và báo đáp công ơn nuôi dưỡng. (Ảnh: baike.baidu.com)
Sau này Trọng Do được phong chức với nhiều bổng lộc, nhưng ông không vì thế mà cảm thấy vui mừng. Trái lại, Trọng Do thấy buồn vì cha mẹ đã không còn sống để cùng ông vui hưởng phú quý và báo đáp công ơn nuôi dưỡng. (Ảnh: baike.baidu.com)

Tận hiếu không phải là dùng vật chất để đánh giá, mà là xem sự thành kính với cha mẹ xuất phát từ nội tâm. Hiếu không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, từ hoàng đế cho đến người dân thường, chỉ cần có lòng hiếu kính, không quản muôn vàn gian khổ, thì ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể dốc sức làm được.

Thời gian mà chúng ta có thể hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ đang giảm dần từng ngày, từng ngày. Nếu không kịp thời thực hành hiếu hạnh thì sẽ để lại nỗi ân hận cả đời. Ví như không có biện pháp nào nắm bắt được thời gian ở cùng cha mẹ để phụng dưỡng, thì e rằng đến khi chúng ta muốn báo đáp công ơn cha mẹ cũng đã muộn rồi...

Trọng Do tuổi nhỏ đã biết hiếu kính cha mẹ, người đời sau có thơ khen ngợi rằng:

"Trọng Do dốc tâm sức,
Cõng gạo dưỡng song thân.
Được phong quan nước Sở
Hiếu chẳng kể sang hèn"

Thanh Hà
Theo Đại Phương Quảng



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-2): Trọng Do cõng gạo nuôi cha mẹ