24 tấm gương hiếu hạnh xưa (Bài 1) - Ngu Thuấn cày ruộng: Hiếu cảm động Trời [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời thượng cổ có 3 vị hoàng đế có đức hạnh nổi tiếng là Nghiêu, Thuấn, Vũ. Trong đó, vua Thuấn vì "chí hiếu" đã cảm động trời đất, được vua Nghiêu lựa chọn làm người thừa kế. Câu chuyện của vua Thuấn đã được xếp vào hàng đầu trong những tấm gương hiếu hạnh thời xưa...

Chuyện cũ kể rằng: vua Nghiêu 16 tuổi xưng đế trị vị thiên hạ. Đến năm 86 tuổi, vua tuổi tác đã cao, hy vọng tìm được một người thích hợp để truyền thừa ngôi vị. Thế là ngài bèn trưng cầu ý kiến quần thần, không ngờ các đại thần đều đồng thanh tiến cử một người nhà quê tên Thuấn, bởi vì ông là một người con hiếu thảo nổi tiếng.

Từ đó có thể thấy, người xưa rất coi trọng chữ hiếu, coi hiếu hạnh đứng đầu trong các đức hạnh. Một người hiếu thuận với cha mẹ thì nhất định sẽ biết yêu thương bảo vệ người dân trong thiên hạ.

Sau khi kế vị, Thuấn lấy quốc hiệu là Ngu, nghĩa là "yên vui". Do đó trong lịch sử thường gọi vua Thuấn là Ngu Thuấn.

Ngu Thuấn hiếu thuận cảm động trời đất

Ngu Thuấn vốn họ Diêu, tên là Trọng Hoa. Phụ thân là Cổ Tẩu (nghĩa là Ông già mù), là một người không hiểu lý lẽ sự việc, rất ngoan cố, và đối xử khá bất hảo đối với Thuấn. Mẫu thân Thuấn là Ác Đăng, là người vô cùng hiền lương, nhưng không may đã qua đời khi Thuấn còn nhỏ tuổi.

Thế là cha Thuấn tái hôn. Mẹ kế là một người không có đức hạnh. Sau khi sinh được người em trai tên là Tượng, người cha yêu chiều mẹ kế và người em, cả 3 người thường xuyên liên kết mưu hại Thuấn.

Đối với cha mẹ, Thuấn vô cùng hiếu thuận. Mặc dù cha, mẹ kế và em trai đều coi Thuấn như cái gai trong mắt, đều muốn trừ khử ông, nhưng Thuấn vẫn cung kính hiếu thuận cha mẹ, yêu thương em trai. Ông hy vọng dốc hết tâm sức để gia đình êm ấm hòa thuận, cả nhà cùng chung hưởng hạnh phúc. Mặc dù Thuấn đã phải trải qua nhiều gian khổ tủi nhục đủ loại, nhưng ông muốn dành cả đời cho mục tiêu này nên đã không ngừng nỗ lực.

Khi còn nhỏ, mỗi lúc bị cha mẹ trách mắng thì ý nghĩ đầu tiên trong lòng của Thuấn là: "Nhất định là mình đã làm không tốt ở chỗ nào rồi mới khiến cha mẹ tức giận". Thế là ông càng cẩn thận kiểm điểm lời nói việc làm của bản thân, nghĩ mọi cách để khiến cha mẹ vui vẻ.

Nếu Thuấn bị em trai cố ý gây chuyện, gây khó khăn thì ông không những bao dung em mà còn cho rằng bản thân đã không làm tấm gương tốt thì mới khiến em trai không có đức hạnh. Ông thường xuyên tự kiểm trách mình sâu sắc, có lúc thậm chí ông còn chạy ra cánh đồng khóc lớn, tự hỏi tại sao mình không làm được tận thiện tận mỹ, để khiến cha mẹ vui lòng.

Mọi người thấy Thuấn tuổi còn nhỏ mà đã biết hiếu thuận như thế thì ai nấy đều cảm động sâu sắc. Lòng hiếu thuận chân thành của Thuấn không những cảm động làng xóm mà còn cảm động trời đất vạn vật.

Thuấn cày ruộng ở núi Lịch Sơn, chung sống vô cùng hài hòa với núi đá cỏ cây, hài hòa với chim thú, tôm cá, côn trùng... thế nên các loài động vật tấp nập đến giúp ông. Voi thiện lương thuần phục hiền lành đến giúp Thuấn cày ruộng. Những bầy chim nhỏ nhắn nhanh nhẹn kết thành từng đàn sà xuống, ríu rít lách tách giúp ông nhặt cỏ. Mọi người thấy vậy vô cùng kinh ngạc và cảm phục vì tận mắt trông thấy sức mạnh của đức hạnh lớn nhường này.

Thuấn cày ruộng ở núi Lịch Sơn, chung sống vô cùng hài hòa với núi đá cỏ cây, hài hòa với chim thú, tôm cá, côn trùng... thế nên các loài động vật tấp nập đến giúp ông. Voi thiện lương thuần phục hiền lành đến giúp Thuấn cày ruộng.
Thuấn cày ruộng ở núi Lịch Sơn, chung sống vô cùng hài hòa với núi đá cỏ cây, hài hòa với chim thú, tôm cá, côn trùng... (Ảnh: Secret China)

Mặc dù như vậy, Thuấn vẫn cung kính, hiếu thuận và khiêm nhường. Hiếu hạnh của ông đã được rất nhiều người ca ngợi và truyền tụng. Chẳng bao lâu, khắp mọi nơi trên toàn quốc đều biết Thuấn là người con đại hiếu.

Khi đó vua Nghiêu đang bận tâm lo lắng về việc truyền ngôi vị, nghe các đại thần từ bốn phương tiến cử, vua biết Thuấn là người thuần phác, khoan hậu, khiêm tốn và cẩn thận. Nhưng việc trị vì thiên hạ thì phải cần có vĩ nhân kiệt xuất, tài đức song toàn thì mới có thể đảm nhiệm được. Vua Nghiêu bèn gả hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, đồng thời phái chín người con trai đến phò tá Thuấn. Vua Nghiêu hy vọng thông qua việc quan sát hai con gái để khảo nghiệm đức hạnh đối nội của Thuấn, và thông qua việc quan sát chín người con trai để đánh giá khả năng đối ngoại, đối nhân xử thế của ông.

Nga Hoàng và Nữ Anh là người hiền huệ, minh bạch lý, tình, họ phụng dưỡng cha mẹ chồng rất mực hiếu hạnh, coi sóc chăm lo việc nhà và việc đồng áng mùa vụ cũng rất đảm đang chu toàn tháo vát. Hai cô không chỉ là trợ thủ đắc lực của Thuấn mà còn thành tựu lòng hiếu thuận mà cả đời ông đã cố gắng không ngừng.

Một lần Cổ Tẩu sai Thuấn lên mái nhà sửa mái. Sau khi Thuấn leo lên, không ngờ Cổ Tẩu liền ở dưới phóng lửa đốt. Khi ngọn lửa lớn rừng rực tiến về chỗ Thuấn, trong lúc nguy hiểm vạn phần đó, chỉ thấy Thuấn hai tay cầm hai cái mũ nan lớn, giống như chim đại bàng, từ mái nhà ung dung nhảy xuống. Thì ra hai người vợ thông minh đã có chuẩn bị từ trước rồi.

Lại một lần, Cổ Tẩu lệnh cho Thuấn đào giếng. Thuấn đào giếng đến vị trí rất sâu rồi, Cổ Tẩu và Tượng muốn chôn Thuấn ở trong giếng, liền dốc sức lấp đất xuống giếng, cho rằng làm như vậy thì Thuẫn sẽ vĩnh viễn không thể trở về được nữa. Nào ngờ dưới sự sắp đặt của hai vị phu nhân, Thuấn đã đào trước một đường thông ở lưng chừng giếng, qua đó đã ung dung thoát được kiếp nạn.

Khi Tượng đang đắc ý, cho rằng tài sản của Thuấn đều thuộc về mình thì bỗng nhiên thấy Thuấn bước vào. Tượng thất kinh cuống quýt những mong che giấu mọi chuyện, nhưng Thuấn không hề lộ một chút nét mặt giận dữ nào, làm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau đó, Thuấn lại ngày ngày phụng dưỡng cha mẹ, đối xử với em trai càng thêm bội phần cung kính, cẩn thận.

Thuấn trải qua muôn vàn thử thách, nhưng bằng trái tim nhân hậu và lòng hiếu hạnh, Thuấn đã khiến Trời đất cảm động, lòng người quy phục. (Ảnh: Baidu.com)
Thuấn trải qua muôn vàn thử thách, nhưng bằng trái tim nhân hậu và lòng hiếu hạnh, Thuấn đã khiến Trời đất cảm động, lòng người quy phục. (Ảnh: Baidu.com)

Sức mạnh của hiếu hạnh

Khi Thuấn đến núi Lịch Sơn cày ruộng, nông phu ở địa phương này thường xuyên vì ruộng đất mà tranh giành chiếm đoạt của nhau. Trước tiên Thuấn dùng lễ nhường họ, kính già yêu trẻ, dùng đức hạnh của mình cảm hóa dân chúng. Quả nhiên sau một năm, những nông phu này đều cảm động, và không còn tranh đất đoạt ruộng lẫn nhau nữa.

Thuấn đã từng đến đầm Lôi Trạch để đánh cá. Ở nơi đó, người tuổi trẻ có sức khỏe đều chiếm những vị trí tốt, còn người già yếu cô đơn thì không còn chiếm được lợi thế, không cách nào bắt được cá. Thuấn thấy tình hình như vậy, ông bèn trước tiên lấy mình làm gương, đem chỗ nước sâu cá nhiều nhường cho những người già, còn bản thân thì đến bến nước nông cá ít để đánh bắt. Do Thuấn một lòng đối đãi chân thành, không hề có một chút khôn khéo miễn cưỡng nào nên đã khiến cho mọi người cảm thấy hổ thẹn và cảm động. Vậy là chỉ nội trong thời gian một năm ngắn ngủi, mọi người đều đã biết lễ nghĩa, kính nhường người già.

Thuấn cũng đã từng đến vùng Đào Hà. Nơi này thổ nhưỡng không tốt, đồ gốm sản xuất ra chất lượng không đảm bảo. Điều khiến mọi người kinh ngạc chính là, sau một năm Thuấn trị sửa, quản lý vùng này thì chất lượng của đồ gốm sứ do dân Đào Hà làm ra bỗng dưng trở nên hoàn hảo. Mọi người đều nhất trí cho rằng, đó là kết quả do đức hạnh của Thuấn đã cảm ứng mà ra.

Sau này, hễ những nơi Thuấn sống thì người dân cũng quần tụ đến ở ngày một đông, một năm là đã thành làng xóm, hai năm đã trở thành huyện ấp, ba năm đã trở thành thành thị lớn. Đó chính là điều mà sử sách gọi là "Một năm thành làng, hai năm thành ấp, ba năm thành đô thị". (Nguyên văn: Nhất niên thành tụ, nhị niên thành ấp, tam niên thành đô).

Vua Nghiêu sau khi biết được đức hạnh của Thuấn càng tán thưởng. Thế là vua thử thách đủ các khả năng của Thuấn. Thuấn không hề e sợ đều chấp nhận những thử thách gian nan này. Một lần Vua Nghiêu sai Thuấn vào núi rừng, sông hồ, để khảo nghiệm khả năng ứng biến của ông. Tuy gặp mưa to gió lớn, sấm sét, nhưng Thuấn dựa vào trí tuệ và nghị lực của mình vẫn an toàn trở về. Thuấn dũng cảm, trầm tĩnh khiến vua Nghiêu càng thêm tin tưởng rằng đức hạnh của Thuấn đã đủ để trị vì thiên hạ.

Sau khi Thuấn trải qua đủ các khảo nghiệm, vua Nghiêu vẫn chưa vội truyền ngôi cho Thuấn mà để ông xử lý chính sự 20 năm, sau đó thay vua nhiếp chính 8 năm. Sau 28 năm vua Nghiêu mới chính thức truyền ngôi cho Thuấn.

Qua đó có thể thấy, người xưa đối với việc kế thừa ngôi vị đế vương đã vô cùng dụng tâm dốc sức, không hề có mảy may khinh suất hay qua loa đại khái. Nếu không thể dùng nhân trị thế, dùng đức trị quốc thì quốc gia sẽ khó mà thịnh trị yên ổn lâu dài được.

Khi Thuấn kế thừa ngôi vị, ông không cảm thấy có chút vui thích nào... (Ảnh: Epoch Times)
Khi Thuấn kế thừa ngôi vị, ông không cảm thấy có chút vui thích nào... (Ảnh: Epoch Times)

Khi Thuấn kế thừa ngôi vị, ông không cảm thấy có chút vui thích nào, trái lại còn cảm thương nói rằng: "Mặc dù ta đã làm đến như ngày nay mà cha mẹ vẫn chưa vui thích với ta. Ta làm thiên tử, làm đế vương phỏng có tác dụng gì?"

Hiếu hạnh chí đức, tấm lòng son sắt của ông khiến ai nấy nghe thấy đều cảm động như chính mình trải nghiệm, nước mắt tuôn rơi. Ông Trời không phụ người có lòng khổ tâm, lòng hiếu hạnh của vua Thuấn cuối cùng đã cảm hóa được cha mẹ và người em của ông.

Sách Mạnh Tử có viết rằng: "Thuấn là người như thế nào? Ta là người như thế nào? Người làm được như thế cũng trở nên giống như vua Thuấn vậy".

Vua Thuấn có thể làm được hiếu thuận, chúng ta cũng có thể làm được, bởi vì trong thiên tính của chúng ta đều có cái tâm chí thiện, chí kính, chí nhân, chí từ. Nếu chúng ta có thể lấy vua Thuấn làm tấm gương, thực sự làm tròn bổn phận hiếu thuận với cha mẹ, thế thì chắc chắn rằng chúng ta có thể tạo dựng được gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Sau đó lại đem chữ Hiếu này mở rộng đến tất cả mọi người, sự việc, và sự vật xung quanh chúng ta thì bất kỳ sự xung đột đối lập nào cũng đều được hóa giải như băng tan tuyết chảy. Lòng chí hiếu này sẽ tạo ra xã hội hài hòa, trên dưới không oán hận, người dân hòa thuận yên vui.

Tưởng nhớ về Vua Thuấn hiếu hạnh cảm động trời xanh. Người xưa có thơ ca ngợi rằng:

Ngu Thuấn tận hiếu
Làm việc trên đồng
Chim voi giúp sức,
Hiếu cảm trời xanh.

Nguyên văn:

Ngu Thuấn đại hiếu
Kiệt lực ư điền
Tượng điểu tương trợ
Hiếu cảm động Thiên.

Thanh Hà
Nguồn: Đại Phương Quảng.



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (Bài 1) - Ngu Thuấn cày ruộng: Hiếu cảm động Trời [Radio]