10 đặc trưng cao quý của một người, có một vài đặc trưng này đã đủ thành công rồi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quý nhân vốn có khí chất của riêng mình, sau đây là 10 đặc trưng đáng quý của một người, xem xem bạn có mấy phần?

  1. Đạo

Đạo là cốt lõi trong văn hóa truyền thống của chúng ta, mọi khía cạnh cuộc sống và xã hội đều không thể tách rời vai trò của Đạo, nó tuy vô hình nhưng chúng ta đều có thể cảm nhận được. Một người sống phù hợp với Đạo, lấy chân thành, thiện lương và bao dung làm nguyên tắc hành xử, thì được nhiều người người trợ giúp, thế nên việc lớn nhỏ tất sẽ thành công.

Ví như trong sách Mạnh Tử có viết:

Đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ

Nghĩa là giữ được Đạo thì nhiều người hỗ trợ, đánh mất Đạo thì ít người hỗ trợ.

Ngược lại, nếu một người đánh mất Đạo, xa rời Đạo, anh ta sẽ khó có được sự hỗ trợ từ người khác. Đạo Đức Kinh cũng có câu:

Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân

Nghĩa là Đạo Trời không thiên vị, thường giúp người lành.

  1. Hiếu thảo

Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cả đời khó báo đáp, con cái vâng lời cha mẹ là đạo lý của trời đất, là lẽ đương nhiên.

Anh chị em ruột thịt cùng một cha mẹ sinh ra, nên đối xử tôn trọng và yêu thương lẫn nhau để cha mẹ yên lòng, đây cũng là một khía cạnh của lòng hiếu thảo.

  1. Nhân nghĩa

Người xưa đã từng nói: Tiền bạc không là gì, nhân nghĩa mới đáng giá nghìn vàng, thu nhập chỉ cần đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống là được, phần dư ra nên giúp đỡ người khác. Việc này ý nghĩa hơn nhiều với việc giữ lại của cải để bản thân hưởng thụ.

Mặt khác, Nhân và Nghĩa là phẩm đức mà người quân tử ắt phải có, thường hằng tu thân dưỡng đức mới có thể đạt đến cảnh giới của Nhân.

Khổng Tử nói người quân tử thì có đức của người quân tử, tiểu nhân không thể nào với tới được, người quân tử ngày ngày tinh tấn vươn lên trong tiến đức tu nghiệp, kẻ tiểu nhân ngày ngày sa sút chìm đắm trong tư dục.

  1. Thành tín

Làm người mà không có tín thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra?! Thành tín là nền tảng của con người và nền tảng của cuộc sống.

Có lẽ câu chuyện Tăng Tử giết lợn đã quá quen thuộc với mọi người:

Một hôm vợ Tăng Tử chuẩn bị đi chợ, con trai nhỏ khóc đòi đi theo. Không biết làm thế nào, vợ ông liền dỗ dành rằng đi chợ về sẽ làm thịt lợn cho con ăn. Dĩ nhiên vợ Tăng Tử chỉ nói đùa, nhưng Tăng Tử không đồng ý, ông đã mài dao mổ lợn cho con ăn thật. Tăng Tử nói: không thể thất tín với trẻ con được, hôm nay mình nói dối con, chính là dạy con lừa dối người khác. Nếu cha mẹ không thành tín, thì con cái sẽ không tin tưởng cha mẹ nữa. Vậy làm sao có thể dạy con thành bậc chính nhân quân tử được đây!

  1. Ngay chính

Khổng Tử nói:

Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân

Nghĩa là điều mình không muốn chớ làm cho người. Đây là nguyên tắc tất yếu trong quan hệ tương tác giữa người với người, đó là thể hiện sự tôn trọng và biết nghĩ cho người khác, bình đẳng đối xử.

  1. Độ lượng

Quẻ Khôn trong Chu Dịch viết rằng:

Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật

Nghĩa là đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật.

Con người sống thuận theo trời đất, tấm lòng tỏa sáng, có thể bao dung những người bất đồng, bao dung cả những sai trái, lỗi lầm của người khác, người độ lượng thì ai ai cũng muốn chung sống, cũng muốn kết giao.

Ví von bản thân như một đại dương vậy, hạt muối bỏ biển thì thấm thía gì, chớ coi mình như một vốc nước bé teo, chỉ cần một hạt muối thôi cũng đủ mặn rồi.

  1. Khiêm nhường

Thượng Thư có câu:

Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích

Nghĩa là tự mãn với thành tích sẽ dẫn đến hại thân, khiêm tốn tự thấy bản thân có chỗ chưa đủ mới có thể thu được lợi ích.

Khiêm nhường là một phần của nhân cách. Chu Dịch viết rằng, người quân tử ẩn giấu tài năng, đợi thời cơ mà hành động. Một người chín chắn sẽ ẩn giấu tài năng sắc sảo của mình, làm một người khiêm nhường. Họ biết vào thời cơ nhất định thì mới triển hiện tài hoa.

Người có thể giữ vững mình ở dưới thấp, cẩn trọng, kín đáo, giống như biển cả, luôn đặt mình nơi thấp kém nhưng không có ai dám phủ nhận sự thâm sâu của nó.

  1. Cẩn trọng

Khi giải quyết bất cứ việc gì, nếu giữ được thái độ thận trọng thì không việc gì là không thành.

Kinh Dịch viết:

Nhược lý hổ vĩ, chung chi cát

Nghĩa là làm gì cũng phải hết sức cẩn thận giống như dẫm lên đuôi cọp vậy, như thế thì cuối cùng ắt sẽ may mắn cát tường và thuận lợi.

  1. Bền lòng

Thánh nhân quý ở bền lòng. Chỉ có bền chí, kiên định đạo lý, mới khiến đạo hạnh của mình vững chắc.

Khổng Tử nói:

Nhân nhi vô hằng, bất khả dĩ tác vu y

Nghĩa là người không bền lòng thì làm lang băm cũng không làm nổi.

Kinh Dịch lại có câu:

Bất hằng kỳ đức, hoặc thừa chi tu

Nghĩa là người không có đức hạnh bền vững thì thế nào cũng có lúc chuốc lấy sự hổ thẹn.

  1. Hiếu học

Con người khi mới sinh ra không phải cái gì cũng biết, trong quá trình trưởng thành, không ngừng học hỏi mới có thể nâng cao đạo đức, tri thức, kỹ năng và được người khác tôn trọng.

Ngay cả một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình giàu có, thì phẩm chất cao quý vốn cũng không phải là bẩm sinh, mà vẫn cần một nền giáo dục tốt, nếu không, tương lai không những không giàu có mà nhiều khả năng sẽ trở thành phá gia chi tử mà thôi.

Cao Nguyên

Theo aboluowang.com



BÀI CHỌN LỌC

10 đặc trưng cao quý của một người, có một vài đặc trưng này đã đủ thành công rồi