WeChat kiểm duyệt bài viết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã viết một bài báo vào đêm trước Lễ Thanh Minh năm nay để tưởng nhớ người mẹ đã khuất của mình, nhưng đã bị WeChat gửi cảnh báo và bị cấm chia sẻ. Điều này được cho là vì trong bài viết, ông Ôn nói rằng “Trung Quốc trong suy nghĩ của tôi, nên là một quốc gia tràn đầy sự công bằng và chính nghĩa”.

Cựu thủ tướng Trung Quốc cũng bị WeChat và truyền thông nước này kiểm duyệt?

Mẹ của ông Ôn Gia Bảo là bà Dương Chí Vân (Yang Zhiyun), có tên cũ là Dương Tú An (Yang Xiu'an), bà đã qua đời vào tháng 12/2020. Từ ngày 25/3 đến ngày 15/4 năm nay, loạt bài viết dài 4 phần của ông Ôn có tựa đề "Mẹ tôi" đã được đăng trên tờ Zaobao của Ma Cao. Ban đầu toàn văn bài viết có thể tìm thấy trên WeChat, và còn được một số kênh truyên thông của Trung Quốc đăng tải lại.

Tuy nhiên, hiện tại, bài viết này đã bị cấm trong các nhóm WeChat, và xuất hiện cảnh báo "Bài viết này vi phạm ‘Tiêu chuẩn hoạt động nền tảng công cộng của WeChat’, bài viết bị cấm chia sẻ".

Hiện tại, bài viết của ông Ôn Gia Bảo đã bị cấm chia sẻ trong các nhóm WeChat. Dòng chữ gạch chân đỏ là cảnh báo của WeChat có nội dung: "Bài viết này vi phạm ‘Tiêu chuẩn hoạt động nền tảng công cộng của WeChat’, bài viết bị cấm chia sẻ". (Ảnh chụp màn hình Twitter)
Hiện tại, bài viết của ông Ôn Gia Bảo đã bị cấm chia sẻ trong các nhóm WeChat. Dòng chữ gạch chân đỏ là cảnh báo của WeChat có nội dung: "Bài viết này vi phạm ‘Tiêu chuẩn hoạt động nền tảng công cộng của WeChat’, bài viết bị cấm chia sẻ". (Ảnh chụp màn hình Twitter)

Về vấn đề này, bà Cao Du (Gao Yu), người làm truyền thông độc lập ở Trung Quốc, cho biết trên Twitter vào ngày 18/4: "WeChat thậm chí còn chặn bài viết tưởng niệm về mẹ nhân ngày lễ Thanh Minh của ông Ôn Gia Bảo, điều này thực sự không thể nói nên lời".

Cư dân mạng Trung Quốc ở nước ngoài cũng phải thốt lên rằng: "Đúng là mọi người đều bình đẳng trước WeChat", "Ngay cả cựu thủ tướng cũng bị đối xử như thế này", "Có nghĩa là gì? Có nghĩa là không ai được an toàn dưới cái thể chế này!" , "Ngay cả cựu quan chức cấp cao cũng bị đối xử như vậy, càng cho thấy thể chế này có những vấn đề nghiêm trọng".

Ông Ôn nói về "Đại Cách mạng Văn hóa", nói về văn hóa truyền thống, và kêu gọi "Trung Quốc tự do"

Trong loạt bài viết có tựa đề "Mẹ tôi", ông Ôn Gia Bảo dành ba trong số đó để hồi tưởng về cuộc đời của mẹ ông. Đồng thời, ông Ôn cũng đề cập đến việc cha ông là ông Ôn Cương (Wen Gang) đã bị đấu tố trong thời "Đại Cách mạng Văn hóa", bị quản thúc trong khu cư trú ở trường, bị cắt lương và bị đánh sưng phù mặt. Sau đó, gia đình ông bị buộc phải sơ tán về vùng nông thôn và ở đó trong 6 năm.

Mặc dù phải trải qua thảm họa "Đại Cách mạng Văn hóa", nhưng ngay từ nhỏ mẹ của ông Ôn Gia Bảo đã dạy ông hiểu về văn hóa truyền thống, kể về "những câu chuyện của các nhân vật lịch sử như Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Gia Cát Lượng, v.v." và nói cho ông về đạo lý làm người.

Sau khi ông Ôn Gia Bảo trưởng thành và bắt đầu công tác ở Trung Nam Hải, mẹ ông đã hai lần viết thư nhắc nhở ông về con đường làm quan, và nói rằng: "Con làm quan to, mẹ rất lo lắng".

Trong mắt ông Ôn Gia Bảo, mẹ ông tuy “sinh sống trong thời gian và địa điểm cực khổ” nhưng lại là người cực kỳ giàu lòng thương cảm và thiện lương, bà đồng cảm với người nghèo, cả đời sống giản dị, thanh bạch.

Cuối bài viết, ông Ôn Gia Bảo cũng bày tỏ tình cảm đối với đất nước thông qua những hồi tưởng về người mẹ đã khuất, "Tôi đồng cảm với người nghèo, đồng cảm với kẻ yếu, phản đối hành vi bắt nạt và áp bức. Trung Quốc trong suy nghĩ của tôi, nên là một đất nước tràn đầy sự công bằng và chính nghĩa. Đó là nơi vĩnh viễn có sự tôn trọng đối với nhân tâm, nhân đạo và bản chất của con người; vĩnh viễn có khí chất của tuổi trẻ, tự do và nỗ lực. Tôi đã từng kêu gọi và phấn đấu vì điều này. Đây là chân lý mà cuộc sống đã dạy cho tôi, cũng là do mẹ tôi trao tặng".

Trung Quốc trong bài viết của ông Ôn khác với Trung Quốc hiện tại

Về lệnh cấm của của WeChat đối với bài viết trên, ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, đã phân tích trên tờ The Epoch Times của Mỹ và chỉ ra rằng, bài báo của ông Ôn Gia Bảo rõ ràng là khác với tuyên truyền hiện nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Phùng cho rằng, ông Ôn Gia Bảo có thể là đã rất cố gắng để truyền thông đại lục đăng bài viết tưởng nhớ người mẹ của ông, nhưng lại không thể đăng được, vì vậy ông đã chọn truyền thông Hong Kong và Ma Cao. "Ôn Gia Bảo vẫn còn một số mối quan hệ cá nhân ở Hong Kong và Ma Cao. Những người này vẫn khá coi trọng ông ấy trong mối quan hệ cá nhân. May là, dư luận ở Hong Kong và Ma Cao lỏng lẻo hơn ở Đại lục một chút, nên có thể dùng quan hệ cá nhân để nhờ phía Hong Kong và Ma Cao đăng cho".

Vào ngày 19/1/2014, ông Ôn Gia Bảo đã bày tỏ sự thanh bạch của bản thân thông qua truyền thông Hong Kong, đây là một hành động hiếm thấy. Thông qua một bức thư viết tay cho ông Ngô Khang Dân, cựu đại biểu của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Đặc khu hành chính Hong Kong, ông Ôn nhấn mạnh rằng bản thân chưa bao giờ làm bất cứ điều gì vì lợi ích cá nhân và sẽ bước thật tốt đoạn đường cuối cùng của cuộc đời, "đến thế gian một cách trần trụi và sẽ rời đi một cách trong sạch".

Trong bài báo này, ông Ôn Gia Bảo cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ ông suốt đời tham gia vào sự nghiệp giáo dục, "hoàn toàn dựa vào đồng lương ít ỏi sống qua ngày, không để lại bất kỳ tài sản hay tiền tiết kiệm gì sau khi qua đời".

Cũng trên The Epoch Times, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng, bài báo bị WeChat thổi còi của ông Ôn Gia Bảo thực chất là một lời chỉ trích ám chỉ nhắm vào ông Tập Cận Bình. Một Trung Quốc “công bằng và chính nghĩa", một Trung Quốc “vĩnh viễn có sự tôn trọng đối với nhân tâm, nhân đạo và bản chất của con người”, một Trung Quốc “vĩnh viễn có khí chất của tuổi trẻ, tự do và nỗ lực” mà ông Ôn mô tả trong bài báo đều ở thế đối lập gay gắt với một Trung Quốc dưới thời ông Tập. Điều mà người dân Trung Quốc thiếu nhất hiện nay là tự do, như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, v.v. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, những điều này ngày càng bị thắt chặt.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

WeChat kiểm duyệt bài viết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo