Virus Corona Vũ Hán đột biến 40 loại, xuất hiện bệnh nhân đầu tiên trên thế giới nhiễm đồng thời 2 loại virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán ở Iceland đã được xét nghiệm và phát hiện ra rằng trong cơ thể người này có chứa tới 2 loại virus, một trong số đó là một loại virus đột biến mới. Virus đột biến mới có khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn virus gốc ban đầu. Các nhà khoa học ở Iceland đã phát hiện ra đến 40 loại virus đột biến.

Bệnh nhân mang virus đột biến có khả năng lây nhiễm cao

Ngày 24/3, trên trang web Đài truyền hình quốc gia Iceland thông báo rằng công ty sinh học dược phẩm DeCODE Genetics trong nước đã tiến hành nghiên cứu bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán một vài ngày trước, và bất ngờ phát hiện ra 2 loại virus trong cơ thể một bệnh nhân, một trong số 2 loại virus đó đã bị đột biến. Bệnh nhân này có khả năng là trường hợp nhiễm virus kép đầu tiên trên thế giới.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng virus đột biến có khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn so với virus gốc. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành (CEO) của DeCODE Genetic, ông Kári Stefánsson nói rằng "những người bị nhiễm sau đó đều chỉ có virus đột biến đặc định". Điều này có nghĩa là virus đột biến dễ lây lan hơn so với virus không đột biến.

40 loại virus đột biến ở Iceland

Đối với virus Corona Vũ Hán, các nhà khoa học cho biết rằng theo thời gian, virus này đang phát sinh biến đổi. Theo New York Post, chính phủ Iceland và công ty DeCODE Genetic cùng tiến hành xét nghiệm và phát hiện ra hiện có đến 40 loại virus Corona Vũ Hán bị đột biến ở nước này.

Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm 9.768 người, khoảng 5.000 người trong số họ là người tham gia tình nguyện và không có bất kỳ triệu chứng nhiễm virus nào. Những người khác bao gồm: bệnh nhân được xác nhận, người có triệu chứng hoặc nhóm có nguy cơ cao. Trong số 5.000 người tham gia tự nguyện, 48 tám người đã cho xét nghiệm dương tính với virus này.

Trên thực tế, trước đó ở Trung Quốc virus Corona Vũ Hán cũng đã bị đột biến. Vào ngày 3/3, Tạp chí Bình luận Khoa học Quốc gia, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đăng một bài báo có tựa đề "Về nguồn gốc và sự tiến hóa liên tục của SARS-CoV-2", nói rằng những phát hiện mới nhất của nhóm nghiên cứu này cho thấy rằng gần đây virus đã sinh ra 149 điểm đột biến, và đã bị đột biến thành các kiểu con L và S.

Nghiên cứu cho thấy hai loại virus đột biến có sự khác biệt đáng kể về phân bố địa lý và tỷ lệ dân số. Loại S là một phiên bản tương đối cũ, trong khi loại L mạnh hơn và dễ lây lan hơn.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Lancaster của Anh, ông Derek Gatherer nói rằng theo thời gian, virus mới có thể đột biến thành loại virus có tính lây truyền cao hơn.

Virus đột biến gây khó khăn trong việc phát triển vaccine

Sự xuất hiện đồng thời của hai loại virus trong cơ thể một người ở Iceland cũng chỉ ra rằng nhiệm vụ đối phó với virus Corona Vũ Hán trong tương lai có thể sẽ gian nan hơn.

Một mặt, vì virus đang phát sinh biến dị, nó sẽ cản trở nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc. Khả năng lớn nhất là khi nghiên cứu và phát triển ra vaccine và thuốc, thì virus đã đột biến, do đó tốc độ phát triển của thuốc và vaccine có thể không theo kịp tốc độ đột biến của virus.

Mặt khác, nếu virus đột biến thường xuyên, giống như virus HIV, thậm chí chỉ đột biến số lượng nhỏ vẫn có thể khiến một số loại virus đột biến trở nên kháng thuốc sau khi đã có thuốc. Do kháng thuốc, những virus đột biến này có thể tồn tại và lây truyền sang người khác.

Trong trường hợp này, sự đột biến liên tục của virus mang đến những thách thức mới cho việc phát triển vaccine. Gần đây, Giám đốc Khoa truyền nhiễm, nhiễm trùng của Bệnh viện Hoa Sơn, Thượng Hải, ông Trương Văn Hồng đã nói rằng ông chưa từng thấy loại virus “quái dị” nào như vậy trong lịch sử nhân loại. Đây là một trong những loại virus khó đối phó nhất trong lịch sử và nằm ngoài cả dự tính của con người.

Người mang mầm bệnh không có triệu chứng sẽ có nguy cơ gây lây nhiễm cao hơn

Điều đáng chú ý là trong các xét nghiệm nêu trên ở Iceland, 48 trong số 5.000 người xét nghiệm không có triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng lại có phản ứng dương tính. Họ được xếp vào nhóm mang mầm bệnh không có triệu chứng. Ông Kári Stefánsson cho biết tình hình này rất đáng lo ngại vì người mang mầm bệnh không có triệu chứng sẽ mang đến nguy cơ gây lây nhiễm cao hơn.

Ngày 20/3, tờ Nature trích dẫn báo cáo nghiên cứu của một học giả Vũ Hán, cho biết những người dương tính với axit nucleic không triệu chứng cũng có khả năng cực kỳ dễ lây nhiễm. Gần đây, ông Trương Văn Hồng cũng cho biết rằng nguy hiểm nhất hiện nay là những bệnh nhân nhiễm bệnh không có triệu chứng. Họ có khả năng miễn dịch tương đối tốt và không phát bệnh trong vòng 14 ngày sau khi bị nhiễm. Virus ở trong cơ thể họ hơn 3 tuần và có khả năng gây lây nhiễm.

Chính quyền Trung Quốc trước đây chưa liệt kê các ca nhiễm bệnh không triệu chứng vào các trường hợp được xác nhận, và cho rằng những người không có triệu chứng "không phải là nguồn gây lây nhiễm chủ yếu". Nhưng giờ đây, một bài viết của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Ninh Ba ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng hầu như không có sự khác biệt về tỷ lệ truyền nhiễm giữa những người có triệu chứng và không có triệu chứng.

Nghiên cứu: Không có sự khác biệt về tỷ lệ truyền nhiễm giữa các bệnh nhân không có triệu chứng và có triệu chứng

China Business News đưa tin rằng có một bài viết có tiêu đề là "Phân tích các đặc điểm dịch tễ của lây nhiễm khi tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán ở thành phố Ninh Ba" do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng chống Các bệnh Truyền nhiễm, viết và đăng (số 41) trên Tạp chí dịch tễ học Trung Quốc vào năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ lây nhiễm khi tiếp xúc với những người có triệu chứng là 6,3% và với những người không có triệu chứng là 4,1%. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng tỷ lệ truyền nhiễm của hai nhóm này hầu như không có sự khác biệt.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù cho bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng hay không, chỉ cần xét nghiệm dương tính thì đều thuộc nhóm bệnh nhân được xác nhận. Tuy nhiên, trong phiên bản thứ 4 của Kế hoạch Phòng ngừa và Kiểm soát virus Vũ Hán công bố vào ngày 7/2, chính quyền Trung Quốc đã không xếp trường hợp "người nhiễm bệnh không có triệu chứng" vào các trường hợp được xác nhận.

Tuy nhiên, các trường hợp phát sinh gần đây đã chỉ ra rằng những người không có triệu chứng vẫn có thể lây truyền bệnh. Vào ngày 23/3, một trường hợp nhiễm mới được xác nhận ở Vũ Hán là một bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh. Theo Caixin, bác sĩ này đã từng khám cho một bệnh nhân nhiễm bệnh không có triệu chứng tại một phòng khám ngoại trú vào ngày 18/3.

Ngày 25/3, tài khoản công khai của China Newsweek WeChat đã báo cáo rằng điều đáng sợ là 60% trong số tất cả những người nhiễm virus Corona Vũ Hán ở tại Vũ Hán vẫn chưa được phát hiện, và e rằng bệnh dịch có thể sẽ bùng phát trở lại. Các chuyên gia Đại lục kêu gọi chính quyền cần phải tiến hành điều tra lấy mẫu kháng thể ở Vũ Hán bằng mọi giá.

Minh Thanh

-Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Virus Corona Vũ Hán đột biến 40 loại, xuất hiện bệnh nhân đầu tiên trên thế giới nhiễm đồng thời 2 loại virus