Viện KHXH Trung Quốc tuyên bố 5 năm tới sẽ thiếu 130 triệu tấn lương thực, truyền thông Hong Kong nói: e không quá nửa năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Yêu cầu "cấm lãng phí thực phẩm" của ông Tập Cận Bình đã phát triển thành một phong trào vận động chính trị khác, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc báo cáo rằng thâm hụt lương thực quốc gia có thể lên tới 130 triệu tấn sau 5 năm tới. Tuy nhiên, truyền thông Hong Kong dẫn lời phân tích chỉ ra rằng tình hình lương thực Trung Quốc sẽ đáng lo ngại trong nửa năm tới.

Ngày 17/8, Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã đưa ra báo cáo về phát triển nông thôn Trung Quốc. Trong đó nêu rõ “ý tưởng tổng thể về phát triển nông thôn của Trung Quốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia làm tiền đề".

Báo cáo cũng nêu rõ, "Vào cuối kỳ 'Kế hoạch 5 năm lần thứ 14', Trung Quốc có thể thiếu hụt khoảng 130 triệu tấn lương thực, trong đó ngũ cốc (ba loại lương thực chính) khoảng 25 triệu tấn".

Tờ Apple Daily dẫn lời nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) cho biết, ngũ cốc của Trung Quốc khoảng nửa năm tới sẽ tới mức cảnh báo, Trung Quốc liên tục nhập khẩu ở nước ngoài nên có thể chưa xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, năm nay thiên tai trầm trọng và dự trữ lúa mì đã giảm khoảng 10 triệu tấn. Thêm vào đó, theo thống kê, tỷ lệ lãng phí lương thực trong xã hội Trung Quốc là 11,7%. Tình hình lương thực ở Trung Quốc vào nửa năm sau thực sự đáng lo ngại.

Ông Lưu chỉ ra rằng ngoài vấn đề cung cấp lương thực ở Trung Quốc, điều quan trọng hơn là suy thoái kinh tế. Chính quyền ở các cấp khác nhau trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lộng hành ngang ngược, người dân bất mãn với các quan tham bên trên. Sự bất mãn tích tụ ngày một nhiều, một khi xảy ra nạn thiếu lương thực, người dân phải tự tích lương thực, những người ‘thấp cổ bé họng’ dần dần sẽ tập trung lực lượng, và cuối cùng dẫn đến việc ‘tức nước vỡ bờ’.

Nhà bình luận về vấn đề thời sự Hoành Hà (Heng He) cũng nói với VOA rằng: "Cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc thực sự đã xảy ra từ lâu và đã sử dụng tới nguồn dự trữ chiến lược. Trên thực tế, không có nguồn dự trữ chiến lược nào để sử dụng. Nguồn dự trữ chiến lược đều nằm trong kho thóc quốc doanh và đã bị đào rỗng không rồi. Đất canh tác thì bị chiếm dụng, sa mạc hóa và xói mòn đất canh tác".

Theo phân tích của ông Hoành, trước đây khi nền kinh tế còn tốt, Trung Quốc có thể nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài, và vấn đề thiếu lương thực sẽ không quá lộ rõ. Hiện tại, do thiếu hụt ngoại hối, thiên tai nhân họa ngày càng nghiêm trọng, kết quả là cuộc khủng hoảng lương thực năm nay sẽ rõ ràng hơn nhiều.

Nguồn cung lương thực của Trung Quốc không đủ và từ lâu đã phụ thuộc vào nhập khẩu. Gần đây, nhà kinh tế học Trung Quốc Hà Thanh Lan (He Qinglian) đã có một bài báo với tiêu đề "Thông qua dữ liệu nhìn thấy an ninh lương thực của Trung Quốc", cho biết dữ liệu từ Cục Thống kê ĐCSTQ vào tháng 12 năm 2018 cho thấy tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc trong năm 2018 đã giảm xuống khoảng 82,3%. Đo lường theo các tiêu chuẩn an ninh lương thực thế giới, số lương thực Trung Quốc thiếu là lương thực mà 252 triệu người cần.

Theo báo cáo nêu trên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, “hiện nay, phát triển nông thôn vẫn đang đối mặt với nhiều mâu thuẫn và vấn đề, chẳng hạn như nông dân không còn tích cực đối với việc trồng ngũ cốc, họ ngày càng gặp khó khăn trong việc tăng thu nhập, sự già hóa của khu vực nông thôn, những bất cập nổi bật trong sinh kế của người dân nông thôn và sự phân hóa của các làng xã ngày càng gia tăng... những vấn đề này cần phải hết sức chú ý”.

Tuy nhiên, Epoch Times đưa tin rằng đằng sau những vấn đề của nông dân nêu trên, còn có vấn đề từ cuộc khủng hoảng đất đai và thâm hụt kho thóc do ĐCSTQ tạo ra trong những năm qua.

Gần đây, RFA dẫn lời nông dân Hà Nam nói rằng hầu hết thanh niên ở nông thôn đều đi làm thuê. Một lý do là việc ĐCSTQ trưng thu đất đai quá mức đã khiến nhiều người không có đất để trồng trọt; một lý do khác là thu nhập từ nông nghiệp thấp hơn nhiều so với thu nhập từ lao động thành thị. Một lượng lớn lao động nông thôn bị mất đi và nhiều diện tích đất canh tác trở nên cằn cỗi.

Liên quan đến vấn đề thâm hụt kho thóc, gần đây liên tục có các vụ việc phơi bày việc những người bảo vệ kho lương của ĐCSTQ có hành vi biển thủ dẫn đến rỗng kho, gian lận lương thực và các vụ hỏa hoạn kỳ lạ ở nhiều kho lương khác nhau.

Minh Thanh

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Viện KHXH Trung Quốc tuyên bố 5 năm tới sẽ thiếu 130 triệu tấn lương thực, truyền thông Hong Kong nói: e không quá nửa năm