Vệ tinh chụp được cảnh đập Tam Hiệp 'siêu xả lũ', chuyên gia thủy lợi nói: Lũ do nhân tạo chứ không chỉ là thiên tai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử tại Trung Quốc đang rất nghiêm trọng. Gần đây, vệ tinh đã chụp được ảnh đập Tam Hiệp mở rộng cửa sông xả lũ, làm trầm trọng thêm thảm họa lũ lụt ở hạ lưu. Một nhân viên phòng chống lũ tiết lộ với truyền thông rằng đập Tam Hiệp đã sớm bắt đầu "xả lũ siêu cấp", nhưng chính quyền cấm mọi cuộc bàn luận hoặc rò rỉ bất kỳ tin tức nào về lũ lụt ra ngoài. Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thủy lợi nổi tiếng cho biết, lũ lụt ở sông Dương Tử năm nay là nhân tạo, không chỉ đơn thuần là thiên tai.

Có gì bí ẩn về việc đập Tam Hiệp xả lũ?

Cố vấn của báo India Today, Đại tá Không quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Vinayak Bhat đã đăng một bộ ảnh vệ tinh lên Twitter vào ngày 11/7. Vệ tinh đã chụp được cảnh đập Tam Hiệp bắt đầu xả lũ từ sớm vào ngày 24/6. Ông Bhat ước tính rằng đập Tam Hiệp đã mở ít nhất 5 cửa lớn và 5 cửa nhỏ để xả lũ ngày hôm đó.

Vào ngày 27/6, thành phố Nghi Xương, Hồ Bắc, ngay dưới đập Tam Hiệp, đã bị nước lũ càn quét. Vào thời điểm đó, có một số người đã đặt nghi vấn rằng liệu có phải vì đập Tam Hiệp bí mật xả lũ đã gây ra lũ lụt hay không.

Tuy nhiên, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mãi đến ngày 29/6 mới công bố thông tin đập Tam Hiệp xả lũ, và tuyên bố rằng Tam Hiệp đã mở 2 cửa để xả lũ vào ngày hôm đó. Đánh giá từ "tập công văn" lộ ra ngoài, khối lượng xả lũ tăng lên 35.000 m3/s.

Vào ngày 4/7, một lần nữa chính quyền tuyên bố rằng lưu lượng chảy của hồ chứa Tam Hiệp vào ngày 2/7 đã đạt tới 53.000 m3/s. "Đỉnh lũ số 1 sông Dương Tử năm 2020" đã hình thành và đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả lũ, tiếp tục gia tăng lưu lượng chảy. Nhưng các bài báo chính thức của chính quyền không đề cập đến dữ liệu xả lũ.

Sau đó, một số cư dân mạng đã tweet rằng việc đập Tam Hiệp xả lũ đến ngày thứ 7 đã đạt tới mức 55.000 m3/s so với mức 25.000 m3/s trước đó. Việc xả lũ Tam Hiệp cùng mưa lớn ở trung và hạ lưu đã gây ra lũ lụt trên khắp lưu vực sông Dương Tử.

Tuy nhiên, theo những hình ảnh từ vệ tinh vào ngày 9/7, đập Tam Hiệp đã mở cửa toàn lực xả lũ. Theo hình ảnh vệ tinh từ nhà cung cấp hình ảnh Sentinel vào ngày 9/7, đập Tam Hiệp dường như đã mở tất cả các cửa xả lũ để thoát nước. Các vệ tinh cho thấy chiều dài khu vực xả lũ gần bằng chiều dài khu vực chứa nước của đập Tam Hiệp.

Ông Bhat chỉ ra rằng, các bức ảnh cho thấy ít nhất các cửa kiểm soát lũ chính của đập Tam Hiệp đã được mở hoàn toàn để xả lũ vào ngày 9/7.

Kể từ ngày 9/7, Giang Tây, An Huy và các khu vực khác ở hạ lưu của Tam Hiệp đã trải qua trận lụt lịch sử. Mực nước của Hán Khẩu, Vũ Hán đã cao hơn nhiều so với khu vực đô thị của Vũ Hán

ĐCSTQ cấm đưa tin về lũ lụt ra ngoài

Điều đáng nói là thông tin giám sát tình hình nước của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đột nhiên ngừng cập nhật vào tối ngày 13/7 và trở lại bình thường vào 2 giờ sáng ngày 14/7.

Một nhân viên kiểm soát lũ ở tuyến đầu lấy bí danh là Kim Minh nói với đài SOH vào ngày 14/7 rằng, việc ngừng cập nhật thông tin giám sát tình hình nước sông Dương Tử có thể có liên quan đến việc xả lũ. Tình hình kiểm soát lũ ở lưu vực sông Dương Tử đang rất nghiêm trọng. Người nhân viên này tiết lộ rằng đỉnh cơn lũ 29m đã đi qua Vũ Hán vào ngày 14/7, nguyên nhân là do đập Tam Hiệp xả lũ siêu cấp.

Ông Kim Minh cũng nói rằng các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã ban hành lệnh cấm ‘mở miệng’. Bộ phận tuyên truyền cấp cao hơn đã đưa ra một thông báo quy định rằng tất cả các nhân viên kiểm soát lũ không được phép nói hoặc rò rỉ tin tức về lũ lụt. Nhân viên kiểm soát lũ ở hạ lưu không được nói bất cứ điều gì với nhân viên ở thượng lưu.

Ông Kim Minh cũng cho biết tất cả các nhân viên kiểm soát lũ không được phép tiết lộ sự thật với ngoại giới. Nhưng đập Tam Hiệp thực sự đã thực hiện một đợt "siêu xả lũ". Chính quyền đã quyết định dù có phải hy sinh tính mạng người dân, cũng phải cố gắng giữ đập Tam Hiệp.

Lũ lụt ở sông Dương Tử là nhân tạo

Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia về đập Tam Hiệp ở Đức, đã chỉ ra rằng mực nước và lưu lượng xả lũ của đập Tam Hiệp và tất cả các hồ chứa trong lưu vực sông Dương Tử đều do ĐCSTQ lên kế hoạch thống nhất. Ví dụ, nước sông Dương Tử chảy ngược vào hồ Bà Dương “đều là kết quả của ủy viên bảo tồn nước sông Dương Tử đưa ra". Ông cho rằng lũ lụt do chính quyền ĐCSTQ khống chế, chứ không chỉ đơn thuần là thiên tai.

"Bạn có thể nói rằng lũ lụt năm nay ở sông Dương Tử là do nhân tạo, và không cái nào trong số chúng là thiên tai, bởi vì tất cả đều là người của ĐCSTQ đưa ra và thống nhất. Trận lụt ở các con sông của Trung Quốc không còn là thiên tai, mà nó là một quá trình do con người kiểm soát", ông Vương Duy Lạc nói.

ĐCSTQ chủ động làm vỡ đê, gây ngập lụt vùng nông thôn để bảo vệ thành phố

Truyền thông ĐCSTQ đưa tin vào ngày 14/7 về lời phát biểu của chuyên gia bảo tồn nước Trình Hiểu Đào, rằng kinh nghiệm kiểm soát lũ năm nay là cái gì "có thể giữ thì giữ, cái gì phải bỏ thì bỏ. Đất nông nghiệp phải được trả lại cho hồ thì phải để lũ tràn vào". Ngoại giới tin rằng đây thực sự là phương thức hoạt động nhất quán của chính quyền ĐCSTQ: từ bỏ vùng nông thôn để bảo vệ thành phố.

Vào ngày 15/7, một video về việc chủ động ​​phá vỡ đê hồ Bà Dương ở Giang Tây đã được lan truyền trên mạng. Đoạn video cho thấy một máy xúc với lá cờ Trung Quốc đang đào đập và để lũ chảy vào vùng đất nông nghiệp.

Một số cư dân mạng Weibo cho biết Đài phát thanh và truyền hình Lạc Sơn đã đưa tin về vụ việc. Được biết, tỉnh Giang Tây đã chủ động phá đê hồ Bà Dương để bảo vệ thành phố Cửu Giang.

Một cư dân mạng trên Twitter cho biết: "Phá vỡ đê Bà Dương chỉ làm ngập đất nông nghiệp? Ngoài hàng triệu đất nông nghiệp, có bao nhiêu người sống ở đó, ai sẽ bảo vệ họ?"

ĐCSTQ xả lũ hồ chứa mà không cảnh báo trước

Ngoài việc phá vỡ đê, tình trạng các hồ chứa ở khắp mọi nơi xả lũ mà không cảnh báo trước trở nên phổ biến, khiến người dân không có sự chuẩn bị, gây ra thiệt hại về người và tài sản. Đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy một số các cửa tiệm bị ngập lụt và thiệt hại nặng nề. Các chủ cửa hàng chỉ có thể khóc một cách cay đắng và không biết phải làm gì.

Một số cư dân mạng tiết lộ nội tình, có quan chức ĐCSTQ từng nói sự thật rằng việc xả lũ không được thông báo trước. "Khi thông báo cho người dân, liệu họ có đồng ý? Họ sẽ yêu cầu bồi thường. Vụ mùa, vườn ươm, gia súc và hàng chục tỷ đô-la Mỹ cũng không giải quyết được. Nếu đó là "thiên tai" chỉ cho mấy gói mỳ là họ đã cảm ơn rồi".

Một số cư dân mạng đã lên án gay gắt: "Đây là sự thật. Những quan chức địa phương hoàn toàn có thể nghĩ ra và làm ra cái việc như thế. Thật là một tổ chức lưu manh, vô lại và xấu xa!"

Minh Thanh

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Vệ tinh chụp được cảnh đập Tam Hiệp 'siêu xả lũ', chuyên gia thủy lợi nói: Lũ do nhân tạo chứ không chỉ là thiên tai