Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc: Cứ 5 người dân nuôi 1 công chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, một ủy viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc (Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp) đã đề xuất "sáp nhập huyện nhỏ" và cho biết trong năm 2019, ở một huyện nào đó của Trung Quốc, cứ 5 người dân phải nuôi 1 công chức. Đây là dữ liệu hiếm khi được công bố cho công chúng.

Gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, bà Lý Đông Ngọc (Li Dongyu), ủy viên của Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban Chính Hiệp tỉnh Thiểm Tây, đã đưa ra một đề xuất tại Lưỡng Hội là sáp nhập các huyện nhỏ có dân số dưới 100.000 người.

Bà Lý đề cập đến vấn đề chi phí hành chính cao và sự lãng phí cơ sở hạ tầng công cộng của chính quyền. Ví dụ, các khu vực cấp tỉnh đều thành lập các đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức xã hội như đảng ủy, đại hội đại biểu nhân dân, chính phủ, hội nghị hiệp thương chính trị, ủy ban kiểm tra kỷ luật, các cơ quan công an, tòa án và viện kiểm sát; kèm theo đó là xây dựng các cơ sở hạ tầng tương ứng cho các đơn vị này, vậy nên số lượng nhân sự lớn cùng việc xây dựng các công trình đã làm tổn thất một lượng lớn chi tiêu tài chính hàng năm.

Bà cũng trích dẫn số liệu năm 2019 của một huyện có dân số thường trú là 30.200 người, thu nhập công của chính quyền địa phương là 36,61 triệu nhân dân tệ (khoảng 130 tỷ VNĐ), dự toán chi tiêu ngân sách thông thường là 865 triệu nhân dân tệ (khoảng 3.066 tỷ VNĐ), có hơn 120 đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức xã hội, có hơn 6.000 cán bộ và công viên chức hưởng biên chế, tỷ lệ quan-dân là 1:5. Đề xuất sáp nhập các huyện nhỏ của bà Lý có thể cắt giảm những lãng phí về nguồn lực hành chính.

Ở Trung Quốc, những người được hưởng lương nhà nước chủ yếu bao gồm ba bộ phận: người làm trong các cơ quan của đảng và chính phủ, chủ yếu làm việc trong đảng ủy, đại hội nhân dân, chính phủ, cơ quan chính trị và pháp luật, hội nghị hiệp thương chính trị, các đảng phái dân chủ và các tổ chức đoàn thể quần chúng...; người làm trong các đơn vị sự nghiệp, như trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, y tế...; nhân viên đã nghỉ hưu của các đơn vị sự nghiệp và cơ quan của đảng, chính phủ.

Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp: 26 người dân nuôi 1 quan chức

Vậy tỷ lệ quan-dân trên toàn Trung Quốc là bao nhiêu? Khoản chi hành chính hàng năm là bao nhiêu? Những dữ liệu này là điều người dân rất quan tâm nhưng luôn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là "bí mật quốc gia".

Ngay từ năm 2005, ông Chu Thiên Dũng (Zhou Tianyong), Phó chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, đã viết một bài báo nói rằng, số lượng công chức thực tế ở Trung Quốc đã vượt quá 70 triệu người, và tỷ lệ quan-dân cao tới mức 1:18.

Còn bà Nhậm Ngọc Linh (Ren Yuling), một ủy viên của Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp, cựu Cố vấn của Quốc vụ viện ĐCSTQ, đã từng phát biểu tại Phiên họp thứ ba của Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp khóa 10 năm 2005 rằng: "Từ lâu tỷ lệ dân-quan của chúng ta đã lên tới 26:1, cao gấp 306 lần so với thời Tây Hán và gấp 35 lần thời cuối nhà Thanh. Tỷ lệ số người ăn lương nhà nước trên tổng dân số tăng nhanh tới mức chưa từng có trong lịch sử, thật đáng lo ngại!".

Theo thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng số công chức năm 2008 của Trung Quốc là 39,46 triệu người, với tỷ lệ quan-dân là 1:34. Có thông tin cho rằng sau năm 2008, Cục Thống kê Quốc gia đã không còn tiến hành thống kê tổng số nhân sự hưởng lương nhà nước.

ĐCSTQ ăn bám toàn xã hội, chi phí hành chính có lẽ "đứng đầu thế giới"

Theo một báo cáo năm 2006 của tờ Báo Chứng khoán Thượng Hải, ông Trương Toàn Cảnh (Zhang Quanjing), cựu Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, từng nói: Một nhược điểm lớn trong nền chính trị Trung Quốc hiện nay là “quan chức nhiều tới mức thành một mối nguy hại”. Mỗi tỉnh có 40 hoặc 50 cán bộ cấp tỉnh, và hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cán bộ cấp sở, mỗi huyện lại có hàng chục cán bộ cấp huyện, có thể nói là hiện tượng cổ kim trong ngoài chưa từng có. Hơn nữa, ở mỗi tỉnh thành, ngoài Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch thành phố thì có tới 8 hoặc 9 cấp phó, mỗi người lại được chỉ định một thư ký, một số còn có trợ lý. Có nhiều công chức như vậy không những khiến chi phí chi tiêu gia tăng, mà còn sinh ra bệnh quan liêu.

Về cơ cấu tổ chức của ĐCSTQ, cuốn “Chín bài bình luận về ĐCSTQ” đã đề cập rằng, ở Trung Quốc, các tổ chức của đảng có mặt khắp nơi và quản chế khắp nơi. Từ chính quyền trung ương đến các ủy ban thôn ở nông thôn, cán bộ hành chính luôn có địa vị thấp hơn cán bộ đảng. Các khoản chi tiêu của đảng đều do bộ phận hành chính chi trả. Tổ chức đảng phái này đang chiếm hữu, điều khiển và thao túng xã hội Trung Quốc. Vì vậy, nông dân Trung Quốc mới nghèo túng và cực khổ như vậy, vì họ không những phải nuôi các quan chức nhà nước như theo truyền thống, mà còn phải còng lưng gánh chịu số lượng quan chức ĐCSTQ tương đương, thậm chí nhiều hơn các quan chức hành chính.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc: Cứ 5 người dân nuôi 1 công chức