Tường thuật đau thương của bác sĩ Vũ Hán: Tận mắt chứng kiến từng đồng nghiệp ngã xuống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 10/3, Tạp chí People đã đăng bài ‘người truyền thông tin cảnh báo’ với đoạn ghi âm tường thuật đau thương của bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Cô kể lại câu chuyện của chính bản thân mình vốn từ người lên tiếng cảnh báo bệnh dịch đến bị cấm lên tiếng, phải tận mắt chứng kiến từng đồng nghiệp của mình gục ngã, và những người dân Vũ Hán không được chữa trị mà chết bi thảm. Cô mong muốn mọi người biết rõ quá trình chân thực tình hình dịch bệnh phát triển tới mức không thể kiểm soát và trở thành một thảm họa đối với nhân loại.

Cô Ngải Phân (Ai Fen) là đồng nghiệp của bác sĩ Lý Văn Lượng. Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, nơi cô làm việc, các phòng ban đều có y bác sĩ ‘trúng dịch’, hiện số người được xác nhận nhiễm lên đến 230 người, trong đó có 3 Phó viện trưởng và một số chủ nhiệm khoa. Bốn người trong số họ đã chết.

Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán là một trong 27 bệnh viện hạng A trong thành phố. Sân sau của bệnh viện cách chợ hải sản Hoa Nam chưa đầy 2 km. Đây là một trong những bệnh viện ở Vũ Hán từng xuất hiện các ca bệnh viêm phổi Vũ Hán sớm nhất.

Cô Ngải Phân là Chủ nhiệm khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Từ chính trải nghiệm của mình, từ góc độ của một y bác sĩ, cô đã mô tả quá trình phát sinh, phát triển, phát hiện và tới lúc công khai dịch bệnh.

Mỗi khoa của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đều có một nhân viên y tế bị ‘trúng dịch’. Hình ảnh người dân dâng hoa tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng (STR / AFP via Getty Images)
Mỗi khoa của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đều có một nhân viên y tế bị ‘trúng dịch’. Hình ảnh người dân dâng hoa tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng (STR / AFP via Getty Images)

Ngày 30/12/2019, cô Ngải Phân nhận được báo cáo xét nghiệm virus viêm phổi không rõ. Cô ấy đã khoanh tròn màu đỏ chữ "SARS coronavirus" và chụp lại báo cáo này rồi gửi cho bạn học trường y. Rất nhanh sau đó, báo cáo này đã lan truyền trong giới bác sĩ ở Vũ Hán, và nó được chuyển tiếp tới 8 bác sĩ, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng.

Sau khi lan truyền thông tin sự thật, tai họa đã giáng xuống cô Ngải Phân. Ủy ban kỷ luật của bệnh viện đã nói chuyện và “khiển trách cô nghiêm trọng", nói rằng cô tung tin đồn.

Cô được gọi là "ví dụ điển hình cho một nữ bác sĩ bị giáo huấn" và một số người gọi cô là "người thổi còi". Cô đã đính chính lại cách nói này và cho rằng cô không phải là “người thổi còi”, mà là "người truyền ra thông tin cảnh báo".

Tình huống là, vào ngày 16/12, khoa cấp cứu của cô Ngải Phân đã tiếp nhận một bệnh nhân bị "sốt cao không thể giải thích được" và 8 ngày sau được chuyển sang khoa hô hấp. Ngày 27/12, lại có một "bệnh nhân không có bất kỳ tiền sử bệnh nào, phổi bị rối loạn". Khi nhìn thấy dòng chữ "SARS coronavirus" trên tờ xét nghiệm , cô Ngải Phân cảm thấy "rất sợ hãi".

Ngày 29/12, khoa cấp cứu của cô đã báo cáo cho khoa y tế công cộng của bệnh viện, về tình hình 4 trong số 7 bệnh nhân bị sốt được đưa vào khoa cấp cứu. Thời điểm đó, cô Ngải phỏng đoán căn bệnh này có thể truyền nhiễm "từ người sang người".

Ngày 31/12, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Thành phố Vũ Hán đã thông báo có 27 trường hợp có tình trạng tương tự bị "viêm phổi do virus không rõ nguyên nhân", và tuyên bố rằng không phát hiện ra việc lây truyền từ người sang người, cũng không phát hiện có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm.

Cô Ngải biết rất rõ việc lây truyền từ người sang người đã xảy ra, nhưng vì để che giấu sự thật, bệnh viện thậm chí không cho phép các bác sĩ mặc áo choàng bảo hộ ra ngoài", “họ nói rằng mặc áo choàng bảo hộ ra ngoài sẽ gây hoảng loạn".

Cùng ngày, bác sĩ Lý Văn Lượng bị Ủy ban y tế thành phố và bệnh viện cảnh cáo và phê bình. Hôm đó, cô Ngải lại lần nữa báo cáo cho bộ phận y tế công cộng của bệnh viện về thông tin nhận thêm nhiều bệnh nhân có tình trạng tương tự, hy vọng vấn đề có thể được xem trọng.

Cô lo lắng: "Một khi bác sĩ hoặc y tá cấp cứu bị nhiễm bệnh, thì sẽ rất rắc rối”.

Cùng ngày, bệnh viện đã chuyển tiếp thông tin cảnh cáo từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe Vũ Hán yêu cầu không được tùy ý công bố về bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân. Nếu ai để thông tin rò rỉ ra gây hoảng loạn, sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Bệnh viện của cô ngay lập tức đưa ra một thông báo nhấn mạnh không được phép lan truyền thông tin này ra ngoài.

Cùng ngày, Văn phòng Công an thành phố Vũ Hán cũng gửi đi thông báo công bố có 8 người đã bị cảnh sát triệu tập vì "tung tin đồn". Tối hôm đó, cô Ngải cũng được yêu cầu "nói chuyện" với bộ phận giám sát của bệnh viện.

Ngày hôm sau, trong buổi nói chuyện với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, lãnh đạo bệnh viện đã khiển trách cô. Họ nói rằng, là chủ nhiệm khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, mà cô không có nguyên tắc và không có kỷ luật, gây ra sự việc tung tin đồn này.

Mặc dù cô Ngải không bị cảnh sát triệu tập cảnh cáo như 8 vị bác sĩ kia, nhưng buổi nói chuyện lần này đã khiến cô tuyệt vọng. Nó là một cú đánh mạnh đối với cô: "Tôi cảm thấy trái tim mình tan vỡ. Sau đó mọi người lại tới hỏi tôi nhưng tôi không thể trả lời được".

Bác sĩ Ngải Phân nhớ lại nếu lúc đó cô không bị khiển trách và nếu trong nội bộ bệnh viện thông tin cho nhau, "Nếu mọi người đều cảnh giác từ ngày 1/1, thì sẽ không có nhiều bi kịch như thế này xảy ra".

Sau đó, cô Ngải yêu cầu các y bác sĩ trong khoa cô sớm đeo khẩu trang N95. Kể từ đó, số bệnh nhân sốt mà bệnh viện cô tiếp nhận tăng vọt như "núi lửa phun trào". Các phòng ban của bệnh viện đều có người bị nhiễm.

Bác sĩ Lý Văn Lượng nhiễm dịch qua đời vào ngày 7/2, nhiều người dân đã đến bệnh viện dâng hoa tưởng niệm anh (STR / AFP via Getty Images)
Bác sĩ Lý Văn Lượng nhiễm dịch qua đời vào ngày 7/2, nhiều người dân đã đến bệnh viện dâng hoa tưởng niệm anh (STR / AFP via Getty Images)

Các bác sĩ từng người một ngã xuống, và tình trạng của bệnh nhân thậm chí còn tồi tệ hơn. Các nơi trong bệnh viện đều quá tải và về cơ bản không nhận thêm bệnh nhân nào nữa. Bệnh nhân xếp hàng hàng giờ và các y bác sĩ không thể nghỉ ngơi.

Bất lực trước số bệnh nhân ngày càng đông, bán kính khu vực lây nhiễm ngày càng lớn. Nhiều người bị lây nhiễm từ người trong gia đình. Trong số 7 bệnh nhân đầu tiên, có một người mẹ mang đồ ăn cho con trai mà bị nhiễm bệnh. Ông chủ phòng khám lây nhiễm từ bệnh nhân tới tiêm. Tất cả đều rất nguy kịch.

Một hôm, một người phụ nữ bị sốt xếp hàng ở cửa phòng khám 5 tiếng, cô đã bị ngã gục xuống... Bác sĩ Ngải nói: "Còn có nhiều người đưa người nhà tới phòng chăm sóc cũng là lần gặp mặt cuối cùng, không bao giờ gặp lại họ được nữa”.

Che giấu dịch bệnh, các y bác sĩ của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đã phải trả giá rất đắt. Cô Ngải Phân kể rằng chỉ riêng khoa cấp cứu có hơn 40 người bị nhiễm bệnh.

Có ba nữ bác sĩ cả gia đình bị nhiễm; hai bác sĩ có bố mẹ chồng và chồng bị nhiễm; một nữ bác sĩ có bố mẹ, chị gái, chồng và bản thân cô, cả 5 người bị nhiễm. "Mọi người đều nghĩ rằng virus được phát hiện sớm như thế, nhưng hóa ra nó lại như vậy, gây ra tổn thất rất lớn, cái giá thật thê thảm”.

Nhiều người chết đến như vậy, cái giá phải trả quá cao, có phải đến lúc làm rõ trách nhiệm thuộc về ai không?

Sáng ngày 21/2, Ngải Phân có cuộc nói chuyện với lãnh đạo, nhưng cô không dám hỏi. Không ai nói bất kỳ lời xin lỗi nào với cô.

Trong cuộc phỏng vấn, cô Ngải đã nhắc đến từ "hối tiếc" nhiều lần. Cô hối hận vì sau khi bị lãnh đạo gọi nói chuyện, cô đã không tiếp tục lên tiếng cảnh báo, đặc biệt là đối với những đồng nghiệp đã qua đời. "Nếu biết sớm có ngày hôm nay, mặc kệ phê bình hay không, tôi sẽ nói ra khắp nơi".

Mặc dù bị đàn áp vì tiết lộ trước về thông tin dịch bệnh, nhưng cô Ngải nói, "Cần có ai đó đứng lên và nói sự thật, phải có ai đó. Thế giới phải có những tiếng nói khác nhau, phải không?"

Trong cuộc phỏng vấn, cô Ngải mô tả những khoảnh khắc không bao giờ có thể quên: một ông cụ nhìn trân trân vào giấy chứng tử cậu con trai 32 tuổi mà bác sĩ đưa cho; hay một ông bố quá yếu không thể ra khỏi ô tô đỗ bên ngoài bệnh viện, khi cô ra tới xe thì ông đã qua đời.

Một lần, khi cô sắp xếp chuyển mẹ vợ một thanh niên vào phòng chăm sóc, người thanh niên đã cảm ơn cô. Nhưng bà mẹ vợ của cậu đã chết trước khi được chuyển tới. “Tôi biết để nói lời ‘cảm ơn’ chỉ là vài giây nhưng lời nói đó trĩu nặng trong tâm tôi. Khoảng thời gian để nói hai từ đó, có thể đủ để cứu một mạng người?”, cô chia sẻ.

Đây là bài báo thứ hai về “Bác sĩ Vũ Hán” của Tạp chí People số ra tháng 3, xuất bản vào ngày Chủ tịch Tập Cận Bình đi thị sát tại Vũ Hán. Sau khi bài báo xuất hiện, Ban Tuyên giáo của chính quyền Trung Quốc lập tức nhanh chóng xóa hết trên mạng.

Ngày càng nhiều chi tiết tiết lộ rằng lãnh đạo Bệnh viện Vũ Hán che giấu sự bùng phát dịch bệnh do nghe theo chỉ thị của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Vũ Hán, do nhận lệnh từ Ủy ban thành phố Vũ Hán và Tỉnh ủy Hồ Bắc.

Theo Caixin.com, ngay cả sau khi Ủy ban Y tế Trung Quốc lần đầu biết về tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, đã yêu cầu không được công khai tình hình dịch bệnh ra bên ngoài. Tại sao Ủy ban Y tế Trung Quốc lại làm như vậy? Rõ ràng là chờ quyết định của người tối cao đứng đầu Trung Nam Hải, không nghi ngờ gì chính là ông Tập Cận Bình.

Minh Thanh
Theo NTDTV

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Tường thuật đau thương của bác sĩ Vũ Hán: Tận mắt chứng kiến từng đồng nghiệp ngã xuống