Tự sát hay bị giết? Vụ thảm sát ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, tại Phủ Điền, Phúc Kiến đã xảy ra một vụ án mạng khiến 5 người thương vong. Nghi phạm gây ra vụ án sau nhiều lần khiếu nại lên chính quyền vì tranh chấp xây nhà nhưng không có kết quả. Theo chính quyền Trung Quốc thông báo ngày 18/10, nghi phạm chống cự và tự sát sau một tuần chạy trốn. Điều đáng nói là, dù gây ra án mạng, nhưng nghi phạm được hầu hết người dân đại lục đồng cảm. Vài ngày trước, CNN cũng đưa tin về vụ việc này.

Sở Cảnh sát thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến thông báo hôm 18/10 rằng, vào chiều ngày 10/10, tại thôn Thượng Lâm, thị trấn Bình Hải, huyện Tú Tự, thành phố Phủ Điền đã xảy ra một vụ cố ý giết người. Vào lúc 3 giờ chiều ngày 18/10, dưới sự vây bắt của lực lượng cảnh sát vũ trang, nghi phạm Âu Kim Trung (Ou Jin Zhong) đã chống trả, sau đó tự sát vì sợ hãi trong một hang động gần thôn Thượng Lâm.

Cảnh sát cho biết, ông Âu Kim Trung (55 tuổi), đã tấn công hàng xóm bằng dao sau một cuộc tranh chấp đất đai, khiến một người đàn ông 78 tuổi và con dâu của ông ta tử vong tại chỗ, ngoài ra vợ, con trai (34 tuổi) và cháu (9 tuổi) của nạn nhân cũng bị thương. Hiện vụ án vẫn đang được điều tra.

Vụ án này đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người ở Trung Quốc đại lục, các kênh truyền thông nước ngoài cũng đưa tin về vụ việc.

Theo kênh truyền thông Mỹ CNN, ông Âu đã bỏ trốn hơn một tuần sau khi gây án. Mặc dù phạm tội giết người, nhưng ông lại nhận được sự đồng cảm rất lớn từ người dân Trung Quốc, thậm chí dư luận còn bày tỏ bất bình trên các trang mạng xã hội khi chính quyền thị trấn Bình Hải phát đi thông báo khen thưởng cho việc truy bắt ông Âu. Nội dung cho thấy, phát hiện manh mối của ông Âu sẽ được thưởng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70,7 triệu VNĐ), tìm được thi thể ông Âu được thưởng 50.000 nhân dân tệ (khoảng 176,7 triệu VNĐ).

Người dân đại lục cáo buộc động thái này của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tương đương với “giết người theo hợp đồng”, thậm chí nhiều người còn thẳng thắn hy vọng rằng ông Âu sẽ không bao giờ bị bắt.

CCN chỉ ra rằng thủ phạm gây án Âu Kim Trung và nạn nhân vốn là hàng xóm của nhau. Hơn 5 năm trước, khu vực của họ cần quy hoạch lại. Địa phương này có một quy định rằng, việc quy hoạch cần có sự đồng ý của hàng xóm. Ban đầu, cả hai bên đều đồng ý, nhưng ngay sau khi ngôi nhà cũ của ông Âu vừa dỡ bỏ, người hàng xóm liền trở mặt không thừa nhận, còn cấu kết với quan chức trong thôn ra lệnh cho ông Âu không được xây nhà trên mảnh đất cũ.

Gia đình 4 thế hệ của ông Âu buộc phải sống trong một ngôi nhà tồi tàn dựng tạm bợ. Sau khi xảy ra vụ án, một người dân địa phương tốt bụng đã chụp ảnh ngôi nhà của ông Âu và nhà người hàng xóm chia sẻ lên mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy, nhà của người hàng xóm khang trang, rộng rãi, còn nhà ông Âu chỉ là ngôi nhà rách nát lợp mái tôn.

Bức ảnh cho thấy, nhà của người hàng xóm khang trang, rộng rãi (sau), còn nhà ông u chỉ là ngôi nhà rách nát lợp mái tôn (trước).
Bức ảnh cho thấy, nhà của người hàng xóm khang trang, rộng rãi (sau), còn nhà ông Âu chỉ là ngôi nhà rách nát lợp mái tôn (trước).

Điều đáng nói là trong suốt 5 năm, ông Âu, người bị dồn đến bước đường cùng đã sử dụng tên thật để cầu cứu tất cả quan chức tại địa phương giúp đỡ, thậm chí tìm đến các kênh truyền thông nhà nước, nhưng đều không có kết quả.

Ông Âu từng nói trong thư cầu cứu rằng: “Bằng chứng của ngôi nhà mới xây đã được làm xong, có người không cho xây, máy xúc vừa bắt đầu làm việc thì đứng chặn đầu, ngày nào cũng kêu gào đòi đánh người". Ông còn nói rằng, "Nhiều lần cầu cứu cơ quan các cấp nhưng vô dụng", nguyên nhân là "cán bộ các cấp vì lợi ích cá nhân, tắc trách, bao che, nên đã gọi người đến đập phá, ngăn cản tôi xây nhà".

Đài Á Châu Tự Do (RFA) cũng tiết lộ rằng người hàng xóm của ông Âu có quan hệ thân thích với các quan chức trong thôn, do đó chính quyền địa phương hoàn toàn phớt lờ lời kêu gọi giúp đỡ của ông Âu.

Theo người dân địa phương, ông Âu Kim Trung là một người hiền lành, thật thà, còn người hàng xóm của ông là một “bạo chúa” trong thôn. Người hàng xóm này và bí thư địa phương đã cấu kết để chiếm đất của gia đình ông Âu. Sau khi ông Âu phản kháng, người hàng xóm này đã nghĩ ra cách trở mặt để chiếm lấy mảnh đất của nhà ông.

Vào ngày xảy ra vụ việc, ở thôn Thượng Lâm, thị trấn Bình Hải có bão, tấm tôn trên nóc nhà tạm trú của ông Âu bị thổi bay. Sau khi hết bão, ông và gia đình đi nhặt lại tấm tôn. Khi đi qua vườn rau của nhà hàng xóm trên, ông Âu vô tình giẫm dập luống rau họ vừa trồng. Người hàng xóm chạy ra chửi bới ông, kết quả hai bên xảy tranh chấp, cuối cùng dẫn đến vụ án mạng.

Có người dân trong thôn Thượng Lâm nói với Đài truyền hình NTDTV rằng: “Kỳ thực ông ấy (Âu Kim Trung) muốn cầu cứu thông qua con đường pháp luật, nhưng không có kết quả, không có cách nào, con người đều có những lúc suy sụp như vậy. Khắp nơi ở Trung Quốc đều có tình huống như vậy, nó đã bị phơi bày sau vụ án lớn này”.

Lật lại dữ liệu cho thấy, những vụ án tương tự như vậy thực sự rất phổ biến ở Trung Quốc.

Năm 2013, ông Giả Kính Long, người thôn Bắc Cao Doanh, thành phố Thạch Gia Trang, do ngôi nhà 3 tầng bị phá dỡ phi pháp, ông Giả đã nhiều lần khiếu nại nhưng không có kết quả, cuối cùng không chịu nổi, ông đã bắn chết chủ tịch uỷ ban thôn này và bị kết án tử hình.

Năm 2001, ông Hồ Văn Hải, một người dân sống ở thôn Đại Dục Khẩu, Sơn Tây, do nhận thầu mỏ than thất bại, ông Hồ khiếu nại nhiều lần nhưng quan chức chi bộ thôn tham nhũng nên không có kết quả. Sau đó, ông đã nổ súng bắn chết cán bộ thôn này cùng 13 người khác. Ông Hồ Văn Hải bị xử tử vào tháng 1/2002.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tự sát hay bị giết? Vụ thảm sát ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế