Truyền thông Mỹ: 4 di chứng hậu phong tỏa thành phố - Vũ Hán không thể trở lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vũ Hán mở thành sau 76 ngày dài phong tỏa, nhưng mùa xuân của tòa thành được mệnh danh là “Thành phố phượng hoàng Trung Quốc” này vẫn chưa đến. Truyền thông Mỹ cho rằng, việc phong tỏa cực đoan thành phố Vũ Hán đã để lại 4 di chứng lớn: sự khủng bố, sự kỳ thị, áp lực kinh tế và nỗi thương tâm vẫn đang bao trùm dân chúng.

Mở thành nhưng không mở cửa

Ngày 8/4, tiếng đồng hồ điểm 12h đêm, toàn thành phố Vũ Hán được gỡ bỏ lệnh phong tỏa, hàng trăm nghìn chiếc xe đổ ra đường cao tốc như nước lũ, nối đuôi dài trước các giao lộ, ra khỏi thành phố.

Một người phụ nữ họ Vương trả lời Reuters tại sân bay Thiên Hà (Vũ Hán), rằng: Từ ngày 21/1 cô đã không ra khỏi nhà, hiện tại muốn trở về nhà thăm bố mẹ. Cô nói: “Tôi muốn về thăm bố mẹ. Tôi nhớ họ, không muốn nói gì nữa, nói nữa tôi lại muốn khóc… Chính là không nghĩ tới bản thân lại có thể ở đây lâu tới như thế”.

Ảnh: Ngày đầu tiên dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã có 60.000 người rời khỏi Vũ Hán, nhưng hầu hết họ đều không phải là dân thường trú tại đây. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Tuy nhiên, được mệnh danh là “con đường lớn thông 9 tỉnh”, giao thông Vũ Hán tuy được khai thông nhưng các khu dân cư nơi đây vẫn đóng cửa nghiêm ngặt. Trong bài báo của CCTV liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán có trích lại lời một cô gái Hồ Bắc, rằng: “Phong tỏa cái khỉ gì, khu dân cư còn quản lý chặt hơn”.

VOA Chinese đưa tin: Ý nghĩa lớn nhất của việc Vũ Hán mở thành là ở việc người dân Vũ Hán sử dụng “mã xanh” và có nhiệt độ cơ thể bình thường để chứng minh sức khỏe, mới có thể ra khỏi thành phố, và những người này có thể trở về quê hương của mình. Ngày đầu gỡ bỏ phong tỏa đã có 60.000 người rời khỏi thành phố, hầu hết trong số họ không phải người thường trú tại bản địa.

Rất nhiều người dân Vũ Hán sau khi được hỏi, đều cho biết họ không cảm thấy việc mở cửa khiến thành phố có sức sống hơn. Đa số họ đều không thể nở nổi nụ cười.

Kinh tế tiêu điều

Ở góc nhìn của ông Dương (cư dân ở Vũ Hán), Vũ Hán trông vẫn rất tiêu điều. Ông cho biết: “Các ngành ăn uống, giải trí đều chưa khôi phục làm việc, cho dù có mở cửa thì sợ rằng nhiều người dân Vũ Hán vẫn không muốn đi làm, bởi vì ngay cả người bản địa tại Hồ Bắc còn sợ bị lây nhiễm virus, hiện tại vẫn không ra ngoài làm việc”.

Ông nói: “Ngày thứ hai sau khi gỡ phong tỏa, các con đường nội đô vẫn rất ít phương tiện đi lại, tàu điện ngầm chưa mở hoàn toàn”. Những người có điều kiện kinh tế mà ông Dương biết đều tiếc mạng sống, kiêng kỵ không ra khỏi cửa nhà, thậm chí còn không đi xuống tầng của tòa nhà nữa.

Kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp mở cửa trên phố đi bộ tại Vũ Hán chỉ có khoảng hơn 10 cửa hàng, bên trong hay bên ngoài các trung tâm thương mại đều nghe thấy tiếng hô “giảm tiền thuê 1 năm”. Ông Dương cho biết: “Trừ phi chính phủ thực hiện cân đối lại, nếu không yêu cầu của họ hẳn sẽ không đạt kết quả gì”.

Một ngày, vào buổi trưa, ông Dương tới trung tâm Hiếu Cảm gần nhà ăn cơm, bên trong nhà hàng của chuỗi thương hiệu “Sunny Sky” vô cùng ảm đạm, cả buổi trưa chỉ một bàn khách của ông Dương.

Bóng ma sợ hãi đối với virus viêm phổi Vũ Hán không biến mất

Trong cơn ác mộng mang tên dịch bệnh, chính phủ đưa ra “mã xanh” để quản lý người dân ra vào khu dân cư hay chung cư. Hành trình mỗi ngày đều bị chính phủ nắm trong lòng bàn tay rất rõ ràng. Điều này khiến cho người dân thành phố này hoàn toàn mất đi sự riêng tư, đó là di chứng to lớn nhất. Mà sự hy sinh này đổi lấy cơ chế quản lý tự chủ “mã xanh”, không hề có căn cứ từ bác sĩ, không bảo đảm được người đó là khỏe mạnh thật sự hay không, cũng không thể ngăn chặn nổi sự bùng phát dịch bệnh lần hai.

Ông Dương nói: “Tâm trạng dân Vũ Hán cứ treo lơ lửng, điều mọi người quan tâm nhất là dịch bệnh bao giờ kết thúc, vaccine bao giờ ra lò”.

Virus viêm phổi Vũ Hán là nỗi đau trong lòng mỗi người dân Vũ Hán, trừ phi vaccine phòng bệnh ra đời, nếu không, người Vũ Hán hiểu rõ cả thế giới đều đang nhìn họ với ánh mắt kỳ thị, trong tâm luôn đề phòng và nghĩ “không hiểu có bao nhiêu người là bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng đây”.

Mãi cho tới ngày 31/3, chính phủ Trung Quốc mới nhìn thẳng vào sự thật rằng có bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Nhưng “việc này có thể khiến Vũ Hán hay các thành phố khác suy sụp hay không?”. Chính phủ cũng không có cách nào đưa ra câu trả lời khẳng định cho vấn đề này.

Một nỗi đau khác trong lòng người dân Vũ Hán là “sự kỳ thị”: mọi người dường như đều nhìn họ với vẻ mặt khác thường. Cho tới tận hôm nay, khi Vũ Hán đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dù khắp nơi trên toàn Trung Quốc đều reo hò “hoan nghênh sự trở lại của Vũ Hán”, nhưng trên thực tế, sự kỳ thị đối với thành phố này vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Ông Dương cho biết: “Những địa phương bên ngoài đều có chính sách kỳ thị và hạn chế đối với người Vũ Hán, thậm chí với người Hồ Bắc, một cách bất thành văn”.

Ông Lâm, một người làm ăn tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, thẳng thắn bày tỏ: “Ngay cả nơi cách thành phố Nghĩa Ô 700km cũng nói rõ là không muốn nhận những nông dân đến từ Vũ Hán tới làm công”.

Ông cho biết: “Các nhà máy hiện tại bắt đầu nhận người làm, nếu trong 10 người có 2 người đến từ Vũ hán, nhà máy nhất định sẽ ưu tiên cân nhắc 8 người còn lại, bởi vì trong tâm mọi người vẫn còn sợ hãi”.

Vũ Hán có thể sẽ khó hồi phục

Nhà báo công dân Trương Triển (Zhang Zhan) đến từ Thượng Hải, tới Vũ Hán vào ngày 01/02, đến nay chưa hề ra khỏi thành phố. Cô mỗi ngày đều mạo hiểm tính mạng của mình để có được những bài báo thực tế do chính mình thu thập được.

Theo quan sát của cô, sau khi thành phố được gỡ phong tỏa 2 ngày, người Vũ Hán vẫn trong trạng thái “khó chịu, kìm nén”, khi đi ra ngoài tìm việc, hễ nghe tới “là dân Hồ Bắc” thì người ta đều từ chối thuê, đặc biệt là các tỉnh lân cận. Còn những người địa phương khác tới Vũ Hán làm việc, dù tiền lương ở đây cao hơn thì họ cũng sẽ tìm cơ hội bỏ việc.

Cô Trương cho biết, ngày đầu thành phố mở cửa, ngay cả những người phải đổi chuyến tại ga tàu Vũ Hán cũng nói với cô rằng: Nếu không có việc gì thì về sau họ tuyệt đối sẽ không tới Vũ Hán nữa.

Cô nói: “Thành phố này… không có nhiều khả năng sẽ có thể khôi phục được trạng thái như trước đây… Tương lai vị thế “đầu mối giao thông trọng yếu” sẽ giảm sút rất nhiều. Người Vũ Hán hiện đang rất khó khăn, không có không gian sinh sống, các ngành nghề như nhà hàng đều chỉ dám mở lén lút, bởi vì chính phủ vẫn đang cấm hoạt động, nếu vi phạm mà bị bắt thì sẽ phải nộp tiền phạt.

Về phương diện dịch bệnh, Trương Triển không cho rằng dịch bệnh tại Vũ Hán đã được khống chế tốt. Theo cô, bởi vì chính phủ vẫn không nắm vững được các ca bệnh không xuất hiện triệu chứng, trong một năm xác suất bùng phát đợt dịch lần thứ hai là rất cao, trừ phi xuất hiện miễn dịch cộng đồng, mới có thể từ từ ngăn chặn xu hướng lây nhiễm dịch bệnh.

Sau khi chính phủ Trung Quốc dùng các phương thức cưỡng chế để khống chế dịch viêm phổi Vũ Hán, cô Trương nói: “Tính mạng và sức sống của người Vũ Hán đều bị phá hủy… còn có cả nỗi sợ hãi”. Cô cho rằng cách quản chế của chính phủ còn đáng sợ hơn cả dịch bệnh.

Hoàng Hoa

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Mỹ: 4 di chứng hậu phong tỏa thành phố - Vũ Hán không thể trở lại