Truyền thông Đức: Phương Tây tuyệt đối không được sao chép cách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, dịch bệnh ở châu Âu lại nóng lên và một số người đã kêu gọi học theo mô hình phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, có kênh truyền thông Đức đã chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc đã không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích và thế giới phương Tây tuyệt đối không được sao chép.

Tờ báo kinh doanh Handelsblatt của Đức tuyên bố rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không từ thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu phòng dịch, và chúng không hề đáng để Đức phải bắt chước theo. "Dưới danh nghĩa phòng chống dịch bệnh, chính quyền Bắc Kinh đã vi phạm nhân quyền cơ bản của người dân nước này. Bất cứ ai chỉ hơi bị nghi ngờ nhiễm bệnh là sẽ ngay lập tức bị cách ly trong vài tuần".

"Trong một số trường hợp, người dân thậm chí còn không thể rời khỏi nhà ngay cả khi họ đang gặp nguy hiểm: nhà của họ bị khóa trái, và sự phản kháng là hoàn toàn vô nghĩa. Thậm chí những đứa trẻ bị nghi nhiễm bệnh cũng bị tách khỏi cha mẹ chúng và bị cách ly tại bệnh viện để quan sát trong nhiều ngày".

Bài báo chỉ ra rằng, "những người ca ngợi việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quên mất những cảnh tượng bi thảm ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Nhiều bi kịch đã xảy ra do áp dụng biện pháp phong tỏa".

“Lúc đó, nhân viên y tế không thể xoay sở kịp, xác chết chất thành đống ngay trong hành lang và bên cạnh các bệnh nhân. Còn có những người kêu cứu thảm thiết vì người nhà bị nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán đang chết dần chết mòn”.

"Sau đó, số lượng ca nhiễm bắt đầu giảm dần. Nhưng bất cứ khi nào dịch bệnh tái phát trở lại ở một nơi nào đó, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ lại công bố đó là các ‘ca nhiễm nhập khẩu’. Chính phủ sẽ lại kích động người dân thù hận những người có ngoại hình khác người Hoa, thậm chí có một số nhà hàng từng từ chối người da đen”.

Bài báo viết, "Điều duy nhất chúng ta nên khen ngợi là người dân Trung Quốc. Họ đã kiên nhẫn đeo khẩu trang và còn động viên lẫn nhau. Điều đáng học hỏi chính là sự kiên trì của người dân Trung Quốc, chứ không phải hành vi của chính quyền chuyên chế".

Hiện nay, các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp và Anh lại đang bắt đầu phong tỏa, cách ly để đối phó với đợt bùng phát đại dịch virus Corona Vũ Hán thứ hai. Và chiến dịch tuyên truyền ở nước ngoài của ĐCSTQ cũng lại đang tuyên truyền một cách trắng trợn cảnh tượng phục hồi của Vũ Hán - nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên.

Tuy nhiên, những người ở nước ngoài lại tỏ ra nghi ngờ về điều này. Ông chủ hiệu sách Độc Lập tên là Ai Huan (tên phiên âm) cho biết: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy những hình ảnh như vậy. Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn thể hiện hình ảnh một đất nước hạnh phúc và tự do, nhưng chúng tôi không nghĩ đây hoàn toàn là sự thật".

“Sự quản chế của Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng những tin tức bị bóp méo, phi dân chủ của nhà nước cảnh sát (thuật từ được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó dùng lực lượng cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán, kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân) khiến những hình ảnh này chẳng khác gì tuyên truyền chính trị đối với chúng tôi. ĐCSTQ không những dùng tuyên truyền ở nước ngoài để tự ca ngợi bản thân, mà còn muốn xóa bỏ những truy cứu của thế giới về việc nó che giấu thông tin dịch bệnh. Sau đó nó xuất khẩu thể chế chuyên chế của mình ra nước ngoài thông qua mô hình phòng chống dịch bệnh ‘thành công’ trong thời kỳ hậu dịch và dùng phương thức hỗ trợ có điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu", ông Ai Huan nói.

Trên thực tế, dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục không hề thuyên giảm mà chỉ là chính quyền đã kiểm soát chặt chẽ các tin tức về dịch bệnh. Trong những ngày gần đây, dịch đã tái phát ở Tân Cương, Thanh Đảo, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Giang Tây, Chiết Giang và các tỉnh thành khác. Trong số đó, huyện La Điền thuộc thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc đã bước vào tình trạng thời chiến hôm 12/11.

Một đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy vào ngày 14/11, một người đàn ông trung niên đột nhiên ngã xuống đất và co giật trong bãi đậu xe của một khu dân cư ở thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm, rất giống với các triệu chứng của một bệnh nhân bị nhiễm virus Viêm phổi Vũ Hán. Ngày 15/11, cảnh tượng tương tự cũng xuất hiện trên đường phố Trùng Khánh, và những người dân đứng xem không đeo khẩu trang.

Theo phân tích của Tiến sĩ Điền Viên (Tian Yuan), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ, những dấu hiệu này cho thấy, trên thực tế, virus không hề biến mất ở Trung Quốc đại lục. Và cũng giống như tình hình ở Châu Âu và Châu Mỹ, nó sẽ tiếp tục bùng phát.

Theo thông báo chính thức của ĐCSTQ, các trường hợp mới được xác chẩn gần đây đều được gọi là “ca nhiễm nhập khẩu từ nước ngoài”, ngoài ra cũng có nhiều địa phương tuyên bố rằng virus được phát hiện trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Ông Lam Thuật (Lan Shu), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống ở Hoa Kỳ, nói: "Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ luôn đẩy nguồn gốc của dịch bệnh ra nước ngoài. Một mặt là để che giấu những dối trá về dịch bệnh trong quá khứ của chính ĐCSTQ, mặt khác là để chuyển hướng sự chú ý, mục đích là khiến người dân Trung Quốc cảm thấy rằng Trung Quốc là nơi an toàn nhất. Họ không nhận thức được rằng mối nguy hiểm đang ở ngay trước mắt".

Tuy nhiên, đối mặt với dịch bệnh hung hiểm, các quan chức đã bất đắc dĩ phải đưa ra một số tuyên bố. Vào ngày 12/11, ông La Chiếu Huy (Luo Zhaohui), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, thừa nhận rằng số lượng ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng kể từ tháng Mười. Làn sóng bùng phát thứ hai là mối đe dọa rất nghiêm trọng và “mùa đông năm nay thực sự không dễ dàng”.

Đông Phương

Theo NTD Tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Đức: Phương Tây tuyệt đối không được sao chép cách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc