Truyền thông của ĐCSTQ quảng bá việc Iran trả đũa Mỹ sau vụ không kích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng hàng chục bài báo chỉ trích chính phủ Mỹ sau khi Washington DC tiến hành cuộc không kích tiêu diệt tướng Iran, Qassim Soleimani vào ngày 3/1.

Các bài viết nhấn mạnh tuyên bố của Iran sẽ trả thù Hoa Kỳ vì gây ra vụ tấn công, bằng việc trích dẫn hàng loạt thông tin từ các kênh truyền thông chính thức của chính quyền và các quan chức Iran, nhưng lại không đề cập tới ý kiến của chính quyền Mỹ.

Một số bài xã luận của truyền thông nhà nước Trung Quốc xoay vào chủ đề khuyến khích cuộc xung đột giữa Iran và Hoa Kỳ.

Trung Quốc là một trong những đồng minh quan trọng của Iran, là quốc gia mua dầu thô của Iran nhiều nhất trước khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu Iran năm ngoái.

Không một bài báo nào của truyền thông Trung Quốc đề cập tới việc Soleimani, khi đứng đầu lực lượng Quds, là kẻ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những người dân và binh lính Mỹ. Lực lượng Quds là một phần của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, được Hoa Kỳ liệt vào danh sách nhóm khủng bố vào năm 2019.

Phản ứng của Trung Quốc

Ngày 7/1, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã thúc giục Nhà Trắng “chấm dứt lạm dụng quân đội”, và yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp thị thực cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Mohammad Javad Zarif. Hoa Kỳ đã từ chối cấp visa cho ông này tới New York tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc.

Nhất quán với tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, ông Cảnh Sảng tuyên bố rằng Bắc Kinh là trung gian hòa giải ở Trung Đông.

Ngày 7/1, Nhật báo Nhân dân - tờ báo phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); Global Times - một tờ báo nhỏ thuộc Nhân dân Nhật báo; Tân Hoa Xã - kênh truyền thông nhà nước; Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - đài truyền hình nhà nước; và Phoenix Media - truyền thông thân Bắc Kinh, đều đăng cùng một bài viết.

Tiêu đề bài viết được Cơ quan Thông tấn bán chính thức của Iran - Fars dịch và tweet: “Iran cho biết họ đã chuẩn bị 13 biện pháp để trả thù Hoa Kỳ. Ngay cả kẻ yếu nhất cũng có thể mang tới cơn ác mộng lịch sử cho Hoa Kỳ”.

Fars đã xóa tweet này sau vài giờ, nhưng truyền thông Trung Quốc vẫn giữ bài viết của họ trên mạng.

Các kênh truyền thông trên đã đăng hàng chục bài báo trong vài ngày qua, tất cả đều chỉ trích Hoa Kỳ vì đã tiến hành cuộc không kích. Hầu hết trong các bài viết đều trích lời các quan chức Iran, như lời của tổng thống Iran, Hassan Rouhani. Không một bài báo nào trích tuyên bố của các quan chức Hoa Kỳ hoặc NATO, trong đó kêu gọi Iran “kiềm chế bạo lực và khiêu khích”.

Trong một bài viết vào ngày 5/1, Tân Hoa Xã cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đã gọi cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Zarif và nói với ông rằng việc Hoa Kỳ tiêu diệt Soleimani đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn ở Trung Đông.

Trong khi đó, Hu Xijin, tổng biên tập tờ Global Times, đã đăng trên Twitter nói rằng cuộc tấn công của Hoa Kỳ sẽ khuyến khích Triều Tiên giữ chặt vũ khí hạt nhân hơn: “Hoa Kỳ làm nhục Iran theo cách này đã gửi một thông điệp tới Triều Tiên: Nếu không phải vì vũ khí hạt nhân của bạn, chúng tôi sẽ tàn bạo hơn với bạn. Bây giờ, người Bắc Triều Tiên có lẽ đang nghĩ: Chúng ta có thể mất mọi thứ, nhưng không được để mất vũ khí hạt nhân”.

Trong một tweet khác, ông cho rằng một cuộc chiến toàn diện sắp xảy ra. “Có lẽ cuộc chiến thực sự không còn xa nữa. Bây giờ cho dù đó là Iran hay các lực lượng cố gắng giống như Iran, tấn công mục tiêu của Hoa Kỳ, sẽ kích hoạt Hoa Kỳ tấn công thậm chí còn dữ dội hơn. Các lực lượng ghét Mỹ hoặc ghét Iran đều nên dè chừng”.

Lợi ích của Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế và quân sự hàng đầu của Iran.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 54,5 tỷ USD hàng hóa của Iran trong năm 2018, tăng 24,7% so với năm 2017 (43,7 tỷ USD).

Và Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran bất chấp lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ đã kết thúc vào tháng 6 năm 2019.

Các quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Trump ước tính rằng 50 - 70% xuất khẩu dầu của Iran đang chảy sang Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã đầu tư đáng kể vào Iran trong vài thập kỷ qua. Hệ thống tàu điện ngầm của Tehran, phần lớn đường cao tốc của Iran và cơ sở hạ tầng khai thác khí đốt và dầu mỏ của Iran do các công ty Trung Quốc xây dựng. Năm 2018, tập đoàn CITIC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã thiết lập khoản tín dụng trị giá 10 tỷ USD cho Iran. Năm đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng hứa hẹn 15 tỷ USD cho Iran.

Ngày 8/1, sau khi Iran bắn hơn một chục tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, giá cổ phiếu của gần như tất cả 180 nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Trung Quốc đều tăng. Giá cổ phiếu của Lingyun, một công ty con của nhà sản xuất quân sự lớn nhất Trung Quốc - China North Industries Group Corporation, tăng hơn 10%.

Hiện tại lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Iran sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhưng niềm tin của nhà đầu tư cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đối với thương mại Iran - Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo hàng ngày, một phóng viên đã hỏi ông Cảnh Sảng liệu việc tăng giá cổ phiếu có phải do sự đóng góp của Trung Quốc vào “bảo vệ” cho khu vực Trung Đông. Ông đã từ chối trả lời câu hỏi.

Mục tiêu của Bắc Kinh

“Một số quan chức ĐCSTQ thực sự muốn Mỹ chiến tranh với Iran. Sau đó, ĐCSTQ sẽ có thêm 5 -10 năm để tăng cường sức mạnh mà không bị Mỹ để ý”, ông Vương Hữu Quần, nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ bình luận trong bài viết đăng trên Epoch Times ngày 7/1.

Nhưng ông dự đoán chính quyền Trung Quốc cuối cùng sẽ không muốn tham gia vào cuộc xung đột Mỹ - Iran.

“ĐCSTQ cần dầu thô từ Iran và Ả Rập - đất nước thù địch của Iran”, ông Vương nói. Ông giải thích rằng nếu Hoa Kỳ và Iran xảy ra xung đột, thì Iran sẽ không thể xuất khẩu dầu. Trong khi đó, Ả Rập sẽ khó chịu nếu ĐCSTQ ủng hộ Iran trong cuộc xung đột.

Ông Joseph Bosco, một nhà tư vấn an ninh quốc gia người Mỹ, trao đổi với Epoch Times rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng vấn đề Iran để chuyển sự chú ý của Washington khỏi sự đe dọa của ĐCSTQ với xã hội Hoa Kỳ. Nếu chính quyền Trung Quốc thúc đẩy thành công cuộc xung đột giữa hai nước, việc này cũng sẽ chia rẽ các nguồn lực của Mỹ dành để giải quyết các mối đe dọa từ Trung Quốc.

“Họ [Bắc Kinh và Tehran] đang bắt đầu hợp tác quân sự và cho thấy mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ, trong khu vực và các nơi khác trên thế giới”, ông Bosco nói.

Minh Thanh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông của ĐCSTQ quảng bá việc Iran trả đũa Mỹ sau vụ không kích