Truyền thông Anh phơi bày: Tập Cận Bình phát động thanh trừng nội bộ để nắm quyền suốt đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang phát động một cuộc thanh trừng lớn trong hệ thống chính trị và luật pháp. Truyền thông Anh đưa tin rằng ông Tập Cận Bình đã tăng cường nỗ lực thanh lọc các quan chức chính trị và pháp luật không trung thành của ĐCSTQ, mở đường cho ông khôi phục chức danh “Chủ tịch Đảng” của ĐCSTQ mà Mao Trạch Đông đã thiết lập và tiếp tục nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Tổng thư ký của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ, đã tuyên bố vào tháng trước rằng, sau khi làm theo cuộc vận động "Chỉnh phong Diên An" và thực hiện công tác thí điểm "chính đốn giáo dục" trong hệ thống chính trị và pháp luật quốc gia, thì cho đến nay đã có 21 quan chức tư pháp và cảnh sát chuyên xử lý các sự vụ pháp luật đã bị đưa ra điều tra. Trong đó có ông Cung Đạo An (Gong Daoan), Phó thị trưởng kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố Thượng Hải. Trước ông Cung Đạo An, đã có ông Tôn Lực Quân (Sun Lijun), cựu Bộ trưởng Bộ Công an và ông Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cựu Thị trưởng thành phố kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố Trùng Khánh, cũng đã lần lượt sa lưới vào tháng 4 và tháng 6.

Hôm 22/8, tờ Tuần báo Tin tức Trung Quốc (China Newsweek) của ĐCSTQ công bố một bài báo có tựa đề "Tham nhũng trong hệ thống chính trị và luật pháp của nhiều vùng đất trên khắp đất nước, một cơn bão chính đốn lớn hơn đang đến". Tiêu đề bài báo đã dẫn lời một quan chức thân cận với hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ nói: “Một cơn bão chính đốn lớn hơn đang đến".

Hôm 26/8, tờ Financial Times của Anh chỉ ra rằng, tinh thần của cuộc vận động “Chỉnh phong Diên An" do Mao Trạch Đông khởi xướng năm 1941 là cuộc thanh trừng lớn đầu tiên trong lịch sử của ĐCSTQ. Mao Trạch Đông đã mượn cuộc vận động này để thúc đẩy nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị và củng cố quyền kiểm soát, Mao đã chính thức được bổ nhiệm làm ‘Chủ tịch đảng’ năm 1945. Chức danh này đã không được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Bài báo dẫn lời nhà bình luận chính trị Ngô Cường (Wu Qiang) nói rằng, giai đoạn mới nhất trong việc đấu tranh chống tham nhũng của ông Tập những năm qua có thể giúp ông ta tập trung quyền lực trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm 2022. Động thái này sẽ đóng một vai trò tương tự như phong trào “Chỉnh phong Diên An" của Mao Trạch Đông năm đó. Điều này là để chuẩn bị cho việc thiết lập quyền lực toàn diện của ông Tập Cận Bình đối với đảng.

Ông Ngô Cường nói: "Chúng tôi không loại trừ khả năng là Điều lệ ĐCSTQ sẽ bị sửa đổi thêm, hoặc ông Tập Cận Bình sẽ được trao một chức danh mới để nhấn mạnh rằng địa vị của ông ta trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ cao hơn so với các nhà lãnh đạo khác".

Ông Tập Cận Bình đã là Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy, đồng thời là Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ thứ hai của ông với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ chính thức kết thúc vào cuối năm 2022, và nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của ông với tư cách là Chủ tịch nước sẽ kết thúc vào mùa xuân năm 2023.

Vào tháng 3/2019, ông Tập Cận Bình đã thông qua sửa đổi hiến pháp để bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và cho phép ông tiếp tục giữ nguyên chức.

Bài báo chỉ ra rằng, mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ ông Tập Cận Bình sẽ giữ lại những chức danh nào và rốt cuộc sẽ sử dụng quyền lực của mình như thế nào. Nhưng nếu Tập Cận Bình muốn duy trì quyền kiểm soát đảng, ông ta không nhất thiết phải nắm giữ tất cả các chức vụ hiện tại, một cách mà ông ta có thể áp dụng là noi gương Mao Trạch Đông trở thành Chủ tịch ĐCSTQ.

Bà Lý Linh (Li Ling), một học giả chính trị Trung Quốc tại Đại học Vienna, cũng cho biết: “Chức danh này sẽ cung cấp một cơ chế để kéo dài nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, bởi vì trước đây không có giới hạn nhiệm kỳ cho chủ tịch đảng”.

Vào cuối tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã quyết định tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 vào tháng 10 sắp tới. Cuộc họp chủ yếu sẽ nghiên cứu “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" từ năm 2021 đến năm 2025 và cái gọi là "Tầm nhìn 2035".

Hôm 6/8, biên tập viên thâm niên Katsuji Nakazawa của tờ Nikkei Asian Review đã viết một bài báo về sự kiện trên và chỉ ra rằng, điều này đã tiết lộ ý đồ muốn nắm quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho đến năm 2035. Khi đó ông ấy sẽ 82 tuổi, Mao Trạch Đông - người thống trị Trung Quốc cho đến chết cũng đã qua đời ở tuổi 82.

Bài báo chỉ ra rằng, kế hoạch siêu dài hạn năm 2035 là cốt lõi trong chính trị của ông Tập. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, liệu kế hoạch của ông ấy có thể được chấp nhận hay không, sau Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 vào tháng 10, câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng.

Hiện tại, ĐCSTQ đang gặp khó khăn cả trong và ngoài nước, virus Corona Vũ Hán lây lan từ Trung Quốc ra khắp thế giới đã gây ra các cuộc phản đối và yêu cầu truy cứu trách nhiệm của người dân cùng chính phủ các nước. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh cưỡng chế thi hành Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong cũng bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa ĐCSTQ và xã hội tự do phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã giảm xuống mức thấp nhất trong mấy thập kỷ qua. Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng loạt đóng cửa Lãnh sự quán của nhau, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều quan chức cấp cao khác liên tiếp phát biểu các "hịch văn thảo phạt" nhằm vào ĐCSTQ, và chính quyền Tổng thống Trump cũng trừng phạt ĐCSTQ một cách ráo riết. Quan hệ giữa chính quyền Bắc Kinh và các nước láng giềng tiếp tục xấu đi.

Còn ở trong nước, khi dịch bệnh vẫn chưa tiêu tan, thì lũ lụt ở miền nam cũng đã đẩy kinh tế và sinh kế của người dân vào tình thế khó khăn.

Nhiều chuyên gia về Trung Quốc tin rằng, chính quyền của Tập Cận Bình đã đẩy nhanh những thay đổi của Trung Quốc và ĐCSTQ có thể bị rớt đài bất cứ lúc nào dưới tình thế loạn trong giặc ngoài.

Đông Phương
Theo SOH

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Anh phơi bày: Tập Cận Bình phát động thanh trừng nội bộ để nắm quyền suốt đời