Trung Quốc yêu cầu Nga cấp điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời điểm nhiều nơi ở Trung Quốc thông báo cắt điện khiến người dân phẫn nộ, ông Hàn Tuấn (Han Jun), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Cát Lâm cho biết cần đẩy nhanh việc nhập khẩu than từ nước ngoài. Tuy nhiên, một số kênh truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng, những nước cung cấp than chủ yếu cho Trung Quốc hiện nay đang gặp một số vấn đề, e rằng rất khó làm dịu được "cơn khát than" của Trung Quốc vào thời điểm này.

Hôm 28/9, ông Hàn cho biết, cần đẩy nhanh việc nhập khẩu đạt chỉ tiêu, xúc tiến kế hoạch nhập khẩu than của Nga, Indonesia và Mông Cổ. Ủy ban Doanh nghiệp Điện lực Trung Quốc cũng kêu gọi các công ty cung cấp điện hãy "mở rộng các kênh thu mua than bằng mọi giá".

Vào ngày 29/9, công ty xuất khẩu điện lực của Nga Inter RAO xác nhận với Reuters rằng, họ đã nhận được yêu cầu từ Trung Quốc về việc tăng cường cung cấp điện, nhằm giảm thiểu tác động tình trạng thiếu điện đối với ngành công nghiệp phía đông bắc của nước này. Tuy nhiên, Nga không công bố các chi tiết liên quan khác.

Mặc dù chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng, cần đảm bảo nhu cầu sử dụng điện thiết yếu trong sinh hoạt cho người dân, nhưng theo Đài truyền hình BBC của Anh phân tích, Trung Quốc khó có thể tìm được nguồn nhập khẩu than mới vào thời điểm này. Ví dụ, đối với Nga, nước này đã tập trung chú ý đến các khách hàng Châu Âu; sản lượng than của Indonesia đã bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn nên rất khó giúp đỡ Trung Quốc ngay lập tức; Mông Cổ, quốc gia gần Trung Quốc nhất, cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu năng lực vận tải đường bộ.

Đối với các quốc gia khác có khả năng cung cấp than cho Trung Quốc, theo Market Watch đưa tin, Nam Phi tiếp tục đối mặt với các vấn đề giao thông đường sắt và cảng; Al Jazeera đưa tin, Colombia cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và gặp khó khăn trong việc vận chuyển.

Điều đáng nói ở đây là Australia, nhà cung cấp than truyền thống chủ yếu cho Trung Quốc đại lục, đã bị Bắc Kinh "phong sát" sau khi Úc yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch viêm phổi Vũ Hán đối với Trung Quốc.

Theo thông tin, than của Úc có chất lượng rất cao, ít tro, ít lưu huỳnh và nhiệt lượng cao. Kể từ khi Trung Quốc đưa lệnh cấm đã làm thiếu hụt khoảng 40 triệu tấn than chất lượng cao nhập khẩu từ Australia, hiện nước này nhập khẩu than chủ yếu từ Indonesia với tổng lượng than nhập khẩu đạt 141 triệu tấn vào năm 2020, chiếm 46,37%; từ tháng 1/2021 đến 5/2021, lượng nhập khẩu than của Trung Quốc từ Indonesia tiếp tục tăng lên 61,17%.

Theo thống kê của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia năm 2021, trữ lượng than của Indonesia xấp xỉ 38,84 tỷ tấn. Tuy nhiên, Indonesia hiện đang thắt chặt xuất khẩu than đá. Theo International Daily đưa tin, xuất khẩu than của Indonesia dự kiến ​​sẽ giảm trong 3 tháng tới, với mức chênh lệch khoảng 10 triệu tấn.

Theo SBS dẫn lời giám đốc nghiên cứu của công ty môi giới vận tải biển Banchero Costa & Co, dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc phải nới lỏng lệnh cấm than đối với Australia để giảm bớt áp lực lên giá than trong nước. Bởi vì giá điện của Trung Quốc là cố định, do đó các công ty năng lượng sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ khi giá than tăng lên. Giáo sư Lâm Bá Cường của Đại học Hạ Môn cũng chỉ ra rằng, chi phí vận chuyển than từ các mỏ than Trung Quốc đến các nhà máy ven biển bằng đường sắt cao hơn chi phí vận chuyển từ Australia.

Theo thống kê của China International Finance Securities, tính đến ngày 21/9, tổng lượng than dự trữ của các tập đoàn phát điện lớn của Trung Quốc là 11,31 triệu tấn, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong khoảng hai tuần.

Hải Đăng

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc yêu cầu Nga cấp điện