Trung Quốc xảy ra nhiều vụ tự tử, nghi có liên quan đến biện pháp phòng dịch ‘niêm phong từng hộ dân’ của chính quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2021, đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán lại bùng phát ở Trung Quốc, và để kiểm soát dịch bệnh, chính quyền các nơi đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như niêm phong hộ dân. Nhiều cư dân vì thiếu lương thực, thuốc men nên đã kêu cứu trên mạng. Thậm chí còn xảy ra các trường hợp cực đoan như lái xe đâm chết nhân viên phòng dịch, rút dao đâm người vì không được mua đồ... Cũng xuất hiện rất nhiều vụ tự tử, nghi ngờ có liên quan đến biện pháp phòng dịch này.

Lái xe đâm chết nhân viên phòng dịch rồi bỏ chạy

Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, vào sáng ngày 24/1, tại làng Bình Thị Nam, thị trấn Du Quan, quận Phủ Ninh, thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, có một người đàn ông đã từ chối hợp tác kiểm tra phòng dịch và xảy ra tranh cãi với nhân viên bên trong trạm kiểm soát.

Sau đó, người này đã lái xe đâm vào trạm kiểm soát, một nhân viên bên trong trạm bị hất văng xuống đất, tử vong tại chỗ, còn người đàn ông lái xe bỏ đi.

Đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy sau khi vụ việc xảy ra, người nhà ngồi khóc bên thi thể nạn nhân, còn cảnh sát địa phương đang khám nghiệm hiện trường vụ án.

Rút dao đâm người vì không được mua đồ

Vào ngày 24/1, một đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy một người đàn ông dùng dao tấn công một người mặc quần áo bảo hộ.

Phóng viên của The Epoch Times đã phỏng vấn anh Trần Thiên (bí danh), một công dân ở Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm. Anh này xác nhận: “Vào ngày 22/1, nhà của một thanh niên gần nhà bà ngoại tôi đã bị niêm phong trong đợt đầu tiên, có lẽ đã bị niêm phong hơn nửa tháng rồi nên trong nhà không còn đồ gì cả. Lúc đó (anh ta) trèo tường rồi chạy vào siêu thị mua đồ nhưng bị nhân viên bán hàng từ chối, trong lúc nôn nóng đã dùng dao đâm nhân viên thu ngân và bị bắt. Đây là sự việc xảy ra trước khi chính quyền Thông Hóa đưa ra phản hồi cụ thể về vấn đề nhu yếu phẩm".

Một lượng lớn cư dân ở Thông Hóa đã bị nhốt trong nhà, đối mặt với tình cảnh thiếu thực phẩm và thuốc men, cư dân mạng đã đổ xô lên Weibo để cầu cứu. Tin tức liên quan đã gây ra một sự náo động và chấn động trên Internet.

Đến ngày 24/1, bà Tưởng Hải Yến - Phó thị trưởng thành phố Thông Hóa đã công khai xin lỗi về việc phân phối đồ dùng gia đình bị chậm trễ và không đầy đủ. Vào tối ngày 24, chính quyền thông báo rằng mỗi lần sẽ cung ứng các “gói rau” cứu trợ dựa trên nhu cầu của mỗi hộ gia đình để họ đủ dùng trong 5 ngày và được giao cho các hộ gia đình với giá một nửa.

Tình hình hiện tại được cư dân mạng tiết lộ trên Weibo là: Thực phẩm được chia cho từng hộ gia đình ít tới mức đáng thương, nhưng lại đắt một cách bất ngờ. Dưới đây là hình ảnh số thực phẩm dùng trong một tuần được chia cho một hộ gia đình do cư dân mạng đăng, với giá 100 nhân dân tệ (gần 360 nghìn VNĐ).

Hình ảnh số thực phẩm dùng trong một tuần được chia cho một hộ gia đình do cư dân mạng đăng, với giá 100 nhân dân tệ (gần 360 nghìn VNĐ). (Ảnh trên Internet)
Hình ảnh số thực phẩm dùng trong một tuần được chia cho một hộ gia đình do cư dân mạng đăng, với giá 100 nhân dân tệ (gần 360 nghìn VNĐ). (Ảnh trên Internet)

Một cư dân mạng khác đã đăng tải số thực phẩm để ăn trong 5 ngày mà gia đình họ nhận được:

Anh Trần Thiên nói với các phóng viên: "Thực phẩm đúng là đang được chuyển giao dần, nhưng về số lượng thì vẫn còn cách xa so với thông báo của chính quyền Thông Hóa. Nhà chúng tôi đã nhận được vào nửa đêm qua, thật vất vả. Nhưng một số đồng nghiệp ở đơn vị của mẹ tôi vẫn chưa nhận được, một số nhận được thì chỉ có một cây cải thảo, một củ khoai tây và một củ hành lá". "Một đồng nghiệp ở đơn vị của mẹ tôi hình như là phải trực ban nên không thể về nhà. Hôm trước nhà chỉ còn hai gói mì tôm. Về cơ bản, họ đã hết thức ăn".

Thành phố Thông Hóa có hơn 300.000 người, lúc mới phong tỏa thành phố chỉ có 50 tình nguyện viên và hiện tại cũng chỉ có 800 tình nguyện viên. Sau khi nhiều người dân Thông Hóa kêu cứu trên mạng xã hội, các nhà chức trách bắt đầu hành động dưới áp lực của dư luận. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại thực hiện chính sách "yêu cầu tất cả nhân viên cơ sở phải giao hàng trong đêm và hoàn thành trước 6 giờ sáng".

Cư dân trong khu chung cư Lệ Cảnh Nhân Gia (Lijing Home) tiết lộ trong nhóm WeChat của các chủ căn hộ rằng, chỉ có 200 “gói rau” được phân phát trong khu chung cư 5.000 hộ gia đình.

Một phụ nữ ở Cát Lâm nhảy từ tầng 10 và tử vong tại chỗ

Một đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy vào ngày 25/1, một phụ nữ trung tuổi đã nhảy khỏi tầng 10 trong một khu chung cư ở thành phố Thông Hóa và nằm bất động cách cửa chính của tòa nhà không xa.

Trong video, một người đàn ông ngồi xổm xuống để kiểm tra tình trạng của người phụ nữ. Khi người phụ nữ này nhảy xuống, có thể bà ấy đã va vào viền xi măng phía trên cửa tòa nhà, làm lộ ra một khoảng trống. Người đàn ông quay video nói: "Nhảy xuống rồi, đây không phải là phá hỏng trên đó sao? Tầng 10, trời ơi, nhảy xuống từ tầng 10. Xong rồi, xong rồi. Không còn động mạch sao? Thôi xong rồi".

Ngoài ra, vào ngày 20/1, cũng có thông tin tại một khu chung cư ở quận Song Dương, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, có một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã nhảy từ tầng 5 xuống và tử vong tại chỗ.

Người đàn ông Hắc Long Giang treo cổ trên thanh xà ngang trước nhà

Vào ngày 21/1, cư dân mạng Trung Quốc lan truyền một video tự tử trên Internet cho thấy một người dân ở khu phố Bảo Đỉnh, thành phố Hải Luân thuộc Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang, đã treo cổ tự tử trên thanh xà ngang trước cửa nhà. Nhiệt độ ngoài trời hôm đó ở địa phương là khoảng âm 26°C. Ở cột bình luận phía dưới video, nhiều cư dân mạng cho biết, họ cũng thấy khó sống quá, sẽ có bao nhiêu người không sống nổi qua năm nay đây.

Phóng viên của The Epoch Times đã gọi điện đến đồn cảnh sát Hướng Dương nơi cảnh sát được điều động đến xử lý vụ tự tử trên, cảnh sát trực ban nói rằng quả thực có chuyện này, nhưng tình hình cụ thể phải đợi bên cảnh sát điều tra thông báo.

Một cư dân ở gần Bảo Định nói với phóng viên The Epoch Times rằng: "Tất cả chúng tôi đều bị nhốt ở nhà, và chúng tôi cũng không biết tình hình cụ thể".

Một cư dân mạng có tài khoản "成为更优秀的我" cho biết: "Có thể là do dịch bệnh đã khiến người này cạn kiệt tiền bạc. Hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ không xuất hiện trên bản tin như thế này".

Cư dân mạng "我的小名叫赶趟" cho biết: "Tất cả đều do dịch bệnh này gây ra, đi đến đường cùng rồi, giống như tôi. Giờ tôi cũng đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, tôi cũng muốn chết đi, nhưng tôi chết rồi thì con gái tôi phải làm sao?".

Cư dân mạng “呀噗噻哟” cho biết: "Chuyện này là sao vậy? Tính cả lần này là tôi chứng kiến ​​ba vụ tự tử rồi. Hohhot và Cát Lâm cũng có nhảy lầu tự tử. Lần này là treo cổ ở Hắc Long Giang. Áp lực cuộc sống quá lớn, quá mệt mỏi".

Người phụ nữ Hắc Long Giang nhảy lầu tự tử

Ngày 20/1, một đoạn video trên mạng cho thấy một người dân đã tự tử bằng cách nhảy khỏi tòa nhà ở khu chung cư Hồng Thuận Gia Viên, huyện Tuy Lăng, Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang.

Văn phòng thông tin chính quyền huyện Tuy Lăng đã ra một "tuyên bố giải thích tình hình" rằng, vào lúc 8h13 ngày 20/1, trung tâm chỉ huy Công an huyện Tuy Lăng nhận được báo động rằng một khu chung cư nào đó ở phường Đông Nam có người nhảy lầu.

"Tuyên bố" cho biết sau khi điều tra, người nhảy lầu họ Triệu, nữ, 48 tuổi, là một cư dân của khu chung cư nói trên, vì bà mắc chứng rối loạn tâm thần và sinh ra tâm lý bi quan chán đời nên gia đình vẫn luôn phải trông coi bà. Vào buổi sáng hôm đó, khi bà Triệu đang nấu ăn trong nhà bếp, bà đã nhảy từ ban công ở phía bắc của nhà mình trong khi người chăm sóc không chú ý và chết trên xe cứu thương 120 trên đường đến bệnh viện.

Trước đó vào ngày 19/1, Tuy Hóa bất ngờ tuyên bố tăng cường kiểm soát dịch bệnh và đưa ra "các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất". Thông báo nói rằng tất cả cư dân bị cấm rời khỏi nhà trong một tuần. Ngoại trừ một số siêu thị, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đều tạm thời đóng cửa trong một tuần. Ai không tuân theo sẽ bị trừng phạt rất nặng, tự ý ra khỏi nhà sẽ bị đưa đi cách ly tập trung và phải tự thanh toán chi phí. Nhân viên kiểm soát không trông coi kỹ lưỡng để người dân tự ý ra khỏi nhà cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời thưởng 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10,7 triệu VNĐ) cho người báo tin.

Theo số liệu do Cục Thống kê thành phố Tuy Hóa công bố vào năm 2020, Tuy Hóa có dân số thành thị là 1,337 triệu người, dân số nông thôn là 3,939 triệu người và dân số trên 60 tuổi là 978.000 người. Sau khi nhà cửa bị niêm phong và phương tiện giao thông bị kiểm soát, nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân trở thành vấn đề lớn nhất.

Trước đây, mỗi hộ gia đình được phép cử một người ra ngoài mua đồ dùng 3 ngày một lần và không đi quá hai giờ đồng hồ. Hiện giờ lại niêm phong cửa nhà đột ngột, nhiều người đăng tin trên mạng rằng họ không nhận được bất kỳ thông báo nào và cửa nhà đã bị niêm phong.

Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Tuy Hóa thông báo rằng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân sẽ do đội đảm bảo cuộc sống và đội cứu trợ khẩn cấp phụ trách giải quyết, bao gồm các tình nguyện viên và cán bộ của phường xã, thôn làng. Các nhóm này cũng đã thiết lập đường dây nóng để cung cấp dịch vụ kịp thời 24 giờ.

Phóng viên của The Epoch Times không thể thực hiện bất kỳ cuộc gọi nào đến đường dây nóng này. Nhiều cư dân địa phương không còn cách nào khác là yêu cầu trợ giúp trên mạng xã hội.

Đợt bùng phát dịch năm ngoái ở Trung Quốc cũng từng xảy ra các trường hợp tương tự

Trên thực tế, trong đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán năm ngoái, liên tục có báo cáo về người trẻ và người già tự tử vì đói, áp lực tài chính, sợ lây nhiễm và người thân qua đời vì dịch bệnh; hay xuất hiện các vụ huyết án vì bị phong tỏa.

Vào ngày 17/2 năm ngoái, một người đàn ông ở Bắc Kinh muốn vào một khu chung cư để thăm cha mẹ mình, nhưng bị nhân viên canh gác chặn lại. Trong cơn tức giận, người này đã lái xe tông thẳng vào lều của nhân viên khiến hai người bị thương. Người đàn ông đã bị cảnh sát tạm giữ hình sự.

Vào ngày 13/2 năm ngoái, một ngôi làng bị phong tỏa ở thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc đã xảy ra một vụ án mạng. Một người dân trong làng có chuyện gấp cần rời khỏi làng những bị chặn lại, sau đó người này đã chém chết Bí thư thôn.

Vào ngày 4/2 năm ngoái, một cư dân mạng đã đăng một đoạn video lên Twitter cho thấy, tại một điểm phòng chống và kiểm soát dịch ở tỉnh Quý Châu đã xảy ra vụ xung đột với người dân, cảnh sát đã bắn nhiều phát súng nhưng không dập tắt được đám đông giận dữ.

Vào ngày 1/2 năm ngoái, tại làng La Cương, thị trấn Hoàng Long, quận Tương Châu, thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, một người đàn ông lái xe tải định lái xe vượt qua bốn trạm kiểm soát trong làng, khi các cán bộ trong làng thuyết phục anh ta quay lại, hai bên xảy ra xô xát, anh ta lấy một thanh mã tấu trên xe ra uy hiếp và bị tạm giam 8 ngày.

Vào ngày 28/1 năm ngoái, một đoạn video trên Internet cho thấy ở làng Đại Sa, huyện Hà Phố, thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, đã gây ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa cảnh sát và người dân do chính quyền cưỡng chế phòng chống dịch bệnh. Hàng ngàn dân làng đã chặn cứng các con đường trong làng vào ban ngày và đụng độ với cảnh sát vào buổi tối.

Đông Phương



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc xảy ra nhiều vụ tự tử, nghi có liên quan đến biện pháp phòng dịch ‘niêm phong từng hộ dân’ của chính quyền