Trung Quốc tuyệt vọng giữ chân các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đang rời khỏi nước này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc ban hành một lệnh khẩn cấp yêu cầu “giữ chặt Nhật Bản và Hàn Quốc” vì lý do kinh tế lẫn đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo tài liệu nội bộ từ chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đang tê liệt, nhu cầu giảm và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch virus Corona Vũ Hán, các công ty nước ngoài đang rời bỏ Trung Quốc. Các công ty Hàn Quốc, công ty Nhật Bản, công ty Đài Loan và các công ty Mỹ như Microsoft, Google và Apple đều đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Epoch Times đã nhận được một bộ tài liệu nội bộ từ chính quyền thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, cho thấy, trong bối cảnh các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành một lệnh khẩn cấp để níu giữ các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc vì lý do kinh tế lẫn đường lối chính trị của chính quyền này.

Vào tháng 10/2019, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung đã đóng cửa nhà máy Huệ Châu (Huizhou) và ngừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Vào tháng 6/2020, Samsung thông báo rằng, việc sản xuất màn hình của họ sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việc Samsung rút khỏi Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Huệ Châu.

Theo một báo cáo ngày 10/8 của chính phủ Trung Quốc do Cục Thương mại Huệ Châu soạn thảo và gửi cho Cục Ngoại vụ địa phương, tính đến năm 2020, thương mại xuất nhập khẩu ở Huệ Châu giảm lần lượt 77,4% và 89,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới chức tuyên bố rằng, nền kinh tế của Huệ Châu "bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, phòng chống và kiểm soát đại dịch và việc Samsung Electronics rút lui khỏi Huệ Châu và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tác động".

Lệnh khẩn cấp

Một tài liệu về kế hoạch công việc do chính quyền thành phố Huệ Châu ban hành, chỉ ra rằng, thành phố đã nhận được một văn bản - được ghi chú là “khẩn cấp” - từ Văn phòng Đối ngoại của chính quyền tỉnh Quảng Đông, yêu cầu thành phố “giữ chặt Nhật Bản và Hàn Quốc”.

“Hãy sử dụng [ý tưởng] cùng nhau chống lại đại dịch như một cơ hội để thu hút các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc”, chính quyền tỉnh yêu cầu.

Để làm được điều đó, Văn phòng Thương mại Huệ Châu đã đề xuất một số biện pháp, chẳng hạn như “quảng bá Khu công nghiệp Trung Quốc - Hàn Quốc (Huệ Châu) tại Hội nghị trao đổi Trung Quốc (Quảng Đông) - Hàn Quốc và Hội nghị xúc tiến kinh tế Nhật Bản - Quảng Đông, diễn ra vào tháng Sáu. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng yêu cầu rằng, trong hội nghị, các quan chức sắp xếp để các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đến thăm Huệ Châu để tìm cơ hội thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Văn phòng Thương mại Huệ Châu đã tiết lộ các dự án hợp tác và trao đổi gần đây với 2 nước, bao gồm việc thành lập Văn phòng Đại diện Kinh tế và Thương mại Huệ Châu mới tại Hàn Quốc. Hoạt động này đã được liệt kê trong danh sách hoạt động vào cuối tháng Tám. Các dự án bao gồm thuyết phục các công ty và tổ chức của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đến thăm Huệ Châu, đồng thời thăm “các doanh nghiệp chủ chốt” ở các quốc gia đó và thực hiện “xúc tiến đầu tư”.

Nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc Li Linyi giải thích rằng, văn bản của chính quyền tỉnh Quảng Đông cho thấy chính quyền Trung Quốc đang tuyệt vọng khi cố ngăn chặn các công ty nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, cũng như cố gắng “bảo vệ chuỗi công nghiệp khu vực của Trung Quốc”.

Hy vọng mở rộng Sáng kiến Một ​​Vành đai và Một Con đường

Các tài liệu nội bộ của chính phủ Huệ Châu tiết lộ rằng, mệnh lệnh “giữ chặt Nhật Bản và Hàn Quốc” không chỉ là lý do kinh tế mà còn là một nhiệm vụ chính trị đối với “Sáng kiến ​​Một Vành đai và Một Con đường (BRI)” của ĐCSTQ.

Được Bắc Kinh triển khai vào năm 2013, đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đặc trưng của ĐCSTQ nhằm nâng cao ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng, BRI đặt các nước đang phát triển vào một “bẫy nợ” bằng cách cung cấp các khoản vay không bền vững, đồng thời khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các quốc gia này như gỗ, dầu thô và khoáng sản để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

Một tài liệu có tiêu đề “Tầm nhìn công việc” đề ngày 14/1 cho thấy, Văn phòng BRI tại Huệ Châu hy vọng sẽ mở rộng BRI sang các nước Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Thành phố này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương mở rộng sang các thị trường ở Đông Á, thực hiện nhiều chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc để xúc tiến và thu hút đầu tư, đồng thời lập kế hoạch xây dựng Khu công nghiệp Trung Quốc - Hàn Quốc (Huệ Châu).

Giới chức trách cũng hy vọng sẽ thúc đẩy BRI thông qua các mối quan hệ của các thành phố kết nghĩa. Một tài liệu từ Văn phòng Đối ngoại Huệ Châu cho thấy, thành phố này trước đây đã hình thành 5 “thành phố hữu nghị” gồm: Seongnam ở Hàn Quốc, Worcestershire ở Vương quốc Anh, Bắc Vancouver ở Canada, Milpitas ở Hoa Kỳ và Pyramid of St. Martin ở Mexico. Nhưng trong số 5 thành phố này, chỉ có Seongnam là còn “hoạt động” do “mối quan hệ đặc biệt”. Bốn mối quan hệ khác của thành phố “thỉnh thoảng vẫn liên lạc” hoặc đã “dừng lại”.

Trong 5 năm qua, Huệ Châu và Seongnam đã tương tác hàng năm, từ giao lưu của hoạt động trong giới trẻ và các chuyến thăm của chính phủ đến hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch và giáo dục, theo tài liệu.

Nhà bình luận Li cho biết, rõ ràng giới chức Trung Quốc đang hy vọng thu hút Hàn Quốc tham gia BRI bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với nước này.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh có 2 mục đích khi khai thác mối quan hệ với Hàn Quốc, đó là: khai thác các nguồn lực kinh tế và công nghệ để giảm bớt cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, và gây ảnh hưởng chính trị đối với Hàn Quốc để phù hợp với chương trình nghị sự của Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Ông Li nói rằng, việc chính phủ Hàn Quốc không có lập trường đối với sự lấn chiếm ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Hong Kong có thể là dấu hiệu cho thấy họ lo sợ sẽ làm mất lòng Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế.

Ông Li cũng tuyên bố rằng, các tài liệu nội bộ này chỉ ra rằng ĐCSTQ đang cố gắng giảm bớt tác động nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt kinh tế từ cộng đồng quốc tế bằng cách cố gắng hết sức để “giữ chân Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tuyệt vọng giữ chân các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đang rời khỏi nước này