9 công dân và 4 thực thể Anh bị Trung Quốc trừng phạt là ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bốn ngày sau khi các đồng minh của Vương quốc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đã thông báo vào hôm 26/3 rằng, họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 thực thể và 9 cá nhân của Anh, bao gồm 6 chính trị gia cấp cao, 2 luật sư cấp cao, 1 học giả, v.v., và còn triệu tập Đại sứ Anh tại Trung Quốc để đưa ra "kháng nghị nghiêm chỉnh". Sau đó, chính phủ và mọi tầng lớp xã hội Anh đã lên án mạnh mẽ hành vi này.

Đối tượng của lệnh trừng phạt gồm 6 chính trị gia cấp cao ở cả hai viện của Vương quốc Anh: cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, Chủ tịch Ủy ban Chuyên trách Ngoại giao của Hạ viện Anh Tom Tugendhat, nghị sĩ Tim Loughton của “Nhóm Hong Kong đa đảng phái trong Quốc hội” (All-Party Parliamentary Group Hong Kong); thành viên Đảng Bảo thủ Neil O'Brien, Thượng nghị sĩ David Alton, thành viên Đảng Bảo thủ Nusrat Ghani.

Ngoài ra còn bao gồm các đại luật sư xuất sắc của Anh, là Ngài (Sir) Geoffrey Nice QC, người chủ trì Tòa án Trung Quốc (China Tribunal) và ra phán quyết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phạm tội ác mổ cướp nội tạng sống, và các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là nguồn nội tạng chính; và Giám đốc Viện Nhân quyền thuộc Hiệp hội Luật sư Quốc tế Helena Kennedy. Cả ông Nice và bà Kennedy đều là Luật sư của Nữ hoàng Anh. Người cuối cùng trong danh sách trừng phạt này là học giả người Anh Joanne Nicola Smith Finley.

Bốn thực thể là Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (China Research Group) của các nhà lập pháp phái bảo thủ Anh, Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ (Conservative Party Human Rights Commission), Tòa án Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Tribunal) và Công ty Luật Essex Court Chambers.

Công ty Luật Essex Court Chambers đã viết trong ý kiến ​​pháp lý được ban hành vào tháng 2 rằng: “Các trường hợp rất đáng tin cậy cho thấy (ĐCSTQ) đã phạm tội ác chống lại loài người đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm nô lệ, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức triệt sản, ngược đãi; và phạm tội ác diệt chủng".

Hôm 22/3, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ đã hợp lực áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức và 1 thực thể ĐCSTQ vì xâm phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Đây là lần đầu tiên Vương quốc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức và thực thể của ĐCSTQ.

Cùng ngày, ĐCSTQ ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa lên Liên minh Châu Âu, bao gồm cả các thành viên của Nghị viện Châu Âu. Tờ Sky News của Anh phân tích rằng dường như ĐCSTQ bị bất ngờ trước động thái của Anh nên đã mất vài ngày để phản ứng.

Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố cực lực lên án các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc

Đáp lại các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ, chính phủ Anh đã lên án mạnh mẽ. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, “Trung Quốc đang cố gắng bịt miệng những người trong và ngoài nước lên tiếng phản đối cuộc bức hại nhân quyền, bao gồm các nghị sĩ và quý tộc Anh. Chúng tôi cực lực lên án việc này".

Trong "Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh về việc Trung Quốc quyết định trừng phạt 9 công dân Anh", ông Dominic Raab nói: "Rõ ràng là khi Vương quốc Anh và cộng đồng quốc tế cùng trừng phạt hành vi xâm phạm nhân quyền [của ĐCSTQ], thì chính phủ Trung Quốc lại trừng phạt những người lên tiếng phê phán”.

"Nếu Bắc Kinh muốn bác bỏ những chỉ trích về vi phạm nhân quyền (ở) Tân Cương và để mọi người tin, họ nên để Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và xác minh sự thật".

Thủ tướng Anh: Tôi kiên quyết ủng hộ những công dân Anh này

Thủ tướng Anh Borish Johnson đã viết trong một tweet rằng, ông kiên quyết ủng hộ những công dân Anh đã vạch trần những hành vi tàn bạo của ĐCSTQ. "Các thành viên Quốc hội và các công dân Anh khác bị Trung Quốc trừng phạt ngày hôm nay đóng một vai trò quan trọng trong việc vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ”.

"Tự do lên tiếng phản đối ngược đãi là điều cơ bản và tôi kiên quyết ủng hộ họ".

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ: Đây là một huy hiệu danh dự được trao cho tôi

Ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, mô tả động thái trừng phạt này như một "huy hiệu danh dự" được trao cho ông.

Ông viết trên Twitter: "Chúng tôi có trách nhiệm lên tiếng chống lại chính quyền Trung Quốc vì họ đã xâm phạm nhân quyền ở Hong Kong và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Những người được hưởng cuộc sống tự do dưới chế độ pháp quyền phải lên tiếng vì những người không thể lên tiếng".

Một nghị sĩ Đảng Bảo thủ khác bị trừng phạt là bà Nusrat Ghani nói trên Twitter rằng, bà sẽ không bị "đe dọa hoặc buộc phải im lặng". Bà Ghani nói với BBC: "Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả các nền dân chủ và các nghị sĩ".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

9 công dân và 4 thực thể Anh bị Trung Quốc trừng phạt là ai?