Trung Quốc thiết quân luật tại Đường hầm Trịnh Châu - Nghi vấn đấu đá nội bộ và xóa dấu vết hiện trường?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù lũ lụt đã rút khỏi thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) nhưng cuộc điều tra về số người chết thực sự trong thảm hoạ vẫn chưa kết thúc.

Nhiều tình tiết xảy ra trong thảm hoạ ở tuyến tàu điện ngầm số 5 Trịnh Châu đã làm dấy lên nhiều nghi ngại.

Nghi vấn thảm hoạ do đấu đá nội bộ ĐCSTQ

Mặc dù mưa bắt đầu từ ngày 18/7 và có nhiều cảnh báo nguy hiểm đã được đưa ra nhưng các nhà chức trách của thành phố Trịnh Châu đã không đóng cửa các ga tàu điện ngầm.

Vào lúc 3h chiều ngày 20/7, trung tâm thành phố Trịnh Châu bị ngập nặng. Xe buýt, xe con không di chuyển được. Trịnh Châu có hệ thống giám sát người dân thuộc hạng nghiêm ngặt nhất thế giới, và chính quyền thành phố chắc chắn bao quát được hết thảm cảnh này.

Đến 5h chiều ngày 20/7, một trận mưa lớn 200mm đã đổ xuống thành phố, gần bằng ⅓ lượng mưa trung bình năm ở Trịnh Châu là 640mm nhưng hệ thống tàu điện ngầm vẫn hoạt động.

Đến 10h30 ngày 20/7, chính quyền Trịnh Châu xả lũ mà không hề thông báo cho người dân sơ tán.

Trong toàn bộ thời gian xảy ra sự việc, lãnh đạo thành phố Trịnh Châu cũng không hề có bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào như đóng cửa trường học và công sở.

Phân tích về những dữ liệu rất khác thường này, trang Gnews cho hay, với nhiều bằng chứng xuất hiện trên mạng và nhiều thông tin mật báo do những người tố giác ở tỉnh Hà Nam cung cấp, có thể số người chết lên tới hàng chục nghìn người.

Phải chăng trận lũ lụt lịch sử này là một thảm họa nhân tạo do cuộc đấu đá chính trị giữa “tập đoàn” quan chức địa phương với các lãnh đạo cấp cao của tỉnh do ông Tập Cận Bình bổ nhiệm, với mục đích muốn các đối thủ chính trị sẽ phải gánh chịu hậu quả khi số người chết gia tăng?

Trang Gnews cũng trích bài đăng của một cư dân mạng viết rằng: “Người bạn của tôi đang làm việc trong Công ty Bảo hiểm XXX Trịnh Châu nói rằng tổng cộng có 91 chuyến tàu điện ngầm đã bị ngập và công ty của họ đã phải trả 4 tỷ Nhân dân tệ cho sự mất mát… (Cuối cùng, chúng tôi cũng biết có bao nhiêu chuyến tàu điện ngầm đã bị ngập).”

Một bình luận khác cho hay: “Chính quyền Trịnh Châu thông báo 91 chuyến tàu điện ngầm bị mắc kẹt trong lũ. Mỗi đoàn tàu bao gồm 6 toa và mỗi toa có thể chứa 1870 hành khách. Do đó, 91 chuyến tàu có thể chứa 170.000 người. Vào thời điểm các đoàn tàu bị ngập nước, các toa tàu thường đầy ắp, thậm chí quá tải.

Ngay cả khi chúng ta giả định rằng tất cả các toa tàu có một nửa lượng khách, thì sẽ có 85.000 người bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm trong thời gian đó. Chính phủ có thể cho chúng tôi biết chính xác có bao nhiêu người bị chết đuối trong hệ thống tàu điện ngầm không?”

ĐCSTQ thiết quân luật tại hầm Trịnh Châu

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 23/7, người dẫn chương trình Hồ Linh của Phoenix TV tuyên bố trên Weibo, "Các phóng viên của chúng tôi đã chờ cả đêm để đưa tin ~ Đường hầm Kinh Quảng Trịnh Châu đang được thiết quân luật, và không được phép quay phim chụp ảnh ~ có cảnh sát, xe cứu thương và xe buýt…”

Sau khi đăng tải những dòng trên, cô đã bị rất nhiều “tiểu phấn hồng” tấn công và chửi rủa, nói rằng cô "ăn nói vô căn cứ". Một số cư dân mạng để ý thấy bài viết này đã bị xóa không lâu sau khi đăng tải.

Ngày 24/7, các quan chức địa phương cho biết, có tổng cộng 265 ô tô đã được kéo ra khỏi đường hầm, và chỉ phát hiện có 4 thi thể, số người tử vong "vẫn đang được xác minh".

Tới chiều 25/7, giới chức tỉnh Hà Nam cập nhật báo cáo cho hay, đợt mưa lớn tại thành phố Trịnh Châu đã khiến 63 người chết và 5 người mất tích.

Tuy nhiên, rất nhiều video liên quan đến hiện trường đường hầm Trịnh Châu được lan truyền trên mạng khiến dư luận nghi ngờ về các số liệu báo cáo của chính quyền tỉnh Hà Nam.

Ngày 23/7, tờ "Nhật báo Thanh niên Trung Quốc" đưa tin rằng, vào buổi sáng cùng ngày, các sĩ quan và binh sĩ thuộc Tập đoàn quân 83 của quân đội Trung Quốc đã đến Trịnh Châu và tiến về hướng đường hầm. Video trên mạng cho thấy có rất nhiều xe quân sự dàn hàng quanh đó.

ĐCSTQ tuyên bố điều quân đội đến Trịnh Châu để "dọn sạch bùn rác và đường phố". Sự thật có phải vậy không?

Vì sao chính quyền Trung Quốc phải thiết quân luật? Rốt cuộc có bao nhiêu người chết ở đường hầm Kinh Quảng Trịnh Châu?

Số người tử vong là ‘bí mật quốc gia'

Một cư dân mạng sống ở gần đường hầm Trịnh Châu cho biết: "Có hơn 100 người đã được trục vớt vào lúc 3 giờ sáng ngày 22/7, hiện trường đã bị phong tỏa vào chiều hôm đó, có vài chiếc xe to như xe buýt ra ra vào vào. Vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với tưởng tượng”.

Một đoạn video khác do cư dân sống tại khu chung cư cao tầng cạnh đường hầm ghi lại, cảnh những chiếc xe tải hạng nặng đã kéo ít nhất 6 chiếc xe buýt hai tầng ra khỏi đó. Điều kỳ lạ là, các cửa sổ trên những chiếc xe buýt này đều bị che bằng những tấm vải đen. Có người nghi ngờ rằng trong xe chứa đầy xác chết.

Ngoài ra, cũng có tin về một người lái xe kéo tham gia cứu hộ tiết lộ rằng, có hơn 6.300 thi thể đã được tìm thấy trong đường hầm Trịnh Châu, và đó vẫn chưa phải là tất cả. Sau đó thông tin cho biết người tài xế này đã bị cấm làm việc, và cảnh sát đã tịch thu điện thoại di động của anh ta.

Trịnh Châu ban hành mật lệnh, kiểm duyệt thông tin

Tờ China Digital Times, một tờ báo có trụ sở tại California về Trung Quốc đã nghi ngờ về việc ban quản lý của đường hầm Kinh Quảng Trịnh Châu đưa ra một thông báo có nội dung là:

“Chủ đề nhạy cảm đường hầm Kinh Quảng dễ thu hút sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế và khơi gợi những suy đoán của dư luận. [Do đó], đề nghị cơ quan quản lý khu vực cử nhân viên đến thăm hỏi từng hộ tiểu thương dọc theo tuyến phố, nhắc nhở họ cảnh giác cao độ và không tự ý tiếp nhận phỏng vấn của báo chí nước ngoài khi chưa được phép".

Thông báo còn đặc biệt nhắc nhở rằng, “Chú ý cách thức làm việc: không sử dụng WeChat để thông báo, cần đến từng hộ thông báo miệng".

Theo thông tin cập nhật từ trang Gnews, ông Miles Guo đã tiết lộ trong buổi phát sóng ngày 24/7 rằng, hiện đã có hơn 1.000 người bị bắt liên quan đến thảm họa lũ lụt. Bao gồm:

 

  • Những người chạy trốn khỏi đường hầm bị ngập lụt, đặc biệt là những người quay video ghi lại những gì đã xảy ra ở đó;

 

  • Những người có thông tin nội bộ về quyết định của chính phủ xả lũ khỏi các hồ chứa đầy nước TRƯỚC khi mưa bão đổ bộ Trịnh Châu;
  • Những người đã tham gia thi hành quyết định trên của chính phủ;
  • Những người đã thu thập hàng loạt thông tin và bằng chứng về trận lụt.

 

 

Có thể thấy đây là một thủ thuật cũ mà ĐCSTQ đã sử dụng trong nhiều năm mỗi khi thảm họa xảy ra.

Phải chăng, việc ĐCSTQ ban hành thiết quân luật, điều quân đội đến phong tỏa Trịnh Châu là để nhằm dọn dẹp hiện trường và tiêu hủy tất cả các bằng chứng?

Không chỉ kiểm duyệt gắt gao việc chia sẻ thông tin trong nước, chính quyền Trung Quốc còn cấm người dân trả lời phỏng vấn từ phóng viên nước ngoài.

Phóng viên từ các kênh truyền hình và báo chí nước ngoài như: CNN, BBC, ABC, Hãng truyền thông của Đức: Deutsche Welle… khi đến Hà Nam đưa tin về trận lũ lụt, đều bị những nhóm “người dân tự phát" ngăn cản. Điều này đã khiến các phóng viên báo chí nước ngoài vô cùng ngạc nhiên.

Không biết ĐCSTQ sẽ che giấu bao nhiêu người thiệt mạng trong trận lũ lụt ở Hà Nam, nhưng con số này sẽ tiếp tục nối dài lịch sử giết người và gian dối của họ, giống như vụ thảm sát sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Quân đội của ĐCSTQ đã giết chết hơn 10.000 người, nhưng lại nói rằng “không một ai chết”.

Hay cũng giống như ngành cấy ghép tạng đầy tai tiếng của nước này, mà theo ĐCSTQ cho biết thì nguồn tạng thu hoạch chủ yếu từ các tử tù. Liệu sự thật có phải vậy không?

Tháng 3/2020, Toà án quốc tế độc lập tại London đã tuyên bố ĐCSTQ phạm “Tội Ác Phản Nhân Loại", mổ cướp nội tạng sống với quy mô lớn trong nhiều năm qua. Trong đó, nội tạng học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn cung cấp tạng lớn nhất ở Trung Quốc.

Không ai có thể biết chính xác có bao nhiêu người tử vong tại đường hầm Trịnh Châu, và chỉ có ĐCSTQ là biết rõ nhất. Thảm họa này đã nối tiếp thêm một trong những bi kịch đương đại mà người dân Trung Quốc phải gánh chịu.

Minh Nguyệt

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thiết quân luật tại Đường hầm Trịnh Châu - Nghi vấn đấu đá nội bộ và xóa dấu vết hiện trường?