Trung Quốc: Nợ địa phương đến hồi vỡ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nợ địa phương của Trung Quốc lớn đến mức nào, rủi ro đến đâu luôn là bí ẩn trong bảng hạch toán ngân sách quốc gia. Nhưng dù che giấu thế nào thì các khoản nợ địa phương thực sự là khối bom nổ chậm trong hệ thống tài chính Trung Quốc, khi không thể che đậy thì vỡ nợ địa phương sẽ không kém gì tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc bây giờ...

Độc Sơn (Trung Quốc) đã đốt 40 tỷ nhân dân tệ như thế nào?

Một người đàn ông họ Lou, 42 tuổi, ông chủ của một công ty du lịch ở tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, không bao giờ nghĩ rằng quê nhà của mình sẽ trở nên nổi tiếng theo cách này.

Huyện Độc Sơn ,nghĩa là "ngọn núi đơn", đã trở thành tiêu đề trong tháng này sau khi một vlog có tiêu đề " Độc Sơn đã đốt 40 tỷ nhân dân tệ như thế nào?" lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Độc Sơn là một huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Bố Y và dân tộc Miêu Kiềm Nam, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc - một huyện nghèo ở miền núi xa xôi.

Được sản xuất bởi công ty Guan Video có trụ sở tại Thượng Hải, video dài 22 phút này cho thấy các cụm dự án còn dang dở - bao gồm các cung điện theo phong cách Tử Cấm Thành - mà người dẫn chương trình cho biết đã khiến chính quyền địa phương vướng vào khoản nợ khó trả lên tới 40 tỷ nhân dân tệ (5,72 tỷ USD).

Đối với nhiều người, thật khó để tưởng tượng làm thế nào một khu vực đồi núi hẻo lánh ở một trong những khu vực nghèo nhất của Trung Quốc lại có thể có được số tiền lớn như vậy - tương đương với chi phí chế tạo 40 vệ tinh cho hệ thống vệ tinh Bắc đẩu mới hoàn thành. Đoạn video đã mang đến một cuộc thảo luận trực tuyến về độ sâu của nợ Trung Quốc trong khu vực, điều vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong hệ thống báo cáo thống kê kinh tế mờ ảo của đất nước.

Các chuyên gia cho biết, việc vay mượn của chính quyền cấp dưới ở các quận, làng và thị trấn đặc biệt nguy hiểm, vì nó thường vượt quá thu nhập của những nơi này và có xu hướng khó theo dõi hơn.

Victor Shih, phó giáo sư tại Đại học California, San Diego, nói: "Nếu [các quan chức] vay ​​rất nhiều tiền, họ có thể xây dựng rất nhiều thứ mà sẽ để phản ánh sự tăng trưởng GDP của quận đó". Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ lại giúp các quan chức đảm bảo sự thăng tiến, ông Shih nói.

Ở Độc Sơn, một tòa nhà cao 99 mét và một tháp chuông kiểu cổ trên đỉnh đồi là một trong những dự án du lịch đầy tham vọng được lên kế hoạch dưới thời cựu bí thư huyện ủy Pan Zhili.

Nhưng việc xây dựng các điểm tham quan này đã bị đình chỉ đột ngột vào cuối năm 2018, chủ sở hữu công ty du lịch Lou nhớ lại. Pan đã bị cách chức ngay sau đó. Hóa ra chính quyền đã hết tiền để tiếp tục xây dựng và các nhà đầu tư tư nhân đã rút tiền.

Pan bị bắt vào năm 2019 và bị kết án 12 năm tù vì tội tham nhũng. Các dự án phát triển đã bị bỏ dở và bị truyền thông nhà nước phê phán là "những dự án phù phiếm".

"Chúng tôi biết rằng chính quyền đã vay tiền, nhưng chúng tôi không biết rằng họ đã vay rất nhiều", Lou, người sống ở Độc Sơn từ năm 2014 kể. Tất cả những gì Lou đã thấy là một loạt các đường cao tốc, trung tâm và điểm tham quan kể từ năm 2016. Nhiều nông dân hái chè đã tăng gấp đôi thu nhập của họ nhờ vào các cơ hội việc làm mới, ông nói.

Tổng số dư nợ của Độc Sơn lên tới 13,6 tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 6, huyện cho biết trên trang web chính thức của mình vào ngày 16/7. Phần còn lại của số tiền được huy động bởi những doanh nghiệp đi vay tham gia vào các dự án, bản báo cáo cho biết. Tổng sản phẩm quốc nội của Độc Sơn năm 2019 là 12,6 tỷ nhân dân tệ.

Một tờ báo được điều hành bởi cơ quan trung ương giám sát kỷ luật của đảng cộng sản tiết lộ năm ngoái rằng hầu hết các khoản vay được bảo đảm bởi chính quyền quận có lãi suất lên tới 10%, và tổng số nợ của nó đã lên tới 40 tỷ nhân dân tệ khi Pan bị sa thải.

Nợ địa phương tăng không kiểm soát do lỗ hổng thể chế, hư vinh của quan chức và sự bảo hộ của luật pháp "không giống ai"

Nợ địa phương Trung Quốc tăng không kiểm soát do cơ chế phân cấp nguồn thu thuế bất hợp lý giữa trung ương và địa phương trong khi các quan chức địa phương chịu áp lực thúc đẩy tăng trưởng GDP - tăng trưởng càng cao thì thăng tiến càng nhanh bất chấp hậu quả trong trung và dài hạn. Thêm vào đó, luật pháp "láu cá" quy định một số phương thức huy động nợ địa phương như trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt không tính vào nợ chính quyền, hoặc bản thân các chính quyền địa phương cũng lách luật khi huy động qua các công ty tài chính tự lập, như vậy các khoản nợ này cũng không chịu sự giám sát nào về minh bạch và an toàn tài chính công, do vậy càng khuyến khích nợ địa phương bùng phát dữ dội.

Hệ thống phân phối thuế của Trung Quốc góp phần vào vấn đề vay địa phương. Các thành phố chỉ giữ một phần nhỏ doanh thu thuế, trong khi phần lớn thuộc về chính quyền trung ương. Các quan chức địa phương thường thấy hỗ trợ tài chính chuyển về từ Bắc Kinh và các tỉnh lân cận không đủ để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Theo luật, phát hành trái phiếu thông qua chính quyền tỉnh là cách hợp pháp duy nhất để chính quyền địa phương gây quỹ. Song nhiều địa phương cấp thấp hơn vay thông qua các công ty tài chính do họ tự thành lập.

Một số tận dụng các mối quan hệ đối tác công tư bằng cách cung cấp bảo lãnh của chính phủ cho các khoản vay mà các nhà đầu tư tư nhân huy động. Chương trình này được giới thiệu vào năm 2014 để giảm bớt áp lực dịch vụ nợ đối với chính quyền địa phương. Song trên thực tế, nhiều chính quyền địa phương chỉ mời các nhà đầu tư giả để được chấp thuận cho vay.

Những khoản vay như vậy thường không xuất hiện ở bất cứ đâu trong ngân sách của chính phủ (không được hạch toán chính thức vào nợ chính quyền trung ương bởi luật pháp Trung Quốc quy định như vậy nhằm làm đẹp bảng cân đối thu chi và nợ quốc gia một cách giả tạo), Shih nói, làm tăng rủi ro trong hệ thống tài chính của quốc gia khi chúng cứ tiếp tục đảo lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nợ công địa phương ẩn ở mức 30,9 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2018. Đơn vị xếp hạng tín dụng quốc tế Trung Quốc Chengxin cho biết quy mô đã tăng lên 43 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2019. Ngoài ra còn có 21,3 nghìn tỷ nhân dân tệ nợ công trên ngân sách địa phương - chủ yếu là trái phiếu - vào cuối năm ngoái, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết.

Sự bùng phát của coronavirus đã khuếch đại nguy cơ vỡ nợ. Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 1,6% trong nửa đầu năm nay, mặc dù có sự cải thiện nhẹ trong quý hai. Hầu hết các chính quyền khu vực ghi nhận thu nhập ngân sách giảm do các hoạt động kinh doanh giảm và yêu cầu mở rộng về các khoản giảm phí và thuế.

Để ngăn chặn các khoản vay của địa phương, Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch bảo hiểm trái phiếu, điều này sẽ cho phép chuyển nhiều tiền hơn cho các chính quyền cấp thấp hơn. Trong năm tháng đầu năm 2020, khoản nợ 3,2 nghìn tỷ nhân dân tệ đã được phát hành, tăng 65,1% so với một năm trước.

Dòng vốn mới cũng có nghĩa là chính quyền địa phương có thể tiếp tục xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và du lịch theo kế hoạch.

Tăng trưởng chậm lại sẽ thúc đẩy tình trạng vỡ nợ của chính quyền địa phương

"Nếu Trung Quốc tiếp tục với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, có thể sẽ có cơ hội cho các rủi ro nợ được từ từ giải quyết", Wan Qian, một nhà kinh tế tại công ty tài chính quốc tế nói, "song nếu tăng trưởng chậm lại, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều sự vỡ nợ hơn xảy ra".

"Chính quyền địa phương rất lạc quan", Wan nói thêm. "Họ nghĩ rằng một khi cơ sở hạ tầng được xây dựng, khách du lịch sẽ đến".

Một kết cục cay đắng của các khoản vay che đậy là sự tích lũy của các khoản đầu tư hầu như không có cơ hội thu hồi vốn. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư nhỏ cũng bị mắc kẹt trong việc thanh toán hóa đơn.

Các nhà đầu tư đã mất hàng tỷ đô-la sau khi cảnh sát ở thành phố Hàng Châu phía đông Trung Quốc bắt giữ người sáng lập và hàng chục công nhân tại Tập đoàn JC, cáo buộc các hoạt động gây quỹ bất hợp pháp. Công ty đã mất khả năng thanh toán ít nhất 17 tỷ nhân dân tệ vào tháng 10/2018 sau khi huy động được 30 tỷ nhân dân tệ từ các nhà đầu tư công thông qua việc bán hàng trăm các sản phẩm quỹ và quản lý tài sản, truyền thông Trung Quốc Caixin đưa tin, dẫn lời cảnh sát điều tra.

Công ty này, với một công ty con được niêm yết tại Hong Kong, được biết đến với việc phát triển các dự án "thị trấn theo chủ đề" ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch vào năm 2017 để xây dựng 1.000 thị trấn với các tính năng độc đáo vào năm 2020 nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phố và vùng nông thôn.

Trước sự sụp đổ của Tập đoàn JC, công ty tuyên bố đã ký hợp đồng với chính quyền địa phương trị giá 580 tỷ nhân dân tệ để phát triển 59 thị trấn như vậy trên khắp Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review vào năm 2018, Kelvin Wong, giám đốc điều hành tại chi nhánh Hong Kong của Tập đoàn JC, đã thừa nhận rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ là rất quan trọng trong việc có được các nguồn lực cần thiết để xây dựng những thị trấn như vậy.

Alfred Wu Muluan, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore lập luận rằng nhiều dự án "không thể tránh khỏi" sẽ bị trì hoãn trong dài hạn. "Nhu cầu thực sự ở khu vực nông thôn đang giảm khi nhiều người dân di chuyển đến các thành phố", ông nói, và chỉ một số ít làng và huyện có khả năng thu hút khách du lịch.

Nhưng trớ trêu thay, ông Wu cho biết, ngay cả khi một số quan chức biết về kết quả có thể xảy ra, họ vẫn cứ đẩy mạnh các dự án, hy vọng sẽ được thăng chức trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Các khoản nợ cứ tăng lên và không ai muốn dừng lại", ông nói.

Shih, giáo sư từ Đại học California, San Diego, ước tính rằng hàng nghìn tỷ nhân dân tệ cho vay trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc tiếp tục được đảo nợ khi các chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán để ngăn chặn khủng hoảng.

"Cuối cùng, hệ thống này khiến Trung Quốc buộc phải mở rộng cung tiền. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chỉ tiếp tục in tiền", Shih nói. Nhưng những người dân thường sẽ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn và giá trị của đồng tiền thấp hơn.

Bất chấp việc báo chí đưa tin tiêu cực về tình hình Độc Sơn kể từ cuối năm ngoái, rất nhiều khách du lịch đang đến huyện này, trước sự ngạc nhiên của Lou. Ông thậm chí bắt đầu thấy ùn tắc giao thông tại một số điểm tham quan, điều mà ông chưa bao giờ trải qua trong sáu năm sống ở đó.

"Bây giờ nhiều dự án đã trở thành một cảm hứng qua internet, rất nhiều khách du lịch đã đến để xem lanwei lou [các tòa nhà được xây dựng một nửa] nổi tiếng", ông chủ công ty du lịch nói.

"Họ muốn check-in và chụp ảnh", Lou nói. "Có lẽ đó là một cơ hội. Có lẽ chúng ta có thể đổi thương hiệu cho các điểm tham quan và để chúng đóng vai trò là lời cảnh báo cho sự phát triển do nợ nần đang diễn ra ở khắp nơi tại Trung Quốc".

Tâm Minh

Theo Nikkei Asia Review



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Nợ địa phương đến hồi vỡ