Trung Quốc: Những người dân khiếu kiện bị bắt giữ và đánh đập khi Thủ tướng đi thị sát lũ lụt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số người dân khiếu kiện ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc đã bị bắt và hành hung khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm thành phố này để thị sát tình hình lũ lụt xảy ra gần đây.

Những người khiếu kiện sau đó đã khiếu nại lên chính quyền cấp cao hơn của khu vực và chính quyền ở Bắc Kinh với hy vọng họ sẽ được đối xử công bằng.

Lũ lụt ở Trùng Khánh do mưa lớn làm ngập sông Trường Giang và một số vùng quanh sông. Thành phố Trùng Khánh nằm ở phía đông nam của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thuộc khu vực hợp lưu của sông Trường Giang và sông Gia Lăng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Trùng Khánh vào ngày 20/8 để xem xét nỗ lực cứu trợ địa phương. Theo tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc, ông Lý đã đến thăm làng Song Bái (Shuangba), ở gần sông Phủ, một nhánh của sông Trường Giang.

Hơn 8.000 cư dân trong làng này đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, và phần lớn đất canh tác của địa phương bị ngập lụt. Ông Lý cũng đã nói chuyện với những người dân làng phải sơ tán, theo thông tin từ các kênh truyền thông nội địa.

Hai cư dân sống ở Trùng Khánh đòi công lý trước việc chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ nhà của họ, đã nói với The Epoch Times về việc các quan chức địa phương ngược đãi họ khi ông Lý đến thăm khu vực này.

Tang Yunshu cho biết cô đã bị khoảng 10 quan chức chính quyền địa phương bắt tại một nhà ga xe lửa ở Khu vực mới Lưỡng Giang (Liangjiang) ở Trùng Khánh vào ngày 20/8. Cô Tang cư trú tại huyện Phong Đô, Trùng Khánh. Cô cho biết một trong những quan chức thuộc cục an ninh địa phương và 1 người khác thuộc đồn cảnh sát địa phương.

Cô Tang kể rằng cô đã hét to để cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người khi cô bị kéo lê trên đường trong lúc một người dân gọi cảnh sát. Cô đã bị đưa đến đồn cảnh sát gần đó và bị giữ trong nhiều giờ, cho đến khi khoảng 10 quan chức từ cục an ninh Phong Đô đến và trả cô về huyện.

“Họ lôi tôi vào xe cảnh sát và họ [các quan chức từ huyện Phong Đô] đã đấm đá tôi”, cô Tang nói.

Cô Tang cho biết đã khiếu nại trong hơn 20 năm qua vì 3 ngôi nhà của cô đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ; cha mẹ và chồng của cô đã chết vì liên quan đến việc phá dỡ.

Sau khi được thả, cô Tang nhận ra rằng các quan chức đã bắt cô vì Thủ tướng Lý Khắc Cường đang đến thăm khu vực này.

Cô Tang nói: “Tôi thấy trên internet, nhiều người khiếu kiện địa phương đã bị quản thúc tại gia vì chuyến thăm của ông Lý".

Cũng vào ngày 20/8, một người dân khiếu kiện tên là Cai Bangying cho biết, các quan chức đường phố địa phương đã đưa cô đến một ngôi nhà, giam giữ bất hợp pháp và đánh đập cô. Cô kể, một quan chức nói với cô rằng nếu anh ta đánh cô đến chết, thì chính quyền địa phương sẽ che chắn cho anh ta nên sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.

Ngày hôm sau, cô Cai đã gọi cảnh sát. Sau đó, có thêm nhân viên cảnh sát xuất hiện tại ngôi nhà giam giữ cô nhưng không thả cô ra.

Đến cuối ngày 21/8, cô Cai mới được trả tự do tại một bến xe buýt địa phương. Cô đã tự gọi xe cấp cứu và được đưa đến bệnh viện địa phương để điều trị vì bị gãy chân.

Cô Cai đã gọi cho cảnh sát địa phương, yêu cầu họ thanh toán hóa đơn y tế của cô. Các nhân viên cảnh sát đã đến bệnh viện, nhưng chỉ nói chuyện với người đứng đầu bệnh viện rồi rời đi, chứ không thanh toán hóa đơn y tế của cô.

Cũng vào ngày 20/8, nhà hoạt động địa phương Zhao Anxiu cho biết, có khoảng 10 đến 20 nhân viên từ sở cảnh sát địa phương và cục an ninh đã xuất hiện tại nhà của cô ở quận Đại Độ Khẩu (Dadukou), Trùng Khánh, bắt giữ 4 người khiếu nại đang đến thăm cô vào thời điểm đó.

“Điện thoại di động của họ có thể đã bị theo dõi, vì vậy các nhân viên cảnh sát đã tìm đến nhà tôi và bắt giữ họ”, cô Zhao nói. Cô cho biết thêm rằng, một trong bốn người khiếu kiện đã bị đánh.

“Sau đó, tôi biết rằng là họ đã làm như vậy vì Thủ tướng Lý [đến thăm thành phố]. Thật là khủng khiếp”, cô Zhao nói.

Thành phố Trùng Khánh có khoảng 31 triệu dân. Chính quyền thành phố này đã nâng cảnh báo lũ lụt lên mức cao nhất vào ngày 18/8, khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán. Ít nhất 23.700 cửa hàng địa phương bị ngập lụt, 4.095 ngôi nhà bị hư hại và khoảng 8.636 ha đất nông nghiệp địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, theo trang web của chính quyền Trùng Khánh.

Cuối ngày 22/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Tân Hoa Xã đưa tin rằng nước lũ ở Trùng Khánh đang rút xuống và khí đốt tự nhiên đã được cung cấp cho một số hộ gia đình.

Hai người dân dân ở Trùng Khánh đã chia sẻ với The Epoch Times những gì họ chứng kiến.

Bà Yang cho biết mực nước sông Gia Lăng dâng lên nhanh chóng, làm ngập nhiều ngôi nhà gần đó, trong khi nhiều con đường dẫn đến thị trấn Ciqikou, ở bờ tây của sông, không thể tiếp cận được.

Một người dân khác, 39 tuổi tên là Huang, cho biết anh chưa bao giờ thấy lũ lụt xảy ra trên diện rộng như vậy ở Trùng Khánh. Anh cho rằng rất khó để biết được mức độ thiệt hại mà lũ lụt gây ra.

Anh Huang cho biết chính quyền địa phương đã cố gắng ngăn chặn bất kỳ "sự cố hàng loạt" nào, vì vậy các quan chức đường phố đã trực tiếp xử lý các nạn nhân lũ lụt. Chỉ những nạn nhân và người nhà của họ mới biết người dân đã được chính quyền hỗ trợ hoặc đền bù tài chính như thế nào vì lũ lụt.

Ở Trung Quốc, các “sự cố hàng loạt” thường đề cập đến các cuộc tụ tập có kế hoạch hoặc ngẫu nhiên của người dân phổ thông để bày tỏ sự không hài lòng với chính quyền. Các quan chức địa phương thường được giao nhiệm vụ dẹp bỏ những biểu hiện bất đồng chính kiến như vậy.

Anh Huang nói thêm rằng một số tài khoản mạng xã hội ở Trung Quốc của anh đã bị khóa sau khi anh đăng một số thông tin về tình hình lũ lụt.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Những người dân khiếu kiện bị bắt giữ và đánh đập khi Thủ tướng đi thị sát lũ lụt