Trung Quốc: Người dân gánh chịu lũ lụt nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo đất nước đều mất tích 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi hàng trăm triệu người dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lịch sử ở Trung Quốc, sự vắng mặt của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thu hút sự chú ý của người dân trong nước và giới phân tích Trung Quốc.

Người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng trong 21 ngày gần đây, và chỉ mới xuất hiện tại một hội thảo kinh tế diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 21/7.

Sau đó, ngày 22/7, ông Tập đến thăm Nhà tưởng niệm Chiến dịch Tứ Bình (Siping) tại tỉnh Cát Lâm ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc. Trong cuộc nội chiến Trung Quốc kéo dài 2 năm từ tháng 3/1946 đến tháng 3 /1948, Quốc dân đảng (QDĐ) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chiến đấu 4 trận chiến ác liệt ở Tứ Bình, khiến ít nhất 55.000 binh sĩ từ cả hai phía thiệt mạng. ĐCSTQ đã chiến thắng trận chiến đầu tiên và trận chiến cuối cùng.

Trong cả hai lần xuất hiện, ông Tập đều không đề cập gì đến trận lũ lụt nghiêm trọng đang xảy ra tại ít nhất 27 tỉnh thành và khu vực ở Trung Quốc do mưa lớn gây ra kể từ tháng Sáu. Người đứng đầu ĐCSTQ và các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ, chưa một lần nào tới thị sát các khu vực chịu thảm họa lũ lụt để chỉ đạo công tác cứu hộ giống như các lãnh đạo tiền nhiệm đã làm. Duy chỉ có Thủ tướng Lý Khắc Cường thực hiện một chuyến thăm ngắn ở một ngôi làng bị ngập lụt vào đầu tháng Bảy.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đã không xuất hiện nhiều trước công chúng trong suốt nửa đầu năm 2020.

Nhà bình luận các vấn đề chính trị Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Zhong Yuan cho biết, điều này là bất thường đối với ĐCSTQ. Ông đặt câu hỏi liệu có phải các quan chức cấp cao đã rời Bắc Kinh để tránh lây nhiễm virus Corona Vũ Hán.

Người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình

Vào chiều ngày 21/7, ông Tập Cận Bình đã tham gia một hội thảo của các doanh nghiệp tại Bắc Kinh, cùng với 2 thành viên ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Hàn Chính (Han Zheng), cũng như các quan chức chính phủ trung ương khác.

Các giám đốc điều hành của một số công ty lớn nhất của Trung Quốc tham dự hội thảo, bao gồm: Chen Zongnian - đảng viên ĐCSTQ và là chủ tịch của nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision, Ning Gaaming - đảng viên và là chủ tịch của tập đoàn dầu khí nhà nước Sinochem, Huang Li - chủ tịch của nhà sản xuất thiết bị hình ảnh nhiệt hồng ngoại, Jiang Bin - chủ tịch công ty linh kiện âm thanh Goertek, Hsiao-Wuen Hon - chủ tịch Tập đoàn R & D của Microsoft Châu Á-Thái Bình Dương, và Zhao Bingdi - chủ tịch của Panasonic Trung Quốc.

Tại hội thảo, ông Tập đã đề cập đến “giao dịch quyền - tiền” giữa các quan chức và công ty thuộc ĐCSTQ, cũng như hối lộ thương mại, mà theo truyền thông nhà nước đưa tin, ám chỉ rằng nạn tham nhũng là một vấn đề lớn ở nước này.

Ông Tập tuyên bố rằng nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng tốt, nhưng cũng mở ra cơ hội cho “buôn bán cá nhân”.

Đầu tháng Sáu, các thương nhân cá nhân là một khái niệm được thúc đẩy khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất thị trường bán hàng rong để giảm bớt gánh nặng khủng hoảng thất nghiệp.

Nhưng trước đó, ông Tập đã đưa ra những nhận xét mâu thuẫn với đề xuất của ông Lý, nói rằng Trung Quốc có số lượng lớn dân số ở tầng lớp trung lưu.

Trong hội thảo lần này, đây là lần đầu tiên ông Tập đưa ra bình luận tích cực về việc thúc đẩy buôn bán cá nhân (bán hàng rong). Một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng đến mức ông Tập buộc phải thay đổi hoàn toàn nhận định của mình.

Lũ lụt vây khốn dân làng, lãnh đạo nhà nước 'mất tích'

Ngoài chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường ở một ngôi làng thuộc thành phố Đồng Nhân (Tongren) thuộc tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 6/7 và 7/7, thì không có một quan chức hàng đầu nào khác đi thị sát ở các vùng thiên tai.

Quan chức cấp cao nhất được cử đến vùng thiên tai là Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc Ngạc Cánh Bình (E Jingping). Ngày 12/7, ông Ngạc đã đến thăm tỉnh Giang Tây.

Ông Vương Dũng (Wang Yong), người đứng đầu Cơ quan phòng chống lũ lụt và hạn hán Trung ương và là thành viên của Hội đồng Nhà nước, vẫn chưa đến thăm một khu vực bị ngập lụt nào.

Tỉnh Quý Châu đã bị lụt từ đầu tháng Sáu. Các đợt sạt lở bùn đất đã chôn vùi các ngôi làng ở Đồng Nhân và các thành phố khác kể từ tháng Sáu, nhưng các kênh truyền thông nhà nước hầu như không đưa tin tức gì về thảm họa lũ lụt này. Chính quyền Trung Quốc cũng chưa đánh giá thiệt hại chung và số người bị thiệt mạng trong trận lụt.

Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Ở vùng nông thôn của tỉnh, nhiều người sống trong những ngôi nhà làm từ bùn và rơm, do đó rất dễ bị hư hại do bão lũ.

Vào ngày 19/7, Cục Khí tượng Quý Châu đã cảnh báo người dân địa phương rằng sẽ có mưa lớn hơn tại tỉnh, với lượng mưa từ 152mm đến 177mm sau 48 tiếng.

Lũ lụt nặng nề cũng đã gây thiệt hại cho các vùng ở các tỉnh thuộc khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc, bao gồm: An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam.

Giới chức tuyên bố rằng ít nhất 43 triệu người đã bị ảnh hưởng, với gần 3 triệu người mất nhà cửa. Nhưng nhiều người dân nghi ngờ thiệt hại thực sự lớn hơn nhiều.

Dự báo mưa sẽ vẫn tiếp diễn ở các khu vực, trong khi nước ở 3 con sông lớn đã tràn qua đê và có thể làm vỡ đê bất cứ lúc nào.

Trốn tránh để bảo vệ bản thân?

Theo truyền thông nhà nước, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến qua video để thảo luận về thảm họa vào ngày 17/7 và đã gửi 2 chỉ đạo về lũ lụt cho các quan chức vào ngày 28/6 và ngày 12/7.

Ngày 22/7, ông Zhong Yuan đã bình luận rằng thật bất thường khi các nhà lãnh đạo chính quyền trung ương và các lãnh đạo tỉnh mất tích trong khoảng thời gian xảy ra thảm họa quy mô lớn như vậy. Bởi thông thường các nhà lãnh đạo ĐCSTQ sẽ xuất hiện ở tuyến đầu để tạo hình ảnh gần gũi với người dân.

Ông Zhong Yuan đã phân tích các chỉ đạo bằng văn bản của ông Tập gửi cho các quan chức, được công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước, và các phản ứng công khai của các quan chức ở các cấp. Ông kết luận rằng chính quyền địa phương đã không tuân theo các chỉ lệnh của ông Tập, cũng như không đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông Zhong nói: “Họ [các quan chức ĐCSTQ] không quan tâm đến cuộc sống và những mất mát của những người dân”.

Khi ông Tập và các lãnh đạo cấp cao khác ít xuất hiện từ tháng 1/2020, ông Zhong đã đặt câu hỏi rằng liệu có phải những quan chức này đang cố gắng tránh xuất hiện trước công chúng để bảo vệ bản thân khỏi việc nhiễm virus Corona Vũ Hán hay không, đặc biệt là khi Bắc Kinh gần đây đã trải qua một đợt bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán mới.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Người dân gánh chịu lũ lụt nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo đất nước đều mất tích