Trung Quốc: Người dân địa phương chen nhau lên vùng đất cao khi áp lực lên đập Tam Hiệp đang gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người dân cư trú ở các khu vực hạ lưu đập Tam Hiệp gần sông Trường Giang hiện đang tìm các vùng đất cao để làm nơi tránh lũ lụt vì một đợt nước lũ mới đang tràn về phía đập.

Nếu đập Tam Hiệp vỡ do lỗi về kết cấu, thì những người dân sống ở khu vực đập Tam Hiệp sẽ phải đối mặt với một thảm hoạ không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, ngay cả khi họ tránh được thảm họa đập vỡ, thì người dân vẫn lo sợ trước một thực tế là cần thiết phải xả nước từ đập để giảm áp lực cho đập.

Hôm thứ Ba (28/7) giới chức Trung Quốc đã cho xả nước để giảm tới 37% lượng nước lũ trong đập, theo kênh thông tấn Trung Quốc đưa tin. Truyền thông dẫn lời của “các chuyên gia” về đập Tam Hiệp đảm bảo rằng mực nước trong đập sẽ không tăng cao đến mức có thể gây nguy hiểm cho đập hoặc nhà máy thủy điện của đập.

“Do lũ lụt tiếp diễn và tàn phá nhiều vùng của Trung Quốc, các chuyên gia cho biết nhiều thành phố ở hạ lưu [sông Trường Giang] bị ngập lụt là do mưa lớn khiến hệ thống thoát nước không kịp xả nước chứ không phải do lũ từ sông”, CGTN News khẳng định.

Ngược lại, Asia Times ít lạc quan hơn khi đưa tin về tình hình của đập Tam Hiệp, cho biết: các nhà điều hành đập đang trải qua “thời chiến" sau khi trận lụt lớn thứ 3 xảy ra từ đầu mùa hè tới nay, đồng thời dự báo sẽ có thể có nhiều trận lũ hơn dự kiến ​​trước thời điểm tháng Tám khi các cơ mưa xối xả thường xảy ra.

Hôm thứ Hai (27/7), Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc đã họp khẩn cấp với Ban chỉ đạo đập Tam Hiệp, yêu cầu phải “hành động cân bằng chặt chẽ” để vừa bảo vệ các khu vực hạ lưu khỏi lũ lụt vừa không gây nguy hiểm cho đập. Ban chỉ đạo đập cho biết kế hoạch của họ là giữ nước lũ trong đập càng nhiều càng tốt để các thành phố ở khu vực hạ lưu có thời gian chuẩn bị ứng phó với lũ lụt”.

Trước nhận định rằng đập Tam Hiệp có thể vỡ, các quan chức Trung Quốc và Ban chỉ đạo Tam Hiệp trả lời rằng lũ lụt là nghiêm trọng nhưng “không phải là chưa từng thấy” và đập Tam Hiệp là “gần như bất khả xâm phạm”.

Để đáp lại việc truyền thông Đài Loan và Ấn Độ đưa tin rằng đập Tam Hiệp xả nước khẩn không báo trước khiến các thành phố ở khu vực hạ lưu bị ngập lụt đột ngột, Ban chỉ đạo đập Tam Hiệp nói: “Từ khi nào việc nước chảy qua đập để tạo ra thuỷ điện lại bị coi là dấu hiệu không ổn định của đập?”

Kênh thông tấn 9News của Úc cho biết, những người sống dọc theo sông Trường Giang đang di chuyển lên vùng đất cao hơn, đồng thời gấp rút thu hoạch các loại cây trồng nào có thể thu hoạch, và “chen nhau trèo lên các bờ đê vì đập nước lớn nhất thế giới đang đối mặt với áp lực bị ngập lụt".

Ban chỉ đạo đập Tam Hiệp ước tính đập này có thể chịu được lượng nước lớn đổ vào đập thêm 13 ngày nữa thì mới có thể bị tràn, theo 9News; kênh thông tấn này cũng nhấn mạnh rằng, việc nước lũ tràn khỏi đập có thể sẽ sớm xảy ra trước tình hình thời tiết của 2 tuần tới.

Ngày 28/7, Bộ Ứng phó Khẩn cấp của Trung Quốc ước tính rằng có khoảng 54,8 triệu người dân hiện bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, với 158 người bị thiệt mạng hoặc mất tích và 3,76 triệu người phải di dời khỏi nhà. Thiệt hại kinh tế từ trận lụt hiện đã vượt quá 20 tỷ đô-la Mỹ.

Cùng ngày, Forbes cho biết rằng có bằng chứng về một cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra ở Trung Quốc, do lũ lụt đã xóa sổ một số nông trại lớn, bao gồm các cánh đồng lúa mì và lúa gạo trọng yếu của Trung Quốc.

Việc giá cả các mặt hàng trong nước tăng cao và nhu cầu nhập khẩu thực phẩm cũng tăng cao cho thấy, sự tàn phá của lũ lụt cũng như côn trùng, kèm theo đó là việc dự trữ ngô không đủ đã khiến cho an ninh lương thực trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với Trung Quốc.

Nguyễn Minh
Theo Breitbart



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Người dân địa phương chen nhau lên vùng đất cao khi áp lực lên đập Tam Hiệp đang gia tăng