Trung Quốc muốn phát hành tiền điện tử để gia tăng kiểm soát công dân của họ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc đảo ngược lệnh cấm tiền điện tử đã ban hành 2 năm nay; không chỉ không cấm mà còn muốn thống trị công nghệ blockchain và phát hành tiền điện tử để tăng cường việc theo dõi chính công dân của họ...

Chủ tịch Tập chỉ đạo Trung Quốc cần nhanh chóng phát hành tiền kỹ thuật số

Vào ngày 24/10, Giáo sư Chen Chun của Đại học Chiết Giang đã thành công trong việc thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng “việc ứng dụng công nghệ blockchain đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới công nghệ và chuyển dịch công nghiệp”, theo báo cáo của truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã.

Ngày hôm sau, ông Tập nói với các thành viên trong Bộ Chính trị rằng Trung Quốc phải “tóm lấy cơ hội” để blockchain có thể “đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch công nghệ ở các lĩnh vực như kinh doanh tài chính, giao thông công cộng và xóa đói giảm nghèo”. Ông Tập chỉ đạo Trung Quốc cần nhanh chóng phát hành tiền kỹ thuật số để đánh bại đồng Libra của Facebook, nhằm mở ra một mặt trận cạnh tranh mới trong “Cuộc chiến công nghệ” đang leo thang với Hoa Kỳ, theo Enodo Economics.

Hai năm trước, Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm tiền điện tử (còn gọi là tiền ảo) nhằm ngăn chặn làn sóng đầu cơ rủi ro vào hình thức này ở mọi phương diện: phát hành tiền ảo, huy động vốn đầu cơ bằng tiền ảo, tích trữ tiền ảo, rửa tiền và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bằng tiền ảo. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đối mặt với việc dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường. Khi đó Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác đã trợ giúp dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục và Hồng Kông. Bởi vậy, việc cấm sản xuất, kinh doanh, huy động vốn và thanh toán bằng tiền ảo của Trung Quốc được các chuyên gia kinh tế xem như một biện pháp ngăn chặn sự tháo chạy của dòng vốn ngoại ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Theo thống kê của Thời báo Đại Kỷ Nguyên, dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc đã giảm từ 675 tỷ USD trong năm 2016 xuống còn 380 tỷ USD trong năm 2017, trước khi giảm xuống còn 22 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên dòng vốn tháo chạy đã tăng tốc lên 139,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019.

Trung Quốc muốn phát hành tiền điện tử để tăng cường giám sát công dân của mình?

Sự thay đổi của lãnh đạo chính quyền Trung Quốc về tiền điện tử được cho là do tác động của một loạt các bài trình bày của ông Chen Chun, giáo sư Đại học Chiết Giang và là Chủ tịch của Công ty Công nghệ Hàng Châu Qulian, hiện đang nắm giữ một nửa số cổ phần của một công ty giải pháp blockchain.

Ông Chun cố gắng thuyết phục chính quyền trung ương rằng Bitcoin và thuộc tính lớn nhất của các loại tiền kỹ thuật số khác là cung cấp quyền riêng tư và các đặc tính không thể phát hiện được, tương tự như "tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ". Mặc dù Bitcoin nổi tiếng là ẩn danh, nhưng mọi giao dịch đơn lẻ đều được liên kết vĩnh viễn với một địa chỉ "ví" cố định, cung cấp cho chính phủ một phương tiện gần như hoàn hảo để theo dõi hoạt động tài chính của cá nhân và doanh nghiệp.

Việc thay đổi chính sách này đã kích hoạt một đợt tăng trưởng mạnh giá các cổ phiếu công nghệ liên quan đến blockchain của Trung Quốc, đạt đỉnh điểm vào ngày 5/11, thời điểm ông Mike Novogratz - Giám đốc điều hành Galaxy Digital tại Hội nghị thượng đỉnh về viễn cảnh đầu tư toàn cầu 2020 của Reuters ở New York - tuyên bố rằng ông Tập "đã chứng thực tiền điện tử và blockchain".

Thị trường chứng khoán Trung Quốc điên cuồng hạ nhiệt vào ngày 6/11 sau khi tờ Nhân Dân nhật báo cảnh báo các nhà đầu tư không nên đầu cơ vào lĩnh vực blockchain. Công ty Công nghệ Hàng Châu Qulian vào cuối ngày hôm đó đã phát hành một báo cáo tài chính chỉ ra rằng khoản đầu tư vào tiền điện tử sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến "thu nhập ngắn hạn vì blockchain vẫn mới đang ở giai đoạn đầu".

Trung Quốc có thêm cơ hội thao túng tiền tệ nếu tiền điện tử thay thế tiền giấy?

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố về việc phát hành tiền điện tử dưới sự kiểm soát của chính quyền nước này, câu hỏi lớn từ chính phủ các nền kinh tế khác cũng như từ các chuyên gia kinh tế quốc tế là: việc tự phát hành một loại tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain có làm gia tăng cơ hội và năng lực thao túng tiền tệ của Trung Quốc nhằm đạt được nhiều hơn nữa lợi thế trong thương mại hay không?

Do mọi giao dịch đơn lẻ đều được liên kết vĩnh viễn với một địa chỉ "ví" cố định, nên việc tăng, giảm, điều tiết số lượng giao dịch ảo để làm gia tăng cầu về tiền điện tử do chính quyền phát hành là việc khá dễ dàng. Hoặc việc kiểm soát dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường nội địa chỉ bằng các biện pháp tạo lỗi kỹ thuật cũng có thể xảy ra.

Trong một diễn biến khác, Bitwise - một công ty quản lý tài sản, khi phân tích các dữ liệu giao dịch Bitcoin đã khẳng định trong một báo cáo rằng: 95% giao dịch Bitcoin giao ngay đều bị làm giả bởi các sàn giao dịch không kiểm duyệt. Matthew Hougan, đứng đầu mảng nghiên cứu toàn cầu tại Bitwise, cho biết: “Nhiều người đang theo dõi các loại tiền số và nói rằng thị trường này là một ‘mớ hỗn độn’, đó là vì những dữ liệu họ theo dõi đều là dữ liệu giả. Khi bạn ‘cách ly’ được bản thân với những con số vô nghĩa này, thì khi đó thị trường này mới hiệu quả và có thể mua bán”.

Không chỉ Bitwise, trong một nghiên cứu công bố gần đây, hai giáo sư tài chính là John Griffin và Amin Shams của ĐH Texas và ĐH bang Ohio đã phân tích hơn 200 gigabyte dữ liệu về lịch sử giao dịch Bitcoin và Tether để đưa ra kết luận: “Cú bùng nổ của đồng tiền số bitcoin năm 2017 cho thấy gần như toàn bộ đà tăng của bitcoin xuất phát từ ‘một người chơi lớn’, mặc dù danh tính của kẻ thao túng thị trường này vẫn chưa thể được xác định”. Tether, hay còn được biết đến với cái tên phổ biến hơn là USDT, là tài sản được mệnh danh là "stablecoin" (đồng tiền ổn định) vì được neo vào đồng USD.

Theo nghiên cứu này, gần như toàn bộ các tác động lên giá bitcoin đều xuất phát từ 1 người chơi lớn mà tài liệu đặt mệnh danh là 1LSg. Chưa thể xác định rõ ràng nhưng đó là 1 tài khoản lớn tại Bitfinex – một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. Thông qua Bitfinex, "cá voi" này đã có thể thao túng lực cầu về bitcoin thông qua "dòng chảy" tether, đẩy giá bitcoin lên gần 20.000 USD hồi cuối năm 2017.

Trước tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc về một loại tiền điện tử quốc gia, có lẽ thế giới cần thiết lập các quy tắc mới về lưu thông, quản lý và giám sát tiền điện tử loại này trên trường quốc tế nhằm ngăn ngừa rủi ro rơi vào sân chơi mà ở đó tiền đầu tư và giao dịch thương mại bị thao túng bởi một chính quyền ít trọng lời hứa nhất trong lịch sử hiện đại này.

Thanh Hương (biên dịch và tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc muốn phát hành tiền điện tử để gia tăng kiểm soát công dân của họ?